Tìm hiểu Sách GLHTCG - Bài 19. Nam và Nữ

Tìm hiểu Sách GLHTCG - Bài 19. Nam và Nữ

TÌM HIỂU SÁCH GL HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

Phần I: TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN

Bài 19. NAM VÀ NỮ

Lời đầu tiên con người thốt lên trong Thánh Kinh là tiếng reo vui về sự hiện diện của người nữ mà Thiên Chúa đã ban cho để người nam không đơn độc: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi và thịt bởi thịt tôi” (St 2,23). Như thế, khẳng định đầu tiên về người nam và người nữ là: Thiên Chúa đã tạo dựng – cũng có nghĩa Ngài muốn như thế – con người là phái nam và phái nữ. Con người hiện hữu trong hình thức khác biệt được nhấn mạnh là nam giới và nữ giới, đó không phải là một sự tình cờ ngẫu nhiên hoặc bởi cơ may mù quáng nhưng đó là một “ý tưởng” tuyệt vời của thiên Chúa (GLHTCG số 369).

Có hai chân lý chứa đựng trong điểm thiết yếu này:

(1) Cả hai người nam và người nữ chia sẻ cùng một bản tính căn bản, do đó họ bình đẳng về mặt giá trị - cả hai bình đẳng hoàn toàn như những nhân vị.

(2) Dù họ khác nhau, cả hai là “sự hoàn hảo” và họa ảnh của Thiên Chúa theo cách riêng của họ. Là nam và là nữ thì tốt; chính Thiên Chúa đã xác định và mong muốn điều này: “Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27). Trong truyền thống kinh nguyện Do Thái giáo, mỗi sáng thức dậy người đàn ông tạ ơn Thiên Chúa: Con tạ ơn Chúa vì con được sinh ra là người đàn ông. Người phụ nữ cũng thế: con tạ ơn Chúa vì con được sinh ra là người đàn bà.

Đàn ông và đàn bà được tạo dựng cho nhau. Như ngôn ngữ biểu tượng của Thánh Kinh đã trình bày: Không con vật nào là “trợ tá tương xứng” với con người vì thế con người cảm thấy thiếu vắng và đơn độc (St 2,20). Ngày nay, thật là đáng thương khi có những vật nuôi trong nhà được chờ đợi để bù đắp cho sự đơn độc của con người (số 2418). Nhưng, cả hai người nam và nữ không phải là những phần thiếu hoàn hảo mà trước hết phải bổ sung cho nhau qua sự hợp nhất hỗ tương. Họ là những nhân vị độc lập, mỗi người mong muốn là “người trợ giúp” cho người khác. Sự kiện người nam và người nữ được lôi cuốn đến với nhau được Thánh Kinh giải thích khác với huyền thoại Hy Lạp. Huyền thoại này cho rằng mỗi người nam và người nữ là thành phần của con người toàn thể trước đây bị các thần linh trừng phạt phân đôi, kết quả từ đó cả hai nửa này tìm kiếm lẫn nhau một cách khó khăn. Mạc khải Thánh Kinh cho biết tình yêu giữa người nam và người nữ được chính Thiên Chúa ban tặng. Tình yêu mãnh liệt, đam mê dữ dội, ngọn lửa bừng cháy, sức mạnh không thể hủy diệt (Diễm ca 8,6) là những hình ảnh ưa thích mà Thánh Kinh dùng để diễn tả tình yêu mãnh liệt của Thiên Chúa đối với con người (GLHTCG số 796).

Nhưng tại sao lại thường xuyên diễn ra những kinh nghiệm đau thương phát sinh từ sự xáo trộn trong mối tương quan giữa người nam và người nữ? Sách Giáo Lý giải thích: “Sự hợp nhất của họ lúc nào cũng bị đe dọa bởi sự bất hòa, óc thống trị, sự bất trung, lòng ghen tương, và sự xung đột những điều đó có thể đưa đến hận thù và đoạn tuyệt” (số 1606). “Theo đức tin, sự xáo trộn này – mà chúng ta cảm nghiệm một cách đau lòng – không phát xuất từ bản tính của người nam và người nữ, cũng không do bản chất của các mối tương quan giữa họ, nhưng do tội lỗi” (GLHTCG 1607).

Nguyên tội, một sự phá vỡ nền tảng trong tương quan với Thiên Chúa, cũng phá hủy sự hiệp thông hài hòa nguyên thủy giữa người nam và người nữ. Tương quan hợp tác bị thay thế bởi ý muốn thống trị và tương quan tin tưởng lẫn nhau bị thay thế bởi đổ lỗi lẫn nhau (St 3,12.16). Từ đó, người nam và người nữ tìm lại con đường đến với nhau chỉ trong điều kiện tình yêu của họ được giải thoát khỏi những hậu quả của tội nguyên tổ qua thập giá của Chúa Kitô.

ĐHY Christoph Schönborn

Top