Thứ Tư tuần 32 Thường niên năm II - Tạ ơn (Lc 17,11-19)

Thứ Tư tuần 32 Thường niên năm II - Tạ ơn (Lc 17,11-19)

Thứ Tư tuần 32 Thường niên năm II - Tạ ơn (Lc 17,11-19)

Đức Giê-su bảo họ:
“Hãy đi trình diện với các tư tế.”
Đang khi đi thì họ được sạch.
(Lc 17,14)

BÀI ĐỌC I (năm II): Tt 3, 1-7

“Xưa chúng ta cũng lầm lạc, nhưng chiếu theo lòng từ bi Chúa, chúng ta đã được cứu thoát”.

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi cho Titô.

Con thân mến, con hãy nhắc bảo mọi người phải tùng phục thủ lãnh và những người quyền chức, biết vâng lời, sẵn sàng làm mọi việc thiện, đừng thoá mạ ai, và đừng gây gỗ, nhưng ở khoan dung, tỏ lòng rất mực hiền từ với mọi người. Vì chưng, xưa kia chúng ta cũng ngu muội, bất phục, lầm lạc, nô lệ cho tham vọng và nhiều khoái lạc khác, sống trong gian ác và ghen tương, khả ố và đố kỵ lẫn nhau. Nhưng khi Ðấng Cứu Thế, Chúa chúng ta, đã tỏ lòng từ tâm và nhân ái của Người, thì không phải do những việc công chính chúng ta thực hiện, nhưng do lòng từ bi của Người, mà Người đã cứu độ chúng ta bằng phép rửa tái sinh và sự canh tân của Thánh Thần, Ðấng mà Người đã đổ xuống tràn đầy trên chúng ta, qua Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, để một khi được công chính hoá bởi ân sủng của Ngài, trong hy vọng, chúng ta được thừa kế sự sống đời đời, trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.

Ðó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6

Ðáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).

Xướng: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. 

Xướng: Người dẫn tôi qua con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa,) dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con.

Xướng: Chúa dọn ra cho con mâm cỗ ngay trước mặt những kẻ đối phương: đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa.

Xướng: Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.

 

Tin mừng: Lc 17,11-19

11 Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi qua biên giới giữa hai miền Sa-ma-ri và Ga-li-lê. 12 Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa 13 và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!” 14 Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Đang khi đi thì họ được sạch. 15 Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. 16 Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. Anh ta lại là người Sa-ma-ri.

17 Đức Giê-su mới nói: “Không phải cả mười người đều được sạch sao ? Thế thì chín người kia đâu ? 18 Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này ?”

19 Rồi Người nói với anh ta: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh.” “Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông”.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Lòng biết ơn cảm tạ Chúa xuất phát từ việc nhận ra ơn phúc Chúa ban. Không nhận ra hồng của Chúa, không những đưa đến sự vô ơn mà còn ngăn cản chúng ta đến với Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, “quen quá hóa nhàm”; “gần chùa gọi bụt bằng anh”: đó là những thái độ làm cho con người trở nên xơ cứng khô cằn, không còn bén nhậy tinh tế với những gì xảy đến cho mình.

Mười người cùi được Chúa chữa lành, thế mà chỉ có một người thấy được ơn cao trọng Chúa ban, mà người đó là người Samaria, một người bị coi thường, bị hạ giá. Con thấy những người thấp hèn, kém cỏi, có lẽ cảm nhận được ơn huệ hơn là người cao sang quyền quý.

Riêng con, nhiều lần con đã vong ân đối với Chúa, nhiều lần con không nhận ra được hồng ân và tình yêu thương Chúa dành cho con. Đời sống con được tràn ngập đầy hồng ân Chúa, cả tâm hồn lẫn thể xác. Con có được sức khỏe, có một gia đình ấm cúng, con được tham dự thánh lễ, được lắng nghe Lời Chúa và rước Chúa mỗi ngày… Biết bao nhiêu điều may lành, hạnh phúc phủ ngập đời con, nhiều khi con biết được, nhưng lắm khi con quên rằng tất cả đều do Chúa ban. Thật sự con đã uống nước mà quên nguồn!

Lạy Chúa, xin Chúa tha thứ cho những vong ân bội nghĩa của con. Xin cho con nhận ra hồng ân và tình thương của Chúa, để con đến với Chúa, để con đền đáp tình yêu bao la của Chúa cho xứng đáng. Xin giúp con mỗi ngày biết dâng lên Chúa lời tạ ơn. Amen.

Ghi nhớ: “Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

1. Thái độ của 10 người cùi trong đoạn Tin Mừng này: biết phận mình nên khi thấy Chúa Giêsu thì “dừng lại đàng xa” và kêu xin.

2. Khi của Chúa Giêsu bảo họ “Hãy đi trình diện với các tư tế”, Chúa Giêsu vừa thử đức tin của họ vừa mời họ tin tuyệt đối vào Ngài:

- Thử thách đức tin: vì Ngài không chữa bệnh ngay

- Mời gọi đức tin: nếu họ đi là chứng tỏ họ tin Ngài chữa họ.

3. 9 người cùi do thái không trở lại tạ ơn vì họ đã quen được ơn Chúa nên coi đó là việc bình thường. Một người cùi xứ Samari trở lại tạ ơn vì nghĩ rằng mình không xứng đáng được ơn, thế mà lại được.

B. Suy niệm (...nẩy mầm)

1. Cám ơn là gì ? Điểm đáng chú ý là Thánh Luca không ghi lại lời cám ơn của Người Samari cho nên chúng ta không biết anh ta đã nói gì. Nhưng Thánh Luca ghi khá tỉ mỉ thái độ của anh ta: anh “thấy mình được khỏi, liền quay trở lại, lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Chúa Giêsu mà tạ ơn Ngài”. Thực ra nói cám ơn Chúa thì chúng ta đã nói nhiều. Nhưng lòng biết ơn thực còn xuất phát từ sự nhận thấy tình thương Chúa, thức đẩy ta quay trở lại với Chúa, thôi thúc ta tôn vinh Chúa và sấp mình thờ lạy Chúa nữa.

2. Hai tiếng “Cám ơn” giúp ích rất nhiều chẳng những cho ta mà còn cho người được nghe nó nữa:

- Khi ta cám ơn ai, người đó sẽ hài lòng, và lần sau họ sẽ sẵn sàng giúp ta nữa.

- Nghe ta nói cám ơn, lòng người ta vui, mặt người ta sáng, người ta sẽ làm việc vui vẻ hơn.

Hai tiếng “cám ơn” khi được thốt ra bởi những người lớn hơn thì càng sinh hiệu quả nhiều hơn. Chẳng hạn cha mẹ cám ơn con cái, thầy cô cám ơn học trò, chủ cám ơn tớ...

Nhưng tại sao người ta thường cám ơn “người dưng” hơn là cám ơn “người nhà” ? (Frank Mihalic).

3. Tâm lý chung:

- Ta quen nghĩ đến mình và quên nghĩ tới người, nhất là trong những lúc quá mừng, quá lo (những ngày đại tiệc, dễ quên cám ơn những người phục vụ bếp núc đã vất vả cho buổi lễ của ta).

- Ta dễ vụ lợi, ích kỷ, vô ơn: ‘Hữu sự vái tứ phương, vô sự đồng hương không mất’, ‘Vòng chưa thoát khỏi đã cong đuôi’.

4. Người Á đông chúng ta có thói quen trọng sự biết ơn: Biết ơn ông bà tổ tiên, Đạo ông bà… Nhưng cũng nên đề phòng thái độ biết ơn chỉ ngừng lại ở phạm vi công bằng, biết điều, ‘Ơn đền; oán trả’, và đi đến chỗ phải mau lo đền ơn để rũ nợ cho sớm.

5. Một cậu bé ngồi hàng ghế đầu trên xe buýt. Thấy một cụ già lên xe, cậu nhường ghế cho cụ. Ông cụ ung dung ngồi xuống, không nói tiếng nào. Cậu bé hỏi:

- Thưa ông, ông vừa nói gì thế ?

- Tôi có nói gì đâu.

- Vậy mà cháu tưởng ông nói “cám ơn” chứ. (Quote)

6. Các tâm tình tạ ơn gương mẫu: - Magnificat - Benedictus - Nunc dimmittis - Thánh Lễ (Eucharistie).

7. “Một người trong bọn thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa” (Lc 17,15)

Chúa cho con đôi mắt, con nhìn bao kỳ công

Chúa cho con đôi tai, con nghe đủ âm thanh

Chúa cho con đôi môi, con hé mở nụ cười

Chúa cho con hai tay, bưng chén cơm, cầm bút

Chúa cho con đôi chân, dẫn con khắp nẻo đường

Chúa cho con khối óc, phân biệt điều thực hư…

Những điều con có đó, tưởng tầm thường nhưng thật vĩ đại, thật cao cả.

Mà đã lần nào con nhớ đến những thứ ấy để cám ơn Chúa.

Chắc đợi đến khi mắt mù, tai điếc, chân què, con mới nhận ra những thứ ấy thật quý giá.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con nhiều điều. Nhưng xin ban cho chúng con một điều nữa là cho chúng con luôn biết nhận ra những ân huệ Chúa mà không ngừng cảm tạ tri ân. Amen. (Hosanna)

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Chúa chữa mười người phong cùi (Lc 17,11-19)

  1. Trên hành trình của Đức Giêsu về Giêrusalem, khi qua biên giới hai miền Samari và Galilê thì có mười người phong cùi đến xin Chúa chữa cho mình. Đức Giêsu không trực tiếp chữa mà chỉ bảo họ đi trình diện với các tư tế, để chứng tỏ mình đã được sạch. Họ tin lời Chúa, đang khi đi trên đường họ đã được khỏi bệnh. Nhưng sau khi được lành thì chỉ có một người trở lại tạ ơn và tôn vinh Thiên Chúa, còn chín người kia thì không. Còn chúng ta, có nhận ra ơn lành Chúa ban và biết dâng lời cảm tạ Người hay không ?
  2. Tin mừng hôm nay Chúa muốn nhắc nhở ta phải có tinh thần biết ơn. Đức Giêsu đã chữa lành 10 người phong cùi, nhưng chỉ có một người quay trở lại để cám ơn Ngài, mà người đó lại là người Samaria, một người ngoại giáo. Những người có đạo lại trở thành ngoại đạo, vì họ không biết nói lời cám ơn, không biết sống tình người. Trong khi đó, dưới cái nhìn của Đức Giêsu, một người ngoại đạo lại trở thành có đạo vì đã biết sống tình người. Đức Giêsu đã nói với người Samaria:“Lòng tin của ngươi đã cứu ngươi”. Lòng tin ở đây là biết trở lại tìm Đức Giêsu và nói lên niềm tri ân của mình. Người Samaria ra về được lành không những trong thân xác, mà nhất là được chữa lành trong tâm hồn. Từ nay tâm hồn của ông được mở ra vì đã biết sống tình liên đới với tha nhân. Trong khi đó 9 người Do thái kia được hồi phục trong thân xác, nhưng vẫn tiếp tục cắt đứt tâm hồn họ khỏi mọi liên đới và ràng buộc với tha nhân, và đó chính là sự cùi hủi đáng thương nhất của con người (Mỗi ngày 1 tin vui).
  3. Tin mừng kể lại việc 10 người phong cùi được Đức Giêsu chữa lành, nhưng chỉ có một người ngoại giáo trở lại tôn vinh Thiên Chúa. Sở dĩ, 9 người Do thái được chữa lành không trở lại tôn vinh Thiên Chúa, có lẽ vì họ quá chú trọng đến việc thi hành lề luật là đi trình diện tư tế, để được công nhận đã khỏi bệnh và được hòa nhập vào cộng đoàn trở lại. Cũng có thể vì quá vui mừng tìm đến gia đình bạn hữu mà quên Đấng đã cứu mình. Nhưng dù lý do nào đi nữa, thì sự thật vẫn là những người được ơn đã quên mất Đấng là mọi nguồn ơn lành.
  4. John Hughes là một tài xế taxi tại Nữu Ước. Một sáng nọ, trong khi lau chùi xe, ông bắt gặp một chiếc nhẫn bằng ngọc bảo trên xe. Ông cố nhớ xem chiếc nhẫn này là của người hành khách nào. Cuối cùng, ông nhớ đến một người phụ nữ đã mang theo rất nhiều tiền. Sau hai ngày tìm kiếm, ông gặp lại người phụ nữ và hồi hộp trả lại chiếc nhẫn cho bà ta. Chẳng những không thưởng, mà bà ta cũng chẳng nói một lời cám ơn. Sau đó, ông John Hughes nói: “Tôi rất mừng vì dù sao cũng đã gặp được bà ta. Đó là việc tôi phải làm”.
  5. Mười người đều được khỏi bệnh, nhưng chỉ có một người trở lại cám ơn Chúa. Tỉ lệ 1/10 thật là đáng buồn. Vì thế có người nói rằng: “Con người ta thường hay ích kỷ: muốn người khác phải trả ơn mình, biết ơn mình, còn mình không để ý cám ơn ai”. Hơn nữa, người ta dễ quên ơn và mau quên ơn. Đời là thế: lẽ ra phải:        Ăn quả nhớ kẻ trồng cây,

Ăn cây nào rào cây ấy,
Uống nước phải nhớ nguồn.

Thì lại:

Ăn cháo đá bát,Vắt chanh bỏ vỏ,
Có trăng phụ đèn,
Ăn mật trả gừng,
Ăn sung trả ngải...

 

Kẻ muốn được ơn thì quá nhiều, còn kẻ biết ơn, hàm ơn, thì lại quá ít, và số người này lớn quá (Lm. Phạm Văn Phượng).

  1. Truyện: Nhật ký của một bà già

Đây là những lời của một bà già viết trong Nhật ký:

Chúa ban cho tôi biết bao ơn lành của Chúa,
Chúa cho tôi đôi mắt, để tôi nhìn ngắm bao kỳ công,
Chúa cho tôi đôi tai, để tôi nghe đủ âm thanh,
Chúa cho tôi đôi môi, để tôi hé nở nụ cười,
Chúa ban cho tôi hai tay, để tôi bưng chén cơm, cầm bút,
Chúa cho tôi đôi chân, dẫn tôi đi khắp nẻo đường,
Chúa cho tôi khối óc, để tôi biết phân biệt điều thực điều hư.
Mà đã có lần nào tôi nhớ đến những thứ ấy để cám ơn Chúa chưa?
Hay phải đợi đến khi mắt mù, tai điếc, chân què, tôi mới nhận ra những thứ ấy thật quý giá.

 

4. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Kurt Emmerich - bác sĩ giải phẫu trong quân đội của Đức, đã kể câu chuyện sau đây về một kinh nghiệm ông đã trải qua ở biên giới Nga. Hàng ngàn thương binh đã được ông giải phẫu tại bệnh viện dã chiến, nhưng chỉ có một trường hợp làm ông không bao giờ quên. Người lính trẻ đó được đưa vào bệnh viện với một khuôn mặt bị vỡ tan nát. Bác sĩ phải làm việc rất nhiều ngày để sửa lại khuôn mặt của anh với tất cả nỗ lực có thể được qua hàng loạt những phẫu thuật cấy và ghép da.

Trong lần giải phẫu cuối cùng, bác sĩ đã phải khâu nối kết toàn thể các phần còn lại với nhau ở khóe miệng của bệnh nhân. Những y tá phụ đã giúp cho anh thương binh ngồi lên. Vì thuốc tê chung quanh miệng bệnh nhân vẫn còn hiệu quả, nên bác sĩ nói với anh: “Bây giờ công việc đã hoàn tất, chúng tôi muốn nghe anh phát biểu một điều gì với môi miệng mới của anh”.

Anh thương binh trẻ từ từ cử động những bắp thịt quanh miệng một cách rất cẩn thận và rồi với nụ cười mỉm đầu tiên của anh, miệng anh uốn theo những chữ: “Cám ơn” (Theo Nguyễn Văn Thái, Sống Lời Chúa… năm C, tr. 343).

Suy niệm

Tin mừng Luca 17,11-19 gợi lại trong tâm hồn chúng ta tâm tình sống nhớ ơn, tạ ơn. Tinh thần này không chỉ là nét đẹp trong đời sống nhân văn mà còn là giá trị cao quý của tâm tình đức tin: Chúa Giêsu đánh giá cao lòng biết ơn qua biến cố Ngài chữa lành mười người bị phong hủi nhưng chỉ có người Samaria ngoại đạo quay lại tạ ơn Ngài và ca tụng Thiên Chúa.

Chính Chúa Giêsu luôn sống trong tâm tình tạ ơn: Mỗi khi làm việc, Ngài cũng tạ ơn chúc tụng Chúa Cha, Ngài tạ ơn Chúa Cha khi làm cho Ladarô phục sinh (x. Ga 11,41-42), Ngài tạ ơn Cha khi làm phép lạ bánh (x. Mt 15,36; Mc 8,6...). Chúa Giêsu trở nên gương mẫu cho chúng ta về đời sống tâm tình tạ ơn mỗi ngày. Thánh Phaolô học tập gương Thầy Chí Thánh thể hiện qua các thư gửi các giáo đoàn, Ngài luôn tạ ơn Thiên Chúa, Ngài nhớ ơn sự quảng đại các cộng đoàn đã quảng đại giúp đỡ Ngài trên đường sứ vụ và Ngài cũng mời mỗi người tín hữu sống tâm tình tạ ơn Thiên Chúa với Ngài.

Sống tâm tình tạ ơn trong đời sống là một nét đẹp nhân bản và tác động của tâm tình đức tin. Tôi và bạn có được ngày hôm nay là do công lao của biết bao bàn tay và tâm hồn đưa chúng ta vào đời. Trước hết phải kể đến ơn tạo dựng của Thiên Chúa, không lạ gì khi Kinh Thánh có rất nhiều Thánh Vịnh, bài ca ca tụng Thiên Chúa, cụ thể như những câu Thánh Vịnh: “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ, vì mọi ơn lành Người đã ban cho ?” (Tv 116,12); “Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở” (Tv 117,1)... Chúng ta phải mang bổn phận biết ơn, vì “Từ nguồn sung mãn của Người (Đức Giêsu), tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1,16).

Cảm tạ Thiên Chúa vì tất cả những gì chúng ta có được trong đời, dù rằng như Kinh Tiền tụng trong thánh lễ nhấn mạnh: “Cha không cần chúng con ca tụng, nhưng được tạ ơn Cha lại là một hồng ân cao cả, vì những lời ca tụng của chúng con chẳng thêm gì cho Cha, nhưng đem lại cho chúng con ơn cứu độ muôn đời” (Kinh Tiền tụng IV). Sống trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, chính lời tạ ơn trở nên hoa trái ân sủng cho chúng ta như phương pháp “Hồi tâm” của thánh Ignaxiô, nhấn mạnh đến tâm tình tạ ơn, tâm tình này giúp con tim chú ý đến những món quà mà chúng ta nhận được trong ngày. Nhờ đó cuộc sống của chúng ta với thiên nhiên, với anh chị em, với bạn bè và thế giới xung quanh, đặc biệt với Thiên Chúa sẽ được sung mãn và dồi dào hơn trong tình yêu.

Hãy ghi nhận và biểu lộ lòng biết ơn với những người thân quen sống bên ta... Lòng biết ơn gắn kết chúng ta trong tình yêu, như là những bông hoa nhỏ chớm nở xua đuổi mùa đông băng giá nơi tình người và bắt đầu nảy nở “mùa xuân” trong cuộc sống mỗi ngày.

 Ý lực sống

“Lạy Chúa, con hết lòng cảm tạ,
Kể ra đây muôn việc lạ Chúa làm.
Mừng Ngài, con hân hoan nhảy múa,
đàn hát kính danh Ngài, lạy Ðấng Tối Cao”.
(Tv 9,2-3)

Top