Tu trong hôn nhân

Tu trong hôn nhân

WGPSG -- Phần 1: Tu là sửa

Thi sĩ Hồ Dzếnh viết: Tình chỉ đẹp khi còn dang dở, đời mất vui khi đã vẹn câu thề”. Câu thơ trên diễn tả một cảm nhận có phần bề ngoài, nhất thời và dựa nhiều vào cảm xúc. Thực ra, bước vào hôn nhân là bắt đầu một cuộc hành trình, đòi hỏi nhiều cố gắng chấn chỉnh tinh thần, thể xác, cảm xúc, tâm lý, tâm linh..., để trưởng thành hơn và sống phong phú mãi trong tình yêu, chứ không phải chỉ là nhất thời khi “còn dang dở”!

Trước khi kết hôn, anh có thể đi chơi đến khuya mới về, có đêm ngủ lại nhà bạn bè vào mùa bóng đá cũng chẳng sao. Nhưng bây giờ lại khác, anh đi đâu trễ lắm là 10 giờ tối phải có mặt ở nhà, dù vợ anh chẳng mấy hiểu về bóng đá, cùng những đề tài của cánh đàn ông. Nhiều chuyện tưởng chừng đơn giản, dễ thông cảm, nhưng cũng gây cho anh nhiều bực bội, nhất là khi anh cảm thấy mất tự do, bị bạn bè gièm pha là hèn, là sợ vợ, là.....tù chung thân. 

Cũng vậy, khi còn con gái, buổi sáng chị có thể ngủ nướng đến chín mười giờ. Nay thì khác, chị phải dậy sớm lo bữa sáng cho gia đình, đưa con đi học. Chị phải dứt bỏ thói ăn quà vặt, thích gì mua nấy, ôm điện thoại “tám” hằng giờ..., dành tiền mua sữa, đóng học phí cho con... dành thời gian sắp xếp gia đình, nấu ăn, chuyện trò với chồng và dạy con học... 

Ngày trước, ai muốn đi đâu cũng được, làm gì cũng chẳng ai hay. Nay lại khác: chồng đi đâu phải cho vợ biết, vợ đi đâu phải cho chồng hay; gia đình có chuyện hơi quan trọng là phải bàn bạc, hỏi han chứ không thể một mình quyết định... Nghe đến đây chắc ai cũng bảo “thế thì tu quách cho rồi!”. Thật vậy, nếu không yêu, không mến, người ta không thể trung tín mãi trong đời hôn nhân. Vì yêu, bạn muốn nên một với người yêu không chỉ trong thể xác, mà cả tinh thần, và sẵn sàng chấn chỉnh tất cả những gì còn khập khiễng để “một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”. 

Sửa còn là tập tha thứ cho nhau, kềm chế cảm xúc, làm chủ hành vi tự nhiên của mình để duy trì bầu khí êm ấm trong gia đình. Vợ chồng tập lắng nghe nhau, đối thoại với nhau, tìm giải pháp tốt đẹp nhất, hoà hợp nhất để giải quyết những khó khăn, tập sống hy sinh cho nhau, nhưng luôn tôn trọng tự do của mỗi người. 

Sửa cũng là tập sống đức khiết tịnh trong hôn nhân. Nhờ sống khiết tịnh định kỳ để chủ động điều hòa sinh sản, tình yêu vợ chồng thêm tế nhị, thân mật. Sống trong sạch, tiết độ về tính dục giúp vợ chồng chung thủy với nhau những khi phải xa cách hay bệnh tật... 

Nhờ sửa mình, nhân cách mỗi ngày nên hoàn thiện, gia đình trong ấm ngoài êm, và hạnh phúc hẳn nằm trong tầm tay của bạn. 

Phần 2: Tu là dâng hiến 

Nhờ Bí tích Hôn phối, người nam và nữ được liên kết với nhau thành vợ chồng trong Thiên Chúa. Khi cam kết sống đời hôn nhân, họ được Chúa ban ơn nâng đỡ để trao hiến trọn vẹn cho nhau và mãi mãi trung thành trong sự trao hiến ấy. Hơn nữa khi gắn bó và cho đi, họ lại càng trở nên phong phú và lại tiếp tục cho đi. 

Tu là chấp nhận và dâng hiến: chấp nhận người bạn với tất cả cái hay, cái dở, cái tốt, cái xấu của người ấy, chứ không chỉ chọn những cái tốt, cái đẹp, vì dưới gầm trời này chẳng có ai hoàn hảo. Trong yêu thương và chấp nhận ấy, người này sẽ không quá căng thẳng vì những thiếu sót (có khi cả những lỗi lầm, tì vết trong quá khứ) của người kia, và bình tĩnh giúp nhau dần dần loại bỏ những khiếm khuyết để nên hoàn hảo, xứng đáng hơn với nhau mỗi ngày. Dâng hiến cho nhau là mở lòng ra đón lấy tất cả niềm vui, nỗi buồn, nỗ lực đem lại hạnh phúc cho nhau và từ bỏ vĩnh viễn những gì làm tổn thương nhau. Như thế, trong cầu nguyện, tin tưởng và phó thác, đôi bạn sẽ chấp nhận và dâng hiến cho nhau trong từng việc nhỏ, mỗi ngày, để họ có thể yêu nhau như Chúa Kitô yêu thương Hội thánh. 

Trong hành trình hôn nhân, có đôi lúc dâng hiến trở thành Hy hiến, hay tử đạo. Khi một trong hai người vì yếu đuối đã trở thành bất trung, lao vào đam mê bất chính; khi sự chịu đựng trở nên gánh nặng không thể mang nổi. Người còn lại dù đơn độc, nhưng vì trách nhiệm gia đình vẫn phải cố gắng đứng vững. Với niềm tin yêu và hy vọng vào Thiên Chúa, ta vẫn có thể trung thành với giao ước hôn nhân, vẫn tiếp tục chu toàn các bổn phận của gia đình, và Thánh hiến chính mình trong sứ vụ “sống để cho người kia còn tin vào tình yêu”.  

Bước theo Chúa Kitô, đời hôn nhân gia đình không chỉ có Thánh giá, mà còn có hoa hồng nữa. Rất nhiều anh chị em đã trưởng thành trong Đức tin, khi họ cùng với Chúa vượt qua gian nan, thử thách, họ đã trở thành những môn đệ, những thừa tác viên của Chúa trong nhiều lĩnh vực. Mặc dù, vẫn phải đối diện với những thử thách của cuộc sống hôn nhân ấy, nhưng họ đã nhận được niềm an ủi và hạnh phúc từ Đức Kitô Phục Sinh. Bao ơn thánh đã phủ lấy gia đình nhỏ bé của họ, làm cho gia đình vẫn là nơi nương tựa ấm áp và hoan lạc. 

Dâng hiến là chấp nhận tất cả, dù thành công hay thất bại, với niềm tin tưởng về một tương lai tốt đẹp vì CHÚA ĐÃ CHIẾN THẮNG SỰ DỮ.

Top