Bác sĩ điều trị cho Đức Thánh Cha: ngài hồi phục là phép lạ nhờ lời cầu nguyện của các tín hữu
Vatican News (26/3/2025) - Trả lời phỏng vấn của báo Corriere della Sera (Người đưa tin chiều) của Ý, tiến sĩ Sergio Alfieri, người đứng đầu đội bác sĩ điều trị cho Đức Thánh Cha trong 38 ngày ngài ở bệnh viện Gemelli, cho biết có hai lần họ tưởng như Đức Thánh Cha không qua khỏi. Ông nhấn mạnh rằng việc ngài hồi phục là một phép lạ, và lời cầu nguyện của tín hữu khắp nơi trên thế giới có ý nghĩa đặc biệt.
Tiến sĩ Alfieri cho biết thời khắc nguy hiểm nhất đối với Đức Thánh Cha trong lần nằm viện vừa rồi là chiều ngày 28/2/2025, tức là 2 tuần sau khi ngài nhập viện. Tình trạng sức khỏe của ngài đột ngột xấu đi, ngài bị co thắt phế quản, thiếu không khí. Cần được trợ giúp.
Nước mắt của những người yêu mến Đức Thánh Cha
Vào lúc này, lần đầu tiên tiến sĩ nhìn thấy những người xung quanh Đức Thánh Cha lo buồn đến rơi nước mắt. Ông nói: “Những người mà tôi đã hiểu trong suốt thời gian nằm viện này, thực sự yêu thương ngài như một người cha. Chúng tôi đều biết rằng tình hình đã trở nên tồi tệ hơn và có nguy cơ là ngài sẽ không qua khỏi”.
Lựa chọn không bỏ cuộc
Đội ngũ bác sĩ đã phải chọn lựa hoặc ngừng chữa trị và để ngài ra đi hoặc cố gắng bằng mọi cách để tiếp tục, dù gây nguy hiểm cho các cơ quan nội tạng khác. Và họ quyết định tiếp tục. Tiến sĩ Alfieri cho biết chính Đức Thánh Cha đã quyết định điều này. Ngài ủy thác cho bác sĩ trợ giúp y tế của ngài quyết định. Tiến sĩ Alfieri là người hiểu rõ ý muốn của Đức Thánh Cha. Ông yêu cầu các bác sĩ cố gắng bằng mọi cách, đừng bỏ cuộc. Và đó cũng là điều các bác sĩ đã nghĩ. Không ai muốn bỏ cuộc.
Tiến sĩ Alfieri chia sẻ rằng Đức Thánh Cha cũng hiểu ngài có thể không vượt qua được bởi vì ngài luôn tỉnh táo. Ngay từ ngày đầu ngài đã yêu cầu cho ngài biết rõ tình hình sức khỏe của ngài.
Lần thứ hai Đức Thánh Cha có nguy cơ không qua khỏi
Một thời điểm nguy hiểm nữa là khi Đức Thánh Cha đang ăn thì ngài bị nôn trớ và hít vào. Theo Tiến sĩ Alfieri, “trong những trường hợp này - nếu không được cứu chữa kịp thời - sẽ có nguy cơ tử vong đột ngột ngoài các biến chứng ở phổi vốn là cơ quan dễ bị tổn thương nhất. Thật kinh khủng, chúng tôi đã thực sự nghĩ rằng ngài sẽ không qua khỏi”.
Sức mạnh của lời cầu nguyện
Tiến sĩ nói thêm rằng, Đức Thánh Cha, “ngoài một trái tim mạnh mẽ, ngài còn có nguồn lực đáng kinh ngạc. Tôi nghĩ rằng việc cả thế giới cầu nguyện cho ngài cũng góp phần vào điều này”.
Ông chia sẻ: “Có một ấn phẩm khoa học cho rằng lời cầu nguyện mang lại sức mạnh cho người bệnh, trong trường hợp của Đức Thánh Cha là cả thế giới bắt đầu cầu nguyện. Tôi có thể nói rằng đã có hai lần tình huống đó xảy ra và rồi nó lại xảy ra như một phép lạ. Tất nhiên, ngài là một bệnh nhân rất hợp tác. Ngài đã chịu điều trị bằng mọi liệu pháp mà không hề phàn nàn”.
Thân thể đau bệnh nhưng tâm hồn Đức Thánh Cha tươi trẻ
Tiến sĩ Alfieri cũng đề cập đến tính hài hước trẻ trung của Đức Thánh Cha ngay cả trong khi đau bệnh. Một buổi sáng, ông chào ngài “Kính chào Đức Thánh Cha”, và ngài đáp lại “Chào đức thánh con”. Ông kể rằng ngài thường nói: “’Tôi vẫn còn sống’ và lập tức nói thêm: ‘Đừng quên sống và giữ tinh thần vui vẻ’. Cơ thể ngài mệt mỏi, nhưng trí óc thì minh mẫn như người 50 tuổi. Ngài cũng đã chứng minh điều này trong tuần cuối nằm viện”.
“Ngay khi ngài bắt đầu cảm thấy khỏe hơn, ngài đã yêu cầu được đi quanh phòng bệnh. Chúng tôi hỏi ngài có muốn chúng tôi đóng cửa phòng bệnh không nhưng ngài nhìn quanh tìm kiếm ánh mắt của những bệnh nhân khác. Ngài di chuyển bằng xe lăn, có ngày ngài rời khỏi phòng năm lần, thậm chí có thể còn nhiều hơn. Và sau đó là đêm ăn pizza”. Ngài nhờ người mua pizza và mời những người đã trợ giúp ngài.
Tiến sĩ Alfieri hiểu Đức Thánh Cha quyết định quay trở lại Santa Marta khi một buổi sáng ngài nói với ông: “Tôi vẫn còn sống, khi nào chúng ta sẽ về nhà?”. Ngày hôm sau, ngài nhìn ra cửa sổ, tìm micro và nói chuyện với người phụ nữ cầm những bông hoa màu vàng. Với tôi, đó dường như là một tín hiệu rõ ràng ngài muốn nói ‘tôi đã trở lại và hoàn toàn bình phục’”.
Khoảng khắc ấn tượng khi Đức Thánh Cha rời bệnh viện
Một cảm giác đặc biệt đối với Tiến sĩ Alfieri là khi trong giai đoạn khó khăn nhất, Đức Thánh Cha nắm tay ông trong vài phút như thể đang tìm kiếm sự an ủi.
Và một khoảnh khắc khiến ông ấn tượng hơn đó là, ông chia sẻ: “Khi tôi thấy ngài rời khỏi căn phòng ở tầng mười của bệnh viện Gemelli trong y phục màu trắng. Đó là cảm xúc khi chứng kiến người đàn ông đó một lần nữa là Giáo hoàng”. (Corriere della Sera 25/3/2025)
Nguồn: vaticannews.va/vi
bài liên quan mới nhất

- Thông báo về Tuần Cửu nhật tưởng nhớ Đức Giáo hoàng Phanxicô
-
Hồng y đoàn tổ chức phiên họp khoáng đại lần thứ 4, chuẩn bị cho lễ tang của một vị mục tử -
Hành trình sứ vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô qua hình ảnh -
Đài Rai của Ý: hơn 170 phái đoàn nguyên thủ quốc gia và chính phủ, 450 ngàn người tham dự tang lễ ĐTC Phanxicô -
12 năm và 12 dấu ấn Triều đại Đức Giáo Hoàng Phanxicô (2013-2025) -
Hồng y đoàn tổ chức Phiên họp Khoáng đại thứ ba, bắt đầu thảo luận về Giáo hội -
Tín hữu Công giáo tiễn biệt Đức Thánh Cha Phanxicô lần cuối tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô -
Tiểu sử Đức Giáo hoàng Phanxicô (1936 – 2025) -
Lời cảm ơn từ khắp nơi trên thế giới -
Phiên họp thứ 2 của các Hồng y; 20 ngàn người viếng Đức Thánh Cha trong 8 tiếng đầu tiên
bài liên quan đọc nhiều

- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Thống kê về Giáo hội Công giáo năm 2023 -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y