Vài suy nghĩ sau khi tham dự Sinh hoạt chuyên đề “Thần học bối cảnh và việc đào tạo giáo dân”

Vài suy nghĩ sau khi tham dự Sinh hoạt chuyên đề “Thần học bối cảnh và việc đào tạo giáo dân”

Sau đây là nhận định của một học viên sau khi tham dự buổi Sinh hoạt chuyên đề tại HVMV hôm 1.3.2014 vừa qua.

NHÌN CHUNG: buổi sinh hoạt chuyên đề thật bổ ích, thính giả giáo dân rất tự hào vì được quý cha quan tâm và tổ chức hội thảo. Tuy nhiên, trong thực tế lời mời gọi người giáo lý viên làm Thần học bối cảnh (THBC) khi dạy giáo lý là điều khó. Hai linh mục diễn giảng điều cao rộng nhưng thời gian lại bó hẹp, tài liệu lại không đủ thời gian đọc và ngấm. Do đó, phần ý kiến, đa số mang tính trực quan và, tất nhiên, có dấu ấn của kinh nghiệm cá nhân. Con thấy thú vị khi hai cha thuyết trình đã khơi gợi được cho thính giả hiểu thế nào là bối cảnh, nhưng cũng hơi buồn vì cách vận dụng nội dung của THBC chưa được khai triển đủ - lý do hết giờ.

VỀ GIÁO DỤC: Là một học viên của TTMV, nghe những điều quý Cha chia sẻ trong buổi sinh hoạt chuyên đề, thì nhận ra các vấn đề đã được đề cập đâu đó ở những tiết học của các môn khác, nhưng nó được dùng như những dẫn chứng để học viên hiểu điều giảng viên muốn nói về đề tài của mình. Nay trong bối cảnh buổi hội thảo, những vấn đề văn hóa, thời sự, tôn giáo, kinh tế, trào lưu sống… của Việt Nam được kể trở thành những suy tư thuộc THBC. Người giáo lý viên khi dạy giáo lý cần am hiểu và vận dụng tốt THBC. Vậy nên chăng có ít nhất một giảng khóa dành cho “Thần Học Bối Cảnh” dành cho giáo lý viên, để họ được trang bị kiến thức, được tự tin khi vận dụng và tiên liệu những vấn nạn hay thách đố có thể đến từ học viên của họ?

VỀ HUẤN QUYỀN: Người giáo lý viên dạy giáo lý tham dự vào quyền giáo huấn của các linh mục. Vậy quý cha xứ mời gọi giáo lý viên tham gia vào công cuộc đào tạo và chia sẻ Đức Tin, thì cần hỗ trợ, giám sát, giúp đào tạo năng lực và tăng triển đời sống đức tin .v.v… cho người giáo lý viên. Điều này giả thiết việc quý cha phải thống nhất cơ cấu và phát triển tinh thần gắn kết, hỗ tương giữa ba thành phần dân Chúa: giáo dân, tu sĩ và linh mục.  Có như vậy lời rao giảng cùng đời sống theo Tin Mừng của giáo lý viên mới trở thành chứng nhân cho mầu nhiệm MỘT CHÚA BA NGÔI và GIÁO HỘI CÔNG GIÁO, DUY NHẤT, THÁNH THIỆN, TÔNG TRUYỀN tại giáo hội địa phương.

VỀ TRUYỀN THÔNG: người giáo lý viên dự tòng và giáo lý hôn nhân là những người đối thoại trực tiếp với những anh chị em đến từ các truyền thống tôn giáo khác. Từ bối cảnh này, họ sẽ gặp những câu hỏi liên quan đến việc so sánh Kitô giáo với đạo khác, tập tục này và quan niệm kia v.v… Họ sẽ tìm cách trả lời, nhưng không chắc đã nêu đúng điều Giáo Hội muốn nói! Và khi xảy ra nghi ngại trên, họ biết hỏi ai? Hỏi linh mục cử họ đi ư? Họ không dám đâu. Hỏi sách vở thì lan man hơn nhiều… Nên chăng có một SÂN VƯỜN GIÁO LÝ ĐIỆN TỬ nào đấy để họ có thể chia sẻ kinh nghiệm và nhận được những gợi ý đúng đắn từ những nhà chuyên môn hay GLV từng trải.

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top