Trước chuyến tông du lần thứ 24 của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI: Những hoạt động xây dựng đối thoại Kitô giáo – Hồi giáo tại Liban

Trước chuyến tông du lần thứ 24 của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI: Những hoạt động xây dựng đối thoại Kitô giáo – Hồi giáo tại Liban

WHĐ (14.09.2012) – Tối thứ Tư 12-09, các vị hữu trách các tôn giáo: Đạo Druze (tôn giáo bản địa tại Liban), Kitô giáo và Hồi giáo, được cảnh sát bảo vệ nghiêm nhặt, đã thực hiện cuộc gặp gỡ bằng cách cùng nhau tuần hành đến Viện bảo tàng quốc gia Liban.

Đây là sáng kiến của Hiệp hội Gặp gỡ Kitô giáo-Hồi giáo, mang tên “Quy tụ bên Đức Maria”, với mong muốn phát một tín hiệu mạnh mẽ hai ngày trước cuộc tông du của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI. Đây là một trong những nỗ lực nhằm đẩy mạnh cuộc đối thoại liên tôn.

Cách nơi tuần hành vài đường phố là trường Đại học Dòng Tên Beirut mang tên Thánh Giuse. Đây là nơi có Viện nghiên cứu Kitô giáo-Hồi giáo, một trong những cơ sở hoạt động tích cực nhất trong thế giới Ả rập. Năm 2007, Viện đã khai giảng lớp thạc sĩ chuyên ngành nghiên cứu Kitô giáo-Hồi giáo.

Hiện có hàng trăm sinh viên theo học tại Viện nghiên cứu Kitô giáo-Hồi giáo. Họ là những người Hồi giáo thuộc các hệ phái Chiite, Sunnite, là các tín hữu Công giáo, Chính thống giáo. Họ đến từ khắp vùng Cận Đông. Bà Roula Talhouk, một trong số những nhà nghiên cứu, nói về học viện: “Ở đây chúng tôi chuẩn bị các nhân tố đối thoại hướng đến cuộc sống hằng ngày”.

Có hai giáo sư phụ trách chương trình giảng dạy. Một vị là Kitô hữu, còn vị kia là tín đồ Hồi giáo, bảo đảm cho việc tiếp thu kiến thức của hai tôn giáo.

Viện cũng tổ chức những buổi nói chuyện tại các trường trung học. Đây chính là công việc được cha Giám đốc Aziz Hallak đặt lên hàng ưu tiên. Vị linh mục Dòng Tên này phân tích kinh nghiệm đau thương của văn hóa Irak bị nghèo đi do tình trạng người Kitô giáo bỏ Irak ra đi. Cha nói: “Vấn đề căn bản được đặt ra là: phải biết sống sự khác biệt trong xã hội”.

Chính xác tín này đã thúc đẩy linh mục Maroun Atallah, tu sĩ thuộc Giáo hội Maronit, đẩy mạnh chương trình “Cùng nhau xây dựng lại” với sự tham gia của 150 vị hữu trách thuộc Kitô giáo và Hồi giáo. Chương trình này nhằm nối kết các cộng đoàn Đông phương lại với nhau, đặc biệt nối kết qua văn hóa, di sản chung của vùng đất này. Vị linh mục 84 tuổi này nói: “Chúng ta phải thoát khỏi cạm bẫy chết người là óc bè phái”.

Một tổ chức khác, Quỹ Adyan (tiếng Ả rập có nghĩa là “Tôn giáo”, một tổ chức phi chính phủ tại Liban, được thành lập nhằm cổ võ những nghiên cứu liên tôn giữa Kitô giáo và Hồi giáo) do Fadi Daou (giáo sư Thần học cơ bản và Triết lý chính trị) sáng lập và điều hành từ năm 2007. Những nghiên cứu liên tôn của tổ chức này đã đạt đến tầm quốc tế.

Sự nở rộ những hoạt động liên tôn tại Liban là điều không được phép lãng quên. Còn về các vấn đề xung đột, sử gia Georges Corm nói: “Trước hết những vấn đề xảy ra là do trần gian, không phải từ tôn giáo. Những xung đột phát sinh từ tham vọng của con người, từ sự chiếm đoạt tài nguyên, từ tinh thần đế quốc hoặc do các thế lực lớn đấu đá giành quyền lực”.

Theo François-Xavier Maigre (La-Croix)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top