Bài giảng Lễ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội (08/12/2024) – Đức Maria là người con, hiền thê và từ mẫu
Vatican News (08/12/2024) - Sáng Chúa Nhật ngày 8/12, Đức Thánh Cha cử hành lễ Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội cùng với rất đông các tín hữu tại Đền thờ Thánh Phêrô. Đây cũng là thánh lễ tạ ơn của các tân hồng y vừa được phong chiều hôm qua thứ Bảy 7/12.
Đức Thánh Cha nói trong bài giảng: Đức Maria là “hình ảnh chân thực của nhân loại vô tội, thánh thiện bởi vì sự hiện hữu của Mẹ là sự hài hòa, trong trắng và đơn sơ. Nơi Mẹ, mọi sự đều trong suốt, dịu dàng và trọn hảo; tất cả đều diễn tả vẻ đẹp”. Sau đây là toàn văn Việt ngữ bài giảng của Đức Thánh Cha:
THÁNH LỄ VỚI CÁC TÂN HỒNG Y VÀ HỒNG Y ĐOÀN
ĐỨC THÁNH CHA PHANXICÔ
LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI
Đền thờ thánh Phêrô
Thứ Bảy, ngày 08/12/2024
“Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng” (Lc 1,28).
Với lời chào này, trong căn nhà khiêm nhường ở Nazareth, Thiên Thần đã mặc khải cho Đức Maria mầu nhiệm Trái Tim Vô Nhiễm của Mẹ, ngay từ lúc thụ thai “không vướng tì ố của tội nguyên tổ” (ĐTC Piô IX, Tông hiến Ineffabilis Deus, 8 tháng 12 năm 1854). Qua bao thế kỷ, bằng nhiều cách với ngôn từ và hình ảnh, các Kitô hữu đã cố gắng diễn tả hồng ân cao cả này, nhấn mạnh ân sủng và sự dịu dàng trong dung mạo của “Đấng được chúc phúc giữa mọi người nữ” (x. Lc 1,42), qua những nét đặc trưng và ngôn ngữ của các dân tộc và nền văn hóa khác nhau.
Thực vậy, như Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI đã nhận xét, Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, cho chúng ta thấy “hình ảnh chân thực của nhân loại: […] vô tội, thánh thiện […], bởi vì sự sống của Mẹ là sự hài hòa, trong trắng và đơn sơ trọn vẹn – nơi Mẹ mọi sự đều trong suốt, dịu dàng và trọn hảo; tất cả đều diễn tả vẻ đẹp” (Bài giảng trong Lễ Trọng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, 8 tháng 12 năm 1963).
Chiêm ngắm vẻ đẹp của Đức Maria qua ba khía cạnh
Chúng ta cùng dừng lại để chiêm ngắm vẻ đẹp ấy dưới ánh sáng của Lời Chúa qua ba khía cạnh trong cuộc đời Đức Maria: Người con, Hiền thê, và Từ mẫu.
1. Đức Maria – Người con
Trước hết, chúng ta hãy nhìn Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội như một người con. Kinh Thánh không nhắc đến thời thơ ấu của Mẹ, nhưng Tin Mừng trình bày Mẹ ngay từ khi xuất hiện như một thiếu nữ giàu đức tin, khiêm nhường và đơn sơ. Mẹ là “trinh nữ” (x. Lc 1,27), nơi ánh mắt, phản chiếu tình yêu Chúa Cha, và nơi trái tim tinh tuyền, phản chiếu lòng quảng đại và biết ơn lan tỏa như hương thơm của sự thánh thiện. Nơi đây, Đức Maria hiện ra vẻ đẹp như một bông hoa âm thầm lớn lên, và cuối cùng sẵn sàng nở rộ trong sự tự hiến. Thật vậy, cuộc đời Mẹ là một sự hiến dâng liên lỉ.
2. Đức Maria – Hiền thê
Khía cạnh thứ hai nơi vẻ đẹp của Mẹ là vai trò Hiền thê, người mà Thiên Chúa chọn làm bạn đồng hành trong kế hoạch cứu độ của Người (x. Công Đồng Vatican II, Hiến chế Lumen gentium, số 61). Thiên Chúa chọn Mẹ Maria – một phụ nữ – làm bạn đồng hành, vì không có ơn cứu độ nếu thiếu người nữ, bởi vì Giáo Hội cũng được biểu trưng như một người nữ. Mẹ đáp lời “xin vâng” khi thưa: “Này tôi là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1,38). Ở đây, “nữ tỳ” không mang nghĩa bị lệ thuộc hay hạ thấp, mà là người được tín nhiệm, được giao phó những kho báu quý giá nhất và sứ mạng quan trọng nhất. Vẻ đẹp của Mẹ được ví như một viên kim cương, tỏa sáng qua sự thuỷ chung, trung thành và ân cần, đặc trưng cho tình yêu hỗ tương phu thê. Đúng như Thánh Gioan Phaolô II viết rằng: Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội “đã chấp nhận việc được chọn làm Mẹ của Con Thiên Chúa, được hướng dẫn bởi tình yêu phu thê, một tình yêu hoàn toàn ‘thánh hiến’ con người cho Thiên Chúa” (Thông điệp Redemptoris Mater, 39).
3. Đức Maria – Từ mẫu
Khía cạnh thứ ba nơi vẻ đẹp của Mẹ là vai trò người mẹ. Đây có lẽ là hình ảnh quen thuộc nhất: Đức Maria bồng Chúa Giêsu Hài Đồng, hoặc cúi xuống bên máng cỏ nơi Con Thiên Chúa giáng sinh (x. Lc 2,7). Mẹ luôn hiện diện bên Con trong mọi hoàn cảnh: gần gũi trong sự quan tâm và âm thầm trong sự khiêm nhường, như ở Cana, nơi Mẹ chuyển cầu cho đôi tân hôn (x. Ga 2,3-5), hay ở Capharnaum, nơi Mẹ được khen ngợi về sự lắng nghe Lời Chúa (xem Lc 11,27-28), đến chân thập giá – mẹ của một người bị kết án –, nơi chính Chúa Giêsu trao Mẹ cho chúng ta như một người mẹ (x. Ga 19,25-27). Ở đây, vẻ đẹp của Đấng Vô nhiễm Nguyên tội tỏa sáng trong sự sinh hoa trái, nghĩa là biết chết đi để mang lại sự sống, quên đi chính mình để chăm sóc những ai nhỏ bé và không có khả năng tự vệ chạy đến bám lấy Mẹ.
Vẻ đẹp thánh thiện nơi Đức Maria
Tất cả những điều này được bao bọc trong Trái Tim tinh tuyền của Mẹ, không vướng tội lỗi và ngoan ngoãn vâng theo hoạt động của Chúa Thánh Thần (x. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Mater, số 13), sẵn sàng dâng hiến cho Thiên Chúa, vì tình yêu, “sự thuận theo trọn vẹn của trí tuệ và ý chí”. (Công đồng Vatican II, Hiến chế tín lý Dei Verbum, 5; xem Công đồng Vatican I, Hiến chế tín lý Dei Filius, 3).
Tuy nhiên, chúng ta có nguy cơ nghĩ rằng đây là một vẻ đẹp xa vời, quá cao cả và không thể đạt tới. Nhưng không phải vậy. Chính chúng ta cũng nhận được món quà này trong Bí tích Rửa Tội, khi được giải thoát khỏi tội lỗi và trở thành con cái của Thiên Chúa. Và với món quà ấy, chúng ta được mời gọi nuôi dưỡng vẻ đẹp này, như Đức Trinh Nữ, với tình yêu của người con, hiền thê, và từ mẫu; biết ơn khi đón nhận và quảng đại khi trao ban. Chúng ta được mời gọi trở thành những người nam và người nữ của “lời tạ ơn” và “lời xin vâng” – không chỉ bằng lời nói, mà trên hết bằng cuộc sống. Thật đẹp biết bao khi gặp những con người nói lời tạ ơn và xin vâng bằng cuộc sống. Chúng ta cũng được mời gọi sẵn sàng dành chỗ cho Chúa trong các dự án của mình và đón nhận tất cả anh chị em mà họ gặp trên đường đời với sự dịu dàng từ mẫu. Vì thế, Đức Maria Vô Nhiễm không phải là một huyền thoại, một tín lý trừu tượng, hay một lý tưởng không thể đạt được: Mẹ là lời mời gọi của một kế hoạch đẹp đẽ và cụ thể, là mẫu gương hoàn toàn viên mãn của nhân loại chúng ta, qua đó nhờ ơn Chúa, chúng ta đều có thể góp phần làm cho thế giới này trở nên tốt đẹp hơn.
Lời mời gọi sống đời thánh thiện
Thật không may, khi nhìn xung quanh, chúng ta nhận thấy ước muốn của tội nguyên tổ, muốn trở nên “như Thiên Chúa” (x. St 3,1-6), tiếp tục gây tổn thương nhân loại. Thật vậy, những ai cổ vũ cho việc từ chối các mối tương quan bền chặt và lâu dài và xem đó như một chiến thắng thực sự, đều không mang lại tự do. Những ai không tôn trọng cha mẹ, từ chối có con cái, coi người khác như đồ vật hoặc gánh nặng, xem sự sẻ chia là mất mát và tình liên đới là nghèo nàn, đều không mang lại niềm vui hoặc tương lai.
Lợi ích gì với tiền trong ngân hàng, tiện nghi trong nhà, những “tương tác” giả trong thế giới ảo mà trái tim vẫn lạnh lẽo, trống rỗng, khép kín? Mức tăng trưởng tài chính cao ở các nước có đặc quyền có ý nghĩa gì nếu một nửa thế giới chết vì đói và chiến tranh, còn những người khác chỉ đứng nhìn một cách thờ ơ? Du hành khắp hành tinh có ích gì nếu mọi cuộc gặp gỡ đều chỉ còn là cảm xúc tức thời, thành một bức ảnh mà chẳng ai nhớ đến nữa sau vài ngày hoặc vài tháng?
Lời cầu nguyện kết
Anh chị em thân mến, hôm nay, chúng ta nhìn lên Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội và xin Mẹ cho Trái Tim tràn đầy tình yêu của Mẹ chinh phục chúng ta, hoán cải chúng ta và biến chúng ta thành một cộng đoàn, nơi đó tình yêu hiếu tử, phu thê và từ mẫu là quy tắc và tiêu chuẩn của cuộc sống: trong đó gia đình sum họp, vợ chồng đồng lòng chia sẻ, cha mẹ chăm lo con cái, và con cái hiếu thảo với cha mẹ. Đây là vẻ đẹp mà Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội nói với chúng ta: “vẻ đẹp cứu rỗi thế giới” và là vẻ đẹp chúng ta cũng muốn đáp lại Thiên Chúa như Mẹ: “Này con đây […], xin thực hiện nơi con như lời sứ thần truyền” (Lc 1,38).
Chúng ta cùng cử hành Thánh Lễ này với các tân Hồng Y – những anh em được tôi mời gọi để hỗ trợ tôi trong việc mục vụ của Giáo hội hoàn vũ. Họ đến từ khắp nơi trên thế giới, mang theo sự khôn ngoan đa diện, để đóng góp vào sự phát triển và lan rộng của Nước Thiên Chúa. Chúng ta đặc biệt xin phó dâng họ cho lời cầu bầu của Mẹ Đấng Cứu Thế.
Nguồn: vaticannews.va/vi
bài liên quan mới nhất
- Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024
-
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Các Năm Thánh trong thế kỷ 20 qua lăng kính truyền thông -
Lần đầu tiên Đức Thánh Cha bổ nhiệm phụ nữ làm thành viên Hội đồng thường kỳ của Thượng Hội đồng -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe -
Hội nghị online của Ủy ban Giáo sĩ Chủng sinh năm 2024 -
Diễn văn của Đức Giáo hoàng Phanxicô dành cho phái đoàn những vị dân cử của Nhà nước Pháp -
Cái nhìn tổng quát về Hồng y đoàn từ sau Công nghị ngày 7/12/2024 -
Sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Ngày Thế giới Hòa bình năm 2025
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô