Văn hóa phong bì
Ngày còn bé, nghe người ta hay nói, hay bàn tán về chiếc phong bì. Nghe thì nghe nhưng chẳng hiểu công lực của chiếc phong bì là như thế nào. Càng ngày, càng lớn và đặc biệt là mỗi khi có việc gì đó giao tiếp thì thấy “thần lực” của chiếc phong bì mạnh là dường bao.
Lần nọ, vào trung tâm xét nghiệm y khoa lớn nhất của thành phố. Một người kia có thể theo thói quen của văn hóa phong bì để rồi sau khi được một người quen chỉ dẫn dúi chiếc phong bì vào tay người nhân viên y tế. Nhân viên ấy cảm thấy khó chịu với hành động ấy và phản ứng mạnh đó là không nhận chiếc phong bì ấy. Nhân viên y tế ấy nhắn nhủ với tôi rằng lần sau đừng gửi những người ấy vì lẽ cô ta không đi giúp để đi tìm chiếc phong bì sau khi giúp.
Chuyện mới xảy ra, thật cũng như đùa. Xảy ra tại một bệnh viện chuyên khoa cũng lớn nhất thành phố này. Chú em quê tận Quãng Ngãi mù mờ vào bệnh viện. Cũng nhờ người quen hướng dẫn thủ tục khám chữa bệnh cho mau chóng. Trước khi rời bệnh viện, chú em lại dấm dúi phong bì cho người hướng dẫn và người hướng dẫn lại từ chối. Chiều đến, người hướng dẫn kể lại câu chuyện phong bì thật là vui. Nhà quê lên tỉnh nhưng có lẽ đi đâu cũng phong bì phong bì để rồi chú em cũng phải hoàn tất cái thủ tục lạ đời ấy như bao người khác.
Thật ra mà nói nhìn chiếc phong bì bên trong có những tờ giấy xanh xanh đỏ đỏ mà nhất là xanh đọt chuối nhạt nhạt thì ai mà chẳng thích. Nó mỏng mỏng, mang màu xanh đọt chuối vô tri vô giác ấy nhưng nó có một sức mạnh cực lớn. Nó làm cho con người ta nhiều lần nhiều lúc phải cân não là nhận nó hay không nhận nó. Nhận nó với sức lao động chân chính hay nhận nó vì lý do này lý do nọ.
Mới đây, vào thăm chú em nằm ở bệnh viện nọ. Gia đình của chú em cho biết là chú em vừa qua cơn cấp cứu nguy kịch. Vì có người làm trong bệnh viện ấy nên gia đình mới được biết một bác sĩ làm ở phòng cấp cứu của bệnh viện ấy quần quật cả ngày mà bảng lương cuối tháng hiện lên được bốn triệu rưỡi !
Nghe sao mà chua xót quá. Bao nhiêu năm trời ròng rã để đi tìm con chữ mà đặc biệt là con chữ của ngành Y thì không cần nói nhiều ai cũng biết cực khó để rồi nhận lại những đồng lương quá bèo. Đứng trước hoàn cảnh như vậy, người lương y một lần nữa phải giằng co giữa đồng lương chính thức và những phong bì từ tay gia đình bệnh nhân.
Một chuyện hết sức lạ lùng, hình như chẳng ai bảo ai cả cứ mỗi lần đặt chân vào bệnh viện là phải tìm cho bằng được bác sĩ điều trị và y tá đang chăm sóc cùng hộ lý đang phục vụ. Tìm những người ấy để gửi chiếc phong bì nho nhỏ như “thay lời muốn nói” cho bệnh nhân và gia đình của họ.
Cũng với thói quen nghịch lý ấy. Gia đình bệnh nhân nọ cố tìm cho bằng được địa chỉ của bác sĩ đang điều trị cho người nhà để mong được xếp hàng gửi gấm chiếc phong bì nho nhỏ cho bác sĩ ấy.
Với đồng lương vô cùng nghịch lý như vậy phải nói rằng thật khó mà giữ mình “từ mẫu” của những lương y tâm huyết. Bốn triệu rưỡi có lẽ chưa đủ để lo cho bản thân của vị bác sĩ ấy chứ đừng nói gì đến nuôi vợ dưỡng con. Thật sự mà nói thì khó có vị nào can đảm nói tiếng “không” trước những chiếc phong bì đầy sức mạnh.
Chẳng phải vào bệnh viện mới gặp văn hóa phong bì nhưng hình như đi đâu cũng vậy, đặc biệt là đến các cửa quan.
Cứ thử hỏi những ai “gặp may” khi nghe được tiếng tuýt còi của chú cảnh sát đứng đường thì sẽ rõ. Rõ hơn nữa với những người chạy xe đời mới và chạy xe đường dài. Người bị thổi sẽ phải làm gì cho người thổi thì chỉ có hai người đó biết. Nếu không có thủ tục “đầu tiên” ấy thì khó lòng cho xe di chuyển tiếp.
Mới đây thôi, hai mẹ con nhà nọ bồng bế vào sân bay trở về “đất khách quê người”. Nhân viên sân bay ra giá thẳng “10 đô nhé ! Tính mình chị chứ không tính thằng nhỏ đó !”. Câu nói như ban bố ân huệ, như bớt chút đỉnh làm quà. Lẽ ra phải lấy thêm phần thằng nhóc 5 đô nhưng sáng sớm mở hàng hạ giá cho !
Ai đã một lần qua cửa khẩu sẽ hiểu rõ hơn chuyện này chứ không cần phải đi xâu hơn nữa.
Cũng thông cảm thôi vì lẽ để được vào cái chân “đứng đường” như những chú áo vàng lang thang ngoài đường phố dù nắng dù mưa hay “đứng cổng” như những chú áo xanh dù nóng dù lạnh trong sân bay đâu phải là chuyện đơn giản. Để có cái chân đứng đó họ phải đầu tư trước với một cái giá không phải là rẻ để rồi từ ngày được vào cái chân đó họ phải tìm đủ mọi cách lấy lại “vốn”.
Bệnh viện cũng thế thôi ! Nạp đơn là một chuyện, được một chân đứng vào đó là chuyện khác. Những bác sĩ đã từng nộp đơn xin việc sẽ rõ hơn ai hết. Xin vào rồi nhưng lại nhận một mức lương quá khiêm tốn như vậy thì bác sĩ làm sao thoát được lòng trắc ẩn trước những chiếc phong bì của gia đình bệnh nhân.
Thật ra mà nói thì không nên vơ đũa cả nắm ! Trong đầm lầy nặng bóng chiếc phong bì vẫn còn đó những tâm hồn hết sức đẹp là giúp bệnh nhân, giúp người nghèo một cách vô tư và hoàn toàn vô vị lợi. Những tâm hồn ấy hết sức đẹp khi ý thức được phận người và ý thức được họ sinh ra để phục vụ anh chị em đồng loại để rồi họ không mong nhận gì hơn.
Khi và chỉ khi người ta trả lương, trả thù lao đúng với công việc họ làm và đảm bảo mức sống tối thiểu cho họ thì may ra khi ấy chiếc phong bì mới không xuất hiện nữa.
Người viết vẫn mơ một ngày nào đó vào bệnh viện, đến cửa quan, ra ngoài đường, vào sân bay không thấy cảnh dấm dúi phong bì, dấm dúi những tờ giấy bạc. Mơ thì vẫn là mơ nhưng ngày ấy thật khó đến khi mà văn hóa phong bì đã in đậm vào nền văn hóa nặng cơ chế xin cho, chờ đợi và đặc biệt là “nhất thân nhì thế”.
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha: Cách đối xử với người nghèo là thước đo của nền văn minh
-
Cánh cửa tinh thần và hơi thở Thánh Linh: Giáo huấn của Hội Thánh trong mục vụ văn hóa, văn học nghệ thuật -
Giới thiệu Thư viện Hội đồng Giám mục Việt Nam -
Phỏng vấn Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết - Một trong những nhà sưu tập cổ vật hàng đầu Việt Nam -
Bộ sưu tập hướng đến 400 năm Văn học Công giáo Việt Nam (1632-2032) -
Sứ vụ và hoạt động của Hội đồng Toà Thánh về Văn hóa -
Định hướng văn học trong mục vụ truyền giáo thời đầu tại Việt Nam -
Tủ Sách Nước Mặn: Những tác giả văn thơ cần in sách -
Léopold Michel Cadière 1869-1955 -
Ban Mục vụ Văn hóa TGP Sài Gòn: thông báo hai cuộc trưng bày các hiện vật cổ
bài liên quan đọc nhiều
- Toàn cầu hóa: cơ hội và thách đố của giới trẻ ngày nay
-
Văn hóa, văn minh -
Ban Mục vụ Văn hóa TGP Sài Gòn: thông báo hai cuộc trưng bày các hiện vật cổ -
Những đóng góp của Kitô giáo Việt Nam cho nền văn hóa và văn học dân tộc -
Giới thiệu Thư viện Hội đồng Giám mục Việt Nam -
Phỏng vấn Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết - Một trong những nhà sưu tập cổ vật hàng đầu Việt Nam -
Giáo hội Công Giáo dấn thân trong sứ mạng Giáo dục -
Bộ sưu tập hướng đến 400 năm Văn học Công giáo Việt Nam (1632-2032) -
Trương Vĩnh Ký - Thầy dạy chữ quốc ngữ đầu tiên -
Léopold Michel Cadière 1869-1955