Thứ Năm tuần 17 Thường niên năm I (Mt 13,47-53)

Thứ Năm tuần 17 Thường niên năm I (Mt 13,47-53)

Thứ Năm tuần 17 Thường niên năm I (Mt 13,47-53)

Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ,
còn cá xấu thì vứt ra ngoài. (Mt 13,48)

 

BÀI ĐỌC I (năm I): Xh 40, 14-19. 32-36

Một đám mây che phủ nhà xếp chứng từ, và vinh quang của Chúa tràn ngập nhà xếp”.

Trích sách Xuất Hành.

Trong những ngày ấy, Môsê thi hành tất cả những điều Chúa đã truyền dạy. Vậy ngày mùng một tháng Giêng năm thứ hai, đã dựng nhà xếp xong. Ông Môsê đã dựng nhà xếp, lắp ván, đặt trụ, xà ngang và dựng cột, rồi căng mái nhà xếp và màn che trên mái như Chúa đã truyền dạy. Ông đặt bia chứng từ vào hòm, xỏ đòn khiêng vào hai bên, và để toà phán dạy trên hòm. Khi đã rước hòm bia vào nhà xếp, ông treo màn trước hòm để hoàn tất lời Chúa đã truyền dạy. Sau khi mọi việc đã hoàn tất, thì có một đám mây bao phủ nhà xếp chứng từ, và vinh quang của Chúa tràn ngập nhà xếp.

Vì mây che phủ nhà xếp, và uy linh Chúa sáng rực trong nhà, nên ông Môsê không thể vào trong nhà giao ước, vì có đám mây che phủ mọi sự. Hễ mây lên khỏi nhà xếp, thì con cái Israel kéo nhau đi từng đám, còn khi mây che phủ nhà xếp, thì họ ở lại tại chỗ. Vì ban ngày, đám mây của Chúa che phủ nhà xếp, và ban đêm, có lửa trong mây, nên toàn dân Israel trông thấy suốt thời gian xuất hành của họ.

Ðó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 83, 3. 4. 5-6a và 8a. 11

Ðáp: Ôi Chúa thiên binh, khả ái thay cung điện của Ngài 

Xướng: Linh hồn con khát khao và mòn mỏi, mong vào hành lang nhà Ðức Thiên Chúa. Tâm thần và thể xác con hoan hỉ tìm đến cùng Thiên Chúa trường sinh. – 

Xướng: Ðến như chim sẻ còn kiếm được nhà, và chim nhạn tìm ra tổ ấm, để làm nơi ấp ủ con mình, cạnh bàn thờ Chúa, ôi Chúa là Thiên Chúa thiên binh, ôi Ðại vương là Thiên Chúa của con.

Xướng: Ôi Thiên Chúa, phúc đức ai ngụ nơi nhà Chúa: họ sẽ khen ngợi Chúa tới muôn đời. Phúc thay người Chúa con nâng đỡ, họ tiến lên ngày càng thêm hăng hái. 

Xướng: Thực một ngày sống trong hành lang nhà Chúa, đáng quý hơn ngàn ngày ở nơi đâu khác. Con ưa đứng nơi ngưỡng cửa nhà Chúa, hơn là cư ngụ trong lều bọn ác nhân. 

 

Tin mừng: Mt 13, 47-53

47 “Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. 48 Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồi nhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. 49 Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, 50 rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.

51 “Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?” Họ đáp: “Thưa hiểu”. 52 Người bảo họ: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ”. 53 Khi Đức Giê-su kể các dụ ngôn ấy xong, Người đi khỏi nơi đó.

 

Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Hội Thánh là thánh nhưng vẫn bao gồm những con người tội lỗi. Chỉ có Thiên Chúa mới có quyền xét xử thanh lọc. Và phải đợi đến tận thế mới là lúc thanh lọc chung cuộc.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã quy tụ chúng con vào Hội Thánh Chúa. Chúa Giêsu đã thiết lập một Giáo Hội thánh thiện, và Giáo Hội phải thánh để làm cho mọi người nên thánh. Nhưng trong thực tế con thấy Giáo Hội vẫn phải cưu mang trong lòng mình những con người tội lỗi, trong đó có con. Đôi khi chính trong lòng Giáo Hội vẫn còn nhiều tội lỗi, nhiều tiêu cực, nhiều cách sống thế tục. Điều đó đã trở nên một gương mù và làm cho nhiều người thắc mắc, công kích: tại sao Giáo Hội lại còn nhiều tội lỗi thế ?

Lạy Chúa, Chúa cho con hiểu rằng bao lâu còn ở trần gian, Giáo Hội cũng như chiếc lưới bắt cả cá tốt lẫn cá xấu. Đến ngày chung thẩm chiếc lưới mới được kéo lên, và lúc đó chính Chúa sẽ tách biệt cá tốt khỏi cá xấu.

Con cảm tạ Chúa luôn nhân từ kiên nhẫn chờ đợi con. Xin cho con biết tận dụng những ngày con đang sống ở trần gian để nhờ ơn Chúa, con tự thanh luyện mình trở nên thánh thiện như bản chất của Giáo Hội.

Đứng trước những thực tế trong Giáo Hội, xin giúp con đừng nản lòng, và càng không bao giờ phê bình chỉ trích, trái lại, xin cho con càng yêu mến và cầu nguyện cho Giáo Hội nhiều hơn, đồng thời cho con biết tích cực cộng tác để làm cho bộ mặt Giáo Hội ngày càng xinh đẹp trong sáng hơn. Amen.

Ghi nhớ : “Người ta lựa cá tốt bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài”.

 

Suy niệm 1: (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Phân tích

Dụ ngôn này nói về sự thanh lọc người tốt kẻ xấu để cho vào hay loại bỏ Nước Trời.

Trong dụ ngôn có 3 sự so sánh:

a/ Thế gian (như biển cả) là nơi người tốt và kẻ xấu lẫn lộn nhau.

b/ Người tốt và kẻ xấu (như cá tốt và cá xấu-nghĩa là cá ăn được và cá không ăn được).

c/ Sự thanh lọc (như lựa cá).

Điều đáng chú ý là chính Thiên Chúa ấn định thời điểm thanh lọc vì chính Thiên Chúa ấn định lúc nào kéo lưới lên.

Một chi tiết nữa đáng lưu ý là Ngài khi thanh lọc thì chỉ còn hai hạng người dứt khoát: hoặc là người tốt, hoặc là người xấu, không có hạng người lừng khừng đứng giữa.

Suy gẫm

1. “Nước trời lại giống như chuyện một chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ loại cá”: Thay vì bực tức và khó chịu vì có những người xấu ở trong Giáo hội và cộng đoàn mình, sao tôi không nghĩ đến tình thương của Chúa khi Ngài khoan dung cho những người xấu ấy vào Giáo hội và cộng đoàn để có cơ hội hoán cải họ ?

2. Trong chiếc lưới có cả cá tốt và cá xấu. Trong Giáo hội có người tốt lẫn người xấu. Chúa khoan dung để như thế vì Ngài muốn cho kẻ xấu có thời giờ hoán cải thành người tốt.

3. Thân phận của Giáo hội dưới thế cũng giống như những thân phận của mỗi con người: có tốt và có xấu lẫn lộn. Đừng lên án Giáo hội, đừng lên án ai cả. Cũng đừng bực tức bất mãn với Giáo hội hay với bản thân mình. Thái độ phải có là khiêm tốn nhìn nhận thực tế và kiên trì sửa đổi để ngày một nên tốt hơn.

4. Một bác sỹ nọ tìm đến với một vị Giám Mục và tuyên bố:

“Con đến cho Đức Cha hay con muốn ra khỏi Giáo hội. Đức Cha nghĩ sao ?”.

Vị Giám Mục xin ông cho biết lý do.

Ông nói: “Đức Cha nghĩ coi: Giáo hội có mặt trên trần gian này gần 2000 năm rồi, thế mà con người có khá hơn không ?”.

Vị Giám Mục bình tĩnh trả lời: “Bác sỹ nói chí lý. Nhưng bác sỹ cũng hãy nghĩ coi: nước đã xuất hiện trên mặt đất này bao nhiêu triệu năm rồi. Vậy mà sao ngày nào bác sỹ cũng như tôi cũng phải đều rửa tay ?”.

Nghe thế, vị bác sỹ thinh lặng ra về, không còn nghĩ tới chuyện rời bỏ Giáo hội nữa.

 

Suy niệm 2: (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Dụ ngôn về chiếc lưới (Mt 13,47-53)

  1. Dụ ngôn chiếc lưới này gần giống như dụ ngôn cỏ lùng. Cả hai dụ ngôn đều nói tới vần để kẻ tốt và kẻ xấu sống chung với nhau, và sự phân biệt rõ ràng dứt khoát, mỗi kẻ một nơi, chỉ xảy ra vào ngày tận thế, ngày phán xét cuối cùng.

Như chiếc lưới quăng xuống biển bắt được mọi thứ cá, Thiên Chúa cũng căng lưới tình yêu ra và chụp vào mọi người, không ai bị loại ra khỏi vòng tay yêu thương của Thiên Chúa. Thế nhưng, Chúa chỉ lựa cá tốt. Thiên Chúa chỉ đón nhận những ai muốn được Ngài biến đổi và làm cho tốt, còn những ai chối bỏ, thì sẽ bị loại ra khỏi vòng tay yêu thương và sẽ chịu hình phạt muôn đời.

  1. Dụ ngôn lưới cá thời Chúa Giêsu không giống cách đánh cá công nghiệp thời nay. Cách đánh cá này giống như cách đánh cá của người dân quê miền bể chúng ta. Đây là thứ lưới vét (lưới giùng) dài và rộng. Dân chài chia thành hai nhóm kéo hai đầu lưới, bao vây cả một vùng biển mà dân chài tưởng là có đàn cá, từ từ vòng vào bờ, kéo lưới lên bãi, xum nhau lại nhặt cá.

Theo giải thích của nhiều giáo phụ thì biển là thế gian, cá là nhân loại, dân chài là các tông đồ, lưới là Hội thánh và là việc rao giảng Tin mừng, nhặt cá tốt và cá xấu là phân biệt kẻ lành kẻ dữ trong ngày phán xét.

  1. Theo cánh đánh cá ở trên, các ngư phủ sau khi kéo lưới vào bờ, họ thường ngồi lựa cá tốt và cá xấu. Cá tốt thì thu gom lại còn cá xấu thì loại bỏ đi. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh lưới cá này để chỉ Nước Chúa, tức là Hội thánh của Chúa, có nhiều thành phần khác nhau, tốt xấu khác nhau. Ai cũng có thể ở trong Giáo hội, không phân biệt, không kỳ thị chủng tộc, màu da, tiếng nói, văn minh, giàu nghèo. Tuy nhiên sẽ có ngày Chúa phân xử là lựa chọn kỹ càng, lúc ấy Thiên Chúa sẽ quyết định ai là người tốt, ai là người xấu, ai là con cái thật của Chúa, ai là thứ giả hình giả mạo. Chúa Giêsu còn nói rõ: các thiên thần sẽ tách biệt kẻ xấu và người công chính. Kẻ xấu sẽ bị ném vào lò lửa không hề tắt, ở đó sẽ phải khóc lóc nghiến răng, còn người công chính sẽ chói sáng như mặt trời.
  2. Dụ ngôn cái lưới có mục đích diễn tả lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa, Ngài chấp nhận tốt xấu pha trộn, đợi đến ngày cuối cùng Chúa mới lấy quyền xét xử. Trong trần gian cũng như trong Giáo hội luôn có những người xấu sống bên cạnh những người tốt, cái thiện và cái ác lẫn lộn. Ánh sáng và bóng tối trong thế giới ta đang sống, thiện và ác trong lòng mọi người. Thiên Chúa cho kẻ lành người dữ sống chung với nhau, cũng như để cho các tốt cá xấu sống chung trong biển cả, đến ngày tận thế Thiên Chúa mới phân xử, mới tách biệt cá tốt ra khỏi cá xấu, người lành khỏi kẻ dữ.

Trong Hội thánh và nơi mỗi người có một sự pha trộn thánh thiện và tội lỗi, thiện và ác đó là điều không tránh được. Hội thánh là thánh thiện tự bản chất, nhưng Hội thánh cũng có những con người yếu đuối và tội lỗi, và chúng ta, mặc dầu đã nhận nhiều ân sủng qua phép Rửa tội cũng có khuynh hướng phạm tội.

  1. Một lần nữa chúng ta được nghe Chúa Giêsu mạc khải về ngày tận thế qua dụ ngôn chiếc lưới đầy cá và sự lựa chọn của ngư dân. Trong ngày sau hết cũng vậy, Thiên Chúa sẽ tách biệt người công chính ra khỏi kẻ gian ác. Kẻ gian ác thì chịu án phạt, còn người công chính được ân thưởng trong Nước trời.

Vì thế, Hội thánh ở trần gian giống như chiếc lưới, mời gọi mọi người không trừ ai. Thế nhưng, trong Hội thánh, mọi tín hữu đều hướng tới mục tiêu là nên thánh, nên công chính để được Chúa tuyển chọn vào hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trong ngày sau hết. Trở nên người công chính, đó là ước mong của mọi người chúng ta khi làm môn đệ Chúa Kitô. Và chính điều mong ước này là động lực thúc đẩy chúng ta sống công chính theo gương Ngài để được chọn vào trong Nhà Chúa. Lời Chúa mời gọi “nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48). Nhờ bí tích Rửa tội chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa. “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, chúng ta nên sống công chính thánh thiện để mỗi ngày một nên giống Chúa hơn (5 phút Lời Chúa).

 

Suy niệm 3: (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Các bổn đạo đầu tiên trong Giáo hội sơ khai thiếu tất cả mọi yếu tố để thành công: thông thái, giàu sang, chức quyền, lợi khẩu… Họ chỉ có một điều: Sống đời sống đức tin rất gương mẫu. Nhờ đó, họ đã đem được rất nhiều người ngoại giáo trở lại đạo Chúa.

Gương tốt đánh tan bóng tối, đem lại ánh sáng linh động và vạch rõ con đường ngay chính.

Gương tốt làm cho người ta tuân giữ luật Chúa và xa lánh tội lỗi.

Tertulianô viết về các bổn đạo đầu tiên này: “Chỉ có sự hiện diện của mình, các bổn đạo đầu tiên cũng đủ làm cho tính xấu phải hổ thẹn”.

Suy niệm

Cũng giống như dụ ngôn lúa và cỏ lùng, dụ ngôn chiếc lưới cá đề cập cuộc phán xét của Thiên Chúa trong ngày tận thế. Dụ ngôn nhấn mạnh việc ngư phủ tách cá tốt và cá xấu ra khỏi nhau khi lưới được kéo lên: Cá tốt cho vào giỏ tượng trưng cho người công chính được Chúa cho hưởng vinh quang Thiên quốc, cá xấu bị ném ra ngoài tượng trưng cho kẻ xấu bị trừng phạt nơi hỏa ngục.

Hình ảnh của chiếc lưới đầy cá mà Chúa Giêsu nói trong dụ ngôn, cho thấy nước Trời bao gồm đủ mọi hạng người đi tìm nước Trời và chỉ có những người tìm kiếm được mới được Thiên Chúa đón rước vào nước Ngài. Người được chọn là người biết kiên tâm đời mình muốn gì và tìm kiếm như tìm kiếm nước Trời. Bổn phận của người tìm kiếm Nước Trời được dùng bằng hình ảnh mà Chúa Giêsu nhấn mạnh: “Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ” (Mt 13,52).

Thiên Chúa quăng lưới tình yêu nước Trời xuống biển trần gian bắt được mọi thứ cá, Ngài chỉ lượm cá tốt là những người công chính, nghĩa là Thiên Chúa chỉ đón nhận những ai muốn được Thiên Chúa biến đổi và làm cho ra tốt. Còn những ai chối bỏ Ngài chính là cá xấu bị loại ra khỏi vòng yêu thương của Thiên Chúa sẽ ở ngoài vòng dây yêu thương và bất hạnh muôn đời.

Ý lực sống

“Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được thuộc về Người” (Pl 3,7-9).

Top