Vai trò của tôn giáo trong sứ mạng phục hồi nhân bản
Bài nói chuyện của Đạo Huynh Thiện Chí tại Hội trường Cơ Quan Phổ Thông Giáo lý Đại Đạo (171 B Cống Quỳnh - Quận I), nhân lễ Kỷ niệm Khánh đản Đức Thái Thượng Đạo Tổ, ngày 15-2-Tân Mão, tức 19-3-2011.
Xưa nay, người đời thường cho rằng tôn giáo là những hệ thống tín ngưỡng hay giáo thuyết chỉ dạy tín hữu sùng bái thần linh hay Trời Phật, gây ra mặc cảm tội lỗi, hoặc kỳ vọng hoang đường. Đó là hậu quả lối tu mê tín, không tự tin vào khả năng tự hữu để hoàn thiện bản thân và tìm thấy hạnh phúc đời mình.
Thật ra, các bậc giáo tổ là những vị đã trải nghiệm chân lý về chân giá trị của con người. Đức tin của các đấng ấy là sự khám phá những nguyên lý tương quan, tương đồng giữa con người và thiên nhiên trời đất. Và hơn nữa, trực nhận chân lý phổ quát nhất không ở đâu xa ngoài nhân thân, vì nhân thân chính là tiểu vũ trụ có giá trị “tối linh” giữa muôn loài vạn vật.
Đạo Đức Kinh, Ch. 33, có viết:
“Tri nhân giả trí, tự tri giả minh;
Thắng nhân hữu lực,
Tự thắng giả cường.
Tri túc giả phú; cường hành giả hữu chí.
Bất thất kỳ sở giả cửu,
Tử nhi bất vong giả thọ.”
Nghĩa:
Biết người là khôn, biết mình là sáng.
Thắng người là kẻ có sức, tự thắng là kẻ mạnh.
Biết đủ là giàu, cố gắng là người có chí.
Không đánh mất điểm tựa, sẽ vững bền.
Chết mà không hết, thế là thọ.
Xem ra, lý tưởng Nhân bản đã được đức Lão Tử, là một hóa thân của Đức Thái Thượng Lão Quân, nêu lên cách đây hơn 2.500 năm.
Giáo lý các tôn giáo ra đời trong thời đó hoặc sau này đều có phần nhập thế và xuất thế. Người chưa hiểu đạo, trong phần nhập thế thì đi tìm những lý thuyết viễn vong, bỏ hình theo bóng; phần xuất thế lại mê tín dị đoan, không tìm thấy con đường tiến hóa tâm linh đích thực. Nào hay đâu chiếc chìa khóa giải quyết cuộc đời và mở cửa đạo đã có sẵn trong chính con người mình. Đó là cái “kỳ sở” mà Đức Lão Tử viết trong câu “bất thất kỳ sở giả cửu”, cái điểm tựa bền chặt mãi, tức Nhân bản, chỉ có con người sáng suốt, giác ngộ, mới biết phát huy đầy đủ nhân tính từ đó để sống đúng giá trị con người đích thật, con người đúng nghĩa. Ngược lại là tự đánh mất “gốc người” của mình.
Vậy làm sao phục hồi Nhân bản?
Là những người có tín ngưỡng, chúng ta hãy thử tìm chiếc chìa khóa Nhân bản trong các tôn giáo.
Thời đại của chúng ta là thời đại văn minh hết sức rực rỡ. Đáng lẽ từ khi loài người tiến hóa thành homo sapiens đến bây giờ, toàn thế giới phải đang được tận hưởng trong hòa bình những thành quả của nền văn minh có lịch sử hằng triệu năm này.
Nhưng nghịch lý thay, con người vừa đang sống với những tiện nghi hiện đại, lại vừa dùng những phương tiện hiện đại khác để tàn sát lẫn nhau ! Càng khốc liệt hơn nữa, có những cuộc tàn sát đến mức diệt chủng!
Hình như các giáo chủ đã tiên đoán những ác nghiệp do tâm địa của con người, nên từ Thượng cổ, tôn giáo đã ra đời. Đến Trung cổ nhiều tôn giáo với những giáo thuyết cao siêu hay thực tiễn, tiếp tục giáo hóa nhân sanh làm người chân chính. Nhưng cái gì vào tay con người một thời gian rồi cũng bị biến đổi, nhiều thành phần tín đồ dần dần đánh mất chơn truyền. Giữa các giáo phái đã xảy ra kỳ thị đến mức hận thù và chiến tranh!
Thế nên, người ta lại cảm thấy lo ngại vai trò của tôn giáo; người cực đoan thì bài xích thẳng thừng, kẻ ôn hòa chỉ muốn làm người “ngọai đạo”. Không thỏa mãn với những tôn giáo truyền thống, xã hội nảy sinh ngày càng nhiều giáo phái. Xét ra mỗi giáo phái là một biểu hiện phức tạp của tâm thức con người: cuồng tín, thác loạn, cực đoan, bất mãn, tuyệt vọng . . .
Đứng trước thảm trạng trên, nhiều chủ thuyết ra đời, muốn nêu lên một lý tưởng chung cho nhân thế. Đối với tôn giáo, có những đề xuất xây dựng một tôn giáo duy nhất đáp ứng khát vọng mọi dân tộc về đời sống xã hội an lạc và đời sống tâm linh cao đẹp.
Đại sư Vivekananda (1), nhà hiền triết Ấn Độ nổi tiếng với triết lý Venanda, chủ trương thực hiện một tôn giáo phổ quát cho toàn nhân loại: “Sống đạo là trải nghiệm Chân lý siêu việt chung cho toàn nhân loại” (2).
Gần đây Đức Đạt Lai Lạt Ma lại có một phát biểu “phá chấp” hơn nữa:
“Tôi tin tưởng rằng, ở mọi tầng lớp xã hội, trong mọi gia đình, quốc gia hay cộng đồng quốc tế, chiếc chìa khóa mở ra một thế giới tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn là tấm lòng trắc ẩn sâu xa của con người. Không nhất thiết phải thuộc về tín ngưỡng hay niềm tin vào một ý thức hệ để có được tấm lòng ấy. Điều quan trọng là phát huy tính nhân bản càng sâu rộng càng tốt .” (3)
Thật ra triết lý của các nhà hiền triết trên, xét cho cùng là sự đề xuất một cuộc vận động phục hưng những giá trị nhân bản chơn truyền của các tôn giáo lớn trước đây.
Bước vào Kỷ nguyên Tam Kỳ Phổ Độ của Đại Đạo, Đức Thượng Đế khai sáng Đạo Cao Đài chính là nhắm vào cứu cánh Nhân Bản đó, như thánh ngôn của Đức Thái Thượng Đạo Tổ mà toàn đạo đang cử hành đại lễ Kỷ niệm Khánh đản của Ngài vào ngày hôm nay:
“Chư môn sanh hiện tại là hình bóng của người đã qua. Tất cả đều Thiên ân sứ mạng, tùy tài đức tùy khả năng mà sử dụng. Không vì có muôn xe sản nghiệp, hoặc lão thông kinh điển ngàn pho mới thực hiện được đạo lý để độ đời, cũng không bởi chất phát thật thà, ít oi mà mặc cảm là không hành được cái đạo. Đã học đạo, hành đạo, tất biết đạo hằng có trong vạn vật. Vạn vật sinh tồn trong lý đạo. Những phương pháp, phương châm, bí quyết để con người được biết rõ chính mình và biết sống trong lý đạo để bảo trì nhân bản trên xã hội nhân loại này đều tóm vào một ý nghĩa của mùa xuân, bởi xuân là mùa lập lại qua cuộc sanh trưởng thâu tàng, biết hòa dịu để lưu hành trưởng dưỡng.” (4)
I. GIÁ TRỊ NHÂN BẢN CỦA CÁC ĐẠO GIÁO
A- ĐẠO LÃO
Trước hết, xin giới thiệu tính nhân văn của Đạo Lão qua Đạo Đức Kinh (ĐĐK) của Đức Lão Tử.
Đạo Đức Kinh là một học thuyết triết học mà các học giả kim cổ Đông Tây đều rất bái phục về vũ trụ luận và đạo đức luận. Đặc điểm của học thuyết là không đề cập các giáo điều hay tín ngưỡng, mà chủ yếu dạy cho con người lối sống tự chủ phù hợp với qui luật vũ trụ. Tính tích cực của Đạo Đức Kinh là ứng dụng các nguyên lý vận hành của Đạo (vũ trụ) để phát huy thành Đức, tức là thực hành các nguyên tắc trị thân (cá nhân con người) và trị thế (xã hội nhân lọai).
ĐĐK khẳng định Con người là một chủ thể lớn trong trời đất, trong đó mối tương quan giữa người với trời đất là cái Đạo Tự Nhiên: “Cố đạo đại, thiên đại, địa đại, nhân diệc đại. Vực trung hữu tứ đại, nhi nhân cư kỳ nhất yên. Nhân pháp địa, địa pháp thiên, thiên pháp đạo, đạo pháp tự nhiên.” (ĐĐK. Ch. 25) (Cho nên đạo lớn, trời lớn, đất lớn, người cũng lớn. Trong vũ trụ có bốn cái lớn mà người là một. Người bắt chước đất, đất bắt chước trời, trời bắt chước đạo, đạo bắt chước tự nhiên. – Nguyễn Hiến Lê [NHL] dịch)
Lão Tử chú trọng cách xử thế vô tư , hòa hợp, bao dung với mọi người: “ Thánh nhân vô thường tâm, dĩ bách tính tâm vi tâm. Thiện giả ngô thiện chi, bất thiện giả ngô diệc thiện chi, đức thiện. Tín giả ngô tín chi, bất tín giả ngô diệc tín chi, đức tín.” (ĐĐK. Ch. 49) (Thánh nhân không có thành kiến, lấy lòng thiên hạ làm lòng mình. Thánh nhân tốt với người tốt, tốt cả với người không tốt, nhờ vậy mà mọi người đều hóa ra tốt; tin người đáng tin mà tin cả những người không đáng tin, nhờ vậy mà mọi người đều hóa ra đáng tin._NHL.dịch)
B- ĐẠO PHẬT
Đạo Phật thường nhắc đến tuyên ngôn bất hủ của Đức Thế Tôn Thích Ca: “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn”. Nếu hiểu đó là câu nói tự tôn của Ngài thì thật là sai lầm. Cái “ngã” ở đây chính là “con người lớn” mà Đức Lão Tử đã đề cập. Đó là con người đang mang cái Đạo nội tại, là bất cứ ai làm người đều là một chủ thể đáng được đề cao, suy tôn; là đối tượng cần phải chú trọng phát huy bản thể tức là khả năng tự tiến hóa và tác động vào cuộc tiến hóa của mọi người. Nói cách khác, “cái ngã độc tôn” là đầu mối duy nhất để phăng ra chân lý tự do tự chủ của con người trong trời đất.
Chỉ với một câu nói đó cũng đủ xác định giá trị nhân văn của Phật đạo.
C- ĐẠO KHỔNG
Tính nhân văn rõ nét hơn cả đạo Lão và đạo Phật, đạo Khổng khiến chúng ta có cảm nhận rất gần gũi với con người trong đời sống thực tiễn. Rốt ráo nhất là lý luận về đức Nhân trong sách Luận Ngữ.
Luận Ngữ IV, 02: “ Nhân giả an nhân, trí giả lợi nhân” (Người có đức nhân vui lòng làm điều nhân, người thông minh sáng suốt biết rằng đức nhân có lợi cho mình và cho người nên làm điều nhân.- NHL dịch)
Luận Ngữ X, 08 “Chí sĩ nhân nhân, vô cầu sinh dĩ hại nhân, hữu sát thân dĩ thành nhân.” (Người sĩ có chí và người có đức nhân không cầu sống mà làm hại điều nhân, mà có khi hi sinh tính mạng để làm điều nhân.- NHL dich)
Nghiên cứu học thuyết nhân văn Nho giáo cổ điển, giáo sư Đỗ Duy Minh đại học Haward viết:
“. . .Khổng Tử tìm thấy Đạo trong các tiềm năng nội tại của con người được định nghĩa từ góc độ vũ trụ nhân sinh luận. . . .Sự tập trung vào tính chất quan trong hàng đầu và tính đa diện phong phú của khái niệm NHÂN 仁 trong Luận Ngữ là một biến cố vĩ đại trong vũ trụ biểu tượng của tư duy Trung Quốc thời cổ [...]. Niềm tin của Khổng Tử vào khả năng hoàn thiện (perfectibility) trong bản tính nhân lọai thông qua sự tự nổ lực, như một câu trả lời cho những khuynh hướng phi nhân trong thời đại lịch sử đang bủa vây ông. Niềm tin đó hướng dẫn toàn bộ năng lực của ông vào việc chuyển hóa thế giới nhân lọai từ bên trong. Thái độ tập trung này đạt căn bản trên niềm xác tín rằng giá trị tối hậu của tồn tại nhân sinh nằm kề sát bên cạnh con người và ước muốn đạt đến nhân tính sẽ dẫn đến sức mạnh cần thiết cho việc hiện thực hóa. ” (5)
D- ĐẠO THIÊN CHÚA
Mặc dầu khác hơn Nho Thích Lão (mà giáo thuyết được đánh giá là những học thuyết triết học hơn là tôn giáo độc thần hay đa thần), đạo Thiên Chúa vẫn có tính nhân văn rất sâu sắc: đề cao con người vì con người và Chúa là một, con người là phản ảnh của Thiên Chúa.
Thánh Paul đã viết: "Anh em chẳng biết thân xác anh em là đền thờ Chúa Thánh Linh, đấng ngự trong anh em sao?" (6)
Thánh Augustine viết trong tập Tự Thú: "Con đã tìm Chúa ở ngoài con, nên đã không gặp Chúa của lòng con." (7)
II. SỨ MẠNG PHỤC HỒI NHÂN BẢN CỦA ĐẠI ĐẠO TAM KỲ PHỔ ĐỘ
Sau các tôn giáo lớn kể trên, vào đầu thế kỷ XX, giữa những biến động trên thế giới, trải qua thế giới chiến tranh thứ nhất, và thế giới chiến tranh thứ hai và bao nhiêu biểu hiện sa sút đạo đức dẫn đến sự phá sản mọi giá trị nhân bản trong xã hội loài người, ĐĐTKPĐ được khai minh. Dưới danh hệu phổ cập là “Đạo Cao Đài”, thế nhân lại đơn giản cho rằng ĐĐTKPĐ là một tôn giáo “bản địa” đã xuất hiện như nhiều tôn giáo khác trong lịch sử. Có khác chăng, chỉ thêm vào tính “trào lưu xã hội” (sic), tính “cởi mở”, tính dân tộc, tính tổng hợp . . .! Để đính chính nhận định hời hợt đó, Cao Đài đã có thông điệp:
“Người những tưởng Cao Đài tôn giáo,
Nào hay đâu Đại Đạo hoằng dương.”
(Vạn Hạnh Thiền Sư, TLTĐ, 07-3-Giáp Dần, 30-3-1974)
Tuy nhiên, sứ mạng hoằng dương Đại Đạo vô cùng nhiêu khê giữa thời đại hỗn tạp này. Và trước hết, người Cao Đài phải thông suốt ý nghĩa hai chữ Đại Đạo.
Đại Đạo không có nghĩa là tôn giáo lớn, mà vì muốn chỉ cái Đạo bao dung tất cả, vượt trên mọi đối đải nhị nguyên, là đường lối trở về nhất nguyên Bản thể nên gọi là Đại Đạo.
Vậy, Đại Đạo hoằng dương trong đối tượng nào và ở đâu để vượt lên những hạn chế của tôn giáo, để có giá trị phổ quát trên toàn xã hội nhân lọai đang mang vô vàn bản sắc ?
- Giáo lý Đại Đạo đã trả lời: Không có đối tượng nào và ở đâu khác hơn là chính trong lòng người: “Tấm lòng của nhân loại mới chính là nơi chân lý cứu rỗi phát sinh tạo thế an bình cho nhân loại.” (8)
Đó cũng là chân lý mà Lão Tử Đạo Đức Kinh đã viết: “ Cố Đạo đại, thiên đại, địa đại, nhân diệc đại .Vực trung hữu tứ đại, nhi nhân cư kỳ nhất yên” [ĐĐK.Ch.25] (Cho nên Đạo lớn, trời lớn, đất lớn, người cũng lớn. Trong vũ trụ có bốn cái lớn mà người là một.)
Vậy, muốn giải quyết cuộc diện nhân lọai ngày nay phải thực hiện sứ mạng Đại Đạo. Và sứ mạng Đại Đạo trong TKPĐ chính là sứ mạng làm Người đúng nghĩa Người lớn (nhân [diệc] đại).
Thánh giáo Cao Đài viết: “Con người hiện giờ đã mất quá nhiều điểm tựa của tâm linh. Niềm tin của con người đang sụp đổ, các căn bản nhân tính của con người đã xa lìa, chính vì vậy, thế nhân hòa phải tạo lập lại các giá trị nhân bản, đưa con người trở về với đời sống hợp nhân tính đơn thuần, hiểu biết hành động phục vụ, phụng sự mà không nằm trong nhân bản sẽ đưa đến những hậu quả khốc liệt nhất cho xã hội. Nhân bản có sáng chói, con người mới cảm thấy mình là con người. Dầu ở bất cứ lãnh vực hay hoàn cảnh quốc thổ nào, đời sống tâm linh càng phải tựa vào nhân bản. Có như vậy , đạo lý tôn giáo mới không rơi vào chỗ mông lung huyễn ngã.” (9)
Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ do đích thân đức Thương Đế Chí Tôn khai sáng, nhưng giáo lý Đại Đạo lại đề cao giá trị nhân bản của con người đích thật, dạy con người đi tìm Thượng Đế đích thực trong tâm khảm bằng chính Nhân bản của mình. Thánh giáo viết:
“Nầy chư hiền ! Thượng Đế không ngự trên vật thể vô tri, mà trái lại Thượng Đế ngự trong tâm tháp ngà của tâm hồn nhân loại. Hình thể Đạo chỉ mượn đó để thể hiện thánh Thể Chí Tôn tại thế.
“Thượng Đế không là một hình bóng của thần tượng, nhơn tượng hay vật tượng. Chính biểu tượng Thiên Nhãn cũng chỉ là tạm mượn để gởi gấm chơn lý trong một cụ thể chủ quan mà thôi. Chính vì vậy, kiến tạo hình thể Đạo có được giá trị cùng chăng là phải có nhơn tâm làm chứng thị.
“Giá trị của nhơn sanh giác ngộ sẽ định vị cho hình thể đạo của từng địa phương.” (10)
Và Đức Thái Thượng Đạo Tổ, nhân dịp dạy Đạo vào đầu mùa Xuân năm Ất Mão đã dạy rất cặn kẻ sứ mạng phục hồi Nhân bản của các Tôn giáo nói riêng, của toàn nhân loại nói chung:
"Nếu toàn thể những người được đứng trong khuôn viên tôn giáo đạo đức, đều đồng lòng hòa hợp lại trong tinh thần vô cố, vô chấp, vô ngã, vô công, vô danh thì có lo chi không giải được sự cộng nghiệp của chúng sanh, đem lại thanh bình an lạc chung cho thế giới nhân loại" - Đức Thái Thượng Đạo Tổ (11).
III. KẾT LUẬN
Vai trò của tôn giáo muốn xứng đáng là một thực thể cứu độ nhân lọai, phải thực hiện cho kỳ được cuộc phục hưng sứ mạng vi nhân của con người bằng cách phục hồi những giá trị Nhân bản để chính con người tự hoàn thiện và hoàn thiện xã hội . Những người tự chọn một con đường để quyết tâm hoàn thành sứ mạng ấy, dù theo hay không theo tôn giáo nào, cũng là những người đồng hành trên đường Đại Đạo.
Nên thánh ngôn Đức Diêu Trì Kim Mẫu từng nhắn nhủ con cái của Ngài trên thế giới ngày nay rằng:
“Kìa con ! Đời đang loạn lạc, người người mong vọng hòa bình, tôn giáo đang chia rẽ, tín đồ đạo hữu mong vọng điều hiệp nhứt, mà hòa bình do nơi đâu hỡi con ? Hòa bình hay hiệp nhứt, Đức Thượng Đế đã ban cho mỗi con từ khi mới đến trần gian. Con hãy tìm đem ra mà sử dụng. Tâm con hòa bình, thế giới sẽ hòa bình, tâm con hiệp nhứt, tôn giáo sẽ hiệp nhứt. Các thứ ấy con không thể cầu ở tha lực tha nhân mà có đâu con !" (12)
“Cõi hậu thiên, thân sanh vào đó,
Điểm tiên thiên sẵn có nơi thân;
Là mầm sống là nguyên thần,
Là Trời, là Đạo, là Nhân của Người." (13)
----------------------------------------------------------------
1. Svāmī Vivekānanda (Bengali: স্বামী বিবেকানন্দ Shami Bibekanondo; tiếng Anh: Swami Vivekananda), tên khai sinh là Narendranath Dutta (Nôrendronath Dotto) (12 tháng 1, 1863 - 4 tháng 7, 1902) là một trong những lãnh tụ tinh thần nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng nhất của triết lý Vedanta. Ông là đại đệ tử của Ramakrishna Paramahamsa và là người sáng lập ra Ramakrishna Math và Ramakrishna Mission. Nhiều người xem ông là thần tượng cho lòng nhiệt tình, ảnh hưởng tích cực lên lớp trẻ, tầm nhìn thoáng về các vấn đề xã hội, và vô số bài giảng và bài nói chuyện về triết lý Vedanta.
One of the most significant contributions of Swami Vivekananda to the modern world is his interpretation of religion as a universal experience of transcendent Reality, common to all humanity (Vivekananda’s contributions to World Culture- http://www.belurmath.org/swamivivekananda.htm#World Culture)
2. One of the most significant contributions of Swami Vivekananda to the modern world is his interpretation of religion as a universal experience of transcendent Reality, common to all humanity (Vivekananda’s contributions to World Culture- http://www.belurmath.org/swamivivekananda.htm#World Culture)
3. “I believe that at all levels of society, whether that involves our family, nation or the international community, the key to a better, happier world is greater compassion. It is not necessary to become religious, or to believe in an ideology to bring this about. The important thing is to develop our basic human qualities as much as we can.”
4. Minh Lý Thánh Hội, Tuất thời, mùng 4 tháng 1 Ất Mão (14-2-1975)
5. Triết giáo đông phương, nxb Đại học quốc gia TP. HCM, Đạo, Học và Chính trị trong học thuyết nhân văn Nho giáo cổ điển-Đỗ Duy Minh/Đại học Harvard-Dương Ngọc Dũng dịch chú, tr. 242-243.
6. Cor. 3, 16 và I Cor. 6, 19.
7. Quaerebam Te foris a me, et non inveniebam Deum cordis mei. - Cuốn VI, Chương I (Cf. Ps. 72, 26).
8. Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo,15-01 Giáp Dần (06-02-1974)
9. Lê Đại Tiên, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tý Thời 14 rạng Rằm tháng 2 Canh Tuất (21-3-70)
10. Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo, Đức Giáo Tông Vô Vi Đại Đạo, Cơ Quan PTGL, 15-01 Giáp Dần, 06-02-1974.)
11. Minh Lý Thánh Hội, Tuất thời, mùng 4 tháng 1 Ất Mão (14-2-1975
12. Đức Diêu Trì Kim Mẫu, Thánh Thất Bình Hòa, Tý thời 14 rạng Rằm tháng 8 Canh Tuất (14-9-70)
13. Đức Diêu Trì kim Mẫu, Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý, Tuất thời 13 tháng 8 Kỷ Mùi (3-10-1979)
bài liên quan mới nhất
- Sứ điệp gửi quý Phật tử nhân dịp Đại lễ Vesak 2024: Kitô hữu và Phật tử cùng nhau hợp tác xây dựng hòa bình bằng hòa giải và lòng kiên cường
-
Tài liệu Tuần lễ cầu cho các Kitô hữu hợp nhất từ 18 – 25/01/2024 -
Các chủ đề chính của Văn kiện Đối Thoại Và Rao Giảng -
Phát biểu khai mạc buổi Gặp gỡ Đại kết -
Trung tâm Mục vụ: Gặp gỡ đại kết Kitô giáo -
Ban MVĐTLT: Chuyến Tây du mừng sinh nhật lần thứ IX -
Sự kiện Đại kết tại TGP năm 2014 -
Đại diện Hội Thánh Cơ Đốc Phục Lâm thăm Trung Tâm Mục vụ -
Hội ngộ Liên tôn: "Hiệp tâm vun đắp an hòa" (27.10.2013) -
Lời nguyện trong buổi gặp gỡ giữa các Giáo hội Kitô cầu cho hòa bình
bài liên quan đọc nhiều
- Tình yêu của Đức Huỳnh Giáo Chủ qua góc nhìn của một người Cao Đài
-
Nho giáo Nhật Bản và Nho giáo Việt Nam (1) -
Sứ điệp gửi quý Phật tử nhân dịp Đại lễ Vesak 2024: Kitô hữu và Phật tử cùng nhau hợp tác xây dựng hòa bình bằng hòa giải và lòng kiên cường -
Các chủ đề chính của Văn kiện Đối Thoại Và Rao Giảng -
Niềm vui Hiệp thông giữa các Đạo Hữu: Bài Phát biểu của Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo -
Buổi thờ phượng Chúa tại HT Cơ Đốc Phục Lâm (26.1.2013) -
Đại diện Hội Thánh Cơ Đốc Phục Lâm thăm Trung Tâm Mục vụ -
Gặp gỡ Đạo hữu Cao Đài tại Thánh Thất Bàu Sen - Buổi thuyết trình về “Nhân bản Cao Đài” -
Đức Thánh Cha Phanxicô: “Đối thoại vì hoà bình là nghĩa vụ tôn giáo” -
Gặp gỡ tu nữ Phật giáo - Công giáo tại dòng Thánh Phaolô thành Chartres