Thứ Hai tuần 5 Mùa Thường Niên - Năm chẵn

Thứ Hai tuần 5 Mùa Thường Niên - Năm chẵn

Thứ Hai tuần 5 Mùa Thường Niên - Năm chẵn

BÀI ĐỌC I: 1 V 8, 1-7. 9-13

“Họ mang hòm bia Thiên Chúa vào nơi Cực Thánh, và mây bao phủ nhà Chúa”.

Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.

Trong những ngày ấy, các kỳ lão Israel, cùng những thủ lãnh các chi họ và những trưởng gia tộc con cái Israel đều tề tựu trước mặt vua tại Giêrusalem, để cung nghinh hòm bia Thiên Chúa từ thành Đavít, tức là thành Sion. Trong ngày đại lễ, nhằm tháng Ethanim, tức tháng bảy, toàn dân Israel tụ họp quanh vua Salomon. Khi các kỳ lão Israel đến, các tư tế liền khiêng hòm bia, và mang hòm bia Chúa đi, mang cả nhà tạm giao ước và tất cả những đồ thánh trong nhà tạm; các tư tế và các thầy Lêvi phụ trách khiêng đi.

Vua Salomon và toàn dân Israel tề tựu quanh ngài, tiến đi với ngài trước hòm bia, và tế lễ vô số chiên bò không kể xiết. Các tư tế khiêng hòm bia Thiên Chúa đặt vào nơi đã chỉ định tại đền thờ, nơi cực thánh, dưới cánh các tượng vệ binh thần. Các tượng này giang cánh trên nơi để hòm bia, và che phủ hòm bia và các đòn khiêng. Trong hòm bia không có gì khác ngoài hai bia đá mà Môsê đã đặt vào hòm ở núi Horeb, lúc Chúa lập giao ước với con cái Israel khi họ ra khỏi đất Ai-cập. Khi các tư tế lui ra khỏi cung thánh, thì có mây bao phủ nhà Chúa. Vì mây mù, nên các tư tế không thể đứng đó mà thi hành chức vụ: vì vinh quang của Chúa tràn đầy nhà Chúa. Bấy giờ Salomon nói rằng: “Chúa đã từng phán sẽ ngự trong đám mây. Vậy tôi đã xây cất ngôi nhà làm nơi ở cho Chúa, một nơi vững chắc Chúa ngự đến muôi đời”.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 131, 6-7. 8-10

Đáp: Lạy Chúa, xin lên đường đi tới nơi an nghỉ (c. 8a).

Xướng:

1) Đây là điều chúng tôi đã nghe nói tại Ephrata, chúng tôi đã gặp thấy nơi đồng ruộng Gia-arChúng ta hãy tiến vào nhà Chúa, hãy sụp lạy trước bệ dưới chân Ngài. - Đáp.

2) Lạy Chúa, xin lên đường đi tới nơi an nghỉ, Chúa và Hòm Bia oai quyền của Chúa cùng đi! Các tư tế của Ngài hãy mặc lấy lòng đạo đức, và các tín đồ của Ngài hãy mừng rỡ hân hoanXin vì Đavít là tôi tớ Chúa, Chúa đừng hắt hủi người được Chúa xức dầu. - Đáp.

 

“Người ta cũng đặt các bệnh nhân ở các nơi công cộng,
và tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh”. (Mc 6,56)

Tin Mừng: Mc 6,53-56

53 Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ qua biển rồi, các ngài tới miền Giênêsarét và ghé bến. 54 Các ngài lên khỏi thuyền, tức thì người ta nhận ra Người, 55 họ liền rảo chạy khắp miền, và nghe tin Người ở đâu thì khiêng những người đau yếu nằm trên chõng đến đó. 56 Bất cứ Người vào làng trại hay đô thị nào, người ta cũng đặt các bệnh nhân ở các nơi công cộng và xin Người cho họ ít là được chạm tới gấu áo Người, và tất cả những ai chạm tới Người, đều được khỏi bệnh.

 

Suy niệm 1 (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống...)

Trong 4 câu rất gọn, Thánh Marcô mô tả sức thu hút mãnh liệt của Chúa Giêsu đối với dân chúng:

- “Họ rão qua khắp vùng ấy, và nghe tin Ngài ở đâu thì bắt đầu cáng bệnh nhân tới đó”

- “Ngài đi tới đâu... người ta cũng đặt kẻ ốm đau ở ngoài đường, ngoài chợ, và xin Ngài cho họ ít là được chạm đến tua áo choàng của Ngài. Và bất cứ ai chạm đến đều được khỏi”.

B- Suy gẫm (... nẩy mầm)

1. Có thể tìm được 2 lý do giải thích sự thu hút này:

- dân chúng có những nhu cầu.

- Chúa Giêsu có khả năng đáp ứng những nhu cầu đó.

Diễn viên điện ảnh Lê Công Tuấn Anh có tất cả những thứ mà bất cứ người trẻ nào cũng mơ ước. Nhưng anh cũng có những nhu cầu và những đau khổ thâm sâu mà không ai giúp anh được. Anh chết vì không tìm được Đấng giúp anh.

2. Bất cứ ai chạm đến Ngài thì đều được khỏi”: Nếu tôi thực sự chạm” đến Chúa, chắc chắn tôi cũng được khỏi những bệnh tật linh hồn tôi.

3. Lúc bệnh tật và đau khổ là lúc người ta dễ hướng về Chúa nhất.

4. Người hấp hối than thở với cha sở rằng chẳng cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa. Cha sở lấy một chiếc ghế đặt bên cạnh, rồi bảo ông hãy nghĩ rằng Chúa Kitô đang ngồi đó, hãy đặt tay mình trên tay Ngài trên thành ghế. Người đó làm theo và cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa. Mấy hôm sau, được tin ông qua đời, cha sở đến thăm và thấy tay ông vẫn còn đặt trên bàn tay vô hình ở thành ghế. (Góp nhặt)

5. Nghe tin Người ở đâu, họ bắt đầu cáng bệnh nhân đến đó… và bất cứ ai chạm đến Người thì đều được khỏi” (Mc 6,55-56)

Một cảnh tượng tuyệt đẹp và đầy xúc động, đẹp ở sự chủ động của đám đông, xúc động bởi lòng tin vững vàng của họ. Họ đã không đòi hỏi gì hơn là được chạm đến tua áo Người, mong được chữa khỏi.

Sự kiện đó khiến tôi liên tưởng ngay đến câu chuyện về họa sĩ Holman Hunt. Ông đã vẽ một bức tranh trong đó Chúa Giêsu đang đứng gõ cửa một ngôi nhà. Nhưng điểm khác thường ở đây là cánh của đó không có tay cầm và cũng không có ổ khóa, và vì thế cánh cửa đó chỉ có thể mở từ bên trong.

Đám đông dân chúng nay đã tự mở cánh cửa lòng mình cho Đấng chữa lành; và vì thế họ đã được khỏi bệnh.

Lạy Chúa, lòng con đầy dẫy những ích kỷ, tự kiêu, đam mê… hay có khi lại mặc cảm, chống đối và than van. Xin cho con biết mở lòng để có thể chạm đến Chúa. (Epphata)

 

Suy niệm 2 (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Bác sĩ Longet người Pháp đã từng phục vụ ở Việt Nam cách đây mấy mươi năm (và cũng nổi tiếng như bác sĩ Tom Dooley người Mỹ đã phục vụ ở Đông Nam Á). Ông tận tụy săn sóc, yêu thương các bệnh nhân trong bệnh viện mình, bất kể giai cấp, tôn giáo, chủng tộc, ngày cũng như đêm…

Mỗi sáng, khi đi dự lễ bệnh nhân lương giáo ai muốn đi, ông đều cho đi. Mỗi chiều Chúa nhật, ông lại cho các bệnh nhân đi chơi, tham quan nơi này, nơi nọ. Và mỗi tối, ông lần chuỗi chung với bệnh nhân Công giáo. Vì là người Pháp, ông chỉ thuộc các kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng danh đủ để lần hạt chung với họ là những người khác quốc tịch.

Ít lâu sau, Longet trở về lại Pháp, vào chủng viện dâng mình làm linh mục và tình nguyện sang phục vụ những người nghèo khổ nhất ở giáo phận Cần Thơ. Nhưng tiếc thay, sau khi chịu chức, ông bị bệnh và qua đời trước khi tới nơi mong ước.

Suy niệm

Tin Mừng hôm nay nói về việc chữa bệnh của Chúa Giêsu, tại Giênêsarét. Theo thánh sử Luca, sự việc xảy ra sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi đám đông dân chúng hơn 5000 người, và Ngài đã khống chế sự dữ trên biển cả khi thuyền của các tông đồ bị chao đảo, bị sóng dập vùi…

Chứng kiến phép lạ hóa bánh ra nhiều của Ngài, dân chúng tìm đến với Chúa Giêsu để xin được chữa lành những căn bệnh… Họ đặt những bệnh nhân nằm la liệt bên các vệ đường, nơi mà Ngài sẽ đi ngang qua, được Ngài đặt tay trên mình hoặc được đụng chạm đến tua áo Ngài là họ được chữa lành. Trong văn hóa Sêmít, y phục tượng trưng cho chính bản thân con người. Khi đụng đến áo của người nào là ta tiếp xúc đến chính bản thân người đó. Qua đó, tác giả muốn khẳng định từ thân thể Chúa toát ra một uy quyền thần linh cứu độ (x. Mc 6,56) và ân sủng này vượt quá những điều trị thể lý thông thường.

Chúa Giêsu theo một chương trình duy nhất, là rao giảng Tin Mừng và làm cho nước Trời hiện diện cụ thể trong đời sống con người. Ðối tượng phục vụ của Ngài là tất cả mọi người, ưu tiên cho người nghèo, người đau khổ và nhu cầu của họ. Ngài đã thi hành sứ vụ rao giảng Tin Mừng cứu độ một cách hoàn hảo: Loan báo Tin Mừng bằng cả lời nói và hành động cụ thể cho thấy sức mạnh Tin Mừng: Ngài chữa lành mọi bệnh tật, khai trừ tội lỗi và giải thoát con người khỏi ách thống trị của sự dữ là ma quỷ.

Xin vì tình thương và lòng trắc ẩn của Chúa đã chạnh lòng thương dân Do Thái năm xưa, xin Chúa cũng thương chữa lành những căn bệnh thể lý và tinh thần của chúng ta hôm nay.

Ý lực sống

“Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người” (Lc 1,50).

Top