Bài giảng lễ Thiếu nhi: Chúa Nhật Chúa Ba Ngôi - Năm C
CHÚA NHẬT
LỄ KÍNH THIÊN CHÚA BA NGÔI
Bài 01:
Ga 16,12-15
Lm. Giuse Đinh Tất Quý
Chúng con yêu quí,
Cha đố chúng con, hôm nay chúng ta mừng lễ gì nào?
- Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi.
- Chúng con rất giỏi. Nhưng ai dạy cho chúng ta biết về Thiên Chúa Ba Ngôi nào?
- Chúa Giêsu. Lại giỏi nữa. Thiếu nhi của cha rất giỏi.
- Nhưng một Chúa mà lại có Ba ngôi nghĩa là thế nào chúng con? Ai có thể nói cho cha biết không?
- ...Có Ngôi thứ nhất là Cha, Ngôi thứ hai là con và Ngôi thứ ba là Chúa Thánh Thần.
- Đúng rồi. Nhưng làm sao để có thể cắt nghĩa cho mọi người hiểu được một Thiên Chúa mà lại có Ba ngôi? Khó quá phải không chúng con? Cha thấy để hiểu được Thiên Chúa Ba Ngôi thì không nên dùng trí khôn để tìm hiểu nhưng nên dùng trí khôn để nhìn vào những công việc Thiên Chúa làm mà hiểu về Thiên Chúa thì hay hơn và dễ hiểu hơn.
Thế thì Thiên Chúa đã làm những gì để cho người ta nhìn vào mà biết được Thiên Chúa nào?
Cha đọc trong thư của Thánh Gioan cha thấy Ngài viết một câu rất hay. Ngài nói: “Thiên Chúa là Tình thương”. Tình thương của Thiên Chúa luôn được việc làm minh chứng. Bởi thế người ta mới nói:
1. Thiên Chúa Cha là Tình thương tạo dựng.
Tạo dựng là làm sao chúng con? - Là làm nên mọi sự ở trần gian này.
Cha kể cho chúng con câu chuyện: Một ông thông thái người Pháp nọ băng qua sa mạc. Ông dẫn theo vài người Arập làm người dẫn đường. Khi mặt trời lặn, một người trong bọn họ trải một tấm thảm xuống đất và cầu nguyện.
- Ngươi làm gì thế? Ông thông thái hỏi:
- Tôi cầu nguyện.
- Ngươi cầu nguyện ư? Ngươi cầu nguyện cùng ai?
- Thiên Chúa.
Ông thông thái mỉm cười.
- Ngươi đã bao giờ thấy Thiên Chúa chưa?
- Chưa!
- Vậy thì ngươi là một kẻ điên nếu tin vào một Thiên Chúa mà ngươi không bao giờ thấy, không bao giờ nghe và không bao giờ đụng chạm đến.
Người Árập không trả lời gì. Sáng sớm hôm sau, trước khi mặt trời mọc, nhà thông thái ra khỏi lều, đã nói lên nhận xét này với người dẫn đường cho ông:
- Đã có một con lạc đà đi qua đây!
Một tia sáng lóe lên trong mắt người Arập.
- Ngài thấy con lạc đà chứ?
- Không.
- Ngài không đụng đến nó chứ?
- Không.
- Vậy thì ngài điên khi tin là có một con lạc đà mà ngài không nghe, không thấy, không ngửi qua chỗ này.
- Ồ! -Ông thông thái đáp trả- nhưng người ta thấy rõ các dấu chân của nó trên cát.
Vào chính ngay lúc ấy, mặt trời mọc lên ở chân trời với tất cả các màu sắc rực rỡ của phương Đông. Bằng một cử chỉ gọn gàng, người Árập đưa tay chỉ vào tinh thể rực sáng, rồi nói:
- Ngài có thấy dấu vết của Đấng Tạo Hóa không? Vậy sao ngài không biết rằng có một Thiên Chúa.
Chúng ta hãy nghe lại một trong những lời Thánh Vịnh đẹp nhất:
“Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa
Không trung kể lại những việc tay Người làm”.
2. Chúa Con: Tình Thương Cứu Chuộc.
Sự cứu chuộc thật là kỳ diệu ngoài sức tưởng tưởng của loài người.
Trong một nhà thờ ở Tây Ban Nha, người ta tôn kính một cây Thánh giá cổ xưa mà cánh tay phải của Chúa đã tách rời khỏi đinh. Cây Thánh giá này có lịch sử như sau:
Ngày nọ, một tội nhân thuộc loại “gạo cội”. Gạo cội là làm sao chúng con? Nghĩa là tội ghê gớm lắm. Ông ta đến xưng thú tội mình dưới cây Thánh giá này với tất cả dấu hiệu của một sự thống hối chân thật. Cha giải tội do dự ban phép tha tội cho ông ta vì các tội của ông ta nhiều và nặng. Tội nhân cầu xin sự tha thứ.
- Tôi ban phép giải tội cho ông, vị linh mục nói. Tuy nhiên ông không được tái phạm nữa nhé!
- Tội nhân xin hứa và giữ một được một thời gian. Nhưng rồi, yếu đuối và sã ngã lại . Lòng thống hối thúc đẩy ông đến toà giải tội. Vị linh mục bảo ông:
- Lần này thì tôi không ban phép giải tội cho ông đâu!
- Con thống hối, tội nhân đáp lời vị linh mục, con rất chân thành khi đoan hứa với cha, nhưng con yếu đuối! Xin hãy tha thứ cho con!
Cha giải tôi tha thứ và nói thêm:
- Đây là lần cuối cùng đó nhé!
- Một thời gian khá lâu sau, một phần theo thói quen, một phần vì yếu đuối, ông lại rơi vào vòng tội lỗi.
- Bây giờ thì dứt khoát! Vị linh mục bảo ông luôn phạm lại trong cùng một tội lỗi, điều đó chứng tỏ ông không có sự thống hối chân thành.
- Thưa Cha, con rất chân thành thống hối. Con sa ngã vì con yếu đuối. Con thẳng thắn, chân thực, nhưng con bệnh hoạn.
- Không, không còn sự tha thứ cho ông nữa.
Vào chính lúc đó người ta nghe như có tiếng ai khóc. Rồi người ta nghe thấy tiếng động phát xuất từ cây Thánh giá: một cánh tay của Chúa rời khỏi đinh, giơ lên và vạch trên đầu tội nhân dấu hiệu sự tha thứ, đồng thời có một tiếng nói: “Ngươi, ngươi không đổ máu ngươi cho nó!”.
Vâng! Sự cứu chuộc thật là kỳ diệu, con ngoài chẳng làm sao mà hiểu nổi.
3. Chúa Thánh Thần: Tình Thương Thánh Hóa
Thánh Thần là Thần thánh hóa. Một trong những công việc đặc biệt nhất là ơn tha tội. Chúng con hãy nghe lời của Chúa Giêsu: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”(Ga 20,22-23). Đây là một ơn ban đặc biệt của Thánh Thần. Và ơn ban này chỉ trong Giáo Hội mới có.
Cha kể cho chúng con câu chuyện có thật này:
Linh mục Bernado thuộc hội Giáo hoàng Thừa sai người Ý truyền giáo tại Hongkong. Ngài kể lại rằng: Trong một ngày thứ Sáu Tuần Thánh, sau khi nói về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá và ơn tha thứ của Chúa, tôi giải thích về ý nghĩa của Bí tích Giải tội và kêu gọi mọi người xưng tội để cảm nhận được ơn tha thứ của Chúa. Sau nghi lễ, có một người Hồi giáo đến gặp tôi nói như sau:
- Thưa cha, tôi muốn xưng tội để được ơn tha thứ.
Vị linh mục giải thích rằng, vì chưa được rửa tội, ông không thể lãnh nhận Bí tích Giải tội, nhưng người tín hữu Hồi giáo nài nỉ:
- Thưa cha, trong Hồi giáo của chúng tôi không có sự tha tội, nhưng tôi cảm thấy cần phải được Chúa tha thứ và có được một dấu chỉ về sự tha thứ của Ngài. Vị linh mục liền chúc lành cho người tín hữu Hồi giáo và người này ra về trong bình an.
Đúng như vậy chúng con. Chỉ trong Giáo hội của Chúa mới có sự tha thứ. Và đây là ân ban của Chúa Thánh Thần. Chúng ta hãy cảm ơn Chúa vì hồng ân cao cả này. Amen.
Bài 02:
(Ga 16,12-15)
M. Vĩnh Hằng
12Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. 13Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. 14Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. 15Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.
1/ MỞ ĐẦU
Cha chào thiếu nhi chúng con (– Chúng con chào cha)!
- Hôm nay là một lễ trọng. Cha đố chúng con là lễ gì nào? – Lễ Chúa Ba Ngôi.
- Thế mỗi ngày, chúng con làm gì trước khi học giáo lý này, đọc kinh này, ăn cơm này…?
- Làm dấu Thánh Giá.
- Chúng con giỏi lắm! Khi chúng con làm dấu Thánh Giá là chúng con tuyên xưng Chúa Ba Ngôi là Cha, Con và Thánh Thần đấy!
- Cha hỏi chúng con câu này rất quan trọng: Có mấy Chúa? – Chỉ có một Chúa duy nhất, nhưng có Ba ngôi.
2/ MỘT CHÚA - BA NGÔI
Thiếu nhi chúng con biết không, mầu nhiệm một Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm cao siêu nhất trong đạo chúng ta. Một Thiên Chúa có Ba Ngôi: Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần. Các con học giáo lý thì biết Chúa Cha là Đấng Sáng Tạo, Chúa Con là Đấng Cứu Độ, Chúa Thánh Thần là Đấng Thánh Hóa, đúng không nào? Có nhiều người thắc mắc với cha rằng :
- Cha ơi, con không thể nào hiểu được, tại sao chỉ có một Chúa mà lại có đến Ba ngôi, Ba ngôi mà chỉ có một Chúa?
- Thiếu nhi có bị thắc mắc như thế không? Chắc chắn là có ha! Để cha kể cho chúng con nghe câu chuyện này.
Thánh Âutinh là vị thánh hay suy niệm về Chúa Ba Ngôi. Ngài rất băn khoăn vì suy niệm mãi mà vẫn không thể nào hiểu hết được mầu nhiệm này. Một hôm, thánh nhân đi dạo trên bờ biển, vừa đi lại vừa suy nghĩ về Chúa Ba Ngôi. Chợt, thánh Âutinh thấy một em bé lấy cái vỏ sò chạy đi múc nước biển rồi chạy lên bờ đổ vào một cái lỗ nhỏ. Thánh Âutinh tiến đến hỏi: “Con làm gì thế?”. Bé trả lời: “Con muốn múc hết nước biển đổ vào cái lỗ này!”. Thánh Âutinh bật cười: “Chuyện này không thể được con ạ!”. Chợt em bé biến thành một thiên thần nói với thánh Âutinh: “Việc múc hết nước biển đổ vào cái lỗ còn dễ hơn việc đòi phải hiểu hết mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi”. Nói xong, thiên thần biến mất. Thánh Âutinh liền hiểu ra rằng: Không thể dùng trí khôn con người để hiểu hết về Một Chúa Ba Ngôi.
Bây giờ cha hỏi thiếu nhi nhé:
- Mắt chúng con nhìn xa tới đâu nào? Mũi chúng con có ngửi rồi phân biệt được hết tất cả các mùi không? Tai chúng con có nghe được những âm thanh ở tít cuối nhà thờ không? – Đấy, con người ai cũng bị giới hạn hết. Những điều chung quanh mình, mình còn không hiểu hết thì Thiên Chúa cao vời, chúng ta chỉ có thể dùng niềm tin và lòng yêu mến để cảm nhận thôi. Sau này, khi được về Thiên Đàng, chúng ta sẽ được thấy Chúa tỏ tường và hiểu hết các mầu nhiệm ha!
Cha lại đố thiếu nhi nè:
- Nhờ ai mà chúng ta biết về Thiên Chúa Ba Ngôi? – Nhờ Chúa Giêsu.
- Giỏi quá! Đúng là chúng ta tin chỉ có một Thiên Chúa, nhưng Ngài có ba ngôi là nhờ Chúa Giêsu nói cho các tông đồ và chúng ta biết. Chúa đã nói với các tông đồ rằng: Thầy với Chúa Cha là một, ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu tâm sự với các tông đồ rằng: Thầy sẽ về cùng Chúa Cha, nhưng Thầy không bỏ các con mồ côi đâu. Thầy sẽ xin Chúa Cha ban cho các con một Đấng Bào Chữa để ở cùng các con luôn mãi. Bài Tin Mừng chúng con mới nghe, Chúa Giêusu cũng nói: Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy và Thánh Thần sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con.
- Vậy cha hỏi lại câu hỏi quan trọng nè: Có mấy Chúa? – Chỉ có một Chúa duy nhất, nhưng có Ba ngôi.
3/ BA NGÔI NÊN MỘT TRONG TÌNH YÊU
Cha với chúng con vừa xác tín rằng chỉ có một Chúa duy nhất và Ngài có Ba ngôi. Vậy Ba Ngôi Thiên Chúa hợp nhất với nhau nhờ điều gì nào, ai biết? – Nhờ tình yêu.
Thánh Gioan nói: “Thiên Chúa là tình yêu”. Nói cách khác, Ba Ngôi Thiên Chúa vô cùng yêu thương nhau và yêu thương con người chúng ta. Thiếu nhi thử trả lời cho cha nghe, Thiên Chúa yêu con người như thế nào nhé!
- Vì yêu thương, Thiên Chúa Cha đã làm gì nào? - Tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa.
- Khi con người phạm tội, Chúa Con đã làm gì để bày tỏ tình yêu đối với con người? - Chúa Con vâng lời Chúa Cha xuống trần gian chịu chết thay cho con người.
- Khi Chúa Giêsu về trời, ai được sai đến với con người và để làm gì? - Chúa Thánh Thần đến để thánh hóa.
Chúng con có biết hát bài "Mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai" không? Bài hát đó nói lên tình yêu thương phải không nào? Trong gia đình chúng con, bố và mẹ chúng con tuy là hai nhưng đã trở nên một, đã sinh ra chúng con có chung một dòng máu và chúng con được bố mẹ yêu thương như chính bản thân mình vậy. Bố, mẹ, con tuy là ba, nhưng vẫn là một gia đình trong tình yêu đúng không chúng con? Gia đình yêu thương của chúng con là hình ảnh “gia đình tình yêu” Ba Ngôi Thiên Chúa đó!
Cha hỏi lại chúng con lần nữa nha:
- Ba Ngôi Thiên Chúa hợp nhất với nhau nhờ điều gì nào? – Nhờ tình yêu.
4/ ÁP DỤNG: SỐNG YÊU THƯƠNG LÀ NÊN GIỐNG CHÚA BA NGÔI
Nãy giờ, cha với chúng con đã nói với nhau về 2 điều: Một Chúa Ba Ngôi và Ba Ngôi nên một trong tình yêu.
Vậy, cha đố thiếu nhi:
- Chúng ta được nên giống Chúa Ba Ngôi khi nào? - Khi sống yêu thương.
- Yêu thương cụ thể là thế nào chúng con nhỉ: Khi bạn mình nghèo, không có bút tập thì mình làm gì? - Chia sẻ. Yêu thương bố mẹ vất vả nuôi dưỡng mình thì mình làm gì? - Vâng lời, ngoan ngoãn. Khi người khác đối xử không tốt với mình, mình làm gì? - Tha thứ.
Trước khi kết thúc, cha kể cho chúng con nghe câu chuyện rất dễ thương này:
Tại một giáo xứ nghèo ở miền quê, trong Thánh lễ Chúa nhật, cha xứ giảng một bài hùng hồn về Chúa Ba Ngôi cho các em thiếu nhi. Rồi cha hỏi:
- Thiếu nhi các con có hiểu không?
Cả nhà thờ im lặng. Một em bé bẽn lẽn giơ tay nói:
- Thưa cha, cha giảng rất hay, nhưng con… không hiểu gì hết. Con chỉ biết tôn kính Chúa Ba Ngôi mỗi ngày 3 phút trước khi đi ngủ như mẹ con dạy thôi ạ!
Phút đầu tiên, con xét xem hôm nay con có đọc kinh dâng ngày cho Chúa lúc thức dậy không? Con có nhớ đến Chúa trong ngày không? Rồi, con dâng tất cả cho Chúa Cha.
Phút thứ hai, con nghĩ lại xem hôm nay con có ngoan ngoãn, vâng lời, giúp đỡ bố mẹ không? Rồi, con dâng những điều tốt cũng như chưa tốt cho Chúa Giêsu.
Phút thứ ba, con nhớ lại xem con đã đối xử với bạn bè như thế nào: Có cãi nhau, đánh nhau, chửi tục không? Có giúp đỡ bạn khi bạn cần không? Rồi, con dâng những điều ấy lên Chúa Thánh Thần để xin Ngài thánh hóa con.
Nghe xong những lời đơn sơ của em bé, cả nhà thờ đã vỗ tay khen ngợi.
5/ KẾT THÚC
Tóm lại, lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay, cha với thiếu nhi chúng con và cả cộng đoàn quyết tâm làm 3 điều nha:
- Thứ nhất: Làm dấu Thánh giá thật trang nghiêm để tuyên xưng Chúa Ba Ngôi
- Thứ hai: Sống yêu thương để nên giống Chúa Ba Ngôi
- Thứ ba: Dành 3 phút mỗi ngày để nhớ đến Chúa Ba Ngôi.
(Cha cho thiếu nhi lặp lại).
Cha cảm ơn chúng con.
Bài: 03
"Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy"
(Ga 16,12-15)
Lm. Đaminh Lâm Quang Khánh
Các thiếu nhi rẩt thân mến, hôm nay giáo hội chúng ta mừng Lễ gì các con?
- Thưa cha, Lễ Một Thiên Chúa Ba Ngôi.
- Cám ơn con rất đúng. Thế các con biết ai đã chỉ cho chúng ta biết về mầu nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi?
- Thưa cha, là Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta biết.
- Các con rất giỏi. Trước khi Chúa Giêsu xuống thế làm người, dân Ít-ra-en tin chỉ tin "Một Thiên Chúa duy nhất". Niềm tin độc thần là tín điều lớn nhất trong Cựu ước (Đnl 6, 4-5). Thế nên, Thánh kinh Cựu ước không nói gì về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Đôi khi Thánh kinh Cựu ước ám chỉ - ám chỉ chứ không nói rõ - về Ba Ngôi Thiên Chúa mà thôi.
Chỉ khi Đức Giêsu xuống thế làm người chứng tỏ Ngài là Con Thiên Chúa và hứa sai Thánh Thần xuống để hướng dẫn thì tín điều Ba Ngôi Thiên Chúa mới được tỏ hiện.
Các con còn nhớ hình ảnh đặc trưng nhất là khi Đức Giêsu chịu phép rửa tại sông Giorđan: Chim bồ câu ngự xuống đậu trên Ngài (Ga 1,32-34). Tiếng Chúa Cha tuyên phán: “Con là Con Ta yêu dấu” (Mt 1,11).
Nhất là trong mấy tuần qua, chúng ta được nghe Tin Mừng theo theo Thánh Gioan: Trong bữa Tiệc ly, Đức Giêsu còn bày tỏ cho các môn đệ về Chúa Thánh Thần: “Thầy ra đi thì có lợi cho các con hơn. Nếu Thầy không đi, Đấng Phù trợ sẽ không đến với các con” (Ga 16,7).
Chúng ta chỉ có thể biết được mạc khải về Chúa Ba Ngôi trong những đoạn Kinh Thánh nêu trên. Theo đó, Đức Giêsu cho chúng ta biết: Chúa Cha là Thiên Chúa, còn Ngài là Con Một của Chúa Cha. Ngài và Chúa Cha là một. Ngài ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Ngài, nghĩa là Ngài cùng bản tính với Chúa Cha, Ngài cũng là Thiên Chúa, và Ngài với Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa. Ngài cũng cho biết Chúa Thánh Thần là Đấng Ngài và Chúa Cha sai đến cũng là Thiên Chúa. Như vậy, chỉ là một Thiên Chúa duy nhất nhưng có Ba Ngôi vị riêng biệt chứ không phải là Ba Thiên Chúa. Vì Ba Ngôi cùng chung một bản tính và cùng một quyền năng nên Ba Ngôi bằng nhau, không Ngôi nào lớn hơn.
Tiếng nói - chim câu - Đức Giêsu, ba hình ảnh này tạo nên chân dung sống động về Chúa Ba Ngôi.
Rồi trong Tin Mừng Thánh Matthêu (28,19) có câu nói nổi tiếng về Ba Ngôi là gì các con:
- Thưa cha là: “Các con hãy đi giảng dạy cho muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
- Cám ơn con rất đúng. Do đó, Thánh Phaolô luôn cầu chúc cho các tín hữu: “Ân sủng của Đức Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng anh chị em”.
Các thiếu nhi thân mến, theo giáo lý Công giáo, chúng ta biết chỉ có một Thiên Chúa có Ba Ngôi và Ba Ngôi là: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Mỗi Ngôi Vị đều là Thiên Chúa, dù vậy vẫn chỉ có một Thiên Chúa mà thôi.
- Mỗi Ngôi Vị đều bằng nhau về thần tính và uy quyền, nhưng không có ba Thiên Chúa ngang nhau mà chỉ có một Thiên Chúa.
- Mỗi Ngôi Vị đều có trọn vẹn sự sống thần linh trong mình dù chỉ có một sự sống thần linh duy nhất. Thiên Chúa duy nhất nhưng không phải là Thiên Chúa đơn độc mà là cộng đồng Ba Ngôi yêu thương nhau hướng về nhau.
Về công việc của mỗi Ngôi vị, chúng ta được biết Chúa Cha sáng tạo vũ trụ vạn vật và loài người, Ngài dùng Lời quyền năng làm cho vạn vật từ không xuất hiện (x. St 1,3). Ngài còn tiếp tục quan phòng để các tạo vật tồn tại và ngày một tiến hoá. Khi nguyên tổ loài người phạm tội, Thiên Chúa đã sai Con Một xuống thế làm Đấng Thiên Sai là Đức Giêsu, để thiết lập Nước Trời. Cuối cùng Ngài đã chịu chết trên thập giá để đền tội thay cho loài người. Khi Chúa Giêsu về trời, Chúa Cha lại sai Thánh Thần đến tiếp tục chương trình cứu độ, bằng việc ban ơn thánh hóa để giúp loài người nên con Thiên Chúa và nhận được ơn cứu độ của Đức Giêsu.
Cha thấy rằng chắc có nhiều thiếu nhi sẽ thắc mắc và đặt câu hỏi “Tại sao một Thiên Chúa lại có Ba Ngôi? hay Ba Ngôi chỉ là Một Thiên Chúa?”.
Sự hiểu biết của con người chúng ta có giới hạn nên đứng trước một Mầu nhiệm Cao Cả chúng ta không thể hiểu thấu được. Cha kể cho các con nghe câu truyện của thánh Augustinô :
Thánh Augustinô một hôm đi bách bộ trên bãi biển và tâm trí thì luôn suy nghĩ về Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi: Làm sao chỉ có một Thiên Chúa và Ngài lại có Ba Ngôi khác nhau: Ngôi thứ nhất là Cha, Ngôi thứ Hai là Con và Ngôi thứ Ba là Thánh Thần. Như vậy lẽ ra phải có Ba thay vì chỉ có Một Thiên Chúa mới hợp lý? Augustinô không sao lý giải được mầu nhiệm này: Một mà lại là Ba, và Ba chỉ ở trong Một?
Bấy giờ, Augustinô trông thấy em bé trai đang ngồi trên bãi biển, tay cầm một cái vỏ sò múc nước biển rồi đổ vào một cái lỗ nhỏ hang còng ở trên bãi cát. Vị Giám mục hỏi cậu bé:
- Này em, em đang làm gì vậy?
Cậu bé trả lời:
- Cháu đang cố gắng múc tất cả nước của đại dương này để đổ vào lỗ hang của con còng này.
Vị Giám mục nói:
- Sao em lại làm một điều vô lý như thế? Em hãy nhìn xem, nước biển bao la như vậy thì làm sao cái lỗ hang còng nhỏ bé kia có thể chứa hết nước của nó được?
Nhưng Augustinô thật bất ngờ, khi nghe cậu bé đáp:
- Việc cháu làm đây cũng không vô lý bằng việc ngài đang làm: Làm sao ngài có thể dùng trí khôn nhỏ bé của ngài mà hiểu thấu được mầu nhiệm lớn lao vô cùng của Thiên Chúa?
Nói xong cậu bé biến mất.
Bấy giờ, Giám mục Augustinô hiểu rằng Chúa đã sai thiên thần đến để giúp mình ý thức về sự giới hạn và bất lực khi phải đối diện với những mầu nhiệm cao cả vô cùng của Thiên Chúa.
Các thiếu nhi thân mến, mặc dù sự hiểu biết của con người chúng ta có giới hạn, nhưng chúng ta tin rằng Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng và mở lòng trí chúng ta sẽ càng ngày hiểu về mầu nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi. Qua việc chúng ta sống Đức Tin và tuyên xưng Đức Tin trong cuộc sống hàng ngày qua các việc gì các con?
- Thưa cha, khi đọc kinh Sáng Danh, khi ta làm Dấu Thánh Giá là chúng ta tuyên xưng Một Thiên Chúa Ba Ngôi ạ.
- Cám ơn các con. Rất đúng,
* Kinh Sáng Danh: Khi đọc kinh Nhật tụng, mỗi khi đọc kinh Sáng Danh, ta hãy tỏ lòng cung kính, cúi đầu, để ca tụng và tôn vinh Chúa Ba Ngôi trong đời sống ta. Mỗi chục kinh Mân côi, chúng ta cũng đọc một kinh Sáng Danh và còn nhiều dịp khác chúng ta có thể đọc được kinh đó.
* Dấu Thánh giá: Một trong những kinh nguyện mà người Công giáo chúng ta học, là dấu Thánh giá, thật đơn sơ và tốt đẹp. Chúng ta đưa bàn tay phải lên trán, lên ngực, vai trái và vai phải khi chúng ta cầu nguyện: “Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần”. Hành động thánh đó nhắc nhở chúng ta rằng, có Chúa Ba Ngôi trong một Thiên Chúa, và Ngôi Hai đã chết trên thập gíá vì tất cả chúng ta.
Hôm nay, chúng ta mừng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, cha và các con chúng ta cùng nhau nhắc lại lời thánh Phaolô để sống lời Chúa trong tuần này, chúng ta cùng đọc:
“Chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa hằng sống như chính lời Chúa phán: “Ta sẽ cư ngụ và đi lại giữa họ, sẽ là Thiên Chúa của họ và họ sẽ là dân riêng của Ta” (2Cr 6,15).
“Anh chị em yêu dấu, hãy thanh tẩy chính mình cho sạch những điều ô uế về phần thân thể lẫn tâm linh, hãy hoàn thành sự thánh hóa trong niềm kính sợ Thiên Chúa” (2Cr 7,1).
Chúng ta hãy sống thánh thiện để lòng mỗi người chúng ta xứng đáng là đền thờ của Chúa Ba Ngôi. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo
-
Ngày 18/11: Cung hiến Đền thờ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ -
Ngày 17/11: Thánh Elisabeth Hungari -
Ngày 15/11: Thánh Albertô Cả, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh -
Ngày 12/11: Thánh Josaphat, giám mục tử đạo -
Ngày 11/11: Thánh Martinô Thành Tour, Giám mục -
Ngày 09/11: Cung hiến Thánh Đường Latêranô -
Ngày 02/11: Lễ các đẳng linh hồn -
Ngày 01/11: Lễ các thánh Nam Nữ -
Ngày 28/10: Thánh Simon và Thánh Giuđa, Tông đồ - lễ kính
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231) -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi