Algeria: Con số (tín hữu) không làm nên Giáo hội
WHĐ (27.11.2011) / Zenit.org – Hơn 99% dân số Algeria là người Hồi giáo. Nhưng trước đây không phải như vậy. Quốc gia Bắc Phi này từng là trung tâm văn hóa và đức tin Kitô giáo với hơn 500 giáo phận và 1.500 giám mục.
Vì vậy, phải chăng một cách nào đó Giáo hội tại Algeria đã chết? Đức Tổng Giám mục Ghaleb Moussa Abdalla Bader của Algiers trả lời: Không!
Vị giám mục 60 tuổi người Jordan được bổ nhiệm làm Tổng giám mục thủ đô Algeria từ năm 2008.
Sau đây là trao đổi của Mark Riedemann* và Đức Tổng giám mục Bader về Giáo Hội tại Algeria.
***
Phỏng vấn Đức Tổng giám mục Algiers
Hỏi: Thưa Đức cha, Đức cha sinh ra tại Jordan, phục vụ Giêrusalem và năm 2008 đã được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Algiers. Phản ứng của Đức cha ra sao?
Đức TGM Bader: Phản ứng của tôi ư? Tôi vô cùng ngạc nhiên, trong đời tôi chẳng bao giờ nghĩ mình sẽ là Tổng Giám mục Algiers. Khi vị Sứ thần Tòa Thánh nói với tôi rằng Đức Thánh Cha bổ nhiệm tôi làm Tổng Giám mục, tôi không biết phải nói gì và tôi xin một tuần để suy nghĩ, nhưng Đức Sứ thần đang vội và muốn tôi trả lời ngay. Tôi nói với ngài xin đừng nài ép, nếu không, câu trả lời sẽ là “không” vì tôi chưa sẵn sàng và tôi cần có thêm thời gian để nghiền ngẫm chuyện này.
Hỏi: Sau đó thì sao?
Đức TGM Bader: Tôi hoàn toàn bối rối và tự nghĩ, bạn có thể phải mất cả năm để suy nghĩ mà vẫn không thể thoát khỏi tình huống này. Tôi trở lại với Đức Sứ thần và viết ra câu trả lời, nói lý do tại sao tôi muốn ở lại Giêrusalem: Tôi yêu mến Giáo hội này, tôi thuộc về Giáo hội này, đã làm việc và học hỏi trong Giáo hội này và tôi muốn kết thúc cuộc sống của tôi với Giáo hội này. Giêrusulem không giống bất kỳ Giáo hội nào khác. Đó là Giáo Hội Mẹ. Ở đây có những nơi thánh và thuộc về Giáo Hội Giêrusalem là điều rất quan trọng với tôi. Nhưng cuối cùng, tôi đã hiểu, đó là Giáo hội phổ quát. Đó là Giáo hội Công giáo. Ở đâu cũng có nhu cầu và vì thế tôi sẵn sàng ra đi.
Hỏi: Thế là Đức cha chấp nhận điều ấy như là một thánh giá?
Đức TGM Bader: Không phải là thánh giá, nhưng là ý của Giáo hội và của Thiên Chúa và tôi sẵn sàng chấp nhận ý của Giáo hội và của Thiên Chúa. Nếu tôi có thể phục vụ Giáo hội và Vương quốc của Chúa Giêsu Kitô, tôi sẵn sàng phục vụ. Tôi làm điều ấy với niềm vui và không hối tiếc, có thể là sợ hãi, nhưng không hối tiếc.
Hỏi: Đức cha là Tổng giám mục đầu tiên người Ả Rập đến Algeria sau thế hệ của hàng giáo phẩm Pháp. Liệu dân chúng có cảm giác là Đức cha, một người Ả Rập, sẽ hiểu rõ nền văn hóa này?
Đức TGM Bader: Đó là ý của Giáo hội, là một cử chỉ, một dấu hiệu tôn trọng quốc gia Ả Rập này. Việc bổ nhiệm một người Ả Rập tiếp theo sau thời gian người Pháp lãnh đạo là câu trả lời cho những thay đổi xảy ra trong Giáo hội này. Vâng, trong một thời gian Giáo Hội này do người Pháp lãnh đạo, nhưng bây giờ người Pháp là thiểu số, trong đó có 40% là người châu Phi, các sinh viên hoặc những người nhập cư và phần còn lại là những Kitô hữu từ châu Âu, châu Mỹ La tinh và Bắc Mỹ. Những thay đổi đã xảy ra trong Giáo hội và việc bổ nhiệm một người không phải người Pháp đến Algeria là câu trả lời cho những thay đổi đang tiếp diễn này.
Hỏi: Phản ứng của chính quyền địa phương ra sao?
Đức TGM Bader: Họ rất có thiện cảm và tôi cảm nhận điều ấy. Ngày tôi được bổ nhiệm, vị đại sứ Algeria tại Jordan đã gọi cho tôi và mời tôi đến gặp ông; từ đó đến nay tôi đã gặp ông ấy hai lần. Khi đến Algeria tôi đã được chào đón và chính Tổng thống đã gửi một đại diện đến, đó là lần đầu tiên Tổng thống hoặc người đại diện muốn có mặt để chào đón Tổng Giám mục mới. Tôi đặc biệt cảm nhận được tình yêu tuyệt vời và sự chào đón của người dân dành cho một người Ả Rập. Người ta gọi tôi là “Tổng Giám mục của chúng ta” và cả người Hồi giáo cũng gọi tôi là Tổng giám mục của họ.
Hỏi: Vị Tổng giám mục trước của Alger, Đức cha Henri Tessier, được trích dẫn trong một bài báo trên tờ New York Times, đã nói rằng ngài chứng kiến “một Giáo hội đang chết dần”. Liệu đây có phải là tình hình Giáo hội Algeria ngày nay?
Đức TGM Bader: Chúng ta phải biết Đức cha Tessier từ đâu đến. Ngài đã sống tại Algeria 70 đến 75 năm. Ngài là một chủng sinh và được thụ phong linh mục tại Algeria. Ngài là một công dân mang hộ chiếu Algeria. Ngài biết lịch sử của Giáo hội tại Algeria. Khi ngài là chủng sinh, ở Algeria có 2 triệu Kitô hữu và bây giờ chỉ còn vài ngàn. Đấy là bối cảnh lời tuyên bố của ngài và tôi có thể hiểu được khi ngài nói về cái chết của Giáo hội này. Tuy nhiên, Giáo hội vẫn luôn là Giáo hội. Giáo hội không phụ thuộc vào số tín hữu. Vẫn là Giáo hội ấy, sứ vụ ấy, và chúng ta đang làm cùng một công việc. Tất nhiên tôi không đồng ý với ngài, nhưng tôi có thể hiểu ngài bởi vì ngài đã so sánh Giáo Hội hồi đó với Giáo Hội hiện nay. Khi tôi đến, điều này là thực tế của Giáo hội. Tôi chấp nhận nó. Tôi làm công việc của tôi và tôi không nói về cái chết. Giáo Hội vẫn sống, Giáo Hội vẫn hiện diện và làm hết sức mình vì hạnh phúc của các tín hữu và của đất nước này.
Hỏi: Có khoảng 20 nhà thờ vẫn còn hoạt động ở Algeria. Nhiều nhà thờ đã biến thành Đền thờ Hồi giáo hay Trung tâm văn hóa. Đức cha có ý tưởng gì nhằm duy trì sự trợ giúp trong một môi trường có vẻ rất khó khăn này?
Đức TGM Bader: Đây là một hệ quả của việc các Kitô hữu trở về Pháp sau chiến tranh. Có những nhà thờ không còn Kitô hữu nữa. Giáo Hội không có ý giữ các nhà thờ này đơn giản chỉ vì đó là nhà thờ. Đây là cử chỉ của Giáo Hội trao các nhà thờ và các cơ sở cho dân chúng sử dụng. Khoảng hai hoặc ba nhà thờ đã được chuyển thành Đền thờ Hồi giáo. Phản ứng của nhà cầm quyền là tôn trọng; họ không đồng ý chuyển các nhà thờ này thành đền thờ Hồi giáo và đó là lý do tại sao nhiều nhà thờ được Giáo Hội trao cho nhà cầm quyền đã được chuyển thành trung tâm văn hóa, thư viện và bất kỳ cơ sở cần thiết nào. Tôi đã đọc ở đâu đó rằng khoảng 700 nhà thờ và các tòa nhà khác đã được trao cho cho nhà cầm quyền Algeria để họ sử dụng vì lợi ích của dân chúng.
Hỏi: Algeria đã chuyển từ một xã hội Pháp hay châu Âu sang một xã hội Ả Rập hướng về Trung Đông. Điều này là tích cực hay tiêu cực?
Đức TGM Bader: Điều này liên hệ đến mối tương quan lịch sử giữa Algeria và Pháp. Bất kỳ quyết định nào của Algeria sau khi độc lập cũng là một phản ứng với quá khứ. Họ muốn thoát khỏi quá khứ và hướng đến một nền văn hóa và ngôn ngữ Ả Rập. Tuy nhiên, điều này không được 100% dân số chấp nhận và đó là lý do tại sao 90% người Algeria vẫn nói tiếng Pháp. Tôi là người Ả Rập nhưng 99% thời gian tôi nói tiếng Pháp với dân chúng, thế nên sự chuyển đổi mà ông đề cập thực sự là không đúng - ít nhất là đối với hầu hết người Algeria. Đúng là nhà cầm quyền muốn Algeria là một quốc gia Ả Rập và Hồi giáo và do đó họ đã áp đặt ngôn ngữ Ả Rập trong giáo dục.
Hỏi: Nhiều cuộc xung đột trong thế giới Ả Rập được nhìn qua lăng kính cuộc xung đột Israel-Palestine. Liệu đây có phải cũng là trường hợp của Algeria?
Đức TGM Bader: Đúng là cuộc xung đột Israel-Palestine đã lây lan sang các mối quan hệ Ả Rập với phương Tây và Kitô giáo với Hồi giáo. Bao lâu chưa có giải pháp cho cuộc xung đột này, sự ngờ vực vẫn còn. Một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Israel-Palestine sẽ giúp ích rất nhiều cho việc hóa giải sự ngờ vực này giữa các quốc gia Ả Rập với phương Tây và giữa các Kitô hữu với người Hồi giáo. Vì vậy, tôi kêu gọi một giải pháp công bằng cho cuộc xung đột Israel-Palestine. Điều đó sẽ có lợi cho toàn thể nhân loại chứ không phải chỉ cho khu vực. Nó sẽ mang lại một nền hòa bình toàn cầu và chung sống hòa bình giữa các tôn giáo.
Hỏi: Ghulamallah, Bộ trưởng Tôn giáo vụ ở Algeria, đã mời Đức cha tham dự một hội nghị thảo luận về tự do tôn giáo. Trong bài phát biểu, Đức cha đã nói về việc bãi bỏ các luật đặt ra hạn chế với người Kitô hữu. Xin Đức cha cho biết tình hình Kitô giáo hiện nay!
Đức TGM Bader: Bộ trưởng Tôn giáo vụ, Ghulamallah, không chỉ mời tôi nhưng chúng tôi cùng tổ chức hội nghị. Chúng tôi quyết định mời những ai và cả hai chúng tôi tổ chức chương trình.
Hỏi: ... vậy là mối quan hệ của Đức cha với Bộ trưởng Tôn giáo vụ là thân thiện.
Đức TGM Bader: Mối quan hệ của chúng tôi rất tốt đẹp. Chúng tôi gặp nhau mỗi tháng ít là một lần. Vào những ngày lễ tôn giáo chúng tôi chúc mừng các Kitô hữu và người Hồi giáo. Từ khi đến đây chúng tôi luôn có những quan hệ rất tốt đẹp. Vấn đề hiện nay là luật năm 2006 hạn chế các hoạt động tôn giáo hay việc thờ phượng trong các nhà thờ. Đối với người Công giáo chúng tôi đó không phải là vấn đề vì chúng tôi có đủ nhà thờ. Vấn đề là cho các tín đồ thuộc Giáo hội Phúc âm và Tin lành: họ không có nơi thờ phượng và cả cho người Công giáo chúng tôi khi chúng tôi muốn tụ họp bên ngoài nhà thờ để sinh hoạt.
Hỏi: Việc đó ảnh hưởng thế nào đến việc rao giảng Tin Mừng và công việc của các linh mục trong sứ vụ của họ?
Đức TGM Bader: Đây là phần thứ hai của luật năm 2006. Luật này quy định mọi hoạt động thờ phượng và cầu nguyện chỉ được diễn ra trong nhà thờ. Rao giảng Tin Mừng và cải đạo đều bị cấm. Bất cứ ai vi phạm luật này đều bị phạt bằng cách tống giam hoặc phạt tiền khoảng 2.000 euro. Trong hội nghị, tôi đã nói rằng pháp luật không thể quy định việc thờ phượng. Trước năm 2006 không có như thế.
Hỏi: Trong Hiến pháp Algeria, Điều 36 bảo đảm quyền tự do tôn giáo?
Đức TGM Bader: Đúng vậy, hiến pháp bảo đảm quyền tự do tôn giáo và chúng tôi đồng ý về điều đó.
Hỏi: Đức cha thi hành sứ vụ như thế nào trong môi trường này?
Đức TGM Bader: Nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi là hiện diện ở đây, để sống đức tin, để trung thành với tôn giáo của mình và tôn trọng các tín ngưỡng khác mặc dù có những khác biệt. Giáo Hội tin rằng - và tôi tin rằng tự do tôn giáo là một quyền của con người.
Hỏi: Theo Đức cha, sự giúp đỡ lớn nhất mà Giáo Hội hoàn vũ có thể dành cho Giáo hội tại Algeria là gì?
Đức TGM Bader: Sự giúp đỡ lớn nhất là chấp nhận sứ điệp của chúng tôi. Sứ vụ và sứ điệp của chúng tôi là học cách chung sống hòa bình với nhau. Sứ điệp này dành cho các Kitô hữu, cho người Hồi giáo hay các Phật tử và nếu sứ điệp này được chú ý, sẽ là lực thúc đẩy và khuyến khích đối với Giáo hội của chúng tôi. Tôi cám ơn quý vị đã cho tôi cơ hội nói về Giáo Hội của chúng tôi, mà không phải ai cũng biết đến, và tôi hy vọng rằng chương trình này sẽ giúp ai đó biết rằng, trước hết Giáo hội tồn tại trong đất nước này và thứ hai mời bạn, nếu bạn muốn, chia sẻ sứ vụ của chúng tôi và đến Algeria. Tôi sẽ rất hân hạnh - Giáo hội của chúng tôi rất cần nhân sự.
(Zenit, 25-11-2011)
––––––––––––––––––––––
* Mark Riedemann hiện đang làm việc cho chương trình phát thanh truyền hình hằng tuần Nơi Thiên Chúa khóc. Chương trình này do Mạng Phát thanh và Truyền hình Công giáo và Tổ chức Trợ giúp Giáo hội gặp khó khăn hợp tác sản xuất.
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô