Thứ Sáu tuần 5 mùa Chay (Ga 10,32-42)
Họ tìm cách bắt Đức Giê-su,
nhưng Người đã thoát khỏi tay họ.
Bài đọc 1: Gr 20,10-13
Đức Chúa hằng ở bên con như một trang chiến sĩ oai hùng.
Bài trích sách ngôn sứ Giê-rê-mi-a.
10 Khi ấy, ông Giê-rê-mi-a thưa với Chúa rằng:
Con nghe biết bao người vu cáo:
“Kìa, lão ‘Tứ phía kinh hoàng!’,
hãy tố cáo, hãy tố cáo nó đi!”
Tất cả những bạn bè thân thích đều rình xem con vấp ngã.
Họ nói: “Biết đâu nó chẳng mắc lừa,
rồi chúng ta sẽ thắng và trả thù được nó!”
11Nhưng Đức Chúa hằng ở bên con
như một trang chiến sĩ oai hùng.
Vì thế những kẻ từng hại con
sẽ thất điên bát đảo, sẽ không thắng nổi con.
Chúng sẽ phải thất bại, và nhục nhã ê chề:
đó là một nỗi nhục muôn đời không thể quên.
12Lạy Đức Chúa các đạo binh,
Đấng dò xét người công chính, Đấng thấu suốt tâm can,
con sẽ thấy Ngài trị tội chúng đích đáng,
vì con đã giãi bày cơ sự cùng Ngài.
13Hãy ca tụng Đức Chúa, hãy ngợi khen Đức Chúa,
vì Người đã giải thoát kẻ cơ bần khỏi tay phường hung bạo.
Đáp ca: Tv 17,2-3a.3bc-4.5-6.7 (Đ. x. c.7)
Đ.Lúc ngặt nghèo tôi kêu cầu Chúa:
Người đã nghe tiếng tôi.
2Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con;3alạy Chúa là núi đá, là thành luỹ, là Đấng giải thoát con;
Đ.Lúc ngặt nghèo tôi kêu cầu Chúa:
Người đã nghe tiếng tôi.
3bcLạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn,
là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng, là thành trì bảo vệ.4Tôi kêu cầu Chúa là Đấng xứng muôn lời ngợi khen,
và tôi được cứu thoát khỏi quân thù.
Đ.Lúc ngặt nghèo tôi kêu cầu Chúa:
Người đã nghe tiếng tôi.
5Sóng tử thần dồn dập chung quanh,
thác diệt vong làm tôi kinh hãi,6màng lưới âm ty bủa vây tứ phía,
bẫy tử thần ập xuống trên tôi.
Đ.Lúc ngặt nghèo tôi kêu cầu Chúa:
Người đã nghe tiếng tôi.
7Lúc ngặt nghèo tôi kêu cầu Chúa,
kêu lên Người là Thiên Chúa của tôi.
Từ thánh điện, Người đã nghe tiếng tôi cầu cứu,
lời tôi khấn nguyện vọng đến tai Người.
Đ.Lúc ngặt nghèo tôi kêu cầu Chúa:
Người đã nghe tiếng tôi.
Tin mừng: Ga 10,31-42
31 Khi ấy, người Do-thái lại lấy đá để ném Đức Giê-su.
32 Người bảo họ: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi?”
33 Người Do-thái đáp: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.”
34 Đức Giê-su bảo họ: “Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: ‘Ta đã phán: các ngươi là những bậc thần thánh’?
35 Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ, 36 thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: ‘Ông nói phạm thượng!’ vì tôi đã nói: ‘Tôi là Con Thiên Chúa’?
37 Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi.
38 Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha.”
39 Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ.
40 Đức Giê-su lại ra đi, sang bên kia sông Gio-đan, đến chỗ trước kia ông Gio-an đã làm phép rửa, và Người ở lại đó.
41 Nhiều người đến gặp Đức Giê-su. Họ bảo nhau: “Ông Gio-an đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng.”
42 Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giê-su.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Chúa Giêsu bày tỏ Ngài là Con Thiên Chúa, nhưng người Do thái đã không chấp nhận. Nay Chúa cũng đang tỏ mình cho ta và mời gọi ta tin nhận và bước theo Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, người Do thái không tin vào Chúa bởi vì họ đã vẽ dung nhan Chúa theo quan niệm riêng của họ. Lòng họ vẫn mong chờ, nhưng khi đối diện với chính Chúa là Đấng được Chúa Cha sai đến thì họ không nhận ra, không tin vào Chúa là Thiên Chúa Nhập Thể.
Đời sống Kitô hữu nơi con nhiều khi cũng thế. Con khao khát ước mong được gặp Chúa, nhưng Chúa đã và đang hiện diện trong đời con mà con chẳng nhận ra và chẳng tin Chúa. Tệ hại hơn nữa là như dân Do thái đòi ném đá Chúa, con cũng ném đá Chúa khi con gạt bỏ Chúa ra khỏi con người và cuộc đời của con. Con ném đá Chúa khi con sùng bái đề cao cái “Tôi” của con, hoặc khi con xem sự thỏa mãn dục vọng là bí quyết hạnh phúc, là tiêu chuẩn để lựa chọn.
Xin Chúa giúp con xác tín rằng kính mến Chúa không chỉ hệ tại ở lời hay ý đẹp, kính mến Chúa không chỉ tại danh nghĩa bên ngoài với những hình thức tổ chức rầm rộ hào nhoáng. Con ao ước được lòng kính mến Chúa chân thành bằng cách đón nhận Chúa như chính Chúa tỏ mình cho con. Xin đừng để con bẻ ngoặt Lời Chúa và bắt Tin Mừng uốn theo quan niệm riêng tư để khéo léo che đậy cái tôi đầy tham vọng của con. Xin giúp con biết sống đức tin đích thực mỗi khi phải đối diện với sự giằng co nội tâm, đối diện với đòi hỏi bỏ mình, để nhờ đó con tin và bước theo Lời Chúa. Xin cho con dám hủy mình ra không để dám đi đến tận cùng, dám bước đi liều lĩnh nhưng chắc chắn đến tận cùng cuối đường, ở đó Chúa đã có mặt sẵn để chờ đón và ôm con vào lòng. Amen.
Ghi nhớ: “Họ tìm bắt Người, nhưng Người thoát khỏi tay họ”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống...)
1. Bài đọc 1: nhất trí với nhiều ngôn sứ khác, ngôn sứ Giêrêmia tiên báo Đấng Messia sẽ bị chống đối và bách hại bởi chính dân mình. Nhưng Ngài sẽ được Thiên Chúa nâng đỡ và cứu thoát.
2. Trong đoạn Tin Mừng hôm qua, Chúa Giêsu cố gắng làm cho người Do Thái hiểu Ngài là ai. Ngài nói hơi xa xôi “Khi Abraham chưa sinh ra thì đã có ta rồi”. họ không hiểu mà còn lấy đá định ném Người. Trong đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu nói rõ “Ta là Con Thiên Chúa”. Lần này, họ kết tội Ngài phạm thượng.
B. Suy niệm (...nẩy mầm)
1. “Trong các cuộc tranh luận với người Do Thái, Chúa Giêsu đã mặc khải sự thật về Ngài, về mối tương quan giữa Ngài với Chúa Cha: “Cha ở trong Ta và Ta ở trong Cha”. Nhưng người Do Thái không thể hay không muốn tin vào Chúa. Họ vẫn khăng khăng coi Ngài chỉ là một con người. Do đó họ lượm đá ném Chúa vì cho Ngài là lộng ngôn… Những người Do Thái này đã quá chìm sâu trong tội lỗi của họ. Họ không cảm thấy cần ơn cứu độ. Người Kitô hữu chúng ta ngày nay cũng có thể bị ảnh hưởng bởi tinh thần thế tục: chỉ muốn nhìn Chúa Giêsu như một con người, một nhà cách mạng không hơn không kém. Chúng ta có thể bị cám dỗ lượm đá ném Chúa vì những gì liên hệ đến Ngài” (Mỗi ngày một tin vui).
2. Nhìn thấy sự khó tin của người Do Thái đối với Chúa Giêsu, rồi nhìn lại đức tin của mình sao mà dễ dàng quá: ngay từ khi mới sinh ra mình đã được biết Chúa và tin Chúa, ta không nhận ra đức tin là một hồng ân sao ? Hãy cám ơn Chúa đã ban đức tin cho chúng ta, và xin Ngài gìn giữ đức tin ấy khỏi bị lạc mất.
3. Một người da trắng và một người thổ dân cùng nghe giảng. Người thổ dân cảm động và xin nhập đạo ngay. Còn người da trắng cũng cảm động nhưng cả một năm sau mới gia nhập đạo. Trong một buổi phục vụ, người da trắng hỏi: Tôi phải mất một thời gian mới có lòng tin, sao anh có lòng tin sớm thế ? Người thổ dân đáp: Này bạn, để tôi nói cho bạn nghe. Có vị hoàng tử hức cho chúng ta chiếc áo mới. Bạn nhìn vào áo mình tự nhủ: Ao mình còn đẹp, để mai hãy lấy. Cón tôi, tôi nhìn vào tấm áo cũ kỹ của mình, thấy nó chẳng ra gì, nên vội vàng đến nhận áo mới. Bạn ạ, bạn đã có chút khôn ngoan, nên bạn muốn dùng chúng. Còn tôi, tôi không có, nên tôi mau mắn đón nhận sự khôn ngoan của Chúa Giêsu. (Góp nhặt).
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Đức Giêsu là Con Thiên Chúa (Ga 10,31-42)
- Vào dịp mừng lễ Cung hiến Đền thờ ở Giêrusalem, người Do thái vây quanh Đức Giêsu, cật vấn Ngài có phải là Đấng Cứu Thế không? Đây là câu hỏi để gài bẫy: Nếu Ngài tự xưng mình là Đấng Cứu Thế, họ nghĩ chính quyền Rôma sẽ bắt tội Ngài. Nếu Ngài hối, họ sẽ buộc Ngài vào tội lừa dối dân.
Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu không trả lời thẳng vào câu hỏi đó. Thừa dịp này, Ngài tuyên bố một chân lý quan trọng: Ngài là Con Thiên Chúa và đồng bản tính với Thiên Chúa: “Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha”.
- Chúng ta thấy người Do thái không tin Ngài là phải, vì bài Tin mừng hôm nay cho thấy lý do tại sao người Do thái không tin nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa. Họ không tin nhận vì họ đứng ở vị thế chính trị: họ mong đợi một Đấng Cứu Thế giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của ngoại bang; trong khi đó, Đức Giêsu lại ở vị thế hoàn toàn tôn giáo. Ngài đến giải phóng con người khỏi ách thống trị của tội lỗi. Hai người đứng trên hai quan điểm khác nhau mà nói chuyện thì không bao giờ đi đến kết luận chung.
- Câu hỏi “Đức Giêsu là ai”, Ngài có phải là Con Thiên Chúa không? Câu trả lời vẫn còn lơ lửng, chưa ngã ngũ! Trong ba năm giảng dạy, với nội dung giảng dạy, và cách thức giảng dạy của Đức Giêsu đã khiến mọi người ngạc nhiên thán phục. Thêm vào đó, những phép lạ Chúa làm lại củng cố thêm cho sự thán phục này. Dầu vậy, thính giả của Ngài vẫn thắc mắc hỏi nhau: Giêsu là ai? Nhiều người cho Ngài là một tiên tri nào đó như Isaia, Êlia, Giêrêmia hay một tiên tri nào khác đã sống lại. Chính các Tông đồ cũng vẫn thắc mắc: Ngài là ai? Câu hỏi này đã được chính Chúa Cha trả lời: Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là con rất yêu quí của Chúa Cha. Bằng chứng: hai lần Chúa Cha đã tuyên bố công khai như vậy, một lần ở sông Giođan lúc Ngài chịu phép rửa và một lần nữa ở trên núi Taborê khi Ngài biến hình.
Chính Đức Giêsu cũng đã nhiều lần tuyên bố như vậy. Chẳng hạn dụ ngôn “những người làm vườn nho hung ác” đã giết đứa con duy nhất của ông chủ. Chúa đã dùng hình ảnh đó để ám chỉ chính Ngài đã được Chúa Cha sai đến trần gian và bị người Do thái giết chết nơi đồi Calvariô...
- Người Do thái vì cứng lòng, không chịu nhận Đức Giêsu và lời giảng dạy của Ngài. Họ kết tội Ngài phạm thượng, vì đã tự xưng mình là Con Thiên Chúa. Dân Do thái chỉ nhớ một điều họ không bằng lòng, mà quên đi nhiều điều tốt lành Đức Giêsu đã làm cho họ: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng. Ông là người phàm, mà lại tự cho mình là Thiên Chúa” (Ga 10,33). Với họ, Đức Giêsu chỉ là con người bình thường, một thanh niên con bác thợ mộc Giuse và bà Maria ở làng quê Nazareth nghèo nàn.
Dù họ chấp nhận hay không, thì Đức Giêsu vẫn là Con Thiên Chúa, như lời Đức Giêsu đã mạc khải sự thật về Ngài, về mối tương quan quan giữa Ngài với Chúa Cha: “Cha ở trong Ta, và Ta ở trong Cha”. Ngài đến để làm chứng cho sự thật. Nhưng chính bởi sự thật đó, có nhiều người đã chống đối và cũng có nhiều người tin vào Ngài.
- Vậy chúng ta bảo Đức Giêsu là ai? Chúng ta phải tin và xác quyết rằng Ngài vừa là Thiên Chúa, vừa là người thật.
- Đức Giêsu là Thiên Chúa thật. Trong ba năm sống công khai, Ngài đã không ngừng xác quyết điều đó. Ngài tự xưng mình cao trọng hơn Abraham, lớn hơn Maissen... Tất cả những lời tuyên bố trên đã được Đức Giêsu chứng thực và xác nhận bằng các phép lạ, trong đó sự sống lại của Ngài là bằng chứng cao cả nhất về Thần tính của Ngài.
- Đức Giêsu cũng là con người thật. Con người đó cũng có một thân xác như chúng ta. Về phương diện tình cảm, Ngài biết rung động trước vẻ đẹp của cảnh vật thiên nhiên, Ngài nghiêng mình và xoa dịu những vết thương đau của nhân loại, nhất là những kẻ yếu đau và người tội lỗi.
- Truyện: Tin theo Chúa Giêsu
Qua những người dân trong vùng đến làm phu, dựng nhà cho lính tráng và các cung nữ, tin đồn có Tây dương đạo trưởng đến thuyết pháp được lan truyền ra. Dân chúng đến nghe giảng mỗi ngày một đông, và số người trở lại mỗi ngày một nhiều. Trong hai tháng trời chờ đợi ở An Vực, hai cha đã rửa tội được 200 người.
Người thứ nhất được ơn trở lại là một sư cụ danh tiếng trong vùng. Cụ rất chăm học đạo, hằng ngày luôn ở bên cạnh các cha để nghe giảng giải các mầu nhiệm trong đạo. Không dám phiền cụ, cha Đắc Lộ nhờ một thanh niên biết chữ chép ra chữ Nôm, những kinh cha đọc cho, để những người tân tòng theo đó mà học.
Thấy thế, cụ liền xin cho cụ được hân hạnh làm công việc đó “vì trước kia, cụ đã làm thầy dạy người ta những sự lầm lạc, thì lúc này, cũng xin nhận việc đó để dạy lại người ta những điều chân thật”.
Chưa đủ, nhận thấy gian nhà của hai cha ở chật chội, dân chúng đến nghe giảng phải chen chúc nhau, cụ liền dâng cho hai cha một khu đất bên cạnh, để hai cha làm một nhà thờ rộng rãi và xứng đáng hơn.
bài liên quan mới nhất
- Thứ Ba tuần 34 Thường niên năm II - Giá trị trần gian không tồn tại (Lc 21,5-11)
-
Thứ Hai tuần 34 Thường niên năm II - Cho đi (Lc 21,1-4) -
Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Đức Giêsu, Vua niềm tin (Ga 18,33b-37) -
Thứ Bảy tuần 33 Thường niên năm II (Lc 20,27-40) -
Thứ Sáu tuần 33 Thường niên năm II - Nơi gặp gỡ Chúa (Lc 19,45-48) -
Thứ Năm tuần 33 Thường niên năm II - Than khóc Giêrusalem (Lc 19,41-44) -
Ngày 21/11: Đức Maria dâng mình trong đền thờ - Thi hành ý Chúa (Mt 12,46-50) -
Thứ Tư tuần 33 Thường niên năm II - Trung thành và Khôn ngoan (Lc 19,11-28) -
Thứ Ba tuần 33 Thường niên năm II - Hoán cải đích thực (Lc 19,1-10) -
Thứ Hai tuần 33 Thường niên năm II - Con mắt đức tin (Lc 18,35-43)
bài liên quan đọc nhiều
- Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32)
-
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23) -
Lễ thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu -
Chúa nhật 22 Thường niên năm A (Mt 16,21-27) -
Ngày 29/09: Các Tổng lãnh Thiên thần (Ga 1,47-51) -
Chúa nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống - Đức Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống (Ga 14,15-16.23b-26) -
Ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ - Phúc thật (Mt 5,1-12a) -
Ngày 22/07: Thánh nữ Maria Magđalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18) -
Ngày 21/09: Thánh Mát-thêu, tông đồ, tác giả Tin mừng (Mt 9,9-13) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (Ga 15,9-17) - Bạn hữu của Thầy