Sứ vụ và hoạt động của Hội đồng Toà Thánh về Văn hóa
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho Vatican News, Đức Hồng y Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Toà Thánh về Văn hóa đã nói rõ về mọi khía cạnh của Hội đồng này.
Phương thức và mục tiêu hoạt động
Buổi họp của Hội đồng Toà Thánh về Văn hoá
Trước hết về mục tiêu và phương thức hoạt động, Đức Hồng y cho biết, Hội đồng Toà Thánh về Văn hóa có nguồn gốc từ Ban Thư ký dành cho những người chưa tin vào Chúa do thánh Giáo hoàng Phaolô VI thành lập năm 1965 để tiếp nhận di sản của Công đồng Vatican II - tạo ra một cuộc đối thoại cởi mở và sáng tạo với thế giới đa dạng của văn hóa đương đại.
Ban Thư ký dành cho những người chưa tin vào Chúa đã thiết lập một loạt các cơ quan đối thoại của Toà Thánh theo ý tưởng của thánh Giáo hoàng Phaolô VI, muốn ôm trọn toàn thể nhân loại: các Giáo hội và các cộng đoàn Kitô hữu, các tín đồ của các tôn giáo khác và cuối cùng là những người thiện chí không thuộc một tôn giáo cụ thể. Tuy nhiên, trong bối cảnh chiến tranh lạnh, đối thoại với những người chưa tin thường bị ảnh hưởng bởi sự hiện diện mạnh mẽ của các chế độ, trong đó ý thức hệ duy vật chiếm ưu thế. Do đó, Ban Thư ký đã được thúc đẩy hướng tới văn hóa như một lĩnh vực đối thoại với những người chưa tin.
Được bầu chọn vào năm 1978, thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã mang theo sự quan tâm đặc biệt đối với nhân học và văn hóa, vì thế, vào năm 1982, ngài đã thành lập Hội đồng Toà Thánh về Văn hóa. Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, Ban Thư ký dành cho những người chưa tin đã được thánh Giáo hoàng đưa vào Hội đồng Toà Thánh về Văn hóa. Mục tiêu của Hội đồng là đề xuất sứ điệp Tin Mừng cho các nền văn hóa, và thúc đẩy sự hội nhập văn hóa của Tin Mừng trong các xã hội đương đại, ngay cả trong các xã hội đã bị tục hóa, để sứ điệp Kitô có thể hiểu và mang lại ý nghĩa.
Về phương thức hoạt động: Phương thức hoạt động của Hội đồng đã và đang thực hiện là đối thoại, được thể hiện bằng hình ảnh một cây cầu nối hai bờ, và cho phép cả hai, tiếng nói của Giáo hội và của Kitô giáo được lắng nghe trong các môi trường văn hóa, cũng như tiếng nói của xã hội đương đại được lắng nghe trong lòng Giáo hội.
Ý nghĩa kinh nghiệm các cuộc gặp gỡ giữa Tin Mừng và các nền văn hoá
Tòa Thánh tại Hội chợ triển lãm Bắc Kinh 2019
Trong những thập kỷ gần đây, Hội đồng đã có thể tạo ra một mạng lưới các tương quan, chủ yếu là với các tổ chức “thế tục” và không Công giáo, cho phép Hội đồng có thể thực hiện nhiều sáng kiến trong nhiều lĩnh vực. Điều này thực hiện được vì sự hiện diện của Hội đồng không phát sinh như một thực tế xuất phát từ trên cao hoặc tách biệt. Đúng hơn, đó là một kiểu gần gũi mang bản sắc riêng, đồng hành với người đương thời, chia sẻ những thắc mắc và kỳ vọng, niềm vui và hy vọng, đau khổ và lo âu. Đó là một sự hiện diện kín đáo nhưng sâu sắc. Ví dụ, ý nghĩa của gian hàng Tòa Thánh trong một Hội chợ triển lãm ở Milan vào năm 2015 hoặc ở Bắc Kinh vào năm 2019, hoặc hiện nay ở Dubai. Ở các hội chợ này, gian hàng của Tòa Thánh luôn là một trong những gian hàng được ghé thăm nhiều nhất, mặc dù quy mô nhỏ.
Các nghiên cứu được thực hiện trong lĩnh vực công nghệ, khoa học và văn hóa kỹ thuật số cũng có tác động lớn. Do đó, ngay cả trong những môi trường tục hóa cao, qua nghệ thuật, khoa học và suy tư, một cửa sổ hướng tới siêu việt có thể được mở ra. Cách tiếp cận này không thay thế cho việc truyền giáo trực tiếp, nhưng phát triển một mảnh đất màu mỡ cho đối thoại và trao đổi về hoà bình, không xung đột, định kiến và cực đoan.
Tiêu chí hoạt động
Đối với tiêu chí hoạt động, Đức Hồng y Chủ tịch Hội đồng cho biết: Không như các cơ quan khác của Toà Thánh, các hoạt động có liên quan đến mục vụ, hành chính và lập pháp, Hội đồng Toà Thánh về Văn hóa là một trong những thực thể mang tính bổ sung. Hoạt động của Hội đồng diễn ra theo nhiều sáng kiến, chủ yếu được thực hiện với sự cộng tác của các cơ quan và tổ chức khác, thường là một tổ chức “thế tục”. Do đó, sự sáng tạo được Hội đồng thực hiện là đồng hành, tìm kiếm đối tác và nhà tài trợ. Điều này được thực hiện cả trong thế giới kinh tế - tài chính, nhưng luôn đảm bảo sự chặt chẽ, minh bạch và tiết kiệm. Chính nhờ những quan hệ đối tác này mà Hội đồng có thể thực hiện nhiều sáng kiến nhưng không tạo gánh nặng hành chính cho Tòa Thánh.
“Sân của dân ngoại” (Cortile dei Gentili)
Đến thời Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI, trong giai đoạn này, ý tưởng về “Sân của dân ngoại” (Cortile dei Gentili) đã được Đức nguyên Giáo hoàng Biển Đức XVI đề xuất trong một bài phát biểu nổi tiếng dịp Giáng sinh trước Giáo triều vào năm 2009. Trực giác của ngài đã được đón nhận như một chỉ dẫn cho Hội đồng Toà Thánh, có nhiệm vụ đối thoại với những người chưa tin, mang lại động lực mới.
Kể từ đó, “Sân” đã được chuyển đổi thành một Tổ chức duy trì tinh thần đó qua nhiều sáng kiến đối thoại. Có hàng chục “Sân” đã được thực hiện hoặc đang được lên kế hoạch, nhằm thúc đẩy các cuộc đối thoại, các sự kiện và hoạt động về các chủ đề lớn liên quan đến sự hiện hữu của con người, hoặc về các khía cạnh văn hóa, từ kinh tế đến chính trị, từ ngoại giao đến khoa học, từ nhà tù đến công lý, từ thời trang đến báo chí, v.v. Trong đó, có một số sự kiện ở mức độ so sánh cao, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học và triết học, những sự kiện khác phổ biến hơn và diễn ra ở nhiều thủ đô của các châu lục. Cho đến nay, cơ cấu này cho phép Hội đồng tiếp xúc nhiều hơn với những chân trời “xa xôi” và làm được như vậy nhờ sự sáng tạo không ngừng. Hội đồng cũng có một lợi thế của một Hội đồng Khoa học bao gồm các nhân vật nổi tiếng trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ, với một loạt các sự kiện ấn tượng và các văn bản nghiên cứu và phân tích văn hóa xã hội.
Vai trò của phụ nữ và người trẻ trong Hội đồng
Đức Hồng y Chủ tịch và một phụ nữ của Hội đồng
Liên quan đến vai trò của phụ nữ trong Hội đồng, là điều đang được Đức Thánh Cha quan tâm, Đức Hồng y cho biết: Nhóm tham vấn nữ giới được thành lập đầu tiên và ra đời từ nhận xét rằng trong Hội đồng Toà Thánh về Văn hoá, và trong Giáo triều nói chung, không có nhiều tiếng nói phụ nữ đủ tầm mức để có thể đưa ra quan điểm của họ về các vấn đề mà mọi người đang quan tâm. Do đó, đây không phải là một cơ cấu dành riêng cho các vấn đề của phụ nữ, nhưng là tìm kiếm quan điểm của phụ nữ trong tất cả các hoạt động của Hội đồng.
Về người trẻ: Gần đây, Diễn đàn Thanh niên bắt đầu từ một tiền đề tương tự: Diễn đàn không phải là một ủy ban gồm các chuyên gia hướng dẫn hoặc thực hiện các phân tích liên quan đến thế hệ trẻ, nhưng ngược lại, đó là một lời mời dành cho một nhóm thanh niên thuộc các nguồn gốc khác nhau, tin hay không, để họ đưa ra quan điểm của họ, ngay cả khi chưa hoàn hảo hoặc đang hình thành, nhưng vừa sáng tạo vừa có nguồn cội, về những câu hỏi lớn của sự hiện hữu, vốn là cốt lõi sâu xa nhất của mọi kinh nghiệm con người: mầu nhiệm của sự sống và cái chết, ý nghĩa của sự tồn tại, vẻ đẹp, công việc, tình yêu và tình bạn, v.v. Đây cũng là một cách để hiểu các nền văn hóa giới trẻ sống với sự nhạy cảm của họ. Việc điều hành các nhóm này không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng đó là một sự mạo hiểm tích cực nếu chúng ta thực sự muốn có sự đánh giá và xác minh từ bên ngoài và tự do về các hoạt động của Hội đồng.
Hiệp hội vận động viên Vatican “Athletica Vaticana”
Vận động viên Vatican “Athletica Vaticana”
Câu hỏi cuối cùng được Vatican News đưa ra liên quan đến Hiệp hội vận động viên Vatican “Athletica Vaticana”, thuộc Hội đồng Toà Thánh về Văn hoá. Đức Hồng y Gianfranco Ravasi nhấn mạnh rằng, thể thao là một trong những hiện tượng đặc trưng nhất của nền văn hóa chúng ta. Các sự kiện thể thao lớn là những nghi lễ lớn, gần như những nghi lễ quy tụ đám đông và có thể trải nghiệm một loại điệp khúc hợp xướng và vui mừng lễ hội. Thể thao cũng là nguồn gốc của sử thi và hình mẫu truyền cảm hứng cho xã hội. Theo nghĩa này, một lối tiếp cận không chỉ về mục vụ mà còn cả về văn hóa và đạo đức đối với hiện tượng thể thao là cần thiết.
Điều này đã được Hội đồng chuyển thành nhiều sáng kiến và tận dụng các mối quan hệ với các tổ chức thể thao quốc tế. Sau đó Hiệp hội thể thao được sinh ra dưới sự bảo trợ của Hội đồng, ngay cả khi nó là một thực thể độc lập: đây là câu lạc bộ thể thao thực chất đầu tiên của Vatican, rõ ràng không phải để giành huy chương và giải thưởng thể thao, nhưng để thể hiện một cách cụ thể và đơn giản những giá trị cụ thể và lối sống của thực tại nhỏ bé này (Vatican), nhưng qua tiếng nói của Đức Giáo Hoàng, nó mang ý nghĩa phổ quát. Lòng yêu mến đặc biệt được thực thể nhỏ bé này chào đón là một bằng chứng cho thấy sự cần thiết của các hình thức thể thao mới, với sự quan tâm nhiều hơn đến các giá trị và chiều kích giáo dục, văn hóa và tinh thần hơn là chiều kích kinh tế và lợi nhuận, đồng thời chống lại sự thoái hóa tiềm ẩn trong thế giới thể thao.
Nguồn: Vatican News
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha: Cách đối xử với người nghèo là thước đo của nền văn minh
-
Cánh cửa tinh thần và hơi thở Thánh Linh: Giáo huấn của Hội Thánh trong mục vụ văn hóa, văn học nghệ thuật -
Giới thiệu Thư viện Hội đồng Giám mục Việt Nam -
Phỏng vấn Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết - Một trong những nhà sưu tập cổ vật hàng đầu Việt Nam -
Bộ sưu tập hướng đến 400 năm Văn học Công giáo Việt Nam (1632-2032) -
Định hướng văn học trong mục vụ truyền giáo thời đầu tại Việt Nam -
Tủ Sách Nước Mặn: Những tác giả văn thơ cần in sách -
Léopold Michel Cadière 1869-1955 -
Ban Mục vụ Văn hóa TGP Sài Gòn: thông báo hai cuộc trưng bày các hiện vật cổ -
Những đóng góp của Kitô giáo Việt Nam cho nền văn hóa và văn học dân tộc
bài liên quan đọc nhiều
- Toàn cầu hóa: cơ hội và thách đố của giới trẻ ngày nay
-
Văn hóa, văn minh -
Ban Mục vụ Văn hóa TGP Sài Gòn: thông báo hai cuộc trưng bày các hiện vật cổ -
Những đóng góp của Kitô giáo Việt Nam cho nền văn hóa và văn học dân tộc -
Giới thiệu Thư viện Hội đồng Giám mục Việt Nam -
Phỏng vấn Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết - Một trong những nhà sưu tập cổ vật hàng đầu Việt Nam -
Giáo hội Công Giáo dấn thân trong sứ mạng Giáo dục -
Bộ sưu tập hướng đến 400 năm Văn học Công giáo Việt Nam (1632-2032) -
Trương Vĩnh Ký - Thầy dạy chữ quốc ngữ đầu tiên -
Léopold Michel Cadière 1869-1955