Tình yêu của Đức Huỳnh Giáo Chủ qua góc nhìn của một người Cao Đài
Nhân dịp lễ kỷ niệm lần thứ 72 (1) Ngày Khai Đạo Phật giáo Hòa Hảo (1939-2011), Ban Mục vụ Đối thoại Liên tôn TGP Tp.HCM xin chúc mừng Quý tín đồ thuộc Phật giáo Hòa Hảo và giới thiệu với quý độc giả bài viết của tác giả Huệ Khải về Đức Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ (2).
* * *
1. Vẫn còn một nhận thức phiến diện
Đạo Hòa Hảo do hoàn cảnh lịch sử đã có một thời gian không hẳn là ngắn từng bị phê phán là một thực thể “đi ngược lại lợi ích của dân tộc”. Phúc thay, sự đánh giá, nhận định sau này đã khác đi. Người tín đồ Hòa Hảo ngày nay hẳn vui nhiều khi thấy Đức Huỳnh Giáo Chủ của mình được xem là một “nhà ái quốc”, một “người có lòng yêu nước”, và Phật Giáo Hòa Hảo là một “phương tiện để tập hợp lực lượng” chờ cơ hội đánh đuổi ngoại xâm, v.v… (Người đạo Cao Đài cũng đồng chung cảnh ngộ này!)
Thực ra, nói Đức Huỳnh Giáo Chủ là người có lòng yêu nước, đó là một nhận thức phiến diện. Nói Phật Giáo Hòa Hảo (hay đạo Cao Đài) là phương tiện để tập hợp lực lượng yêu nước cũng phiến diện nốt.
Cái hệ quả bất lợi của nhận thức phiến diện này là đạo Hòa Hảo (hay đạo Cao Đài) không được nhìn đúng thực chất là một tôn giáo mà vẫn bị nhìn như một giáo phái tức là một phong trào mang màu sắc chính trị (a political movement) hay một phong trào chính trị-xã hội (a socio-political movement). Vị giáo chủ trong hoàn cảnh như thế sẽ bị “kéo xuống” để đồng hóa với một lãnh tụ chính trị chứ không phải là Đấng “tiên tri” (a prophet) hay Đấng cứu thế (a saviour). Từ những ngộ nhận đó mà sinh hoạt tu học, hành đạo của tôn giáo sẽ bị coi như sinh hoạt của một hội đoàn (an association)!
2. Tại sao là nhận thức phiến diện?
Theo quan điểm Cao Đài, một giáo chủ là vị có sứ mạng thiêng liêng từ Thượng Đế đến trần gian để cứu khổ ban vui cho chúng sinh. Khi từ cõi thiên thượng đi vào trần thế đương nhiên phải mượn xác phàm bằng cách sinh vào một đất nước trong một thời kỳ lịch sử nhất định, và do đó ngài buộc phải mang một quốc tịch, một căn cước. Nhưng không vì hạn chế của phương tiện xác phàm và hạn chế của hoàn cảnh địa lý, lịch sử mà đối tượng cứu độ của vị giáo chủ ấy bị hạn chế theo. Đối tượng của giáo chủ vẫn là chúng sinh trên cõi địa cầu chứ không riêng một dân tộc nào, một chủng tộc nào.
Người lãnh đạo một đất nước có thể vì nhiệt thành yêu đất nước mình, yêu dân tộc mình mà sẵn sàng tìm mọi cách để tăng trưởng quyền lợi cho đất nước và dân tộc mình. Do đó người ấy dễ dàng đi đến những chính sách có lợi cho nước mình, lợi cho dân mình nhưng lại gây hại cho dân tộc khác, làm tổn hại nước khác. Lịch sử thế giới xưa nay đã không thiếu những bằng chứng cho điều ấy. Thế cho nên, làm sao tránh khỏi một vị anh hùng dân tộc của quốc gia X, được nhân dân nước X tôn sùng thì cũng đồng thời là người bị nhân dân quốc gia Y, Z kết án.
Trở lại trường hợp Đức Huỳnh Giáo Chủ. Ngài không thể chỉ là người “yêu nước” theo cái nghĩa thông thường. Ngài chính là người yêu cả chúng sinh, yêu toàn nhân loại. Mà chính Ngài đã từng bộc lộ tình yêu này một cách rất lãng mạn.
Ở miền Đông Nam Bộ hồi năm 1946, có một thiếu nữ quá yêu Ngài bằng cái tình nhi nữ đời thường, và đã không dằn được nỗi lòng nên đành chủ động bộc bạch tình yêu. Nhân cơ hội ấy, Đức Huỳnh Giáo Chủ đã xuất khẩu thành thơ, sáng tác luôn một bài thi ba khổ vừa để khước từ, vừa để cảm hóa, và cũng qua đó bày tỏ tình yêu bao khắp chúng sinh của Ngài. Bài thơ ấy như sau:
Tình Yêu
Ta có tình yêu rất đượm nồng
Yêu đời yêu lẫn cả non sông
Tình yêu chan chứa trên hoàn vũ
Không thể yêu riêng khách má hồng
Nếu khách má hồng muốn được yêu
Thì trong tâm chí hãy xoay chiều
Hướng về phụng sự cho nhơn loại
Sẽ gặp tình ta trong khối yêu
Ta đã đa mang một khối tình
Dường như thệ hải với sơn minh
Tình yêu mà chẳng riêng ai cả
Yêu khắp muôn loài lẫn chúng sinh
Miền Đông, năm 1946
Huỳnh Phú Sổ
Tô đậm nét bốn câu thơ trên (Tình yêu chan chứa trên hoàn vũ; Hướng về phụng sự cho nhơn loại; Tình yêu mà chẳng riêng ai cả; Yêu khắp muôn loài lẫn chúng sinh) là để xác định một lần nữa rằng đấng Giáo Chủ, bậc Thánh Nhân không có thương riêng và yêu riêng.
Nói tóm lại, không nhìn thấy tình bác ái, lòng từ bi đối với vạn loại, mà chỉ nhấn mạnh ở tình yêu nước, yêu dân tộc ở Đức Huỳnh Giáo Chủ là vẫn còn phiến diện. Thật vậy, không ai có thể phủ nhận hoạt động cứu dân thời loạn của Đức Huỳnh Giáo Chủ, nhưng cứu dân chỉ mới là một phần riêng trong cái chung của Ngài là cứu đời, cứu thế hiểu theo nghĩa rộng của hai chữ chúng sinh.
3. Phương pháp luận của bài học tình yêu qua hai chữ Hiếu - Hòa
Đức Lão Tử có một phương pháp luận rất hay:
Cây to một ôm sinh ra từ gốc nhỏ xíu.
Đài cao chín tầng phát khởi từ mô đất.
Cuộc viễn hành ngàn dặm bắt đầu từ dưới chân.
合抱之木,生於毫末.
九層之臺,起於累土.
千里之行,始於足下.
(Hợp bão chi mộc, sinh ư hào mạt.
Cửu tằng chi đài, khởi ư lũy thổ.
Thiên lý chi hành thủy ư túc hạ.)
Lão Tử, Đạo Đức Kinh. Chương 64.
Nói gọn lại là đi xa thì bước từ nơi gần, trèo cao thì leo từ chỗ thấp. Do đó, trước khi dạy cho con người tình yêu nhân loại bát ngát mênh mông (quá sức con người vốn dễ có lòng ích kỷ) thì Thánh Nhân phải “giới hạn chương trình” bằng cách nói đến tình yêu dân tộc, đồng bào, yêu nước yêu non.
Nhưng yêu nước, yêu đồng bào hãy còn “rộng” quá, thánh nhân lại phải tiếp tục “điều tiết” bằng cách dạy con người yêu nhà mình, yêu gia đình mình (bởi lẽ con người vốn dễ vị kỷ).
Phương pháp này cũng rất thực tế. Một kẻ đã không biết yêu thương chính cha mẹ đã sinh thành ra hắn thì ai dám tin rằng hắn có thể thành thực yêu thương được cái cộng đồng người vốn không hề dây mơ rễ má gì với hắn!
Sau khi đã dạy cái khởi điểm của tình yêu thương ở chỗ gần (gia đình, thân thích) thì Thánh Nhân mới tập cho con người phát triển, mở rộng tình thương ấy ra xa hơn và cao hơn là đất nước, đồng bào dân tộc. Cuối cùng sẽ hướng con người đi từ ái quốc tiến tới viễn đích là ái vật, ái nhân, yêu thương chúng sinh vạn loại.
Phương pháp luận của bài học thực hành tình yêu như nói trên được Phật Giáo Hòa Hảo thâu tóm trong hai chữ Hiếu - Hòa:
Hiếu là quan hệ vi mô, lấy gia đình làm địa bàn, và ông bà cha mẹ là đối tượng.
Hòa là quan hệ vĩ mô, lấy cộng đồng làm địa bàn và đồng loại là đối tượng. Trong quan hệ vĩ mô này, địa bàn và đối tượng có ba bước phát triển:
a. Láng giềng và xã hội chung quanh.
b. Đất nước với đồng bào, dân tộc.
c. Thế giới, thế gian với nhân loại, chúng sinh.
Như đã trình bày ở trên, trước khi dạy đức Hòa thì căn bản là hãy tập hạnh Hiếu. Từ chỗ biết Hiếu rồi thì mở rộng dần ra tới chung quanh để lần lần phát triển cho trọn vẹn đức Hòa (bước a, b và c).
Hiếu - Hòa là giải pháp để giải quyết một quan hệ vĩ mô bằng cách thiết lập một quan hệ vi mô. Hai mối quan hệ này tác động qua lại, do đó, một dấu gạch nối cho cả hai chữ Hiếu - Hòa là điều hết sức hợp lẽ.
Phương pháp luận thực hành bài học tình yêu như nói trên cũng là đường hướng Mẹ Teresa (1910-1997) đã hướng dẫn cụ thể:
“So, spread your love everywhere you go; first of all in your own home. Give love to your children, to your wife or husband, to a next-door neighbour.” (Thế thì hãy mở rộng tình thương của mình ở mọi nơi mình đi qua; trước tiên là trong chính mái ấm của mình. Hãy thương yêu con cái mình, vợ hay chồng mình, người láng giềng của mình).
Trở lại với Phật Giáo Hòa Hảo, tín đồ còn được dạy thực hành Tứ Ân (bốn mối ân lớn) là (1) ơn tổ tiên, cha mẹ; (2) ơn đất nước; (3) ơn tam bảo; và (4) ơn đồng bào, nhơn loại.
Phải nhớ ơn tam bảo (Phật, Pháp, Tăng) vì nhờ có tam bảo nên mới có người thánh đức nối truyền việc giáo hóa cho mình biết con đường tu học ngõ hầu hoàn thiện hóa bản thân. Còn lại, ơn (1) tương ứng với chữ Hiếu; ơn (2) và (4) tương ứng với ba bước a, b, c trong quan hệ chữ Hòa. Vậy, thực hiện Tứ Ân cũng chính là thực hành Hiếu - Hòa
Trong hiện trạng xã hội ngày nay, giữa điên đảo nhân tâm bất trắc, từ quan hệ vi mô cho tới quan hệ vĩ mô, phải chăng Hiếu - Hòa vẫn là giải pháp lý tưởng để ổn định xã hội, xây dựng hòa bình thế giới?
-----------------------------------
(1) 18/05 Kỷ Mão (1939) - 18/05 Tân Mão (2011)
(2) Trích trong Nhịp cầu Tâm giao 4, NXB Phương Đông, 2011, tr. 55-60.
bài liên quan mới nhất
- Sứ điệp gửi quý Phật tử nhân dịp Đại lễ Vesak 2024: Kitô hữu và Phật tử cùng nhau hợp tác xây dựng hòa bình bằng hòa giải và lòng kiên cường
-
Tài liệu Tuần lễ cầu cho các Kitô hữu hợp nhất từ 18 – 25/01/2024 -
Các chủ đề chính của Văn kiện Đối Thoại Và Rao Giảng -
Phát biểu khai mạc buổi Gặp gỡ Đại kết -
Trung tâm Mục vụ: Gặp gỡ đại kết Kitô giáo -
Ban MVĐTLT: Chuyến Tây du mừng sinh nhật lần thứ IX -
Sự kiện Đại kết tại TGP năm 2014 -
Đại diện Hội Thánh Cơ Đốc Phục Lâm thăm Trung Tâm Mục vụ -
Hội ngộ Liên tôn: "Hiệp tâm vun đắp an hòa" (27.10.2013) -
Lời nguyện trong buổi gặp gỡ giữa các Giáo hội Kitô cầu cho hòa bình
bài liên quan đọc nhiều
- Nho giáo Nhật Bản và Nho giáo Việt Nam (1)
-
Sứ điệp gửi quý Phật tử nhân dịp Đại lễ Vesak 2024: Kitô hữu và Phật tử cùng nhau hợp tác xây dựng hòa bình bằng hòa giải và lòng kiên cường -
Các chủ đề chính của Văn kiện Đối Thoại Và Rao Giảng -
Niềm vui Hiệp thông giữa các Đạo Hữu: Bài Phát biểu của Ban Mục vụ Đối thoại liên tôn tại Cơ Quan Phổ Thông Giáo Lý Đại Đạo -
Buổi thờ phượng Chúa tại HT Cơ Đốc Phục Lâm (26.1.2013) -
Đại diện Hội Thánh Cơ Đốc Phục Lâm thăm Trung Tâm Mục vụ -
Gặp gỡ Đạo hữu Cao Đài tại Thánh Thất Bàu Sen - Buổi thuyết trình về “Nhân bản Cao Đài” -
Đức Thánh Cha Phanxicô: “Đối thoại vì hoà bình là nghĩa vụ tôn giáo” -
Gặp gỡ tu nữ Phật giáo - Công giáo tại dòng Thánh Phaolô thành Chartres -
Gặp gỡ tín đồ đạo Baha’i tại Trung tâm Mục vụ TGP. TPHCM