Thứ Năm tuần 3 Phục sinh - Bánh Từ Trời (Ga 6,44-51)
“Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này,
sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta”. (Ga 6,51)
BÀI ĐỌC I: Cv 8, 26-40
“Nếu ông tin hết lòng, thì được chịu phép rửa”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, thiên thần Chúa nói cùng Philipphê rằng: “Hãy chỗi dậy, đi về mạn nam, theo con đường từ Giêru-salem xuống Gaxa. Đường ấy vắng vẻ”. Người chỗi dậy ra đi.
Và này có một người Êthiôpi là thái giám quyền thế của nữ hoàng Canđa, xứ Êthiôpi, và là tổng quản công khố của nữ hoàng, ông đến chầu lễ tại Giêrusalem. Lúc trở về, ông ngồi trên xe, đọc sách Tiên tri Isaia.
Thánh Thần bảo Philipphê: “Hãy tiến lên và theo cho kịp xe kia”. Philipphê chạy tới, nghe thấy ông ấy đọc sách Tiên tri Isaia, liền hỏi: “Ngài có hiểu được điều ngài đọc không ?” Nhà quan trả lời: “Làm sao tôi hiểu được, nếu không ai chỉ giáo cho tôi”. Nhà quan liền mời Philipphê lên xe ngồi với mình.
Đoạn Thánh Kinh ông đang đọc như sau: “Như con chiên bị đem đi làm thịt, Người phải điệu đi; như con chiên trước người thợ xén lông không kêu một tiếng, Người chẳng mở miệng. Trong cảnh nhục nhã, Người bị lên án bất công. Còn ai kể lại dòng dõi của Người, vì mạng sống Người bị cất khỏi trần gian”.
Viên thái giám lên tiếng hỏi Philipphê rằng: “Tôi xin hỏi ông: đấng tiên tri nói điều ấy về ai ? Về chính mình hay về người nào khác ?” Philipphê mở miệng rao giảng Tin Mừng Đức Giêsu cho ông, bắt đầu từ đoạn Thánh Kinh đó.
Đang đi dọc đường, đến nơi có nước, vị thái giám liền nói: “Này nước đây, có gì ngăn trở tôi chịu phép rửa không ?” Philipphê nói: “Nếu ông tin hết lòng thì được”. Nhà quan đáp lại: “Tôi tin Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa”. Ông ra lệnh cho dừng xe lại, Philipphê và viên thái giám, cả hai đi xuống nước, và Philipphê làm phép rửa cho ông.
Khi họ lên khỏi nước, Thánh Thần Chúa đem Philipphê đi mất và viên thái giám không còn thấy ngài nữa. Ông hân hoan tiếp tục hành trình.
Còn Philipphê thì người ta gặp thấy tại Azô, ngài rảo khắp mọi thành phố, rao giảng Tin Mừng cho đến thành Cêsarêa.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 65, 8-9. 16-17. 20
Đáp: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa (c. 1).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hỡi chư dân, hãy chúc tụng Thiên Chúa chúng tôi, và loan truyền lời ca ngợi khen Ngài: là Đấng đã ban cho linh hồn chúng tôi được sống, và không để chân chúng tôi xiêu té. - Đáp.
2) Phàm ai tôn sợ Chúa, hãy đến, hãy nghe tôi kể lại, Chúa đã làm cho linh hồn tôi những điều trọng đại biết bao! Tôi đã mở miệng kêu lên chính Chúa, và lưỡi tôi đã ngợi khen Ngài. - Đáp.
3) Chúc tụng Chúa là Đấng không hắt hủi lời tôi nguyện, và không rút lại lòng nhân hậu đối với tôi. - Đáp.
Tin mừng: Ga 6,44-51
44 Khi ấy, Chúa Giêsu phán với dân chúng rằng: “Không ai đến được với Ta, nếu Cha, là Đấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy, và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết.
45 Trong sách các tiên tri có chép rằng: 'Mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy bảo'. Ai nghe lời giáo hoá của Cha, thì đến với Ta. 46 Không một ai đã xem thấy Cha, trừ Đấng bởi Thiên Chúa mà ra, Đấng ấy đã thấy Cha.
47 Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời. 48 Ta là bánh ban sự sống. 49 Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết. 50 Đây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh này thì khỏi chết.
51 Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống”.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Đức tin là một ân huệ Thiên Chúa ban để chúng ta có thể đón nhận Đức Kitô là Bánh Trường Sinh.
Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa là Cha của con. Con dâng lời tán tụng. Con xác tín rằng mọi sự con đang có đều do Cha ban. Đức tin con đang sống là ân huệ kỳ diệu nhất, vì nhờ đức tin Cha đã cho con được thông phần vào chính sự sống của Cha. Tất cả những hồng ân ấy, Cha đã ban qua Người Con Một yêu quý là Chúa Giêsu.
Vâng, lạy Cha, khi đến sống với nhân loại, Con Cha đã mang sức sống mới từ chính Ngài: Ngài đã trở thành Bánh nuôi sống nhân loại, nuôi sống con. Vì thế, khi lãnh nhận Bánh Thánh- Bánh Lời Chúa và Bánh Thánh Thể- Cha kêu mời con sống như Con Cha: Đó là biết chia sẻ cho người khác chính sự sống riêng tư của con. Bánh Thánh được bẻ ra như một dấu chỉ quên mình. Từng mẩu bánh nhỏ trở thành sức sống mới. Từng việc làm vô danh âm thầm của con cũng trở nên hơi ấm, đủ sức làm vươn dậy những cuộc đời khác.
Lạy Cha, khi lãnh phần Bánh Đức Kitô, con được đón nhận trọn vẹn Thân Mình Ngài, nghĩa là con cũng đón nhận cả anh em con. Anh em chung quanh đã trở thành một phần cuộc sống của con. Xin Cha ban thêm đức tin để con vui lòng đón tiếp mọi người như Thân Mình của Con Cha. Xin mở rộng cõi lòng con để đón nhận không những các điều tốt mà cũng biết đón nhận cả những khuyết điểm của anh em nữa.
Lạy Cha, xin ban thêm đức tin để con luôn xác tín rằng: Đức Kitô là tấm bánh được bẻ ra cho một thế giới mới. Amen.
Ghi nhớ: “Ta là bánh từ trời xuống”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống...)
Tiếp tục ý tưởng hôm qua về “đến với” và “tin vào” Chúa.
Việc “tin vào” Chúa Giêsu, thể hiện bằng việc “đến với” Ngài là kết quả của sự hợp tác hai phía:
Phía Thiên Chúa: Thiên Chúa ban ơn “lôi kéo” con người người tin vào Chúa Giêsu và đến với Ngài: “Không ai đến được với Ta nếu Cha Ta là Đấng sai Ta không lôi kéo kẻ ấy “ (câu 44). Thực ra, Thiên Chúa luôn muốn lôi kéo con người đến với Chúa Giêsu để con người được sống. Nhưng con người ít ra phải ngoan ngoãn để cho Thiên Chúa lôi kéo. Nhiều người Do Thái đã không ngoan ngoãn như vậy nên đã không đến được với Chúa Giêsu.
Phía con người: Phải “nghe lời giáo huấn” của Thiên Chúa: “Ai nghe lời giáo huấn của Cha thì đến với Ta”(câu 45). Mà Thiên Chúa thì luôn giáo huấn con người: “Trong sách ngôn sứ đã chép rằng mọi người sẽ được Thiên Chúa giáo huấn” (câu 45). Câu nói này ngầm trích dẫn Is 54,13. Mà đại ý chương 45 sách Isaia là kinh nghiệm của dân Israel vào cuối thời lưu đày: họ đã thấy rằng Thiên Chúa luôn quyến luyến con người như một người chồng quyến luyến vợ. Đó chính là giáo huấn mà Thiên Chúa đã ban cho Israel qua dòng lịch sử. Như thế, “nghe lời giáo huấn của Thiên Chúa” nghĩa là ý thức rắng Thiên Chúa luôn yêu thương mình.
Tóm lại việc “tin vào” Chúa Giêsu và “đến với” Ngài là điều Thiên Chúa yêu thương và luôn tạo điều kiện để con người thực hiện được dễ dàng. Chỉ cần ngoan ngoãn phó thác vào tìng thương Thiên Chúa thì con người có thể là được.
B. Suy niệm (...Nẩy mầm)
1. Hôm qua chúng ta đã hiểu được ích lợi của việc đến với Chúa (“Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ”). Nhưng xét lại mình, chúng ta thấy mình ít đến với Chúa. Ít đến vì một việc xem ra đơn giản như thế lại quá khó đối với bản tính của chúng ta. Hôm nay Chúa Giêsu dạy thêm: muốn đến với Ngài thì hãy để cho tình thương của Chúa lôi kéo và hãy nhớ giáo huấn của Ngài trong lịch sử là Ngài rất yêu thương loài người. Đừng lì lợm với tình thương ấy, đừng kháng cự với tình thương ấy.
2. Một buổi chiều rảnh rỗi, văn hào Paul Claudel thong thả dạo bước nhàn du. Khi đi ngang một nhà thờ, tiếng thánh ca tứ đó vọng ra đã lôi kéo bước chân ông đi vào nhà thờ. Ở đó ông đã gặp Thiên Chúa, gặp niềm tin. Đó là một cách lôi kéo của Thiên Chúa. Thiên Chúa cũng dùng biết bao cách khác để lôi kéo chúng ta. Chỉ cần ta đừng cố chấp nhưng ngoan ngoãn bước theo, thì ta sẽ “đến” được với Ngài. Hãy nhớ lại xem đã bao nhiêu lần và những lần đó thế nào, tôi đã lỡ mất đã không ngoan ngoãn bước theo sự lôi kéo của Thiên Chúa.
3. Người câm không nói được nhưng có cách làm khác để cho người khác hiểu được họ, đó là dùng dấu hiệu bằng tay, bằng nét mặt, có khi cả bằng thân thể. Tuy nhiên, muốn hiểu được người câm thì ta phải chú ý từng động tác nhỏ của họ. Rất nhiều khi Thiên Chúa nói với ta bằng ngôn ngữ của người câm. Ta cần chú ý lắm mới hiểu được ý của Thiên Chúa.
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Bánh hằng sống từ trời xuống (Ga 6, 44-51)
- Bài Tin mừng hôm nay vẫn tiếp tục triển khai diễn từ của Đức Giêsu về bánh hằng sống. Bài Tin mừng hôm nay gồm hai phần: phần đầu, Đức Giêsu tiếp tục nói rõ hơn về nguồn gốc của Ngài; phần sau, Chúa khẳng định lại điều Ngài đã nói trước đó: “Ta là bánh từ trời xuống, ai ăn bánh này sẽ sống đời đời”.
- Đức Giêsu tiếp tục nói rõ hơn về nguồn gốc của Ngài. Ngài bảo cho mọi người biết: Ngài bởi Chúa Cha mà đến, nên ai đến với Ngài và tin vào Ngài là nhận được ân huệ lớn nhất, ân huệ bao gồm mọi ân huệ mà Thiên Chúa ban cho loài người, đó là sự sống đời đời.
Chúa Cha không ngừng lôi kéo con người hướng thiện. Hướng về Chúa Kitô là Đấng Chúa Cha sai đến để đưa nhân loại về với Người. Nhưng tại sao con người không đáp lại tiếng Chúa mời gọi? Thưa vì giữa ân sủng và con người, Thiên Chúa để một khoảng trống: đó là tự do. Để ân sủng Thiên Chúa phát sinh hiệu quả, con người phải dùng tự do của mình mà “lắng nghe” và “đón nhận” Lời Chúa.
- Sau khi nói cho mọi người biết rõ nguồn gốc của mình, Đức Giêsu mạc khải và khẳng định điều Ngài đã quả quyết trước đó: “Tôi là bánh từ trời xuống, ai ăn bánh này sẽ được sống đời đời”. Người Do thái phản đối, nhưng Chúa Giêsu vẫn giữ nguyên lời quả quyết, rồi Chúa trở lại câu chuyện manna, để làm nổi bật hiệu lực của manna mới: “Tổ tiên các ngươi trong sa mạc đã ăn manna, và đã chết. Còn bánh bởi trời là bánh hằng sống, ai ăn bánh này sẽ không chết”.
Những lời dạy của Đức Giêsu nói lên sự thật quan trọng và là trung tâm của đức tin Kitô giáo: con người không những phải tin nhận, mà còn phải ăn thịt và uống máu của Chúa để có sự sống đời đời. Giáo hội đã trải qua bao nhiêu thử thách, chống đối, vẫn kiên trì trong niềm tin này: tin Lời Chúa và hằng ngày cử hành Thánh Thể để con người được thông phần vào sự sống thần linh của Thiên Chúa.
- Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu cũng mời gọi dân chúng tin vào mình. Chỉ khi tin vào Ngài thì những lời Ngài dạy, mọi việc Ngài làm mới thực sự có giá trị đối với họ. Vì “ai tin thì sẽ được sống đời đời". Thật vậy, tin là điều kiện cần phải có để được lãnh nhận hiệu quả siêu nhiên. Nếu không tin, mọi chuyện trở nên vô bổ vì không có tương tác.
Khi mời gọi dân chúng tin vào mình để được sống đời đời, Đức Giêsu dần dần khai mở và dẫn họ đến xác tín vào Bí tích Thánh Thể mà Ngài sẽ thiết lập sau này. Lời xác định “Tôi là bánh trường sinh” là lời mạc khải rất đặc biệt trong Tin mừng Gioan, vì đây là lời quả quyết cụ thể, chính xác và chắc chắn
Vì thế, ngày nay, nơi Bí tích Thánh Thể, chúng ta cần xác tín mạnh mẽ niềm tin vào sự hiện diện toàn vẹn của Đức Giêsu nơi hình bánh và hình rượu. Từ đó, chúng ta yêu mến, cung kính và đón nhận để chúng ta được sự sống đời đời.
- Tóm lại Đức Giêsu đã mạc khải cho người Do thái biết Ngài là Thiên Chúa, đến để ban ơn cứu chuộc cho họ cũng như mọi người, và Ngài ban chính thịt máu Ngài làm lương thực ban sự sống đời đời; nhưng họ nhất định không tin Ngài.
Đó là chuyện ngày xưa của người Do thái, còn chúng ta ngày nay, chúng ta có thái độ thế nào, chúng ta có tin mạnh mẽ, tin tuyệt đối vào Đức Giêsu hiện diện trong phép Thánh Thể không? Và chúng ta siêng năng tham dự Thánh lễ, dọn lòng sốt sắng để rước Chúa Giêsu Thánh Thể không? Xin Chúa ban cho chúng ta có lòng sùng kính và mến yêu phép Thánh Thể và tin thật đây là thần lương nuôi dưỡng để giúp chúng ta đến cuộc sống đời đời.
- Truyện: Bí quyết trường sinh bất tử?
Tần Thuỷ Hoàng là vị vua Trung Quốc, sống trước Chúa Giáng Sinh khoảng 200 năm. Ông là người đã truyền xây Vạn Lý Trường Thành dài 2000 dặm. Đó là kiến trúc duy nhất trên trái đất, mà phi hành gia có thể nhìn thấy từ ngoài không gian.
Theo tạp chí National Geographic, Tần Thuỷ Hoàng rất sợ chết, ông muốn được trường sinh bất tử, nên ông tìm đủ mọi cách để được cải lão hoàn đồng.
Một ngày kia, các chiêm tinh gia kể cho ông nghe về một hòn đảo thần tiên ở biển Đông, dân cư ở đây đã khám phá ra bí quyết trường sinh. Tần Thuỷ Hoàng liền phái nhiều tàu thuyền chất đầy châu báu ngọc ngà quí hiếm để đi tìm, với hy vọng đổi được bí quyết trường sinh. Nhưng dân chúng không đổi cho ông bí quyết trường sinh của họ. Thế rồi ông lo xây mồ như cung điện nguy nga, lấy châu ngọc làm tinh tú, lấy thuỷ tinh làm sông ngân hà, lấy vàng bạc lát tường và chôn sống hàng trăm cung nữ trong đó, để kiếp sau được sống như thần tiên. Nhưng kẻ tàn bạo ham sống ấy chỉ làm vua được hơn chục năm và sống trên 50 tuổi thì chết.
bài liên quan mới nhất
- Thứ Ba tuần 34 Thường niên năm II - Giá trị trần gian không tồn tại (Lc 21,5-11)
-
Thứ Hai tuần 34 Thường niên năm II - Cho đi (Lc 21,1-4) -
Chúa nhật 34 Thường niên năm B - Đức Giêsu, Vua niềm tin (Ga 18,33b-37) -
Thứ Bảy tuần 33 Thường niên năm II (Lc 20,27-40) -
Thứ Sáu tuần 33 Thường niên năm II - Nơi gặp gỡ Chúa (Lc 19,45-48) -
Ngày 21/11: Đức Maria dâng mình trong đền thờ - Thi hành ý Chúa (Mt 12,46-50) -
Thứ Năm tuần 33 Thường niên năm II - Than khóc Giêrusalem (Lc 19,41-44) -
Thứ Tư tuần 33 Thường niên năm II - Trung thành và Khôn ngoan (Lc 19,11-28) -
Thứ Ba tuần 33 Thường niên năm II - Hoán cải đích thực (Lc 19,1-10) -
Thứ Hai tuần 33 Thường niên năm II - Con mắt đức tin (Lc 18,35-43)
bài liên quan đọc nhiều
- Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32)
-
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23) -
Lễ thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu -
Chúa nhật 22 Thường niên năm A (Mt 16,21-27) -
Ngày 29/09: Các Tổng lãnh Thiên thần (Ga 1,47-51) -
Chúa nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống - Đức Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống (Ga 14,15-16.23b-26) -
Ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ - Phúc thật (Mt 5,1-12a) -
Ngày 22/07: Thánh nữ Maria Magđalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18) -
Ngày 21/09: Thánh Mát-thêu, tông đồ, tác giả Tin mừng (Mt 9,9-13) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (Ga 15,9-17) - Bạn hữu của Thầy