Thứ Hai tuần Bát nhật Phục sinh - Đừng sợ (Mt 28,8-15)

Thứ Hai tuần Bát nhật Phục sinh - Đừng sợ (Mt 28,8-15)

Thứ Hai tuần Bát nhật Phục sinh - Đừng sợ (Mt 28,8-15)

“Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng,
chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay”. (Mt 28,8)

 

BÀI ĐỌC I: Cv 2, 14. 22-32

“Thiên Chúa đã cho Đức Kitô phục sinh, và tất cả chúng tôi làm chứng về Người”.

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô cùng với mười một Tông đồ đứng ra, lên tiếng nói rằng: “Hỡi các người Do-thái và tất cả những ai ở Giêrusalem, xin hãy biết điều này và lắng nghe lời tôi! Hỡi những người Israel, xin hãy nghe những lời này:

“Đức Giêsu Nadarét là người đã được Thiên Chúa chứng nhận giữa anh em bằng những việc vĩ đại, những điều kỳ diệu và những phép lạ, mà Thiên Chúa đã dùng Người để thực hiện giữa anh em, như chính anh em đã biết. Theo như Thiên Chúa đã định và biết trước, Người đã bị nộp, và anh em đã dùng tay kẻ độc ác mà hành hạ rồi giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã giải thoát Người khỏi những đau khổ của cõi chết mà cho Người phục sinh, vì không thể nào để cho Người bị cầm giữ trong đó. Vì chưng, Đavít đã nói về Người rằng:

'Tôi hằng chiêm ngưỡng Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu tôi, để tôi không nao núng. Vì thế, lòng tôi hân hoan, miệng lưỡi tôi hát mừng, và xác tôi yên nghỉ trong niềm cậy trông; vì Chúa không để linh hồn tôi trong cõi chết, và không để Đấng Thánh của Chúa thấy sự hư nát. Chúa đã cho tôi biết con đường sự sống và cho tôi tràn đầy hân hoan tận hưởng nhan thánh Chúa'.

“Hỡi anh em, xin cho phép tôi được bạo dạn nói với anh em về tổ phụ Đavít rằng: ngài đã băng hà, đã được an táng và lăng tẩm của ngài còn nằm giữa chúng ta cho đến ngày nay. Nhưng vì ngài là tiên tri, và biết Thiên Chúa đã thề hứa với ngài sẽ cho một người trong dòng dõi ngài ngồi trên ngai vàng của ngài, nên thấy trước, ngài đã nói về việc Chúa Kitô phục sinh, vì Người không phải bị bỏ rơi trong cõi chết, và xác Người không bị huỷ diệt. Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã cho sống lại; chúng tôi hết thảy xin làm chứng về điều ấy”.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 15, 1-2a và 5. 7-8. 9-10. 11

Đáp: Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa (c. 1).

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: 1) Xin bảo toàn con, lạy Chúa, vì con tìm nương tựa Chúa; con thưa cùng Chúa: “Ngài là chúa tể con. Chúa là phần gia nghiệp và phần chén của con, chính Ngài nắm giữ vận mạng của con”. - Đáp.

2) Con chúc tụng Chúa vì đã ban cho con lời khuyên bảo, đó là điều lòng con tự nhủ, cả những lúc đêm khuya. Con luôn luôn đặt Chúa ở trước mặt con, vì Chúa ngự bên hữu con, con sẽ không nao núng. - Đáp.

3) Bởi thế lòng con vui mừng và linh hồn con hoan hỉ: ngay cả đến xác thịt của con cũng nằm nghỉ an toàn, vì Chúa chẳng bỏ rơi linh hồn con trong Âm phủ, cũng không để thánh nhân của Ngài thấy sự hư nát. - Đáp.

4) Chúa sẽ chỉ cho con biết đường lối trường sinh, sự no đầy hoan hỉ ở trước thiên nhan, sự khoái lạc bên tay hữu Chúa tới muôn muôn đời! - Đáp.

 

Tin mừng: Mt 28, 8-15

8 Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay.

9 Bỗng Đức Giê-su đón gặp các bà và nói: “Chào chị em!” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người.

0 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.”

11 Các bà đang đi, thì có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra.

12 Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn,13 và bảo: “Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác.

14 Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự.”

15 Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do-thái cho đến ngày nay.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu đã từ cõi chết sống lại, Ngài mời gọi mọi người cùng cảm nghiệm sự sống lại đó, trong cuộc sống của mỗi người hôm nay.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, sự sống lại của Chúa đã làm thay đổi tầm nhìn và suy nghĩ của mọi người. Những kẻ đã lên án chống đối Chúa tưởng mình đang vinh quang chiến thắng, bỗng sững sờ thất bại trước sự việc không thể lường trước. Còn những ai theo Chúa, đang thất vọng chán nản thì hân hoan phấn khởi. Trong số đó, con thấy có một số phụ nữ theo Chúa đến cùng, ngay cả trong những giờ phút đen tối nhất, giờ đây họ được diễm phúc cảm nghiệm sự sống lại của Chúa, được làm sứ giả đem Tin Mừng Phục Sinh đến cho các tông đồ.

Lạy Chúa, cuộc sống trần gian của con không thể kéo dài mãi, sức khỏe đã yếu đi, tinh thần và sự hăng say làm việc giảm sút. Cuộc đời này qua đi thật mau. Dù con vẫn biết cuộc sống đời này như một chiếc cầu nối liền vào cuộc sống vĩnh cửu, nhưng con vẫn bi quan lo sợ mỗi lần con nghĩ tới sự chết.

Lạy Chúa, các phụ nữ ra thăm mồ đã vui mừng. Chúa bảo họ đừng sợ. Phần con, con cảm thấy niềm tin nơi con quá yếu kém, chưa cảm nhận được sự phục sinh của Chúa. Xin Chúa củng cố và tăng thêm đức tin nơi con, để con ý thức những gì trong cuộc sống hiện tại là những viên gạch xây dựng cho căn nhà Nước Trời. Mỗi sáng thức dậy con đang bước vào một ngày mới với đầy lòng tín thác vào ân sủng của Chúa. Xin Chúa ban cho con niềm vui Phục Sinh để từng ngày sống của con trở nên một sứ điệp mang lại niềm vui và lòng tin cho mọi người, nhờ đó chúng con cùng nhau hy vọng sẽ sống lại trong ánh sáng phục sinh vinh quang của Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Hãy đi nói với anh em đến Galilêa mà gặp Ta ở đó”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

Thánh Mát-thêu thuật lại những chuyện xảy ra vào buổi sáng Phục sinh:

1. (Các phụ nữ đến mồ, thấy mồ trống, gặp thiên thần. Thiên thần cho hay Chúa Giêsu đã sống lại và bảo các bà đi báo tin cho các môn đệ và bảo họ Chúa Giêsu chờ họ tại Galilê). Trong tâm trạng vừa sợ vừa vui mừng, các bà chạy đi báo tin cho các môn đệ.

Tâm trạng sợ hãi: không phải là sợ hãi, mà là nỗi sợ tôn giáo, tâm trạng của người ý thức Thiên Chúa đang có mặt hoạt động. Vậy các bà “sợ” nghĩa là các bà ý thức Thiên Chúa đã làm cho Chúa Giêsu sống lại.

Vui mừng: vì Thầy mình đã sống lại.

2. Đang khi các bà chạy đi báo tin thì Chúa Giêsu hiện ra. Câu đầu tiên của Ngài là “đừng sợ”. Rồi Ngài lặp lại lời thiên thần: Hãy đi báo tin cho các môn đệ, bảo họ rằng Ngài chờ họ ở Galilê.

“Đừng sợ”: Trong Thánh kinh, từ Cựu ước tới Tân ước, khi hiện ra với loài người, Thiên Chúa (hay thiên thần) đều nói “đừng sợ” (x. St 15,1 26,24 46,3 Tl6,23 Lc1,12.30 2,10 Mt14,27…).

Nếu như “sợ” là tâm trạng của con người khi biết mình đang ở trước mặt Thiên Chúa vì thấy mình bất xứng, thì lời nói “đừng sợ” có nghĩa là Thiên Chúa tự xóa khoảng cách giữa Ngài với loài người; hơn nữa, Thiên Chúa đem lại cho loài người sự bình an và vui mừng.

Khi nói về các môn đệ, Chúa Giêsu gọi họ là “anh em”: sự Phục sinh của Chúa Giêsu đã nâng mối liên hệ giữa Ngài với các môn đệ lên một bậc: họ trở thành anh em của Ngài.

3. Phản ứng của giới thượng tế và kì lão: đút tiền cho bọn lính canh để mua chuộc họ xuyên tạc sự thật về Chúa Giêsu sống lại.

B. Suy niệm (...nẩy mầm)

1a. “Đừng sợ”: từ nỗi “sợ hãi” trong lúc Chúa Giêsu chịu nạn chịu chết, các bà đã chuyển sang “kính sợ” khi nhận thấy quyền năng Thiên Chúa. Lòng “kính sợ” đi kèm với nỗi “vui mừng hớn hở”. Khi ta thực sự tin vào quyền năng Chúa, ta sẽ không còn “sợ hãi” bất cứ điều gì nữa, thậm chí còn có thể “vui mừng hớn hở” trong bất cứ tình huống nào, kể cả cái chết.

1b. Một cụ già còng lưng vì tuổi tác và vất vả đang gom củi trong rừng. Ong nghĩ về phận mình và cảm thấy chán trường. Ông ném bó củi xuống và than vãn: “cuộc sống cơ cực quá, không thể chịu nổi nữa! Ươc gì thần chết rước tôi đi!”.

Vừa nói xong thần chết xuất hiện với bộ xương trong chiếc áo đen đứng trước mặt ông và nói: “Ta nghe ngươi gọi, Ta có thể giúp ngươi điều gì ?”. Ông già kinh sợ nói: “Ngài có thể giúp tôi đặt bó củi này lên vai không ?” (Góp nhặt).

2a. Chúa Giêsu Phục sinh đã gọi các môn đệ là “anh em” của Ngài: sự Phục sinh của Chúa đã cứu chuộc tội lỗi của loài người, ban lại cho loài người quyền làm con Thiên Chúa như Chúa Giêsu. Tạ ơn Thiên Chúa và Chúa Giêsu.

2b. Một giáo viên cấp II đang vào sổ hai cậu học sinh mới chuyển trường. Cô thấy tên họ của chúng giống nhau, dáng người và quần áo như nhau nên hỏi:

- Hai anh em sinh đôi phải không ?

- Không.

Rồi cô đọc thấy ngày tháng năm sinh của chúng chỉ cách nhau sáu tháng. Cô lại hỏi:

- Hai anh em họ phải không ?

- Không, chúng em là anh em ruột.

- Ồ, cô nghĩ có sự nhầm lẫn trong việc ghi ngày sinh của các em. Hai anh em về nói mẹ ghi lại ngày sinh của mình rồi đưa lại cho cô vào sáng mai nhé ?

- Tại sao vậy ?

- Bởi vì nếu hai anh em không sinh đôi mà lại là anh em ruột, thì Nam không thể lớn hơn Tâm có sáu tháng.

Hai cậu nhìn nhau. Rồi Nam quay lại, mỉm cười nói với cô giáo: “Nhưng em không phải là người lớn hơn; vì cô biết đó, một trong hai chúng em là con nuôi. Nhưng chúng em không biết ai là con nuôi.” (Góp nhặt).

3. “Tin Mừng hôm nay đề cập tới hai thái độ khác nhau trước biến cố Phục sinh: Một của các phụ nữ, một của nhóm lính canh. Đối diện với ngôi mộ trống, các phụ nữ nhận ra dấu chỉ của Tin Mừng Phục sinh và khởi điểm cho niềm hy vọng, tuy lo âu, nhưng họ cũng vui mừng vội vã đi báo tin cho các môn đệ. Còn đối với nhóm lính canh, ngôi mộ trống đã không là khởi điểm của sự tìm kiếm và tin tưởng, mà còn khiến họ xa rời niềm tin, chỉ vì sợ hãi và vì chút lợi lộc…

Kitô hữu là người đối diện với Tin Mừng Phục sinh và được trao cho nhiệm vụ đi loan báo cho người khác tin vui này…Tuy nhiên, như nhóm lính canh, có thể vì sợ hãi trước quyền lực trần thế, hay vì một chút lợi lộc, họ đành tâm phản bội Tin Mừng, và do đó cho đến nay vẫn còn những hiểu biết lệch lạc về Chúa Kitô và về Giáo hội” (Mỗi ngày một tin vui”).

4. Vậy là đã qua này sinh nhật vui với nhiều lời chúc, hoa và quà. Tôi lại trở về với cuộc sống thường nhật. Hụt hẫng! Cố níu kéo cảm giác hạnh phúc hôm qua. Nhưng đành bất lực!

…Có một niềm vui bên cạnh tôi chẳng bao giờ tan biến nhưng tôi nào hay biết: Chúa của tôi Phục sinh. Một niềm vui trọng đại, một ân điển lớn lao, cho bạn và cho tôi.

Bởi lẽ:

Tình yêu đã chiến thắng;

Sự thật đã lên ngôi.

Bạn và tôi hãy xóa đi hận thù, tranh chấp; hãy xa lánh mọi điều dối gian, để thế giới và nhân loại được Phục sinh nơi Ngài.

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Chúa đã sống lại thật chăng (Mt 28, 8-15)

  1. Các bài Tin mừng trong tuần bát nhật mừng Đức Giêsu Phục sinh đều ghi lại các cuộc hiện ra của Đức Giêsu. Bài Tin mừng hôm nay ghi lại việc Đức Giêsu hiện ra với các phụ nữ, cách riêng với bà Maria Mađalêna, để củng cố niềm tin và sai các bà đi báo tin cho các Tông đồ. Ngoài ra, Tin mừng còn nói đến việc các nhà lãnh đạo tôn giáo Do thái mua chuộc các lính canh mồ để phản bác việc Đức Kitô sống lại.
  2. Thánh Mátthêu là tác giả duy nhất đã so sánh thái độ của hai dạng chứng nhân về việc Chúa Phục sinh: một bên là những phụ nữ đã từng theo Đức Giêsu, và một bên là những lính canh mồ do các thượng tế và biệt phái sắp đặt.

Cả hai bên đều nhận lãnh một sứ điệp: những phụ nữ được các thiên thần cổ võ đã lên đường loan báo sứ điệp Phục sinh cho các Tông đồ; những lính canh mồ thoạt tiên cũng nhận lãnh các sứ điệp như thế: họ đã chứng kiến một phép lạ, nhưng thay vì tuân phục với đức tin, họ đã bóp méo và chối bỏ sự thật.

Một sự kiện nhưng hai phản ứng: với sự tuân phục của đức tin, các phụ nữ đã đón nhận phép lạ và trở thành sứ giả của Tin mừng Phục sinh; trong khi đó, với thái độ mù quáng và khước từ, những lính canh mồ đem biến sự kiện thành một bôi nhọ phỉ báng.

  1. Đức Giêsu đã Phục sinh với các chứng từ rõ ràng không thể chối cãi được. Đối với Đức Giêsu, phục sinh là chiến thắng hoàn toàn sự chết, thế gian và xác thịt, nghĩa là thân xác phục sinh không thể chết được nữa, thân xác phục sinh không thể bị giới hạn trong không gian hoặc thời gian. Chẳng hạn Đức Giêsu khi phục sinh vẫn đi vào nhà các môn đệ khi cửa đóng kín, vẫn có thể hiện diện nhiều nơi như vừa đồng hành với môn đệ trên đường Emmau, nhưng khi các môn đệ đó quay lại thì lại được các môn đệ ở nhà kể lại vừa gặp Chúa.

Kitô hữu là người đối diện với Tin mừng Phục sinh và được trao nhiệm vụ đi loan báo cho người khác tin vui này... Tuy nhiên, như nhóm lính canh, có thể vì sợ hãi trước quyền lực trần thế, hay vì một chút lợi lộc, họ đành tâm phản bội Tin mừng, và do đó cho đến nay vẫn còn những hiểu biết lệch lạc về Đức Kitô và về Giáo hội.

  1. Trở lại sự kiện giả dối của giới cầm quyền Do thái giáo mà bài Tin mừng kể ra, chúng ta thấy sự kiện này cũng phản ánh một thực tế bất công và dối trá nơi cuộc sống này đã có từ ngàn xưa. Thậm chí ngày nay còn đáng sợ hơn.

Chân lý loài người luôn thuộc về kẻ mạnh, người ta dùng tiền để mua chuộc và đổi trắng thay đen, biến công thành tội, sự thật bị xuyên tạc bóp méo. Đặc biệt những Kitô hữu và những người dám sống thật luôn bị thua thiệt và bị vu oan giáng họa kết tội cách bất công. Người ta dùng tiền và quyền để bịt miệng và để kết án.

Thế nhưng, chính sự thật thì người ta sẽ không mãi mãi trù dập nó được, sự kiện Phục sinh vẫn được hàng tỷ người trên thế giới tuyên xưng và phát triển đã hơn 2000 năm lịch sử... Các môn đệ của Chúa lúc bị xuyên tạc, các ngài không cần kêu oan mà cứ mạnh dạn tuyên xưng những gì mình thấy và sống mầu nhiệm Phục Sinh cách hoàn hảo.

  1. “Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy...”

Nhà cầm quyền Do thái giáo đã mua chuộc lính canh mồ, khiến họ chối bỏ sự kiện Chúa đã sống lại mà chính họ đã chứng kiến. Dĩ nhiên – trong hôm nay – tin đồn lệch lạc này vẫn được loan truyền khắp thế giới con người... Sự kiện đưa chúng ta đến hai vấn đề: đó là hối lộ là chuyện muôn thuở và tham nhũng luôn nhằm bóp méo sự thật,

Kho tàng truyện cổ dân gian có câu chuyện của hai nhân vật Cải và Ngò...

Hai người nông dân cục mịch có chuyện với nhau nên... ục nhau...

Cả hai đem chuyện kiện nơi ông Lý. Cải sợ kém thế nên lót tay ông Lý 5 đồng... Ngò thì lót 10 đồng... Xử kiện, ông Lý vẫn phạt Cải một chục roi... Cải giơ 5 ngón tay... ý nhắc là Cải đã đưa trước 5 đồng. Thầy Lý lấy năm ngón bàn tay trái úp lên năm ngón bàn tay phải và phán: Tao biết mày “phải”, nhưng nó “phải” bằng hai mày...

  1. Truyện: Niềm vui Phục sinh

Vậy là đã qua ngày sinh nhật vui vẻ với nhiều lời chúc, hoa và quả. Tôi trở về với cuộc sống thường nhật. Hụt hẫng! Cố níu kéo cảm giác hạnh phúc hôm qua. Nhưng đành bất lực.

... Có một niềm vui bên cạnh tôi chẳng bao giờ tan biến nhưng tôi nào hay biết: Chúa của tôi phục sinh. Một niềm vui trọng đại, một ân điển lớn lao, cho bạn và cho tôi.

Bởi lẽ: Tình yêu đã chiến thắng. Sự thật đã lên ngôi. Bạn và tôi hãy xóa bỏ hận thù, tranh chấp; hãy xa lánh mọi điều dối gian, để thế giới và nhân loại được phục sinh nơi Ngài.

Ước gì niềm vui của Đấng Phục sinh tràn ngập hồn con, để con đem sinh khí cho người tuyệt vọng; đem nụ cười cho kẻ khóc than; làm tươi trẻ những tâm hồn héo úa; dọi ánh sáng vào nơi tối tăm; đem niềm vui và hạnh phúc đến mọi người; xây thiên đàng ngay trần thế hôm nay (Epphata, Ban mục vụ Giới trẻ TP/HCM).

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top