Thứ Năm tuần 27 Thường niên năm I - Kiên nhẫn cầu nguyện (Lc 11,5-13)

Thứ Năm tuần 27 Thường niên năm I - Kiên nhẫn cầu nguyện (Lc 11,5-13)

Thứ Năm tuần 27 Thường niên năm I - Kiên nhẫn cầu nguyện (Lc 11,5-13)

Thế nên Thầy bảo anh em:
anh em cứ xin thì sẽ được,
cứ tìm thì sẽ thấy,
cứ gõ cửa thì sẽ mở cho.
(Lc 11,9)

BÀI ĐỌC I (năm I): Ml 3, 13 – 4, 2a

“Ðây sẽ đến ngày bừng cháy lên như lò lửa”.

Trích sách Tiên tri Malakhi.

Chúa phán: “Lời của các ngươi chống lại Ta thật thô kệch. Các ngươi đã nói: “Chúng tôi có nói gì chống lại Chúa đâu?” Các ngươi còn nói: “Kẻ phụng thờ Thiên Chúa thật luống công! Chúng ta đã tuân giữ giới răn của Chúa, và đã sầu não tiến bước trước mặt Chúa các đạo binh, nào ích lợi gì? Vậy giờ đây chúng ta kể kẻ kiêu căng là những người có phúc: quả thật, những kẻ làm điều ác thì được thịnh vượng, họ đã thử thách Thiên Chúa mà vẫn được cứu thoát”.

Bấy giờ những kẻ kính sợ Chúa đàm đạo với nhau, thì Chúa lắng nghe. Trước mặt Chúa là quyển sách kỷ niệm ghi danh sách những kẻ kính sợ Chúa và tưởng nhớ đến thánh danh Người. Chúa các đạo binh phán: “Trong ngày Ta định hành động, họ sẽ là của riêng Ta. Ta sẽ tha thứ cho họ, như một người tha thứ cho đứa con biết phụng sự mình. Khi trở lại, các ngươi sẽ xem thấy sự khác biệt giữa người lành và kẻ dữ, giữa người phụng thờ Thiên Chúa và kẻ không phụng thờ Người”.

“Vì đây sẽ đến ngày bừng cháy lên như lò lửa: tất cả những kẻ kiêu căng và những người làm tội ác sẽ như rơm rạ. Ngày ấy đến sẽ thiêu đốt họ, và không để sót lại cho họ cội rễ ngành chồi gì cả”, Chúa các đạo binh phán như vậy. “Phần các ngươi là những kẻ kính sợ thánh danh Ta, các ngươi sẽ được Mặt Trời công chính soi sáng cho, mang theo sự cứu chữa dưới cánh Người”.

Ðó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6

Ðáp: Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa

Xướng: Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày.

Xướng: Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt.

Xướng: Kẻ gian ác không được như vậy, họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi; vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong.

 

Tin mừng: Lc 11, 5-13

5Người còn nói với các ông: Ai trong anh em có một người bạn, và nửa đêm đến nhà người bạn ấy mà nói: Bạn ơi, cho tôi vay ba cái bánh, 6vì tôi có anh bạn lỡ đường ghé lại nhà, và tôi không có gì dọn cho anh ta ăn cả7mà người kia từ trong nhà lại đáp: Xin anh đừng quấy rầy tôi: cửa đã đóng rồi, các cháu lại ngủ cùng giường với tôi, tôi không thể dậy lấy bánh cho anh được ?’ 8Thầy nói cho anh em biết: dẫu người kia không dậy để cho người này vì tình bạn, thì cũng sẽ dậy để cho người này tất cả những gì anh ta cần, vì anh ta cứ lì ra đó.

9Thế nên Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho. 10Vì hễ ai xin thì nhận được, ai tìm thì thấy, ai gõ cửa thì sẽ mở cho. 11Ai trong anh em là một người cha, mà khi con xin cá, thì thay vì cá lại lấy rắn mà cho nó ? 12Hoặc nó xin trứng lại cho nó bò cạp ? 13Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao ?”

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Thiên Chúa là Cha hằng thương yêu chúng ta là con cái của Ngài. Ngài biết ta cần gì và luôn cho ta những điều tốt nhất. Ta hãy tin tưởng và kiên tâm nguyện cầu.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, nhiều lần con nghe Lời Chúa hứa: hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ thấy, hãy gõ thì sẽ mở cho, mà lòng con vẫn nghi nan. Đó là những lúc con cầu xin một điều gì đó hoài, mà chẳng được như ý con xin. Thậm chí con còn hoài nghi cả sự hiện diện của Chúa nữa. Xin Chúa tha cho con tội nghi ngờ tình thương của Chúa.

Hôm nay, Chúa dạy con kiên trì cầu nguyện. Con tin Chúa thấu hiểu mọi khốn khó trong đời con. Con cũng tin Chúa là Đấng giàu lòng thương xót chẳng muốn con khốn khó. Con lại tin rằng Chúa toàn năng có thể làm được mọi sự giúp con vượt qua gian nan thử thách. Chúa dạy con kiên tâm cầu nguyện là muốn điều tốt cho con. Đó là cách thức tốt nhất để con ý thức sâu xa hơn về thân phận yếu hèn và sự bất lực của kiếp người. Nhờ đó tâm hồn con sẽ được trở nên thích hợp, trở nên khiêm tốn đáng đón nhận ơn Chúa ban.

Sức mạnh của người tín hữu là ở nơi Chúa. Đó là kinh nghiệm của những ai đã thực sự sống là con cái Thiên Chúa. Xin cho con kiên trì cầu nguyện, để trong khi cầu nguyện con luyện lòng cậy trông vào Chúa. Xin cho con kiên trì cầu nguyện để con trở nên bé thơ trong tay Chúa. Xin cho con kiên trì chỉ cầu xin nơi Chúa, để con biết tạ ơn Chúa khi Chúa thương ban ơn cho con. Xin cho con kiên trì cầu nguyện và biết chờ đợi Chúa, vì con biết rằng Chúa luôn ban cho con những điều tốt nhất, vượt trên cả những điều con có thể nghĩ tới, cao cả hơn những điều con ước mong. Amen.

Ghi nhớ: “Các con hãy xin thì sẽ được”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

1. Dụ ngôn này được đặt tên là người bạn quấy rầy

- Quấy rầy vì đến gõ cửa ban đêm để vay bánh: việc này khiến chủ nhà bị mất ngủ. Và nếu chủ nhà thức dậy thắp đèn lên, rồi lấy bánh, rồi mở cửa, rồi nói chuyện... thì sẽ làm cho vợ con của ông cũng mất ngủ luôn. Bởi thế, chủ nhà đã nói vọng ra lời từ chối. Nhưng người bên ngoài cứ vừa gõ cửa vừa kêu mãi.

- Nhưng người đứng bên ngoài ấy lại là một người bạn. Bạn bè thì phải thương yêu nhau và tương thân tương trợ nhau, nhất là trong những khi gặp khó như trường hợp này.

Việc chủ nhà cuối cùng đã cho anh bạn vay bánh có thể vì một trong hai lý do: cho để khỏi bị quấy rầy nữa; cho vì tình bạn. Theo cách diễn tả của dụ ngôn thì người đó đã làm vì lý do thứ nhất. Nếu làm vì lý do thứ hai thì việc cho sẽ có ý nghĩa hơn. Nhưng dù sao thì cuối cùng anh bạn đứng ngoài đã đạt được điều mình xin, và lý do là nhờ anh kiên trì.

2. Sau khi kể dụ ngôn, Chúa Giêsu lý luận theo kiểu a fortiori (huống chi): người đời dù quen hành động theo lý do ích kỷ (để khỏi bị quấy rầy) thế mà cũng phải chịu thua sự kiên trì của người xin. Huống chi Thiên Chúa vốn tốt lành quen đối xử với chúng ta theo tình thương. Bởi thế nếu ai kiên trì cầu xin với Chúa thì chắc chắn sẽ được nhậm lời.

B. Suy niệm (...nẩy mầm)

1. Tại sao Chúa muốn chúng ta cầu xin cách kiên trì ?Chúa muốn chúng ta ý thức của Ngài cho hay sẽ cho phải được tiếp nhận xứng đáng với tấm lòng. Của cho phải tương xứng với tấm lòng (...) Hơn thế nữa, Chúa muốn tăng đức tin của người cầu xin (Trích TMCGK ngày trong tuần)

2. Một đứa bé nọ có thói quen đọc kinh trước khi đi ngủ. Ngày kia bị bệnh nặng phải vào nhà thương. Các bác sĩ cho biết em phải qua một cuộc phẫu thuật. Trước khi cho thuốc mê, các bác sĩ cho em biết em sẽ ngủ một giấc dài. Nghe đến ngủ, em bé đã xin qu gối cầu nguyện và kết thúc bằng lời Xin Chúa cho con chóng lành bệnh. Sau đó em nằm xuống và xin bác sĩ tiến hành giải phẫu. Hôm sau thức dậy câu hỏi đầu tiên của em là Thưa bác sĩ, cháu có lành bệnh không ?” Bác sĩ nhìn em bé cảm động nói Cháu hãy để cho Chúa liệu.... Điều bác tin chắc là lời cầu nguyện của cháu có hiệu nghiệm: cháu đã cứu được một người là chính bác. Từ lâu bác không còn đến nhà thờ, không nhớ đến Chúa. Nhưng hôm qua khi cháu cầu nguyện sốt sắng, Chúa đã đánh động bác. Sáng nay bác đã đến nhà thờ xưng tội, rước lễ... (Trích Mỗi ngày một tin vui).

3. Thầy bảo anh em: anh em cứ xin thì hãy được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho . (Lc 11,9)

Nhiều lần tôi cầu nguyện với Chúa. Và nhiều lần cảm thất trống vắng. Bao mơ ước với lời cầu không được nhận lời. Nhiều biến cố trong cuộc đời là những thất bại. Và tôi thầm nghĩ: Chúa thật xa vời. Hình như Ngài đã bỏ tôi. Nhưng hôm nay ngồi nhìn lại chính mình. Tôi cảm nhận Chúa luôn ở với tôi. Điều tôi tưởng như là thất bại, chỉ vì tôi:

Chưa đặt niềm tin nơi Ngài;
chưa kiên nhẫn với việc ngài trao;
chưa kiên trì gõ cửa và tìm kiếm ý Ngài trong đời tôi.
Vì tôi, chỉ thấy thành quả đạt được là của bản thân hơn là Hồng Ân của Ngài.

TỔNG THỐNG AI - XÂN - HAO

Khi tổng thống Ai - xân - hao của nước Mỹ còn là một cậu bé 15 tuổi đang chạy chơi trong nông trại của cha thì bị vấp ngã.

Vết thương lúc đầu không nặng lắm, nhưng vì bất cẩn nên 2 ngày sau bị nhiễm trùng. Chân cậu bé sưng vù lên, phải đưa đến bác sĩ. Bác sĩ thất vọng nói:

Vết thương đã trở nên quá trầm trọng. Nếu muốn cứu cậu bé thì phải cưa chân thôi.

Ai - xân - hao sốt dữ dội. bác sĩ cho biết chỉ có phép lạ mới cứu nổi. Nghe vậy cả nhà hoảng sợ. Nhưng tin vào lời cầu nguyện như Chúa đã hứa: Xin thì sẽ được. Thế là bố mẹ và mấy người chị bắt đầu cầu nguyện. Họ cầu nguyện sốt sắng và liên lỉ. Họ tha thiết vững tin vào tình thương Chúa.

Hai ngày sau mấy cậu con trai theo gương bố mẹ và các chị cũng quỳ gối cầu nguyện cho em.

Sáng ngày thứ 3 bác sĩ đến thăm, ông ngạc nhiên khi thấy vết thương bớt hẳn. Cậu bé đã ăn được, ngủ được.

Người ta tiếp tục cầu nguyện. Vài ngày sau đó cậu bé lành bệnh hẳn.

Khi bác sĩ tỏ ra hết sức ngạc nhiên về loại thần dược đã cứu sống bệnh nhân cách lạ lùng như thế thì được gia đình cho hay:

Chúng tôi cầu nguyện và vững tin vào lời Chúa:

Hãy xin thì sẽ được.

Chúng ta cũng cầu nguyện, nhưng nhiều khi thiếu kiên nhẫn, nên hễ thấy lời cầu của mình chưa được đáp ứng thì đâm ra nản lòng, có lúc còn trách móc cả Chúa nữa.

Trước hết và trên hết chúng ta hãy xác tín rằng Thiên Chúa là Cha nhân từ luôn yêu thương chúng ta. Ngài có làm ta toại nguyện hay không, hoặc Ngài nhận lời cầu của ta theo cách nào thì cũng đều là vì lợi ích cho linh hồn chúng ta mà thôi.

Bởi thế khi cầu nguyện, điều cốt yếu là luôn luôn tin tưởng, cậy trông và phó thác cho tình thương quan phòng của Cha chúng ta.

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa, Chúa thật kiên nhẫn với con. Xin cho con đừng bao giờ nản lòng trước những thất bại, nhưng biết kiên nhẫn tìm kiếm và gõ cửa cho đến khi được Hồng Ân của Ngài. Amen.

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Dụ ngôn người bạn quấy rầy (Lc 11,5-13)

  1. Sau khi dạy các môn đệ cầu nguyện theo kinh Lạy Chúa. Đức Giêsu còn đưa ra dụ ngôn “người bạn quấy rầy”, để khuyên chúng ta hãy kiên tâm cầu nguyện. Theo dụ ngôn ấy, việc chủ nhà cuối cùng đã cho anh bạn vay bánh có thể vì một trong hai lý do: cho để khỏi bị quấy rầy hoặc cho vì tình bạn. Theo cách diễn tả của dụ ngôn thì người đó đã làm vì lý do thứ nhất. Nếu làm vì lý do thứ hai thì việc cho sẽ có ý nghĩa hơn. Nhưng dù sao thì cuối cùng anh bạn đứng ngoài đã đạt được điều mình xin và lý do là nhờ anh kiên trì.
  2. Một trong những đặc điểm của nền văn minh cổ xưa nhất chính là sự kiên trì cầu nguyện. Tất cả những lời cầu nguyện được tìm thấy trong nền văn minh đó, đều là những kinh cầu được lặp đi lặp lại. Lời cầu nguyện đối với người xưa là cả một công trình lâu dài. Khi người Ai cập thời cổ tống táng người chết dọc theo bờ sông Nil, họ thường cho xây cất những đền thờ bên cạnh để đêm ngày cầu nguyện. Nếu người chết là một nhân vật quan trọng, sẽ có những tư tế ngày đêm túc trực trong đền thờ để cầu nguyện, có khi lời cầu nguyện này kéo dài hàng thế kỷ (R.Veritas).
  3. Chúa Giêsu dạy chúng ta kiên trì cầu nguyện, vì Thiên Chúa không là Đấng sợ bị quấy rầy, Ngài luôn lắng nghe chúng ta trong từng giây phút. Nơi Thiên Chúa không có tình trạng hồ sơ ứ đọng. Mỗi lần cầu xin, mỗi nhu cầu của chúng ta đều được Chúa lắng nghe với tất cả yêu thương trân trọng. Thật ra, trước khi chúng ta mở miệng kêu xin, Chúa đã biết rõ nhu cầu chúng ta và Ngài ban ơn trước khi chúng ta cầu xin. Chúng ta hãy cầu nguyện và cầu nguyện luôn, bởi vì lời cầu nguyện gia tăng lòng tín thác và đó chính là sự đáp trả của Chúa, còn ân ban nào cao cả hơn. Cầu nguyện do đó cũng là xin ơn phó thác nơi Chúa. Thiên Chúa có chương trình cho chúng ta, hãy cầu nguyện cho chương trình chúng ta, hãy cầu nguyện cho chương trình ấy được thực hiện để trong mọi sự Danh Chúa được cả sáng, ý Chúa được thể hiện (Mỗi ngày một tin vui).
  4. Kiên trì là một đức tính quan trọng cho sự thành công trong cuộc sống. Trong cầu nguyện cũng thế, cầu nguyện cũng đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại để thể hiện sự ý thức giá trị của điều mình xin. Nhưng trong thực tế, có những người vẫn cầu nguyện hoài mà sao không thấy Chúa nhận lời, phải chăng Chúa Giêsu đã dối gạt chúng ta. Nhưng sở dĩ, chúng ta cầu nguyện mà chưa được là do hai nguyên nhân. Thực ra khi chúng ta cầu nguyện thì Thiên Chúa đã nhận lời, nhưng vì ích lợi chúng ta nên Ngài còn trì hoãn và chưa để nó thành sự. Hai là lòng chúng ta chưa đủ kiên trì trước sự trì hoãn của Chúa (5 phút mỗi ngày).
  5. Một ngày nọ, thánh Clément Hofbauer vào một quán ăn để xin tiền giúp trẻ mồ côi. Thấy vậy, có một người chửi bới và nhổ vào mặt ngài. Ngài lặng lẽ lau mặt và nói: “Đấy là phần ông cho tôi, còn phần cho các em cô nhi đâu ?” Cảm phục trước sự kiên trì của thánh nhân, ông xin lỗi và dốc hết túi tiền tặng ngài.

Thiên Chúa không bao giờ mệt mỏi vì bị con cái quấy rầy bằng những lời van xin khẩn nguyện. Bởi vì, Ngài là Thiên Chúa yêu thương nhân từ. Thiên Chúa biết chúng ta cần gì là tốt cho chúng ta. Ngài luôn sẵn sàng ban những ơn cần thiết để nâng đỡ và giúp chúng ta vượt thắng cám dỗ. Vì vậy, chúng ta hãy chạy đến với Ngài, kiên trì cầu nguyện để xin Ngài cứu giúp. Nhờ đó, chúng ta có những ân sủng cần thiết, để đi trọn hành trình theo Chúa và gắn bó mật thiết hơn với Ngài.

  1. Có người thắc mắc: Thiên Chúa đã biết tất cả mọi sự trước khi chúng ta cầu xin, tại sao Đức Giêsu còn nhắc bảo chúng ta: “Hãy xin, hãy tìm, hãy gõ” ? Ba động từ như ba lệnh truyền lặp đi lặp lại. Đành rằng Chúa thông biết mọi sự, cần gì phải xin, phải tìm, phải gõ ? Thánh Augustinô giải thích: “Hãy xin Ngài sẽ cho. Những điều Ngài cho, Ngài chưa cho ngay để càng làm tăng thêm ước muốn của chúng ta và làm tăng giá trị cho của Ngài ban cho”.

Chúng ta có thể thêm vào lời thánh Augustinô: Phải kiên trì khi cầu xin để tăng thêm ước muốn của chúng ta, và cũng là để tăng thêm giá trị ơn Ngài sẽ ban. Nếu chúng ta chưa nhận được điều mình xin, thì không phải là Chúa không sẵn sàng ban ơn, nhưng có thể điều cầu xin ấy không ích lợi cho linh hồn chúng ta; hoặc Ngài muốn dành cho chúng ta một ơn lớn lao hơn. Cho dù sự đáp trả của Chúa không như lòng chúng ta mong ước hay không đúng lúc chúng ta mong đợi, thì đó cũng là bởi sự khôn ngoan và lòng yêu thương của một người Cha đầy lòng nhân ái.

  1. Truyện: Một em bé cầu nguyện

Một đứa bé nọ có thói quen đọc kinh trước khi đi ngủ. Ngày kia bị bệnh nặng phải vào nhà thương, các bác sĩ cho biết em phải qua một cuộc phẫu thuật. Trước khi cho thuốc tê mê, các bác sĩ cho em biết em sẽ ngủ một giấc dài. Nghe nói đến ngủ, em bé đã xin quì gối cầu nguyện và kết thúc bằng lời: “Xin Chúa cho con chóng lành bệnh”. Sau đó em nằm xuống và xin bác sĩ tiến hành giải phẫu.

Hôm sau thức dậy câu hỏi đầu tiên của em là: “Thưa bác sĩ, cháu có được lành bệnh không ?” Bác sĩ nhìn em bé và cảm động nói: “Cháu hãy để Chúa liệu... điều bác tin chắc là lời cầu nguyện của cháu có hiệu nghiệm, cháu đã cứu được một người là chính bác: từ lâu bác không còn đến nhà thờ, không nhớ đến Chúa, nhưng hôm qua khi cháu cầu nguyện sốt sắng, Chúa đã đánh động bác; sáng nay, bác đã đến nhà thờ xưng tội, rước lễ, bác tin chắc Chúa đã nhận lời cháu, cháu đừng lo, hãy phó thác cho Chúa”.

 

4. Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Một người giàu có Millwankee có một đứa con trai duy nhất mười hai tuổi. Thường ông cho con mọi cái nó muốn. Có một điều người con ao ước hơn hết, là có một người anh em cùng lứa tuổi để chia sẻ, để cùng chơi. Người cha quyết định nuôi một bé trai nghèo nhỏ hơn con trai ông sáu tháng. Cả hai đứa trẻ đều sung sướng. Đứa con trai có bạn, đứa con nuôi có những món đồ chơi mà nó chưa bao giờ biết đến.

Một bữa nọ, hai đứa trẻ đang thảy banh qua lại trong sân. Đứa con nuôi ngỏ ý: “Gee, em ước mong Kenny có một trái banh như thế này. Nó thích đá banh lắm, nhưng cha mẹ nó không thể mua cho nó một trái banh như thế này” và em tiếp tục nói về Kenny, một người bạn lối xóm cũ. Người con ruột nói: “Sao em không xin ba cho nó một trái banh ?”. Người con nuôi trả lời: “Ba đã quá tốt với em rồi, em không dám làm phiền người nữa”. Nhưng người con ruột nài nỉ: “Em đừng quên ba anh là ba em. Người cho anh mọi cái anh xin. Người cũng làm cho em như vậy. Nếu người cho rằng cái đó không tốt cho em, người sẽ nói, nhiều khi người cho em những cái tốt hơn nữa. Hãy xin đi, Kenny sẽ có trái banh” (Theo Suy niệm hàng ngày).

Suy niệm

Thiên Chúa là Cha giàu lòng yêu thương như Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta, khi Ngài dạy cầu nguyện bằng kinh “Abba - Lạy Cha” (x. Lc 11,1-4). Cha luôn đồng hành với con trong cuộc sống, luôn lo tìm kiếm những gì là tốt nhất cho đời con. Dù có lúc sự cám dỗ mãnh liệt, những thử thách đường đời làm con thật khốn quẫn, con cất tiếng kêu cầu Cha, có lúc con tưởng Cha như quên lãng, cảm nhận mình như đứa con bị bỏ chợ, bơ vơ giữa phong ba, con thất vọng muốn bỏ cuộc và quên cả Cha. Chúa Giêsu khuyến khích con hãy kiên trì trong lòng trông cậy Cha bằng dụ ngôn người láng giềng xin bánh giữa đêm khuya để tiếp khách, chủ nhà nếu không vì lòng nhân nhưng vì bị quấy rầy nên phải thức dậy mà cho bánh anh láng giềng (x. Lc 11,5-8). Cha chúng ta, Người không để chúng ta thiếu thốn kia mà... Ngài luôn cho chúng ta những gì là tốt nhất, hãy vững tin dù những lúc thử thách nhất, thử thách đó chẳng phải là “hòn đá”, “rắn rết” hay “bò cạp” của Cha ban đâu. Ngài sẽ ban Thánh Thần để chúng ta vượt qua đồi Canvê mà tiến tới Phục sinh cùng với Đức Giêsu.

Cha thương con bằng một tình yêu bao la như thế, nhưng chúng ta, những người con lại chẳng đoái hoài, luôn chạy theo những phù vân hào nhoáng của thế gian, vật chất mà quên đi tình Cha, đó là “căn bệnh” của nhân loại hôm nay. Thế giới hôm nay chứng kiến con người phát triển mọi mặt hơn bao giờ hết, từ khoa học kỹ thuật đến y khoa và cuộc sống vật chất. Và thế giới hôm nay lại chứng kiến con người khủng hoảng tinh thần hơn bao giờ hết, do thiếu quân bình về đời sống văn minh vật chất với nhu cầu thiêng liêng. Như những gì diễn tả qua nhận định sau: “Khoa phân tâm học và tâm lý học đã đạt được những bước tiến dài hơn và đã phải nhìn nhận rằng: Căn nguyên của sự thiếu quân bình hay bệnh tâm thần không phải là bệnh tôn giáo, nhưng trái lại là vì thiếu tôn giáo, vì không tin vào một Đấng Tối Cao quyền phép mà con người có thể nương tựa và được trấn an che chở. Sở dĩ có những kiện chứng tâm lý phát sinh cũng chính là vì từ nhỏ con người đã không biết nhìn nhận người Cha của mình”.

Xin cho con luôn vững tin vào tình yêu của Cha, dù con không hiểu hết những gì Cha làm cho đời con, vì như lời hứa: “Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì sẽ được, ai tìm thì sẽ gặp, ai gõ thì sẽ mở cho” (Lc 11,9-10).

Ý lực sống

“Hãy ký thác đường đời cho Chúa,
 tin tưởng Người, Người sẽ ra tay”
(Tv 37,5).

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top