Tranh Icon Chúa Thánh Thần hiện xuống
Icon, trong cách hiểu phổ thông ngày nay, đơn giản, chỉ là biểu tượng. Dò trên Google với từ khoá "icon", thông tin được tìm thấy, hầu hết, chỉ là các hệ thống biểu tượng dùng cho web!
Icon mà tôi đề cập ở đây, là một thể loại "Thánh tượng" gắn liền với truyền thống nghệ thuật Công Giáo Byzantium mang màu sắc phương Đông, có nguồn gốc bắt đầu từ đầu thế kỷ thứ 4 kéo dài cho đến gần hết thế kỷ 17.
Dưới đây là một tác phẩm icon tiêu biểu, thể hiện chủ đề "Chúa Thánh Thần hiện xuống".
"Chúa Thánh Thần hiện xuống" - Icon Byzantium - đầu TK 15
Hãy khoan bàn đến ý nghĩa hay giá trị thẩm mỹ của tác phẩm. Điều khiến cho chúng ta ngày nay, có thể rất ngạc nhiên, là tại sao cùng chủ đề này, lại có nhiều tác phẩm có cấu trúc - từ các thành tố, cách diễn hình đến cách bố cục - giống nhau đến vậy:
Icon Nga-TK 15 Icon Nga-TK 17
Câu trả lời nằm ngay trong bản chất của nghệ thuật Byzantium. Dưới đây là một số nội dung rút ra từ Từ điển mỹ thuật:
Nghệ thuật Byzantium trên hết là nghệ thuật Tôn giáo.
Đó cũng là một nền nghệ thuật có tính thần học: các nghệ sĩ không khao khát quyền tự do diễn đạt của cá nhân mà chỉ là tiếng nói của giáo lý chính thống và phụ thuộc vào giáo hội là cơ quan củng cố giáo lý đó.
Phận sự của nghệ sĩ là truyền đạt bằng ngôn ngữ nghệ thuật tư tưởng của các nhà thần học và quyết định của Hội nghị Giám mục, nhằm mục đích giáo huấn và xây dựng Đức Tin.
Việc bố trí tác phẩm trong nhà thờ như thế nào, sự lựa chọn đề tài, thậm chí dáng điệu và nét mặt của các nhân vật, tất cả đều được quyết định theo một hệ thống cổ truyền nặng ý nghĩa thần học.
...
Có thể gút lại một cách vắn tắt, chi phối nghệ thuật Byzantium là hai khái niệm: qui phạm hoá (normanlization) và quy điển hoá (canonization). Trước mỗi chủ đề "Thánh tượng", người hoạ sĩ phải tuân thủ nghiêm ngặt vô số các chuẩn mực và đi theo vô số các mẫu mực.
Còn những dị biệt? Các khoảng hở cho phép của sự dị biệt ở đây là gì?
Cần phải quay lại với lịch sử.
Nghệ thuật Byzantium gắn liền với Đế quốc La Mã phương Đông do Hoàng đế Constantinius thành lập năm 330 và chấm dứt năm 1453 khi thủ đô Constantiople (tên cũ là Byzantium) bị quân Thổ Nhĩ Kỳ chiếm và đổi tên thành Istanbul, và biến thành thủ đô của Đế quốc Ottoman.
Điều cần lưu ý, nghệ thuật Byzantium không chỉ được gói trọn trong khuôn khổ địa lý và chính trị của Đế quốc La Mã. Ảnh hưởng của nó đã cắm rễ ở các vùng lãnh thổ Chính Thống Giáo (tách ra từ đầu TK 11) như Hy Lạp, Nga, Rumani, Ukraina v.v... và, còn kéo dài rất lâu sau khi Đế quốc La Mã sụp đổ. Chính cơ cấu phân mảnh với sự độc lập, tự trị của nhiều Giáo Hội Chính Thống Giáo địa phương (không giống như Công Giáo quyền lực tập trung vào Giáo Hoàng) đã dẫn đến những dị biệt (tương đối) trong cách diễn giải thần học và các qui phạm đối với nghệ thuật "Thánh tượng". Và đây, cũng chính là những khoảng hở cho sự xâm nhập của các yếu tố văn hoá dị biệt mang tính địa phương vào nghệ thuật "Thánh tượng"
Có thể thấy vài nét dị biệt lớn:
Ở icon Byzantium là tính chất duy lý triệt để. Mỗi hình ảnh là sản phẩm cách điệu có ý nghĩa thuần tuý như một khái niệm, không mang sắc thái biểu cảm cá nhân nào của thế giới con người. Nhưng ở icon Hy Lạp, thì hình ảnh lại được thể hiện gần với tự nhiên hơn - phảng phất ảnh hưởng của nghệ thuật Hy Lạp cổ đại... Còn ở icon Nga thì lại bộc lộ rất rõ các phong cách trữ tình - mang tính cá nhân - thể hiện qua từng đường nét...
Những dị biệt này dẫn đến hệ quả:
Ngày nay, tiếp cận ở khía cạnh thần học - hướng đến sự mẫu mực - người ta tìm đến icon Byzantium, nhưng tiếp cận ở khía cạnh nghệ thuật, người ta, hầu hết, hướng đến icon Hy Lạp hay Nga, đặc biệt là Nga.
*
Ở trên là những nhận định khái quát về icon. Ở phần này, tôi sẽ trình bày các qui phạm thần học trong chuỗi icon chủ đề "Chúa Thánh Thần hiện xuống" này.
Cấu trúc chung của tất cả các icon ở trên được chia thành 3 phần:
Phần trên cùng vẽ một phần khối tròn toả sáng xuống dưới hoặc vẽ một phần khối tròn toả sáng xuống dưới cộng thêm hình ảnh chim bồ câu để thể hiện Chúa Thánh Thần hiện xuống. Ý nghĩa biểu tượng ở đây khá quen thuộc, dễ hiểu.
Phần tiếp theo, vẽ 12 vị Thánh, có thể có thêm Đức Mẹ Maria, nhưng cũng có thể không. Ở phần này, có một số "bí ẩn" cần "giải mã": Một, con số 12 vị Thánh, thuần tuý là con số mang tính biểu tượng. Đó là con số của sự vững vàng, hoàn hảo; Hai, bởi là con số mang tính biểu tượng, nên sự có mặt của Thánh Phaolô ở đây (trong Kinh Thánh, Thánh Phaolô xuất hiện về sau) là điều có ý nghĩa: đó là sự có mặt họp thành Giáo Hội nguyên thuỷ; Ba, trên tay mỗi vị Thánh đều có một bản văn "ghi lời Chúa"...; Bốn, 12 vị Thánh ngồi xếp thành một nửa vòng tròn (mà vòng tròn lại là biểu tượng của Thiên Chúa)...
Hệ thống biểu tượng này, như vậy, nhằm chuyển tải một thông điệp thần học: "Chúa Thánh Thần cũng là Thần Khí của Giáo Hội, tạo nên sự hiệp nhất nhiệm thể, là sự sống canh tân Giáo Hội, hướng dẫn hàng giáo phẩm và giáo sĩ..."
Phần dưới cùng, là hình ảnh hầm mộ tối tăm của sự chết mà đứng giữa là một ông vua trần thế. Trên tay vị vua cầm trân trọng một dải lụa có 12 vạch tượng trưng cho 12 Thánh Tông đồ.
Thông điệp thần học ở đây là: "Chúa Thánh Thần còn hoạt động trong mọi người, kể cả những người chưa biết Chúa và Giáo Hội, nhưng tâm hồn hướng thượng tìm về chân lý..."
*
Từ những điều phân tích sơ lược ở trên, tôi muốn đi đến một số kết luận cơ bản cho sự nhìn nhận và đánh giá:
Một, icon, trước hết, đó là một văn bản thần học kinh điển bằng hình ảnh.
Hai, icon, cũng như mọi "Thánh tượng" khác, không phải là đối tượng của sự thờ phượng. Đó chỉ là điểm hướng về cho những suy gẫm thần học về Thiên Chúa.
Ba, sự tiếp cận nghệ thuật với icon, là một vấn đề khác (về cái khác này, tôi sẽ đề cập vào một dịp khác).
Nguyên Hưng
Tài liệu tham khảo chính:
1/ Studies in iconology (1930) của Erwin Panofsky
2/ Điển ngữ Đức Tin Công Giáo (2009) của Lm. Hồng Phúc, DCCT
3/ Từ điển Mỹ thuật trực tuyến artlex.com
bài liên quan mới nhất
- Ngày 07/01: Thánh Raymond de Penyafort - Linh mục
-
Ngày 04/01: Thánh Elizabeth Ann Seton -
Ngày 03/01: Danh Thánh Chúa Giêsu -
Ngày 02/01: Thánh Basiliô Cả và thánh Grêgôriô Nazianzênô -
Ngày 31/12: Thánh Silvester I, Giáo Hoàng (270-335) -
Ngày 29/12: Thánh Tôma Becket, Giám mục tử đạo -
Ngày 28/12: Các Thánh Anh Hài tử đạo -
Ngày 27/12: Thánh Gioan Tông đồ -
Ngày 30/11: Thánh Anrê, Tông đồ (lễ kính) -
Ngày 25/11: Thánh Catarina Alexanđria
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 03/11: Thánh Martinô de Porres, tu sĩ -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi