Buổi thờ phượng Chúa tại HT Cơ Đốc Phục Lâm (26.1.2013)
Sáng thứ Bảy 26.1.2013, ngày Hội Thánh Cơ Đốc Phục Lâm (HTCĐPL) tụ họp cử hành thờ phượng Chúa. Đây là buổi sinh hoạt hàng tuần của anh em Cơ đốc nhân (CĐN), nhưng ngày này lại mang ý nghĩa đặc biệt đối với anh chị em Công giáo chúng tôi: lần đầu tiên Ban Mục Vụ Đối thoại liên tôn TGP tham dự giờ thờ phượng Chúa tại thánh đường CĐPL quận Phú Nhuận … Việc hiệp thông này đi liền sau tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu, đồng thời đánh dấu mối tương giao huynh đệ giữa quý mục sư và người Công giáo tại thành phố.
Đến đèn xanh đèn đỏ ở ngã tư Phú Nhuận, nhìn thẳng, đã có thể chiêm ngắm thánh đường của HTCĐPL. Ấn tượng đầu tiên chúng tôi cảm nhận từ công trình kiến trúc này là “hình dáng cuốn sách đã mở ra như hình đôi cánh bồ câu đang bay” làm thành mái của thánh đường và cây Thánh giá nghiêng. Mái thánh đường biểu ý khá rõ và điển hình nên người viết không bàn. Riêng cây Thánh giá nghiêng lại gây cảm xúc rất mạnh, ở chỗ: thông thường hình ảnh cây Thánh giá được dùng làm biểu tượng cho công trình thờ phượng thì được dùng rất nhiều. Hình tượng ấy nhắc nhớ đến “công cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Giêsu Kitô”, nhưng cây Thánh giá nghiêng khiến cho người chiêm ngắm cảm xúc “động” và ở thì hiện tại rõ nét hơn. Nhìn lên Thánh giá đang nghiêng chiều, con nghĩ tới Chúa đang vác… con lại nghĩ tới việc chúng con cùng vác với Chúa. Ôi ! cảm động, thân thương tình Chúa và chúng con, Thánh giá gợi lên cảm xúc và ý thức mình đang là “người đồng hành” trong công trình cứu độ nhân loại của Thiên Chúa Ba ngôi. Đã thế, cánh trái của Thánh giá lại vươn dài hơn, khiến cho người tin ngắm, liên tưởng đến lá cờ hiệu triệu của “Đức Kitô Phục Sinh” với muôn dân muôn nước… Tạ ơn Chúa!
Đúng 9 giờ, buổi thờ phượng Chúa được khai mạc. Ở phía trên (cung thánh) có ba vị trẻ tuổi (mặc âu phục dài tay, người ở giữa mặc veston đen): người đứng giữa là Mục sư Trần Quốc Khôi, hai người đứng bên cạnh là chấp sự. Ms chủ sự quay xuống cộng đoàn CĐN, mời mọi người cùng ca tụng Chúa bằng một bài Thánh ca. Thật cảm động khi nghe Mục sư giới thiệu chúng tôi là “những tôi con Chúa đến từ Hội Thánh Bạn”, trong phần chào cộng đoàn.
Sau khi mọi người an tọa, là phần “của lễ dâng hiến”: có bốn chị đi ra, đứng nhìn lên, một vị chấp sự xuống trao cho các chị lần lượt mỗi người một xấp giấy, rồi từng chị cầm cái rổ (hình dáng như cái vợt vải) đi lần lần qua từng hàng ghế CĐN. Cả nhà thờ yên lặng, chờ cho đến khi bốn chị hoàn thành công việc và trở lại chỗ cũ, đặt rổ lên bàn dâng hiến, rồi về ghế ngồi.
Vị chấp sự thông báo đến phần giáo lý dành cho thiếu nhi: mời tất cả các em lên ngồi ở các bậc thềm cung thánh, quay xuống. Có một chị xuất hiện, đứng nói chuyện với các em. Chị kể lại câu chuyện nguyên tổ phạm tội, với giáo cụ là con rắn bông vải màu xanh, được chị đeo ở tay… lại có một Cơ-đốc nhân nam phụ diễn với chị nữa. Trong bài giáo lý Kinh thánh này, chị dùng phương pháp hỏi đáp, khiến các em tham dự giờ giáo lý rất tích cực. Các em đồng ca bài: “duy một cửa thiên đàng mà có thể qua từ hai phía, em đi phía nào? …. Em ở bên trong hay bên ngoài? Trước khi trở về chỗ ngồi, các em chào cộng đoàn: “chúng con kính chào Hội Thánh”.
Người viết để ý thêm, thấy có người đưa tai đeo cho những người nước ngoài, vậy là HTCĐPL cũng có chuẩn bị cả bộ phận chuyển ngữ. Chu đáo quá!
Chủ sự mời “con cái Chúa dâng lên Ngài bản thánh nhạc” (cộng đoàn hiệp ý cầu nguyện) bài thánh ca do một người lên cung thánh diễn xướng ở bục đọc sách.
Mục sư (Ms) đứng lên chào mọi người và vào bài giảng, hôm nay ông chia sẻ về nội dung bài trích trong sách 1Samuen 13&14. Ông không đọc hai chương đó mà đi vào nội dung luôn (mặc định: ai cũng đã đọc rồi) Khởi đi từ sự kiện tự nhiên là “tâm trạng quan ngại của thế giới về những khó khăn trong năm 2012, và những bước chân e dè vào năm 2013…” dẫn vào hoàn cảnh lịch sử đầy khó khăn của vương quốc non trẻ It-ra-el thời vua Sa-un, đối mặt với ba nan đề: nước non trẻ chống nước hùng mạnh / quân ít – địch đông / thiếu quân trang, quân dụng… Thiên Chúa đã biểu dương uy quyền của Ngài bằng những hoạt động đem lại kết quả nhãn tiền: quân địch đông nhưng ngã rạp trước “người được Chúa chúc phúc”, giữ yên được vương quốc… Liên hệ đến hoàn cảnh thực tế của chúng ta, khi đối diện với nghịch cảnh khó khăn, chúng ta có ba bước cần phải thực hiện để vượt qua và thành công, đó là: bước 1: Có niềm tin nơi Đức Chúa Trời (1Sm 14,6) bước 2: Tìm vào ý muốn của Đức Chúa Trời (1Sm 14,9-10) bước 3: hành động (1Sm 14,12) Bước vào năm 2013, chúng ta hãy bước vào “cuộc chiến tâm linh” chọn Chúa hay chọn ma quỉ do chính nơi mỗi người quyết định? Xin hãy nhớ: “khi nỗ lực của con người kết hợp với quyền năng của Đức Chúa Trời thì không có gì là không thể.” Lời giảng của Ms gọn gàng, trôi chảy, nét mặt tươi vui tin tưởng, trong phần tự sự thì dùng đại từ “tôi”, còn khi mời gọi thì dùng đại từ “chúng ta” rất phân biệt.
Kết thúc, Ms mời cộng đoàn quỳ cầu nguyện và kết lời nguyện bằng câu: “Chúng con hiệp nguyện cầu xin trong tay Đức Giêsu Cơ Đốc – Amen”. Buổi thờ phượng Chúa ngày Sabat kết thúc bằng một bài thánh ca, lúc 10giờ.
GHI NHẬN
- Tất cả những người có trách nhiệm đều mặc trang phục áo alba trắng dài, có đeo dây vai đỏ, phân biệt với các Cơ Đốc nhân tham dự buổi thờ phượng.
- Chương trình được diễn tiến trình tự, có phân chia và sắp xếp người phụ trách theo từng phần thống nhất, tạo nên bầu khí hiệp thông cao.
- Giờ giấc chính xác và có phần Giáo lý cho thiếu nhi, là một ưu điểm và đồng thời diễn tả sinh hoạt của đại gia đình thiêng liêng là Hội Thánh, trong tinh thần tôn trọng và quan tâm đến các thành phần khác nhau.
- Thánh nhạc của GHCĐPL đa số có xuất xứ của các tác giả nước ngoài, nhưng đã được phiên dịch Việt ngữ. Về tiết tấu: có vẻ rất gần với loại nhạc bình ca, nhưng có phân chia ô nhịp và có đủ loại nhịp (2/4, 3/4/ 4/4, 6/8…). Những bài hát thường có nhiều phiên khúc (từ 2 đến 4 PK) và có phần điệp khúc. Nếu có ai hay tham dự giờ cầu nguyện kiểu Công đoàn Taizé thì có thể mường tượng nét tương đồng nào đó với thánh nhạc của GHCĐPL.
- Khi kết thúc buổi thờ phượng, những người hữu trách (Ms, Cs…) đứng ở cửa cuối thánh đường chào bắt tay tiễn anh chị em ra về bình an, xin Chúa chúc lành cho mọi người. Hành động này dường như chưa phổ biến nhiều ở các xứ đạo của ta.
- Người bên Ban ĐTLT nói: chỉ cần nghe họ hát câu thứ nhất, sang câu thứ hai là có thể hát theo được rồi. Có người khác nói: Tôi hiệp ý cầu nguyện được với CĐN…
- Tương quan giữa anh chị em CĐN và người Công giáo chúng tôi trong thánh đường tốt đẹp, họ quan tâm giúp chúng tôi mở sách, hướng dẫn… Nhiều người bạn cũ thuộc HTCĐPL và HT Công giáo thật vui mừng khi được tái ngộ bất ngờ với nhau, sau buổi cầu nguyện.
Đây là lần đầu tiên, Ban ĐTLT đến hiệp thông một buổi thờ phượng Chúa cùng CĐPL, niềm vui hiệp nhất trong Chúa Ba Ngôi là một thực tại mà ai cũng cảm nhận được.
TRAO ĐỔI
Sân thánh đường là nơi diễn ra cuộc trò chuyện giữa chúng tôi:
- Lúc làm giờ thờ phượng Chúa, trên ghế chủ tọa có ba người, người ngồi giữa là mục sư, còn hai người ngồi hai bên có chức danh gì? Dạ, hai người hai bên được gọi là chấp sự, chấp sự do Ban Trị Sự xét chọn trong dân sự của Chúa trong mỗi năm. Vậy chấp sự có nhiệm kỳ không? Dạ những chấp sự là người hầu việc Chúa cách tự nguyện và làm việc lâu dài.
- Xin hỏi: Chấp sự có được đào tạo? Có, chúng tôi được học ngay tại TW này và một số nơi khác, trong khi chờ đợi nhà nước giải quyết cho cơ sở đào tạo của HTCĐPL. Xin hỏi: Chương trình đào tạo dành cho Chấp sự? Chúng tôi học nhiều môn thần học, trong đó có môn Kinh Thánh và nhân cách là học nhiều nhất, mỗi năm có hai khóa học, mỗi khóa ba tháng, mỗi tuần học 5 ngày cả sáng và chiều…
- Xin hỏi Mục sư Trần Công Tấn có khỏe không và đang ở đâu? Dạ thưa, ba của con khỏe và đang đi công tác ở Miền Trung, Ms Trần Quốc Khôi trả lời.
- Nghe nói Ms đã đi du học ở Mỹ? Dạ thưa, tôi học ở Ấn Độ 4 năm, có đi qua Philippin và Mỹ học một thời gian.
- Ủa sao học chính là tại Ấn Độ? Dạ thưa, Ấn độ có dân số một tỷ người, 70% theo Ấn giáo, khoảng 30% theo Hồi giaó và các tôn giáo khác, Thiên Chúa giáo chiếm 1% dân số. 1% của một tỷ thì … không ít! Tại trường này mỗi năm cống hiến cho giáo hội khoảng 300 mục sư. Wào…!
- Nơi đây là TW của HTCĐPL, vậy còn mấy cơ sở nữa tại thành phố này? Dạ, còn hai thánh đường và hai điểm nhóm nữa.
- Bên Công giáo có bảy bí tích (…) vậy HTCĐPL có mấy bí tích? Trước hết, chúng ta không kể đến những tên gọi khác nhau giữa hai bên về các bí tích để thuận tiện trao đổi. Kế đến, xin thưa bên CĐPL có Phép Rửa Báptêm là quan trọng nhất, có Phép giao hôn phối. Phép này dành cho hai người cùng Hội thánh hoặc hai người ngoài HT, không cử hành phép giao cho hôn nhân hỗn hợp.
- Vậy có bí tích giao hòa không? Nếu ai có tội thì tự mình xưng thú với Chúa, nếu có lỗi với ai thì phải nói với người đó, nếu có lỗi với cộng đoàn thì phải trình bày với cộng đoàn.
- Vâng cảm ơn mục sư, xin hỏi còn bí tích Thêm Sức dành cho người đến tuổi khôn của Công Giáo? Bên HTCĐPL có nghi thức cầu xin ơn Chúa Thánh Linh (mục sư đặt tay cầu nguyện) dành cho bất cứ ai, ở bất cứ độ tuổi nào nếu họ có nhu cầu. Ngoài ra chúng tôi còn có “nghi thức bẻ bánh và rửa chân”…
- Hôm nay Ban chúng tôi rất vui khi được đến đây tham dự, trong tương lai chúng ta có thể gặp gỡ để cùng suy tôn và chia sẻ Lời Chúa… Ý của mục sự thế nào? Dạ, rất hân hạnh và sẵn lòng, có việc gì thì xin linh mục cứ thông báo. Vâng, chào nhau trong bình an của Chúa, hẹn gặp lại. Cho chúng tôi gởi lời chúc sức khỏe đến mục sư Trần Công tấn. Dạ cảm ơn linh mục, con sẽ chuyển lời.
TINH THẦN HIỆP NHẤT
Buổi sinh hoạt đại kết thắm tình huynh đệ Kitô hữu và nhẹ nhàng tự nhiên như hơi thở diễn ra sau ngày bế mạc tuần lễ cầu cho sự hiệp nhất Các Kitô hữu. Chúng tôi ngẫm nghĩ việc một nhóm Công giáo đến với anh em Cơ Đốc nhân HTCĐPL trong buổi cầu nguyện hôm nay tuy khiêm tốn, nhưng cũng là một cách dấn thân vào lời nguyện của Chúa Giêsu” Xin cho họ nên một”. Sự hiện diện của ba linh mục, ba nữ tu, năm giáo dân chúng tôi (ba thành phần của Hội thánh Công giáo) thật ý nghĩa cho bước khởi đầu của cuộc Đối thoại Đại Kết tại TGP Tp.HCM.
Có thể xem đây là tác động của Thần Khí hướng dẫn người Kitô hữu đi vào quỹ đạo yêu thương – hiệp nhất của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng cần suy nghĩ và hành động nhiều hơn cho hoạt động đối thoại giữa những người Kitô hữu, song hành với các “ý chỉ cầu nguyện” trong thánh lễ tại các cộng đoàn giáo xứ và tu sĩ!
Xin dừng bài tường thuật với lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong Giờ Kinh Chiều bế mạc tuần cầu nguyện cho sự Hiệp nhất các Kitô hữu (25.1.2013), với chủ đề gợi ý từ sách Tiên tri Mica (6,6-8):
“Chúa đòi hỏi chúng ta điều gì? Hãy bước đi với Ngài trong công lý và nhân hậu”, và mời gọi các Giáo hội Kitô hãy ý thức về sự cần thiết phải hiệp nhất cùng nhau và thúc đẩy công cuộc đại kết.
Nguồn: nhipcautamgiao.net
bài liên quan mới nhất
- Sứ điệp gửi quý Phật tử nhân dịp Đại lễ Vesak 2024: Kitô hữu và Phật tử cùng nhau hợp tác xây dựng hòa bình bằng hòa giải và lòng kiên cường
-
Tài liệu Tuần lễ cầu cho các Kitô hữu hợp nhất từ 18 – 25/01/2024 -
Các chủ đề chính của Văn kiện Đối Thoại Và Rao Giảng -
Phát biểu khai mạc buổi Gặp gỡ Đại kết -
Trung tâm Mục vụ: Gặp gỡ đại kết Kitô giáo -
Ban MVĐTLT: Chuyến Tây du mừng sinh nhật lần thứ IX -
Sự kiện Đại kết tại TGP năm 2014 -
Đại diện Hội Thánh Cơ Đốc Phục Lâm thăm Trung Tâm Mục vụ -
Hội ngộ Liên tôn: "Hiệp tâm vun đắp an hòa" (27.10.2013) -
Lời nguyện trong buổi gặp gỡ giữa các Giáo hội Kitô cầu cho hòa bình
bài liên quan đọc nhiều
- Tình yêu của Đức Huỳnh Giáo Chủ qua góc nhìn của một người Cao Đài
-
Nho giáo Nhật Bản và Nho giáo Việt Nam (1) -
Sứ điệp gửi quý Phật tử nhân dịp Đại lễ Vesak 2024: Kitô hữu và Phật tử cùng nhau hợp tác xây dựng hòa bình bằng hòa giải và lòng kiên cường -
Các chủ đề chính của Văn kiện Đối Thoại Và Rao Giảng -
Niềm vui Hiệp thông giữa các Đạo Hữu: Bài Phát biểu của Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo -
Đại diện Hội Thánh Cơ Đốc Phục Lâm thăm Trung Tâm Mục vụ -
Gặp gỡ Đạo hữu Cao Đài tại Thánh Thất Bàu Sen - Buổi thuyết trình về “Nhân bản Cao Đài” -
Đức Thánh Cha Phanxicô: “Đối thoại vì hoà bình là nghĩa vụ tôn giáo” -
Gặp gỡ tu nữ Phật giáo - Công giáo tại dòng Thánh Phaolô thành Chartres -
Gặp gỡ tín đồ đạo Baha’i tại Trung tâm Mục vụ TGP. TPHCM