Vatican công bố những tài liệu về Tòa án dị giáo và mục lục sách cấm

Vatican công bố những tài liệu về Tòa án dị giáo và mục lục sách cấm

WHĐ (20.05.2010) – Hằng trăm tài liệu liên quan đến những cuộc điều tra của Giáo Hội về các cá nhân và những tác phẩm trong thời Toà án dị giáo đã được Vatican công bố. Vào ngày 12-5 vừa qua, cuốn đầu tiên trong bộ sách đã được công bố với tựa đề Giáo Hội công giáo và khoa học hiện đại: những tài liệu trong kho lưu trữ của Thánh Bộ và mục lục sách cấm. Cuốn đầu tiên này tập hợp tất cả những tài liệu của Bộ Giáo lý đức tin liên quan đến khoa học và triết học tự nhiên, từ năm 1542 đến 1600. Cuốn sách này là kết quả 13 năm làm việc, nghiên cứu, sắp xếp cả ngàn tài liệu liên quan đến những người bị nghi ngờ là lạc giáo. Các tài liệu được trình bày theo nguyên bản Latinh cùng với rất nhiều ghi chú giải thích và phê bình bằng tiếng Anh của hai học giả là ông Ugo Baldini, giáo sư môn lịch sử tại đại học Padua, cũng là một chuyên viên về Galilê, và ông Leen Spruit, một chuyên viên về việc kiểm duyệt sách khoa học trong lịch sử cận đại.

Dĩ nhiên Toà án dị giáo và Mục lục sách cấm không phải là những trang sử tốt đẹp trong lịch sử Giáo Hội công giáo, nhưng những tài liệu này sẽ giúp các học giả phân biệt được chân lý và những điều chỉ là giai thoại lưu truyền, vì những tài liệu này cho thấy cung cách làm việc của Toà án dị giáo và xua tan những định kiến đã tích tụ từ lâu. Do không thể tiếp cận kho lưu trữ vốn chỉ mới chính thức mở ra cho công chúng từ năm 1998, một vài học giả và sử gia đã đưa ra những luận chứng thiếu nền tảng về mục đích của Giáo Hội trong thời kỳ này.

Đức hồng y Georges Cottier, nhà thần học của phủ giáo hoàng dưới thời Đức Gioan Phaolô II, cho biết: vì chỉ tập trung vào những trường hợp trong đó Giáo Hội hành xử rất khắc nghiệt – như trường hợp kết án Galilê và Giordano Bruno – nên một vài sử gia đi đến kết luận cho rằng Giáo Hội đã dấn mình vào cuộc chiến tệ hại chống lại khoa học. Thật là sai lầm khi nhìn những hoạt động của toà án này như cuộc đấu tranh nhân danh đức tin để chống lại khoa học, trong khi toà án này thực ra chỉ muốn ngăn ngừa việc phổ biến những tư tưởng chịu ảnh hưởng của Thệ phản. Học giả Spruit cũng cho biết Toà án dị giáo không nhằm tấn công khoa học và triết học tự nhiên; đúng hơn một vài cá nhân và tác giả đã bị kết án là về vấn đề nội dung niềm tin tôn giáo của họ.

Cụ thể là trường hợp Nicola Copernicus, nhà khoa học người Ba Lan vào giữa thế kỷ 16, người đầu tiên vào năm 1534 đưa ra giả thuyết về trái đất quay chung quanh mặt trời, lý thuyết khiến Galilê gặp rắc rối sau này. Khi Copernicus đưa ra giả thuyết đó, các nhà kiểm duyệt hầu như không biết đến cho tới khi một người Thệ phản viết về công trình đó, và thế là sách bị liệt vào Mục lục sách cấm. Cho nên Copernicus bị lên án không phải vì chủ trương trái đất quay chung quanh mặt trời, nhưng vì bị cho là theo Thệ phản. Thực vậy, toà án không quan tâm đến những ý tưởng và giải đáp về khoa học ngoại trừ khi những giả thuyết này tác động cách tiêu cực đến tầm nhìn tôn giáo của Giáo Hội về con người.

Vụ xử án đầu tiên và duy nhất liên quan thuần tuý đến khoa học là vụ xử Galilê, và đây quả là một sai lầm lớn. Những tài liệu mới liên quan đến Galilê sẽ được công bố trong cuốn thứ hai của bộ sách, bàn đến thế kỷ 17, hi vọng sẽ ra mắt vào năm 2014.

Theo các tác giả biên soạn bộ sách, dựa vào những tài liệu được công bố, các sử gia sẽ có những đánh giá đúng đắn hơn về lịch sử. Giáo sư Baldini cho rằng chắc chắn Toà án dị giáo đã tạo nên bầu khí sợ hãi và đe doạ, nhưng nếu nói rằng toà án này đã quá áp bức đến độ khoa học không thể phát triển, thì đó là khẳng định phóng đại quá mức. Theo ý kiến của các tác giả biên soạn, phát triển khoa học chủ yếu dựa vào phát triển kinh tế và kỹ thuật chứ không chỉ do những ý kiến mang tính tôn giáo và văn hoá.

Ngoài ra, cho dù Toà án dị giáo vi phạm điều mà ngày nay ta gọi là những quyền căn bản của con người, thì vẫn phải nhìn nhận rằng toà án này đã đem đến tiến trình xử án mới và là nền móng cho tiến trình tố tụng ngày nay. Chính từ toà án này mới có những yếu tố quan trọng như luật sư bào chữa, lời chứng kèm với lời thề, kháng án lên toà cao hơn…

(Theo CNS)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top