Văn hóa ứng xử của người Việt

Văn hóa ứng xử của người Việt

WGPSG -- Nhằm góp phần cải thiện và xây dựng mối tương giao giữa cá nhân và xã hội đang bị xáo trộn, Trung tâm Mục vụ Tổng Giáo phận TP.HCM và Câu lạc bộ Phaolô Nguyễn Văn Bình đã tổ chức một cuộc tọa đàm với đề tài: “Văn hóa ứng xử của người Việt”, tại Hội trường GB Phạm Minh Mẫn, thuộc TTMV TGP TP.HCM, từ 8g00 đến 12g00 ngày thứ Bảy 29.6.2013.

Hiện diện trong buổi tọa đàm có Giám Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp, cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền, cha Đaminh Nguyễn Trọng Viễn, quý cha, quý nữ tu, quý giảng viên, học viên HVMV TGP và Học viện Phaolô Nguyễn Văn Bình. Ba vị thuyết trình viên: TS Thecla Trần Thị Giồng, TS Nguyễn Thị Từ Huy và LS Nguyễn Ngọc Bích.

Sau lời kinh cầu xin Chúa Thánh Thần, các tham dự viên chúc mừng bổn mạng GM Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền và nhà báo Petrus Nguyễn Quốc Thái. Chương trình tiếp tục bằng lời phát biểu của GM Phaolô. Ngài đã dẫn vào đề tài bằng lời của Macxim Gorki: “Hỡi các công dân, văn hóa bị lâm nguy”. Văn hóa phải được phát triển cùng lúc với kinh tế, nếu Việt Nam muốn tiếp tục đi lên phải đổi mới không những về kinh tế mà còn về văn hóa xã hội nữa.

Kế tiếp, TS Từ Huy thuyết trình đề tài: “Cách xưng hô trong trường học và quan hệ ứng xử xã hội ở Việt Nam”. TS Huy so sánh: nước ngoài chỉ có hai ngôi: ngôi I và ngôi II, trong khi xưng hô của Việt Nam rất chi ly. Chẳng hạn, cũng là anh, nhưng anh của cha là bác mà anh của mẹ là cậu… Ngày xưa, ở trường Mẫu giáo, xưng hô cô và em, nay thì cô và con. Từ Tiểu học đến Trung học, Đại học: thầy và em. Nhưng một số giảng viên, dù có người còn trẻ, vẫn gọi sinh viên là con. Quan hệ xã hội biến thành như quan hệ gia đình nên không ý thức được vai trò cá nhân. Xưng ‘tôi’ giúp con người có dịp khẳng định cá tính trong xã hội. Cơ chế xưng hô cũng góp phần hình thành và duy trì cơ chế xã hội. Trước 75, xưng tôi là việc bình thường. Xa hơn, đầu thế kỷ XX, xưng tôi thường hơn. Trong cuộc hội thảo ở CLB Hoa Sen, một số sinh viên xưng tôi thấy ngượng miệng vì giảng viên thấy khó chịu khi sinh viên xưng tôi, nếu 50% hay 100% sinh viên xưng tôi thì sẽ khác đi. Giáo dục xuống cấp cách trầm trọng cũng vì cách xưng hô.

TS Thecla Trần Thị Giồng tiếp nối với phần thuyết trình về “Những cách ứng xử của người thời nay”. Bằng những hình ảnh minh họa và sự tung hứng nhịp nhàng với nữ tu phụ tá, bài nói chuyện sinh động của nữ tu TS Thecla Trần Thị Giồng chia làm ba phần diễn tả những tiêu cực: Hội nhập chưa chuẩn bị khiến lệch hành vi. Xã hội tiêu thụ đưa đến cá nhân chủ nghĩa. Gia đình tam đại đồng đường bị thu nhỏ, phụ nữ phải đi làm không có giờ dạy con. Tình người vô cảm. Ngũ thường vắng bóng. Tứ đức là dĩ vãng xa xăm. Cá lớn nuốt cá bé. ‘Chặt/chém’ từ gia đình, kinh doanh, thi cử, buôn bán… Giới trẻ yêu cuồng sống vội, hút hít… Mỗi phần là một câu hỏi “Tại sao?” Phần cuối là những hình ảnh tích cực về: Hiếu để; Hiếu học; Vươn lên từ nghịch cảnh; Mùa hè xanh; Hành tinh xanh; Tiếp sức mùa thi; Hiến máu; Học bổng; Cứu trợ; Chia sẻ tình người. Sơ đúc kết: Một con én không làm nổi mùa Xuân nhưng cũng làm đẹp một góc trời.

 

Đề tài “Văn hóa ứng xử: Cội nguồn” LS Nguyễn Ngọc Bích thuyết trình. Ông cho rằng văn hóa ứng xử là những hoạt động giao tiếp được tạo nên bởi nhân cách của con người. Hoạt động này bị tác động bởi động cơ và hệ giá trị. Có hệ giá trị của một gia đình, một nhóm người, cơ quan, cộng đồng. Ở mỗi nước hệ giá trị khác nhau: Mỹ, có sáu giá trị. Nhật, có mười một giá trị, Philippines có chín giá trị. Riêng ở VN, ứng xử văn hóa của ta chưa được rõ ràng lắm, mỗi thế hệ lại có giá trị riêng và khác nhau. Ngoài ra, trải qua nhiều biến đổi về chính trị và kinh tế, các hệ giá trị đan xen nhau khiến văn hóa ứng xử của ta cũng thiên hình vạn trạng, tốt ít xấu nhiều. May mắn là người Công giáo chúng ta có một hệ giá trị gồm các nhân đức mà được định nghĩa là một xu hướng thường xuyên và kiên trì để làm điều thiện. Như lời thánh Giacôbê: “Đức Tin không có việc làm là đức tin chết”. Chúng ta hãy cùng hành động để đem lại lợi ích cho Giáo hội và xã hội.

Sau một giờ đồng hồ dành cho phần thảo luận rất sôi nổi với những ý kiến phản bác và đồng thuận đan xen với nhau, Cha Đaminh Nguyễn Trọng Viễn đã đúc kết: Nữ tu Giồng đã cho thấy rõ thực trạng đau lòng trong xã hội chúng ta quá nhiều hành động không có giá trị đọng lại. Đau lòng nhưng hài lòng vì chúng ta được chia sẻ với đất nước trong lúc khó khăn. Với LS Bích, đất nước rơi vào băng hoại vì cái tốt ít, cái xấu trở nên bình thường. Kinh tế xã hội của chúng ta quá chú ý đến thành tích, nên những điều đó đã nhồi nhét vào các chiến sĩ thi đua tạo nên những khủng hoảng giá trị. TS Huy đã cho chúng ta phương thức truyền đạt giá trị. Vấn đề xưng hô có yếu tố tinh thần sâu xa. Kính trọng không phải là khúm núm. Mỗi con người là một nhân vị, một phẩm giá riêng không nên đe nẹt nhau. Nhân bản Kitô giáo cần có dịp phát triển, mong rằng sẽ có một buổi tọa đàm khác về văn hóa ứng xử của tôn giáo.

Buổi tọa đàm đã kết thúc bằng bài hát Kinh Hòa Bình bất hủ của thánh Phanxicô.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top