Lễ giỗ Chân phước Charles de Foucauld (1858-1916)
Nhân chứng của tình yêu đại đồng
Chiều ngày 1/12/1916, một nhóm du kích đã đột nhập vào nhà Anh Charles, cướp của, bắt trói anh lại và cuối cùng đã hạ sát anh tại chỗ. Anh Charles đã bị hạ sát như một người vô tội, bị hiểu lầm, đứng giữa tôn giáo và chính trị, như cái chết của Chúa Giêsu.
Kể từ khi thế chiến I (1914-1918) bùng nổ ở Châu Âu tràn sang Phi Châu và kéo vào tận trung tâm sa mạc Sahara, nơi Anh Charles đang sống, người ta đã đề nghị Anh di tản vào một đồn trú ẩn an toàn hơn, nhưng Anh Charles không chịu. Anh không muốn rời Tamanrasset và các bạn Touareg của Anh.
Hình như từ lâu Anh đã linh cảm trước cái ngày tận cùng bi thảm của đời Anh, khi còn ở Nazareth cạnh tu viện các Soeurs Claristes, khi suy niệm về cái chết của Chúa Giêsu (Lc 23, 46): “Đức Giêsu kêu lớn tiếng: ”Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong, Người tắt thở”, Anh Charles đã viết: “Hãy tưởng rằng tôi sẽ chết vì đạo, bị lột hết quần áo, nằm dãy dụa trên vũng máu với vết thương, đến nỗi chẳng ai nhận ra tôi. Tôi sẽ phải bị giết một cách tàn bạo đau thương… Hãy mong sao cho điều ấy được xảy ra đúng ngày hôm nay đi”.
Rồi khi ở Béni-Abbès, Anh cũng lại viết: “Hãy sống ngày hôm nay từng giây, từng phút như thể chiều nay sẽ phải tử đạo… Hãy luôn luôn chuẩn bị cho giờ tử đạo đó, để đón nhận nó không kháng cự như Chiên Thiên Chúa”.
Cho đến lúc ở Tamanrasset, Anh vẫn không quên điều mơ ước đó, và ngày 1/12/1916 định mệnh bi thảm đó đã thật sự đến với Anh. Anh đã chết như Anh đã mơ ước. Anh đã ở lại với các bạn Touareg của Anh đến phút cuối cùng. Anh đã chết như Anh đã sống. Anh đã hiến mạng sống mình cho tình nghĩa anh em đại đồng.
Sứ điệp của Anh Charles
Nhưng, chúng ta thử hỏi: một người chết đi tại Tamanrasset cho tình yêu thương huynh đệ đại đồng có nghĩa lý gì, khi hàng triệu con người vẫn tiếp tục chém giết nhau trong một thế giới chiến tranh, khủng bố và hận thù? Một mạng người có thể để lại được gì trong sa mạc Sahara mênh mông, cho dù tình thương huynh đệ của con người ấy có bao la đến mấy đi nữa? – Thật vậy, cuộc sống của Anh Charles bề ngoài như chẳng làm nên trò trống gì và cả cái chết của Anh cũng có vẻ như vô hiệu quả!
Tuy nhiên, đây chính là mầu nhiệm Vượt Qua. Một hạt lúa mì đã gieo vào lòng đất, dù giữa đất khô cằn, nóng bỏng của sa mạc Sahara vẫn nẩy sinh được nhiều bông hạt.
Một người nằm xuống để hàng ngàn người đứng lên. Bao nhiêu người trên thế giới đang sống lại tình huynh đệ đại đồng của Anh Charles giữa lòng thế giới hôm nay, chẳng phải là những hoa trái tươi tốt nẩy sinh từ hạt giống được gieo trồng giữa lòng sa mạc khô cằn, nóng bỏng ấy sao?
Cái chết âm thầm nghèo khó của Anh Charles là cuộc phục sinh, biểu dương ý nghĩa sâu sắc của sứ điệp Anh Charles để lại cho chúng ta. Sứ điệp đó là: “Hãy sống trọn vẹn hôm nay cuộc đời của Thiên Chúa nhập thể làm người”.
Nói đến mầu nhiệm nhập thể, tôi thiết tưởng đây phải chăng cũng là một việc của Chúa quan phòng: Anh Charles đã chết vào đầu tháng 12 là thời gian phụng vụ Giáo Hội bắt đầu vào Mùa Vọng, mùa sống lại mầu nhiệm Thiên Chúa Nhập thể làm người, để cứ mỗi lần cử hành lễ giỗ Anh Charles vào đầu Mùa Vọng, chúng ta cũng nhớ lại chính sứ điệp của Anh: “Hãy sống trọn vẹn hôm nay cuộc đời của Thiên Chúa nhập thể làm người”. Thiên Chúa đã chọn lấy thân phận con người, một người nghèo khó ở Bêlem, một người thợ vô sản ở Nazareth và Ngài đã yêu thương con người đến thí mạng sống cho con người trên thập giá. Anh Charles từ Âu châu đã đến Phi châu, sống giữa những người thổ dân nghèo hèn, chia sẻ với họ những nỗi cực nhọc và vui buồn của cuộc đời, yêu thương họ bằng một tình thương như anh em, sẵn sàng hy sinh mạng sống cho anh em.
Anh em của mọi người
Muốn trờ thành người anh em của mọi người, Anh Charles đã sống và chết để cho tình yêu Thiên Chúa và tình huynh đệ giữa loài người được lan rộng, được lớn mạnh. Như Chúa Giêsu xưa kia đã từng ưu tiên đem tình yêu thương đến những người nghèo và những người bị xã hội loại trừ, những người sống xa cách Thiên Chúa. Anh Charles đã đến tận sa mạc Sahara, trước tiên là để yêu thương những người nghèo nhất, những người xa cách nhất, những người chưa biết Chúa. Chính những người ấy là những người anh em mà tình yêu Thiên Chúa đòi buộc Anh Charles phải yêu thương hơn cả và thật sự là Anh đã yêu thương họ đến cùng. Anh đã chia sẻ thân phận của họ cho dù phải đói khát với họ, phải đổ máu ra vì họ.
Đi theo Anh Charles
Chúng ta phải tiếp tục sống sứ điệp Anh Charles đã để lại cho chúng ta. Trong môi trường xã hội chúng ta ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta càng phải sống mạnh mẽ và trọn vẹn cuộc đời của Thiên Chúa nhập thể làm người và ở cùng chúng ta. Bởi vì người nghèo vẫn còn đó và ngày càng có những người nghèo mới bên cạnh chúng ta. Người chưa biết Chúa vẫn có và có thêm một lớp người mới không muốn biết Chúa. Ở đây, trên đất nước này, chứ không phải ở phương trời xa xôi nào khác, đây phải là môi trường chúng ta phải dấn thân, nhập thế để cho tình yêu Thiên Chúa và tình huynh đệ giữa con người được thấm nhập, lan rộng và lớn mạnh, như Anh Charles đã dứt khoát ở lại với các bạn Touareg của Anh đến cùng, mặc dù riêng mình, Anh đã có thể trốn thoát khỏi thảm họa xảy đến.
Gắn bó với dân tộc mình, dấn thân vào các môi trường xã hội, vào môi trường các anh em nghèo khó - nghèo khó vật chất, tinh thần, nghèo khó đức tin và nghèo khó kinh tế. Không phải dấn thân vào đó để rồi chính mình cũng lại trở thành nghèo khó về mọi mặt như họ. Trái lại, dấn thân vào đó để nâng cao họ lên, để đưa họ đến gần với Tin Mừng, để họ được sống xứng với phẩm giá con người hơn và nhất là con người đã được Thiên Chúa yêu thương cứu chuộc.
Để kết…
Cuối cùng, tôi nghĩ đến lời kinh của các chị Tiểu Muội cầu nguyện thật sốt sắng mỗi khi vừa tiếp rước Mình Thánh Chúa:
“Lạy Cha chí thánh, hiệp với Thánh lễ Mình và Máu Chúa Giêsu và để làm vinh danh Cha, xin nhận toàn thân con làm của lễ dâng hiến để cứu rỗi các anh em trên toàn thế giới. Con cũng xin hiến dâng để cho các anh em nghèo khó và bị áp bức gặp được sự giải phóng đích thực trong công bằng và bác ái của Chúa Kitô, để cho có sự bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau giữa những anh em không cùng tín ngưỡng, giữa những anh em không cùng chung ý thức hệ, khác biệt giai cấp, quốc gia và dân tộc”.
Lời kinh này nói lên tất cả ý nghĩa và mục đích của cuộc đời “vừa hiện diện với Chúa, vừa hiện diện với anh em” theo tinh thần của Anh Charles. Không chỉ bằng lời cầu nguyện mà còn bằng cả hành động, bằng cả cuộc sống, chúng ta phải đem đến cho môi trường dấn thân của chúng ta một tình yêu thương huynh đệ, một sự hiệp nhất đức tin, sự bình đẳng, tôn trọng nhau và công bằng xã hội. Thực hiện được những việc ấy là chúng ta thực hiện đúng sứ điệp của Anh Charles và cũng là sứ điệp Tin Mừng của Thiên Chúa nhập thể làm người và ở cùng chúng ta: EMMANUEL.
bài liên quan mới nhất
- Ngày 04/12: Thánh Gioan Đamas, Tiến sĩ Hội Thánh
-
Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, linh mục -
Ngày 30/11: Thánh Anrê, Tông đồ (lễ kính) -
Ngày 25/11: Thánh Catarina Alexanđria -
Ngày 24/11: Các Thánh Tử đạo Việt Nam -
Ngày 23/11: Thánh Clêmentê I, Giáo hoàng, Tử đạo -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Ngày 18/11: Cung hiến Đền thờ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ -
Ngày 17/11: Thánh Elisabeth Hungari -
Ngày 15/11: Thánh Albertô Cả, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231) -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi