Thứ Năm tuần 4 mùa Chay (Ga 5,31-47)

Thứ Năm tuần 4 mùa Chay (Ga 5,31-47)

Thứ Năm tuần 4 mùa Chay (Ga 5,31-47)

“Các ông đã không để cho lời Người ở mãi trong lòng,
bởi vì chính các ông không tin vào Đấng Người đã sai đến”. (Ga 5,38)

BÀI ĐỌC I: Xh 32, 7-14

“Xin Chúa tỏ lòng khoan dung đối với tội lỗi dân Chúa”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Môsê rằng: "Ngươi hãy đi xuống; dân mà ngươi dẫn ra khỏi đất Ai-cập đã phạm tội. Chúng đã sớm bỏ đường lối Ta đã chỉ dạy cho chúng, chúng đã đúc tượng bò con và sấp mình thờ lạy nó; chúng đã dâng lên nó của lễ hiến tế và nói rằng: "Hỡi Israel, này là Thiên Chúa ngươi, Đấng đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập". Chúa phán cùng Môsê: "Ta thấy rõ dân này là một dân cứng cổ. Ngươi hãy để Ta làm, Ta sẽ nổi cơn thịnh nộ với chúng và sẽ huỷ diệt chúng, rồi Ta sẽ làm cho ngươi trở nên tổ phụ một dân tộc vĩ đại".

Môsê van xin Chúa là Thiên Chúa của ông rằng: "Lạy Chúa, tại sao Chúa nổi cơn thịnh nộ với dân mà Chúa đã dùng quyền lực và cánh tay hùng mạnh đưa ra khỏi đất Ai-cập ? Xin Chúa đừng để cho người Ai-cập nói rằng: "Người đã khéo dẫn họ đến đây, để giết họ trên núi và huỷ diệt họ khỏi mặt đất". Xin Chúa nguôi cơn giận và tỏ lòng khoan dung đối với tội lỗi dân Chúa. Xin Chúa nhớ đến Abraham, Isaac, và Israel tôi tớ Chúa, vì chính Chúa đã thề hứa rằng: "Ta sẽ làm cho con cháu các ngươi sinh sản ra nhiều như sao trên trời, Ta sẽ ban cho con cháu các ngươi toàn cõi xứ này như lời Ta đã hứa, và các ngươi sẽ chiếm hữu xứ này mãi mãi". Chúa đã nguôi cơn giận, không thực hiện điều dữ mà Người đe doạ phạt dân Người. 

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 105, 19-20. 21-22. 23

Đáp: Lạy Chúa, xin nhớ chúng con khi gia ân huệ cho dân Ngài (c. 4a).

Xướng:

1) Họ đã đúc con bò tại Horeb, và lễ bái thần tượng đã đúc bằng vàng. Họ đem vinh quang của mình đánh đổi lấy hình tượng con bò ăn cỏ. - Đáp.

2) Họ đã quên Thiên Chúa là Đấng cứu độ mình, Đấng đã làm những điều trọng đại bên Ai-cập, Đấng đã làm những điều kỳ diệu trên lãnh thổ họ Cam, và những điều kinh ngạc nơi Biển Đỏ. - Đáp.

3) Chúa đã nghĩ tới chuyện tiêu diệt họ cho rồi, nếu như Môsê là người Chúa chọn, không đứng ra cầu khẩn với Ngài, để Ngài nguôi giận và đừng tiêu diệt họ. - Đáp.

 

Tin mừng: Ga 5,31-47

31 Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng: “Nếu tôi làm chứng về chính mình, thì lời chứng của tôi không thật.

32 Có Đấng khác làm chứng về tôi, và tôi biết: lời Người làm chứng về tôi là lời chứng thật.

33 Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gio-an, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật.

34 Phần tôi, tôi không cần lời chứng của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điều này để các ông được cứu độ.

35 Ông Gio-an là ngọn đèn cháy sáng, và các ông đã muốn vui hưởng ánh sáng của ông trong một thời gian.

36 Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gio-an: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành ; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi.

37 Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi. Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người, cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người.

38 Các ông đã không để cho lời Người ở mãi trong lòng, bởi vì chính các ông không tin vào Đấng Người đã sai đến.

39 Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi.

40 Các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống. 41 “Tôi không cần người đời tôn vinh.

42 Nhưng tôi biết: các ông không có lòng yêu mến Thiên Chúa.

43 Tôi đã đến nhân danh Cha tôi, nhưng các ông không đón nhận. Nếu có ai khác nhân danh mình mà đến, thì các ông lại đón nhận.

44 Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được ?

45 “Các ông đừng tưởng là tôi sẽ tố cáo các ông với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các ông chính là ông Mô-sê, người mà các ông tin cậy.

46 Vì nếu các ông tin ông Mô-sê, thì hẳn các ông cũng tin tôi, bởi lẽ ông ấy đã viết về tôi.

47 Nhưng nếu điều ông ấy viết mà các ông không tin, thì làm sao tin được lời tôi nói ?”

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Để chứng minh mình là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã luôn thi hành Thánh Ý Cha. Đối với người Kitô hữu cũng vậy, thực thi Thánh Ý Chúa là cách thế biểu lộ chúng ta là con cái Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, khi đi rao giảng Tin Mừng, Chúa được mọi người khen Chúa nói hay. Lúc Chúa làm phép lạ, mọi người trầm trồ thán phục Chúa. Nhưng dù nói gì, Chúa không bao giờ nói theo ý riêng mình, mà chỉ nói lời Tin Mừng phục vụ Ý Cha. Làm gì, Chúa cũng làm để tôn vinh Danh Cha. Ý Chúa Cha là kim chỉ nam cho cuộc đời của Chúa trên trần gian này. Xin Chúa cho con luôn biết nói sao cho phù hợp với Ý Chúa, làm gì cũng làm sao cho vừa lòng Chúa.

Chính nhờ sự tận hiến ý riêng để thi hành Ý Cha mà cuộc đời Chúa trở nên một hiến tế đẹp lòng Cha, có sức cứu độ toàn thế giới, trong đó có mỗi người chúng con. Chính nhờ cuộc đời tận hiến đó, tận hiến đến chết trên Thánh giá, mà Chúa được Cha siêu thăng phục sinh và cho vinh hiển bên Cha. Nhờ thấy vậy, các Tông đồ nhận ra Chúa thật là Chúa và họ đã dám sống chết theo Chúa.

Lạy Chúa, con biết mỗi Kitô hữu chúng con dù có nói hay, dù có làm giỏi, mà không nói và làm vì Danh Chúa và theo Ý Chúa, thì cũng tựa thùng rỗng kêu to, phèng la inh ỏi. Khi đó, đời con chẳng có giá trị gì trước mặt Chúa cũng như chẳng đủ sức thuyết phục đươc ai tin theo Chúa.

Xin Chúa cho con luôn biết nhìn lên Thanh giá Chúa, nơi Chúa biểu lộ tột đỉnh lòng vâng phục Ý Cha, để nhờ đó con thêm can đảm vâng theo Ý Chúa trong cuộc sống thường ngày. Xin cho con luôn nhớ tới sự phục sinh của Chúa để thêm dứt khoát và tin tưởng chọn lựa Ý Chúa hơn chọn ý riêng mình. Amen.

Ghi nhớ: “Có người tố cáo các ngươi, đó là Môsê, người mà các ngươi vẫn tin tưởng”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Hạt giống...

1. Bài đọc 1: mô tả ông Môisê là một người rất có uy tín đối với Chúa. Khi dân Israel đúc tượng con bê vàng, Thiên Chúa đã nổi cơn thịnh nộ muốn tiêu diệt họ. Nhưng nhờ Môisê cầu xin, Thiên Chúa đã nguôi giận và không phạt họ nữa.
2. Bài Tin Mừng: Chúa Giêsu tiếp tục tranh luận với những người biệt phái sau khi việc Ngài chữa một người bất toại vào ngày sabát. Ngài đã nói với họ rằng sở dĩ Ngài làm việc trong ngày sabát vì Ngài noi gương Thiên Chúa là Cha của Ngài (Bài Tin Mừng hôm thứ tư). Họ không tin, Chúa Giêsu lại nói: chính Thánh kinh và Môisê (phải hiểu trong Cựu ước) làm chứng rằng chính Ngài là Đấng Messia, Con Thiên Chúa. Nếu họ tin Môisê thì họ phải tin lời chứng của Môisê.

B. Nẩy mầm…

1a. “Trong khi toàn bộ Thánh kinh Cựu ước đều loan báo về sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế, nhưng vì thiếu đức tin và lòng đạo đức chân thành, các người Do Thái đã không thực sự nhìn thấy Thiên Chúa và lắng nghe lời Ngài qua khuôn mặt và lời nói của Chúa Giêsu, và do đó không nhận đón Ngài như Đấng được Thiên Chúa sai đến” (“Mỗi ngày một tin vui”). Tại sao có thảm kịch này ? Vì người Do Thái luôn sẵn một hình ảnh về Đấng Messia, hợp với sở thích của họ. Cái hình ảnh ấy che mất hình ảnh đích thực của Đấng Messia. Ta thấy đó, người ta có thể đọc Sách Thánh mà không tìm thấy Thiên Chúa nhưng chỉ tìm thấy chính mình.

1b. Một thợ săn lạc trong rừng nhiều lần. Một người bạn mua cho anh ta một la bàn. Dù vậy anh thợ săn trẻ vẫn bị lạc. Khi tìm thấy, người bạn hỏi xem anh ta có mang theo la bàn không. Anh bảo có.

-Tại sao anh không dùng nó ?

-Tôi không dám. Tôi muốn đi về hướng Nam và cố giữ cho kim chỉ hướng Nam. Nhưng không được. Nó luôn lắc qua và chỉ hướng Bắc.

Nhiều người mong Thánh kinh chỉ hướng họ muốn đi, hơn là hướng Thánh kinh muốn họ đi. (Góp nhặt).

1c. Có lần nhà văn Mart Twain nói: “Nhiều người lấy làm buồn phiền vì không hiểu một đoạn Thánh kinh nào đó. Phần tôi, tôi thấy rằng những đoạn Thánh kinh làm tôi bối rối nhất là những đoạn mà tôi cho là mình đã hiểu”.

2. Muốn đọc Sách thánh mà thấy được Chúa, ta phải bỏ đi hết mọi thành kiến có sẵn, phải khiêm tốn để cho Lời Chúa tra vấn mình, phải can đảm từ bỏ những gì Chúa đòi hỏi, và phải kiên trì thực hiện những điều Chúa dạy.

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Những chứng từ về Chúa Con (Ga 5,31-47)

  1. Khi chữa bệnh cho người bất toại ở bờ hồ Bếtsaiđa vào ngày sabat, người ta hạch hỏi Đức Giêsu đã lấy quyền nào mà làm như vậy. Đức Giêsu trả lời cho họ biết: Ngài noi gương Thiên Chúa là Cha của Ngài mà làm như vậy. Họ không tin. Đức Giêsu lại nói: chính Thánh kinh và Maisen (phải hiểu là Cựu ước) làm chứng rằng Ngài chính là Messia, Con Thiên Chúa. Nếu họ tin Maisen thì họ phải tin lời chứng của Maisen.
  2. “Trong toàn bộ Thánh kinh Cựu ước đều loan báo về sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế, nhưng vì thiếu đức tin và lòng đạo đức chân thành, các người Do thái đã không thực sự nhìn thấy Thiên Chúa, và do đó không đón nhận Ngài như Đấng được Thiên Chúa sai đến” (Mỗi ngày một tin vui). Tại sao có thảm kịch này ? Vì người Do thái nuôi sẵn một hình ảnh về Đấng Messia, hợp với sở thích của họ. Cái hình ảnh ấy che mất hình ảnh đích thực của Đấng Messia. Ta thấy đó, người ta có thể đọc Sách thánh mà không tìm thấy Thiên Chúa nhưng chỉ thấy chính mình.
  3. Người ta thường nói: thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Nắm được thiên cơ - thiên thời - là yếu tố quan trọng hạng đầu của sự thành công. Thực tế cho thấy, nhiều người, vì không biết tận dụng thời cơ, nên đã rơi vào thất bại đáng tiếc, dù họ có rất nhiều điều kiện thuận lợi.

Mọi người đều khao khát gặp Đấng Cứu Độ để được sự sống đời đời. Qua Kinh thánh, người Do thái được Thiên Chúa ưu ái cho biết Đấng Cứu Thế sẽ xuất hiện trong dân tộc của họ. Vì thế, họ đã kiên nhẫn chờ đợi Người suốt cả hàng ngàn năm. Tuy nhiên, chỉ vì thành kiến sai lầm và cố chấp không chịu tin, nên khi Đức Giêsu, Đấng Cứu Độ đích thực đến, họ không nhận ra, nên đã bỏ lỡ cơ hội để gặp gỡ và yêu mến Người.

  1. Mặc dù Đức Giêsu đã làm đủ cách để minh chứng Ngài là Con Thiên Chúa, là Đấng Chúa Cha sai đến, nhưng người Do thái vẫn không chịu tin để được sống, để khỏi bị xét xử và bị luận phạt. Trong bài Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy Đức Giêsu phải nại đến ba nhân chứng có uy tín để làm chứng cho Ngài, đó là Chúa Cha, Gioan Tẩy giả và Thánh kinh, bởi vì theo luật thời đó, phải có hai ba nhân chứng thì mới được chấp nhận.
  2. Trước hết, chính Thiên Chúa Cha làm chứng cho Đức Giêsu. Chúng ta thấy có hai lần Chúa Cha tuyên bố: “Đây là Con Ta rất yêu dấu”, một lần khi Đức Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan, và một lần khi Đức Giêsu biến hình trên núi Taborê. Đó là bằng chứng hùng hồn cho thấy Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, và Chúa Cha muốn mọi người tin Đức Giêsu thật là Con Ngài.
  3. Thứ đến, Gioan Tiền Hô làm chứng cho Chúa. Tin mừng nói: “Có một người, tên là Gioan, ông đến để làm chứng, để chứng thật về ánh sáng, ngõ hầu mọi người nhờ ông mà tin”. Chính Gioan đã làm chứng cho Đức Giêsu bằng sự tự khiêm tự hạ: “Tôi không đáng cởi dây giày cho Đấng đến sau, nhưng đã có trước tôi”. Rồi khi Đức Giêsu đến, Gioan đã chỉ vào Chúa và nói cho các môn đệ: “Đây chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian”. Sau hết, Gioan đã làm chứng cho Chúa bằng sự nhỏ đi, bằng cái chết của mình.
  4. Sau cùng, Kinh thánh chép về Đức Giêsu và chính Đức Giêsu đã thực hiện như lời Kinh thánh chép về mình. Đáng lẽ Kinh thánh là chứng từ có giá trị nhất để người Do thái tin nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, vì họ vẫn công nhận Kinh thánh là lời hứa của Thiên Chúa; nhưng rất tiếc họ đã đọc Kinh thánh hằng ngày, đã nghiền ngẫm Kinh thánh mà không nhận ra rằng Đức Kitô đã được Chúa Cha sai đến để cứu họ.
  5. Tóm lại, mặc dầu Đức Giêsu đã đưa ra những bằng chứng xác thực để minh chứng Ngài là Đấng Cứu Thế, nhưng người Do thái vẫn không nhìn nhận Ngài. Tại sao vậy ? Thưa vì họ thiếu ý hướng ngay lành khi đi tìm Lời Chúa, rồi họ lạ tự cao tự mãn, làm cho họ thành những người cố chấp không tin.

Không chỉ quở trách người Do thái cố chấp không tin, hôm nay Chúa cũng đang chất vấn và quở trách chúng ta về cách sống “thực dụng” của mình mang những dấu ấn không tin một cách thực tiễn, khi chúng ta khước từ Thiên Chúa để chạy theo vật chất, những danh vọng, những đam mê trên thế

          gian làm chúng ta xa dần Thiên Chúa - hạnh phúc đích thực.

  1. Truyện: Chó cứ sủa, trăng vẫn sáng

Vị thẩm phán đến thi hành nhiệm vụ tại một thị trấn nọ, ông thường bị một luật sư kiêu căng ở đó chế nhạo, khích bác.

Tại một bữa ăn tối, có người hỏi vị thẩm phán sao không có biện pháp mạnh đối với viên luật sư kia. Vị thẩm phán bèn dừng bữa, một tay chống cằm, một tay để trên bàn, kể chuyện:

- Chỗ tôi ở có một bà góa nuôi một con chó. Con chó thật xinh, nhưng có tật là hễ thấy ánh trăng là nó tru lên. Có khi suốt cả đêm.

Kể tới đó, ông ngừng lại và ăn tiếp. Tò mò, một người hỏi:

- Này ông thẩm phán, rồi con chó và mặt trăng ra sao ?

- Con chó cứ tru và mặt trăng cứ tiếp tục tỏa sáng.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top