Bài giảng Thánh lễ Đêm Giáng sinh 2023 của Đức Thánh Cha
VATICAN NEWS – Lúc 19:30 giờ Roma, Đức Thánh Cha đã chủ sự Thánh lễ Đêm Giáng sinh tại Đền thờ thánh Phêrô với khoảng 6.500 tín hữu bên trong và khoảng 6.000 tín hữu bên ngoài quảng trường theo dõi qua màn hình lớn.
ĐIỀU TRA DÂN SỐ TRÊN TOÀN CÕI ĐẤT
Bài giảng của Đức Thánh Cha:
“Điều tra dân số trên toàn cõi đất” (Lc 2:1). Đây là bối cảnh Chúa Giêsu sinh ra và là bối cảnh mà Tin Mừng tập trung vào. Biến cố này có thể được cập đến một cách lướt qua, nhưng thay vào đó Tin Mừng thuật lại một cách cẩn thận. Và với trình thuật này, Tin Mừng đưa ra một sự tương phản lớn: trong khi hoàng đế kiểm kê dân số trên toàn cõi đất, thì Thiên Chúa bước vào đó một cách ẩn mình; trong khi những người nắm quyền cố gắng vươn lên vị thế những người vĩ đại của lịch sử, thì vị Vua của lịch sử lại chọn con đường nhỏ bé. Không ai trong số những người có quyền lực chú ý đến Người, ngoại trừ một số người chăn cừu, những người bị đẩy ra bên lề đời sống xã hội.
Nhưng cuộc điều tra dân số nói lên điều gì đó hơn nữa. Trong Kinh Thánh, việc điều tra dân số không để lại một dấu ấn đẹp. Vua Đavít, chiều theo sự cám dỗ của số đông và yêu sách không lành mạnh cho rằng mình tự đủ, đã phạm một tội lỗi nghiêm trọng khi tiến hành một cuộc điều tra dân số. Đavít muốn biết sức mạnh và sau khoảng chín tháng, vua đã có được số người có thể cầm được gươm (xem 2 Sm 24,1-9). Chúa đã phẫn nộ và bất hạnh đã ập đến với người dân. Tuy nhiên, vào đêm nay, “Con vua Đavít”, Chúa Giêsu, sau chín tháng trong lòng Đức Maria, đã hạ sinh tại Bêlem, thành phố của vua Đavít, và không trừng phạt cuộc điều tra dân số, nhưng khiêm nhường để mình được đếm. Một giữa rất nhiều. Chúng ta không thấy một Thiên Chúa giận dữ trừng phạt, nhưng là Thiên Chúa nhân hậu nhập thể, bước vào thế giới một cách yếu ớt, và trước đó là lời loan báo: “Bình an dưới thế cho loài người” (Lc 2,14). Và trái tim của chúng ta đêm nay hướng về Bêlem, nơi Hoàng Tử Hòa Bình vẫn bị khước từ bởi luận lý thắng thua của chiến tranh, với tiếng gầm vang của vũ khí mà ngay cả ngày nay cũng ngăn cản Người tìm một nơi trú ngụ trong thế giới (xem Lc 2,7).
Nói tóm lại, cuộc điều tra dân số trên toàn cõi đất một mặt thể hiện âm mưu quá con người xuyên suốt lịch sử: âm mưu của một thế giới tìm kiếm quyền lực và sức mạnh, danh tiếng và vinh quang, nơi mọi thứ đều được đo lường bằng những thành công và kết quả, bằng những chỉ số và con số. Đó là nỗi ám ảnh về hiệu suất. Nhưng đồng thời, trong cuộc điều tra dân số, con đường của Chúa Giêsu, Đấng đến tìm kiếm chúng ta qua việc nhập thể, trở nên nổi bật. Người không phải là vị thần biểu diễn mà là Thiên Chúa nhập thể. Người không lật đổ những bất công từ trên xuống bằng vũ lực, nhưng từ dưới lên bằng tình yêu thương; Người không bẻ gãy với sức mạnh vô hạn nhưng đi vào giới hạn của chúng ta; Người không tránh né sự mong manh của chúng ta nhưng chấp nhận những giới hạn đó.
Anh chị em thân mến, tối nay chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta tin vào Thiên Chúa nào? Vào Thiên Chúa nhập thể hay vào sự biểu diễn? Đúng, bởi vì chúng ta có nguy cơ mừng Lễ Giáng sinh với ý tưởng ngoại giáo về Thiên Chúa, như thể Người là một ông chủ quyền năng trên trời; một vị thần gắn với quyền lực, thành công trần thế và sự tôn thờ chủ nghĩa tiêu thụ. Hình ảnh giả dối về một vị thần xa cách và cảm tính, đối xử tốt với người tốt và nổi giận với người xấu; về một vị thần được tạo ra theo hình ảnh của chúng ta, chỉ hữu ích để giải quyết cho chúng ta các vấn đề và xóa bỏ nơi chúng ta những điều chẳng lành. Tuy nhiên, Người không sử dụng cây đũa thần, Người không phải là vị thần thương mại “tất cả và ngay lập tức”; Người không cứu chúng ta bằng cách nhấn nút, nhưng Người đến gần để thay đổi thực tế từ bên trong. Tuy nhiên, ý tưởng trần tục về một Thiên Chúa xa cách và kiểm soát, cứng rắn và quyền thế, giúp dân chiến thắng kẻ khác, thật đã ăn sâu nơi tâm thức chúng ta! Nhiều lần hình ảnh này bén rễ sâu trong chúng ta. Nhưng Người không phải như vậy: Người được sinh ra cho tất cả, trong cuộc điều tra dân số trên toàn cõi đất.
Do đó, chúng ta hãy nhìn lên “Thiên Chúa hằng sống và chân thật” (1 Ts 1,9): nhìn vào Người, Đấng vượt trên mọi tính toán của con người nhưng lại để cho mình được đếm vào số dân của chúng ta; nhìn vào Người, Đấng biến đổi lịch sử bằng cách sống trong đó; nhìn vào Người, Đấng tôn trọng chúng ta đến mức cho phép chúng ta khước từ Người; nhìn vào Người, Đấng xóa bỏ tội lỗi bằng cách chịu trách nhiệm về nó, Đấng không cất đi nỗi đau nhưng biến đổi nó, Đấng không cất đi những vấn đề khỏi cuộc sống của chúng ta, nhưng ban cho cuộc sống của chúng ta một niềm hy vọng lớn lao hơn những vấn đề. Người muốn ôm lấy sự hiện hữu của chúng ta, đến mức từ vô hạn, Người trở nên hữu hạn vì chúng ta; từ lớn lao, đã trở nên nhỏ bé; người công chính, đã chịu những bất công của chúng ta. Đây là điều kỳ diệu của Lễ Giáng Sinh: không phải sự pha trộn giữa những tình cảm kiểu cách và những tiện nghi trần thế, nhưng là sự dịu dàng chưa từng có của Thiên Chúa, Đấng cứu thế giới bằng cách nhập thể. Chúng ta nhìn Hài Nhi, chúng ta nhìn vào máng cỏ của Người, chúng ta nhìn vào hang đá Giáng Sinh, mà các thiên thần gọi là “dấu lạ” (Lc 2,12): thực ra đó là dấu chỉ mặc khải khuôn mặt của Thiên Chúa, Đấng đầy lòng trắc ẩn và thương xót, toàn năng chỉ và chỉ trong Tình Yêu. Người trở nên gần gũi, dịu dàng, thương cảm. Đây là cách của Thiên Chúa: gần gũi, dịu dàng và thương cảm.
Anh chị em thân mến, chúng ta hãy ngạc nhiên vì “Người đã trở nên xác phàm” (x. Ga 1,14). Xác thịt: một từ gợi nhớ sự mỏng manh của chúng ta và được Tin Mừng dùng để nói với chúng ta rằng Thiên Chúa đã đi sâu vào thân phận con người của chúng ta. Tại sao Người lại đi đến mức này? Bởi vì Người quan tâm đến mọi thứ của chúng ta, bởi vì Người yêu thương chúng ta đến mức coi chúng ta là quý giá hơn bất cứ thứ gì khác. Anh em, chị em, nhờ Thiên Chúa, Đấng đã thay đổi lịch sử trong cuộc điều tra dân số, anh em chị em không phải là một con số, nhưng là một gương mặt; tên của mỗi người được viết trong trái tim của Người.
Nhưng bạn, khi nhìn vào trái tim mình, nhìn vào những màn trình diễn vượt tầm với của mình, nhìn vào thế giới phán xét và không tha thứ, có lẽ bạn thấy mình đang sống tệ trong Giáng sinh này, nghĩ rằng mình sống không tốt, nuôi dưỡng cảm giác thiếu thốn và không hài lòng về sự mong manh của bạn, về những vấp ngã và những vấn đề của bạn. Nhưng hôm nay, xin hãy để quyền chủ động cho Chúa Giêsu, Đấng đã nói với bạn: “Vì con, Ta đã trở nên xác thịt, vì con, Ta đã trở nên giống như con”. Tại sao bạn vẫn ở trong nhà tù của nỗi buồn? Như những mục đồng đã rời xa đàn chiên của mình, bạn hãy rời khỏi vòng vây u sầu của mình và đón nhận sự dịu dàng của Thiên Chúa Hài Nhi. Không mặt nạ và không áo giáp, hãy trao mọi lo lắng của bạn cho Người và Người sẽ chăm sóc bạn (xem Tv 55,23): Người, Đấng đã trở nên xác thịt, không chờ đợi những màn trình diễn thành công của bạn, mà là trái tim rộng mở và tự tin của bạn. Và trong Người, bạn sẽ tái khám phá bạn là ai: là con yêu dấu của Chúa, con được Chúa yêu thương. Bây giờ bạn có thể tin điều đó, bởi vì đêm nay Chúa đã đến với ánh sáng để soi sáng cuộc đời bạn và đôi mắt Người chiếu sáng tình yêu dành cho bạn. Và chúng ta khó tin vào điều này, rằng đôi mắt của Thiên Chúa chiếu sáng tình yêu dành cho chúng ta.
Đúng vậy, Chúa Kitô không nhìn vào những con số mà nhìn vào những khuôn mặt. Tuy nhiên, ai nhìn đến Người, giữa vô số sự vật và cuộc đua điên rồ của một thế giới luôn bận rộn và thờ ơ? Tại Bêlem, trong khi nhiều người bị cuốn vào cuộc điều tra dân số sôi động, đến rồi đi, chật kín các nhà trọ, nói chuyện này chuyện nọ, nhưng một số người gần gũi với Chúa Giêsu: họ là Đức Maria và Thánh Giuse, những mục đồng, rồi đến các đạo sĩ. Hãy học hỏi từ họ. Họ nhìn chăm chú vào Chúa Giêsu, với tâm hồn hướng về Người, họ không nói nhưng họ thờ lạy.
Thờ lạy là cách đón nhận sự nhập thể. Bởi vì chính trong thinh lặng mà Chúa Giêsu, Lời của Chúa Cha, trở nên xác thịt trong đời sống chúng ta. Chúng ta cũng làm như ở Bêlem, cái tên nghĩa là “nhà bánh”: chúng ta đứng trước mặt Người, Bánh sự sống. Chúng ta hãy khám phá lại sự thờ lạy, bởi vì sự thờ lạy không phải là lãng phí thời gian mà là để Thiên Chúa đi vào thời gian của chúng ta. Đó là làm cho hạt giống nhập thể nảy nở trong chúng ta, đó là cộng tác vào công trình của Chúa, Đấng như men làm thay đổi thế giới. Đó là sự cầu thay, sửa chữa, để Thiên Chúa làm thẳng lại lịch sử. Một người kể chuyện vĩ đại về những hành động sử thi đã viết cho con trai mình: “Cha cho con điều tuyệt vời duy nhất để yêu mến trên trái đất: Bí tích Thánh Thể. Ở đó con sẽ tìm thấy sự quyến rũ, vinh quang, danh dự, lòng chung thủy và con đường đích thực của tất cả tình yêu của con trên trái đất” (J.R.R. TOLKIEN, Thư 43, tháng 3 năm 1941).
Anh chị em thân mến, đêm nay tình yêu thay đổi lịch sử. Lạy Chúa, xin làm cho chúng con tin vào sức mạnh tình yêu của Chúa, rất khác với sức mạnh của thế gian. Lạy Chúa, xin làm cho chúng con, giống như Mẹ Maria, Thánh Giuse, các mục đồng và các vị đạo sĩ, tụ họp quanh Ngài để tôn thờ Ngài. Được tạo dựng bởi Ngài và giống với Ngài hơn, chúng con sẽ có thể chứng minh cho thế giới thấy vẻ đẹp diện mạo của Ngài.
bài liên quan mới nhất
- Sứ điệp Giáng sinh năm 2024 và Phép lành toàn xá Urbi et Orbi của Đức Thánh Cha
-
Lễ Đêm Giáng Sinh 2024 - Niềm hy vọng -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 3 - Sự nhỏ bé -
Tổng thống Biden giảm án cho tử tù -
Thông điệp chia tay của Đức Hồng y Bo khi kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch FABC -
Ngày 24 Tháng 12 Kính nhớ Các Thánh Tổ Tiên của Chúa Giêsu Kitô -
Diễn văn của Đức Phanxicô cho Giáo triều Roma nhân dịp chúc mừng Giáng sinh 2024: Hãy nói tốt chứ đừng nói xấu -
Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ -
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô