Chúa nhật 34 Thường niên năm C - Đức Giêsu Kitô Vua Vũ trụ (Lc 23,35-43)

Chúa nhật 34 Thường niên năm C - Đức Giêsu Kitô Vua Vũ trụ (Lc 23,35-43)

Chúa nhật 34 Thường niên năm C - Đức Giêsu Kitô Vua Vũ trụ (Lc 23,35-43)

Khi ông vào Nước của ông,
xin nhớ đến tôi!

Bài đọc 1: 2 Sm 5, 1-3

Họ xức dầu tấn phong Đa-vít làm vua Ít-ra-en.

Bài trích sách Sa-mu-en quyển thứ hai.

1 Hồi đó, toàn thể các chi tộc Ít-ra-en đến gặp vua Đa-vít tại Khép-rôn và thưa: “Chúng tôi đây là cốt nhục của ngài. 2 Ngay cả trước kia, khi ông Sa-un làm vua cai trị chúng tôi, chính ngài đã chỉ huy các cuộc hành quân của Ít-ra-en. Đức Chúa đã phán với ngài: ‘Chính ngươi sẽ chăn dắt Ít-ra-en, dân Ta, chính ngươi sẽ là người lãnh đạo Ít-ra-en’.” 3 Toàn thể kỳ mục Ít-ra-en đến gặp vua tại Khép-rôn. Vua Đa-vít lập giao ước với họ tại Khép-rôn, trước nhan Đức Chúa. Rồi họ xức dầu tấn phong Đa-vít làm vua Ít-ra-en.

 

Đáp ca: Tv 121, 1-2.4-5 (Đ. x. c.1)

Đ.Ta vui mừng trẩy lên đền thánh Chúa.

1Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi:
“Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa!”
Và giờ đây, Giê-ru-sa-lem hỡi,
2cửa nội thành, ta đã dừng chân.

Đ.Ta vui mừng trẩy lên đền thánh Chúa.

4Từng chi tộc, chi tộc của Chúa,
trẩy hội lên đền ở nơi đây,
để danh Chúa, họ cùng xưng tụng,
như lệnh đã truyền cho Ít-ra-en.
5Cũng nơi đó, đặt ngai xét xử,
ngai vàng của vương triều Đa-vít.

Đ.Ta vui mừng trẩy lên đền thánh Chúa.

 

Bài đọc 2: Cl 1, 12-20

Chúa Cha đã đưa chúng ta vào vương quốc Thánh Tử chí ái.

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-lô-xê.

12 Thưa anh em, anh em hãy vui mừng cảm tạ Chúa Cha, đã làm cho anh em trở nên xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp của dân thánh trong cõi đầy ánh sáng.

13 Người đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm, và đưa vào vương quốc Thánh Tử chí ái; 14 trong Thánh Tử, ta được ơn cứu chuộc, được thứ tha tội lỗi.

15Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình,
là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo,

16vì trong Người, muôn vật được tạo thành
trên trời cùng dưới đất,
hữu hình với vô hình.
Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng
hay là bậc quyền năng thượng giới,
tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng
nhờ Người và cho Người.

17Người có trước muôn loài muôn vật,
tất cả đều tồn tại trong Người.

18Người cũng là đầu của thân thể,
nghĩa là đầu của Hội Thánh;
Người là khởi nguyên,
là trưởng tử
trong số những người từ cõi chết sống lại,
để trong mọi sự Người đứng hàng đầu.

19Vì Thiên Chúa đã muốn
làm cho tất cả sự viên mãn
hiện diện ở nơi Người,

20cũng như muốn nhờ Người
mà làm cho muôn vật
được hoà giải với mình.
Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá,
Thiên Chúa đã đem lại bình an
cho mọi loài dưới đất
và muôn vật trên trời.

 

Tin mừng: Lc 23, 35-43

35 Khi ấy, Đức Giê-su bị đóng đinh trên thập giá, dân chúng thì đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: “Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!”

36 Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống 37 và nói: “Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình đi!”

38 Phía trên đầu Người, có bản án viết: “Đây là vua người Do-thái.”

39 Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!”

40 Nhưng tên kia mắng nó: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ!

41 Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!”

42 Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!”

43 Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Suy niệm: Trên thập giá, trước sự nhạo cười của dân chúng, lời chế giễu của quân lính, sự sỉ nhục của kẻ trộm cùng bị đóng đinh... Ðức Giêsu vẫn thinh lặng. Xem ra Ngài hoàn toàn thất thế, là kẻ chiến bại. Trước con mắt người đời, Ðức Giêsu chẳng còn một chút giá trị.

Thế nhưng, tại sao anh trộm lành lại van xin: “Khi nào về Nước Ngài, xin nhớ đến tôi” ?

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, bài Tin Mừng hôm nay có nhiều điều làm con ngỡ ngàng: Tại sao Chúa lại im lặng ? Tại sao Chúa không tỏ uy quyền của Chúa ra một chút ? Tại sao giữa lúc thất thế của Chúa mà anh trộm lành lại có một niềm tin vững mạnh để tuyên xưng vào vương quyền của Chúa ?

Vâng, chỉ có Vua Tình Yêu trong Vương Quốc Tình Yêu mới có thể nhẫn nại, yêu thương trước những ngỗ nghịch như thế. Tình yêu được tràn lan đến hết mọi người, không phân biệt tốt, xấu. Chính vì thế anh trộm tội lỗi đã được mạc khải một huyền nhiệm cao siêu về Nước Trời. Cùng với tâm tình của anh trộm lành, chúng con xin thưa lên với Chúa: Chúng con kính tôn Chúa là Vua của chúng con, xin đón nhận chúng con vào vương quốc vĩnh cửu của Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Lạy Ngài, khi nào về nước Ngài, xin nhớ đến tôi”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

Sợi chỉ đỏ:

- Bài đọc I: Vua Đavít là hình ảnh Chúa Giêsu là Vua.

- Bài đọc II: Chúa Giêsu được Thiên Chúa đặt làm vua của hết mọi loài trên trời dưới đất.

- Tin Mừng: Lúc Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá chính là lúc Ngài lên ngôi làm vua, ban ơn cứu độ cho tất cả mọi người.

I. DẪN VÀO THÁNH LỄ

Anh chị em thân mến

Hôm nay là Chúa nhựt cuối cùng của năm phụng vụ. Lời Chúa vạch cho chúng ta thấy lúc tận cùng của thời gian Chúa Giêsu sẽ làm vua ngự trị trên toàn thể mọi sự và mọi người. Nhưng từ nay cho đến lúc đó, Chúa vẫn làm vua trong lòng những người tin cậy và yêu mến Ngài.

Trong Thánh lễ này, chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta nhận thức vị trí và vai trò làm vua của Chúa trên cuộc đời chúng ta, đồng thời xin Chúa cũng giúp chúng ta phụng thờ Ngài cho xứng đáng.

II. GỢI Ý SÁM HỐI

- Chúng ta đã tôn thờ những “vua” khác không phải là Chúa, như tiền bạc, danh vọng, lạc thú v.v.

- Chúng ta không sống theo sự dẫn dắt của Chúa.

- Chúng ta không sống theo luật của Nước Chúa là luật yêu thương.

III. LỜI CHÚA

1. Bài đọc I (2 Sm 5, 1-3)

Đoạn này thuật cuộc phong vương lần thứ hai cho Đavít. Cần nhớ rằng sau khi Vua Saun chết, các chi tộc miền Nam đã phong Đavít làm vua của họ. Một thời gian sau, vì mến mộ tài đức của Đavít nên các chi tộc miền Bắc cũng phong Đavít làm vua họ nữa. Như thế là đất nước thống nhất dưới quyền lãnh đạo một vị vua duy nhất.

Trong biến cố này, Thiên Chúa cũng lên tiếng. Ngài nói với Đavít: “Chính ngươi sẽ chăn dắt Israel, dân của Ta”. Câu này rất ý nghĩa: vua Đavít chỉ là “người chăn dắt” dân “của Thiên Chúa”. Chính Thiên Chúa mới là Vua thật của “dân Ngài”.

2. Đáp ca (Tv 121)

Đây là một ca khúc lên đền, nghĩa là ca khúc mà những người hành hương hát khi họ tiến đến gần đền thờ Giêrusalem.

Tuy những người hành hương tiến đến nơi có đặt “ngai vàng của vương triều Đavít”, nhưng họ ý thức rằng họ là những “chi tộc của Chúa” vì chính Chúa mới là vua thật của họ.

3. Tin Mừng (Lc 23, 35-43)

Đoạn Tin Mừng này mô tả cảnh Chúa Giêsu trên thập giá:

- Phía dưới thập giá, dân chúng “đứng nhìn” cách bàng quan như không liên can gì đến mình, các thủ lãnh do thái thì chế nhạo “Hắn đã cứu người khác thì hãy cứu lấy mình đi nếu thật hắn là Đấng Kitô”, lính tráng cũng chế diễu “Nếu ông là vua dân do thái thì hãy cứu lấy mình đi”.

- Trên đầu Ngài có bảng viết “Đây là vua người Do Thái”

- Bên cạnh Ngài có hai tên gian phi: một tên hùa theo đám người phía dưới để chế diễu Ngài; tên kia công nhận Ngài là vua nên nói với Ngài “Khi ngài vào Nước của Ngài thì xin nhớ đến tôi”.

Nghĩa là: thánh Luca đã cố ý trình bày Chúa Giêsu trên thập giá như một vị vua đang ngự trên ngai của mình. Nhưng đa số những người ở dưới và bên cạnh, vì đã quá quen với hình ảnh một ông vua trần gian nên chẳng những không nhận ra Ngài mà còn chế nhạo Ngài.

4. Bài đọc II (Cl 1, 12-20)

Thánh Phaolô trích dẫn một bài thánh thi trình bày địa vị của Chúa Giêsu Kitô:

- Đối với Thiên Chúa: Chúa Giêsu là hình ảnh của Thiên Chúa.

- Đối với công trình sáng tạo: nhờ Chúa Giêsu mà muôn vật được tạo thành.

- Đối với công trình cứu độ: nhờ cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá mà mọi người được giao hòa lại với Thiên Chúa.

Như thế, Chúa Giêsu là Vua tối cao trên toàn thể vũ trụ.

IV. GỢI Ý GIẢNG

1. Nguồn gốc và ý nghĩa Lễ Chúa Giêsu là Vua

Một triết gia đã đưa ra một nhận định rất bi quan: “Homo homini lupus”: con người là lang sói của con người. Lang sói là một loài thu dữ, bản tính thích tấn công, cắn xé và giết chóc. Thế mà loài người lại giống với loài thú dữ đó, luôn luôn tấn công nhau, cấu xé và giết chóc nhau.

Bởi vậy một sử gia đã đưa ra một kết luận tương tự với nhận định bi quan của triết gia trên: lịch sử loài người là một chuỗi những cuộc chiến tranh liên tiếp nhau. Từ khi có loài người trên mặt đất này cho đến nay, có mấy khi mà loài người được hưởng thái bình ? Hầu hết thời gian lịch sử của loài người đều là chiến tranh. Gần đây nhất là 2 cuộc thế giới đại chiến, cuộc thứ nhất kéo dài từ năm 1914 đến 1918, làm cho 8.700.000 người chết; cuộc thứ hai từ năm 1939 đến năm 1945, giết chết thêm 40 triệu sinh mạng nữa. Và hiện nay cả loài người đều phập phòng lo sợ sẽ xảy ra một cuộc đại chiến lần thứ 3 với những vũ khí hạt nhân. Lần này không phải chỉ có 8.700.000 người chết, hay 40 triệu người chết mà là tất cả mọi người, trái đất sẽ nổ tung, toàn thể loài người sẽ bị tiêu diệt.

Tại sao loài người chúng ta, một loài người có trí khôn, biết suy nghĩ, một loài cao hơn tất cả mọi loài vật khác mà lại cư xử với nhau một cách ngu xuẩn như vậy ? Thưa vì trong con người chúng ta vừa có tính thú vừa có tính người: tính thú thì giống như loài lang sói hung dữ cấu xé lẫn nhau, còn tính người là có trí khôn biết suy nghĩ biết tính toán. Khi buông trôi theo tính thú thì loài người chiến tranh với nhau; và nếu con người lại dùng cái trí khôn ngoan của tính người để phục vụ cho cái tính thú kia thì con người lại càng dã man hung dữ làm hại nhau còn hơn loài sang sói đích thực nữa. Điều đáng tiếc là trong hầu hết lịch sự quá khứ, con người đã buông theo cái tính thú đó. Vì thế mà lịch sử loài người đã là lịch sử của một chuỗi những cuộc chiến tranh liên tiếp nhau.

Cho nên trong bối cảnh giữa 2 cuộc chiến tranh thế giới làm chết hàng mấy chục triệu sinh mạng con người như thế, ngày 11.12.1925, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã thiết lập Lễ Chúa Kitô Vua, mục đích là để cầu nguyện cho loài người thôi đừng buông theo tính thú mà cấu xé lẫn nhau, các nước đừng nuôi mộng bá chủ hoàn cầu mà chinh chiến với nhau; nhưng mọi người hãy suy phục vương quyền Chúa Kitô và xây dựng vương quốc của Ngài, Đức Giáo Hoàng coi đó là chấm dứt chiến tranh.

Sở dĩ loài người cứ luôn làm hại làm khổ lẫn nhau là vì loài người còn sống theo cái tính thú trong mình. Vậy nếu muốn cho loài người hoà thuận với nhau để cùng nhau chung hưởng thái bình thì loài người phải sống theo cái tính người, gồm có những đức tính mà Chúa đã dạy chúng ta trong Tin Mừng. Con người sống đúng là con người. Chúa Giêsu gọi đó là Sự Thật; còn ngôn ngữ phụng vụ hôm nay thì gọi đó là vương quyền, vương quốc của Chúa Kitô. Nước Chúa. Ai sống theo những giá trị Tin Mừng để thành người hơn thì người đó thuộc về Nước Chúa; ai giúp cho người khác sống theo những giá trị Tin Mừng ấy thì người đó đang mở mang Nước Chúa; và khi mọi người, dù có đạo hay không có đạo, đều sống theo những giá trị Tin Mừng ấy, thì đó là thời Nước Chúa đã trị đến.

Hôm nay là Chúa nhật cuối cùng của năm phụng vụ. Giáo hội đặt lễ Chúa Kitô Vua vào Chúa Nhật cuối cùng này, cũng có ý nghĩa: đó là ước nguyện sao cho cuối cùng tất cả mọi người đều ở trong Nước Chúa, một nước chỉ có hoà thuận yêu thương, một nước thái bình hạnh phúc.

Phần mỗi người chúng ta, hãy cố gắng xứng đáng là một công dân Nước Chúa, nghĩa là biết sống đúng tính người, sống theo lương tâm, sống hoà thuận, yêu thương, làm việc lành theo lời dạy của Tin Mừng. Chúng ta cũng hãy cố gắng mở mang Nước Chúa bằng cách làm cho thêm nhiều người khác cũng biết sống hoà thuận yêu thương sống theo lương tâm và làm việc lành như vậy.

2. Chân lý cuối cùng

Trong những Chúa nhựt cuối của năm phụng vụ, Lời Chúa mời chúng ta nghĩ đến lúc tận cùng của thời gian, để thấy trước khi ấy tình hình sẽ như thế nào, và nhờ đó mỗi người cũng biết điều chỉnh cuộc sống mình trong hiện tại cho phù hợp với viễn ảnh cuối cùng ấy.

- Bằng ngôn ngữ khải huyền, các sách Tin Mừng mô tả lúc đó mặt trời mất sáng, mặt trăng tối sầm lại và các tinh tú trên trời rụng xuống. Qua những hình ảnh lạ lùng ấy, tác giả muốn nói rằng khi đến lúc tận cùng của thời gian, tất cả mọi thứ mà xưa nay người ta coi là quyền lực đều sụp đổ hết, để chỉ còn quyền lực của Thiên Chúa tồn tại và ngự trị.

- Còn sách Huấn ca Ben Sira thì mô tả một cách thi vị hơn và bằng những hình ảnh gần gũi hơn:

“Phù hoa nối tiếp phù hoa, trần gian tất cả chỉ là phù hoa...

Hoa nào không phai tàn. Trăng nào không khuyết

Ngày nào mà không có đêm. Yến tiệc nào không có lúc tàn

Phù hoa nối tiếp phù hoa.”..

- Một thi sĩ khác cũng có những suy nghĩ tương tự, ông suy nghĩ về thời gian:

“Khi tôi là một đứa trẻ... tôi thấy thời gian bò tới

Khi tôi là một thanh niên... tôi thấy thời gian đi bộ

Khi tôi trưởng thành... tôi thấy thời gian chạy

Cuối cùng khi tôi bước vào tuổi chín muồi thì thấy thời gian bay

Chẳng bao lâu nữa tôi chết, lúc đó thời gian đã đi mất

Ôi lạy Chúa Giêsu, khi cái chết đến, thì ngoài Ngài ra, không còn gì là quan trọng nữa”

Những dẫn nhập khá dài dòng trên chỉ nhằm giúp chúng ta hiểu bài Tin Mừng lễ Chúa Kitô Vua hôm nay theo đúng hướng mà Phụng vụ của ngày Chúa nhựt cuối năm Phụng vụ muốn chúng ta hiểu. Trong hướng đó, chúng ta thấy được một số chân lý sau đây:

- Thứ nhất: Đến lúc tận cùng của thời gian, nghĩa là đến ngày tận thế, hoặc ngày chết của mỗi người, thì chúng ta sẽ thấy tất cả đều sẽ sụp đổ: tiền bạc, danh vọng, sức khoẻ, thế lực, thú vui.... Tất cả đều không còn ý nghĩa và tầm quan trọng gì đối với bản thân mình hết. Đúng như lời của bài thơ chót mà tôi vừa đọc: “Lạy Chúa Giêsu, khi cái chết đến thì ngoài Ngài ra không còn gì là quan trọng nữa”.

- Thứ hai: Nếu khi đó chỉ có Chúa là quan trọng thì từ trước tới lúc đó trong cuộc sống, chỉ những ai gắn bó và nương dựa vào Chúa mới thấy yên lòng; còn những người quen tìm kiếm, chạy theo và nương dựa vào những thế lực khác như tiền bạc, quyền lực, thú vui v.v. sẽ thấy chới với, cô đơn, trơ trụi...

- Thứ ba: Khi đó, đối với tất cả mọi người, dù tin hay không tin, dù tốt hay xấu, mọi người đều mở mắt và nhận thực rằng Chúa Giêsu chính là Kitô và là Vua thật. Kitô nghĩa là Đấng Cứu Vớt, Vua nghĩa là Đấng thống trị. Nhiều người trong lúc còn sống đã tưởng rằng nguồn cứu vớt của họ và thế lực hỗ trợ họ là tiền tài danh lợi thế gian, nhưng khi đó họ sẽ biết họ lầm. Chẳng hạn các nhân vật trong bài Tin Mừng hôm nay: Các thủ lãnh do thái, quân lính, Philatô và tên gian ác ở bên trái Ngài. Chiều hôm đó trên đồi Sọ, họ tưởng Chúa Giêsu đang thất thế vì rõ ràng Ngài đang bị treo, bị đóng đinh dính cứng vào thập giá. Họ chế nhạo Ngài “Nào có giỏi thì thử xuống khỏi thập giá đi”. Họ cũng gọi Ngài là Kitô đó, cũng gọi Ngài là Vua đó, nhưng gọi một cách mỉa mai, gọi để nhạo báng: chẳng qua hắn chỉ là một tên Kitô dỏm, một ông vua cỏ mà thôi! Nhưng đến ngày cùng tận, tất cả những người ấy sẽ sửng sờ khi thấy kẻ bị họ nhạo báng ấy lại xuất hiện với tất cả uy quyền và vinh quang, để xét xử và trừng phạt họ. Ngài đúng là Kitô và là Vua. Chiều hôm ấy trên đồi sọ, chỉ có một người đã nhận biết Ngài, đó là người trộm lành ở bên phải. Anh đã tin Ngài là Vua nên anh nói “Khi nào Ngài vào Nước của Ngài”; anh cũng tin Ngài là Đấng Kitô cứu thế nên mới thưa “Xin Ngài cứu tôi, xin hãy nhớ đến tôi”. Và chúng ta hãy suy nghĩ: hiện bây giờ người trộm lành ấy đang ở đâu ? Chắc chắn anh đang ở bên Chúa và hưởng hạnh phúc trong nước Chúa, như lời Chúa Giêsu đã hứa với anh chiều hôm ấy: “Ta bảo thật, ngay hôm nay anh sẽ được ở với Ta trên thiên đàng”. Thật hạnh phúc thay cho người trộm lành, cả một đời gian ác tội lỗi, nhưng cuối cùng đã gặp được hạnh phúc thiên đàng, nhờ anh đã hiểu được phải trao cuộc đời cho ai và bám víu vào ai.

Cái chân lý mà mãi đến phút cuối đời người trộm lành mới thấy được ấy, Phụng vụ muốn chỉ cho chúng ta thấy ngay từ hôm nay: Chúa Giêsu chính là Đấng Kitô cứu vớt, Ngài chính là Vua. Ngoài Ngài ra không có ai, không có cái gì là vua thật và có thể cứu chúng ta thật. Vậy ngay từ hôm nay chúng ta hãy quyết định trao gởi cuộc đời mình cho Ngài, sống gắn bó với Ngài, và từ bỏ tất cả những gì nghịch với Ngài. Có như thế chúng ta mới có thể hưởng hạnh phúc muôn đời bên cạnh Ngài, là Kitô thật và là Vua thật của chúng ta.

3. Cơn cám dỗ cuối cùng

Vua Cảnh Công nước Tề, một hôm lên chơi núi Ngưu Sơn. Nghĩ rằng có ngày sẽ phải chết và giang sơn gấm vóc lại lọt vào tay kẻ khác, vua liền trào nước mắt tiếc thương. Đoàn tuỳ tùng thấy vua khóc cũng khóc theo. Duy chỉ có Án Tử là chúm miệng cười. Vua chau mày hỏi:

- Tại sao người ta ai cũng khóc cả, mà nhà ngươi lại cười ?

Án tử trả lời:

- Nếu các vua đời trước mà sống, thì vua ngày nay hẳn còn phải mặc áo tơi đội nón lá. Nhờ thế sự thăng trầm mà nay đến lượt vua được mặc áo gấm, đội mũ ngọc. Thế mà vua lại khóc. Thấy đấng làm vua bất nhân, bầy tôi siểm nịnh, tôi không cười sao được ?

Vua trần gian có thần dân để cai trị, có quan quân để sai khiến, có tiền của mỹ nữ để truy hoan.

Chúa Giêsu trái lại, Người không làm vua theo kiểu thường tình ấy. Người đã khẳng định: “Nước tôi không thuộc về thế gian này” (Ga 18, 36). Vì thế, cung cách của vị vua Giêsu hoàn toàn mới lạ. Tin Mừng hôm nay sẽ nói lên tính cách Vương Quyền ấy của Người.

Dưới hình thức nhạo báng của các thủ lãnh Do thái, của lính tráng, của bản án treo trên thập giá, đã nói!ên vương quyền của Chúa Giêsu: “Hắn đã cứu được người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấâng Ki tô của Thiên Chúa, người được Thiên Chúa tuyển chọn” (Lc 23, 35). “Đấng Kitôâ” chính là người được xức dầu, là tước hiệu của vua. “Người Thiên Chúa tuyển chọn” chính là tước hiệu Thiên Sai, là Đấng Cứu Thế. Nhất là lời tuyên xưng của người trộm lành đã nói lên vương quyền của Người: “Khi nào về Nước của Người, xin nhớ đến tôi” (Lc 35, 42).

Tuy nhiên, nước của Chúa Giêsu không nhằm tư lợi cá nhân như các thủ lãnh khiêu khích, cũng không để ra oai quyền uy như bọn lính thách thức. Nước của Người là Nước Tình Yêu, vương quyền của Người là để phục vụ. Vì thế, Người đã không “xuống khỏi thập giá” cách ngoạn mục, nhưng đã “kéo mọi người” lên với Người (Ga 13, 32). Người đã không “cứu lấy chính mình”, nhưng đã “cứu lấy mọi người” khỏi chết muôn đời nhờ cái chết của Người.

Người đã sẵn lòng chịu chết giữa hai tên gian phi, như lời Kinh Thánh rằng: “Người đã hiến thân chịu chết và bị liệt vào hàng phạm nhân” (ls 53, 12). Người đã hoà mình trong đám người tội lỗi, đã chịu chung số phận của họ, Người đã sống và đã chết giữa đám tội nhân, như lời đồn đại về Người: “Bạn của người thu thuế và phường tội lỗi” (Mi 11, 19).

Vâng, vương quyền của Người không cai trị bằng sức mạnh biểu dương, nhưng chinh phục bằng “khối” tình yêu thương. Chính vì thế mà Người đã chiến thắng cơn cám dỗ cuối cùng, là lời thách thức xuống khỏi thập giá, để sẵn lòng chịu chết hầu cứu chuộc con người tội lỗi, chính là thần dân của Người,

Thần dân đầu tiên mà vị Vua có vương miện là mão gai, và ngai vàng là gỗ thánh giá đã chinh phục, chính là người trộm lành. Giữa lúc những kẻ trước đây tung hô vạn tuế nay lại nhạo báng Người, giữa lúc các môn đệ thề sống chết với Người nay lại bỏ trốn hết, thì chỉ có một mình anh, người trộm lành, lên tiếng bênh vực Người: Anh mắng người trộm dữ: “Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ! Chúng ta chịu như thế này là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này có làm điều gì trái!” (Lc 35, 40-41). Anh tỏ lòng kính sợ Chúa và ăn năn sám hối, đó là thái độ của người sẵn sàng đón nhận ơn cứu độ.

Hơn nữa giữa lúc chương trình của Chúa Giêsu dường như thất bại, không còn hy vọng cứu vãn; giữa lúc thập tử nhất sinh, gần kề cái chết, thì chỉ mình anh, người trộm lành, đã tin vào Chúa, tin vào sự sống đời sau, và tin vào vương quyền của Người. Anh cầu nguyện: “Lạy Ngài, khi nào về Nước Ngài, xin nhớ đến tôi”. Người nhận lời tức khắc:”Ngay hôm nay ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta” (Lc 35, 43).

Một lời hứa mà Người chưa hề ban cho ai dù đó là người thân tín và yêu quí nhất của Người.

Một lời hứa được thực hiện ngay tức thì, không đợi đến sáng phục sinh hay ngày thế mạt.

Một lời hứa đi vào vương quốc của những người công chính, qui tụ quanh vua Giêsu vinh hiển.

Lời hứa ban hạnh phúc cho anh trộm lành chính là cuộc sống thân mật với Vua Giêsu, mà anh đã chia sẻ số phận của Người trên thập giá. Cuộc đời của anh tưởng chừng như vĩnh viễn khép lại, nhưng chỉ với một chút niềm tin trong anh bừng sáng, một lòng sám hối chân thành, đã khiến cửa trời rộng mở, đón tiếp anh thênh thang bước vào. Chính từ khi anh trộm lành nhận ra người tử tù bị đóng đinh là vua trời, nhận ra sự sống trong cõi chết, phục sinh trong tử nạn, thì Vua Giêsu tiếp tục lan rộng cuộc chinh phục đến viên đại đội trưởng khiến ông cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa: “Người này quả thật là công chính” (Lc 23, 48).

Và trong suốt 2000 năm qua, Người vẫn luôn đón nhận vào trong vương quốc tình yêu của Người; những thần dân biết duy trì tinh thần hiệp nhất, phục vụ và yêu thương. Chỉ những ai biết sám hối ăn năn, tin nhận vào quyền năng và tình thương của Chúa như anh trộm lành, môi được vào trong vương quốc của Người. Chỉ những người biết kính sợ Thiên Chúa và tin tưởng vào sự sống đời sau mới được ban cho Nước Trời.

Lạy Chúa, xin cho đức tin chúng con đủ mạnh để thấy Chúa không ngừng lôi kéo cả thế giới về với Người.

Xin dạy chúng con luôn cộng tác với Chúa để xây dựng Nước Trời ngay trong cuộc sống này, nhờ biết đẩy lui sự dữ trên địa cầu, trong khi kiến tạo an bình và yêu thương. Amen. (TP)

4. Hai tên gian phi

Các sách Tin Mừng ghi nhận rằng cùng bị đóng đinh chung với Chúa Giêsu hôm ấy còn có hai tên gian phi. Phần Tin Mừng theo thánh thì phân biệt có một người đã sám hối, còn người kia thì không. Chúng ta hãy xem xét từng người.

Trước tiên là tên gian phi không sám hối. Hắn chẳng còn tình cảm, chẳng còn lương tri, chẳng còn nhân tính gì nữa cả. Bởi vì tới lúc sắp chết mà hắn cũng không chút hối hận. Ngay cả Chúa Giêsu cũng chẳng thể cứu hắn. Thực vậy, chẳng ai có thể cứu được người không chịu để cho mình được cứu. Tấm lòng thương xót của Thiên Chúa vẫn có sẵn đấy, nhưng tối thiểu con người phải muốn đón nhận. Oscar Wilde viết: “Kẻ đang ở trong tình trạng nổi loạn không thể nhận được ơn sủng”.

Chúng ta nhìn sang tên gian phi sám hối. Nhiều người đã nghĩ rằng người này được cứu độ dễ dàng quá: sau một đời tội lỗi, anh ta chỉ cần nói với Chúa Giêsu một lời thôi thì được tha thứ hết. Anh đã ăn trộm mọi thứ, và cuối cùng lại ăn trộm luôn thiên đàng nữa. Có người khắt khe nghĩ rằng ít ra Thiên Chúa phải bắt anh ta ở trong luyện ngục một thời gian nào đó mới phải.

Thực ra nếu tìm hiểu kỹ trường hợp anh ta, chúng ta sẽ thấy rằng anh đã làm được một việc không phải là nhỏ và cũng không phải là dễ:

- Khi bị treo trên thập giá, anh không buông theo khuynh hướng xấu có sẵn trong mình mà bực bội và bất mãn để rồi có những phản ứng như tên gian phi kia, là thù người và hận đời rồi chửi bới lung tung. Thay vào đó, anh nhìn lại chính cuộc đời của mình. Anh đã thấy gì ? Thấy cả đời anh chỉ là một đống rác rưởi chẳng có chút gì tốt cả. Từ đó anh ý thức rằng mình đã làm hỏng tất cả: không phải chỉ làm hỏng nhiều việc, mà còn làm hỏng chính cuộc đời mình. Anh biết tội mình, anh nhận trách nhiệm về đời mình.

- Sau đó anh lên tiếng can gián tên gian phi kia đừng chửi rủa Chúa Giêsu nữa. Và anh quay sang kêu xin Ngài “Ông Giêsu ơi, khi nào Ông vào Nước của Ông, xin nhớ đến tôi”.

Người ta vẫn có khuynh hướng đổ lỗi cho người khác chứ không chịu nhận trách nhiệm vào mình. Chuyện gì cũng nói “tại cái này”, “bị cái khác”, “do người này”, “vì người nọ” v.v. Nhiều người còn viện vào khoa tâm lý mà ngụy biện rằng chẳng có gì là tội thực sự cả, tất cả chỉ do hoàn cảnh đẩy đưa; con người bị tác động bởi nhiều động cơ vượt tầm kiểm soát của mình.

Người gian phi sám hối bị tác động bởi hoàn cảnh bên ngoài nhiều lắm chứ: những đau đớn thể xác làm anh khó chịu, những tiếng la ó của dân chúng làm anh tự ái, án tử hình thập giá làm anh nhục nhã… Những thứ ấy đều xúi anh nổi loạn. Ngoài ra cái chết gần kề cũng xúi anh thất vọng: tới giờ phút này còn hy vọng gì sửa đổi tình thế được nữa; vả lại tội anh đã quá nhiều và quá rõ…

Có thể sám hối được trong hoàn cảnh như thế không phải là một việc dễ. Tuy nhiên anh đã sám hối. Việc sám hối ấy đã mang lại cho anh chẳng những ơn tha thứ, mà còn cả thiên đàng.

Người gian phi sám hối dạy cho chúng ta biết rằng: không bao giờ là quá trễ để quay về với Chúa, không tội nào là quá nặng để không được thứ tha, bao lâu ta còn thở là ta còn cơ hội để hưởng lòng thương xót Chúa.

5. Chúa Giêsu là vua như thế nào ?

a. Làm vua có thể có nhiều cách, không nhất thiết cứ phải có đất đai, lãnh thổ, có quân đội, triều đình… mới là vua. Người ta vẫn nói: «vua dầu lửa», «vua xe hơi», «vua bóng đá», v.v… mặc dù những ông vua này không có quân đội, không cai trị ai. Chúa Giêsu không những làm vua hiểu theo nghĩa bóng, mà đích thực Ngài là vua hiểu theo nghĩa đen, nghĩa chính thức của từ «vua».

Trước hết, Ngài là vua, vua của cả vũ trụ, của cả trần gian, của cả nhân loại, vì Ngài chính là Ngôi Lời, một trong Ba Ngôi Thiên Chúa đã tạo dựng nên muôn loài vạn vật trong vũ trụ. Thánh Kinh viết: «Nhờ Ngài, vạn vật được tạo thành, và không có Ngài thì chẳng có gì được tạo thành» (Ga 1, 3; xem 1, 10). Ngài là vua của thế giới, nên đến ngày chung cuộc, chính Ngài sẽ là người đến phán xét trần gian với tư cách một vị vua (Mt 25, 34).

Thế gian này có nhiều nước, mỗi nước có một ông vua. Nhưng Ngài là vua cả thế gian, cả vũ trụ, nên Ngài là Vua trên hết các vua, là Vua của muôn vua.

b. Đức Kitô là vua. Nhưng Ngài khác với các vua khác ở chỗ: để cai trị, các vua khác dùng quyền lực, còn Ngài dùng tình thương. Thật vậy, Ngài yêu thương mọi người, mọi con dân của Ngài như người mục tử tốt lành yêu thương chăn dắt đoàn chiên, biết rõ từng con chiên một, và sẵn sàng hy sinh mạng sống mình vì lợi ích của chiên (xem Ga 10, 11-16). Ngài hành xử như thế vì Ngài là Thiên Chúa, mà «Thiên Chúa là tình yêu» (1 Ga 4, 8). Trong thực tế, Ngài đã hy sinh chết trên thập giá một cách khổ nhục để cứu nhân loại, là con dân được Thiên Chúa trao cho Ngài quyền cai trị.

c. Chúa Giêsu không chỉ là vua vũ trụ, vua của cả trần gian, mà Ngài còn là vua của tâm hồn mỗi người. Vì yêu thương, vị vua ấy ngự ngay trong thâm cung tâm hồn của mỗi người để sẵn sàng thi ân giáng phúc, ban sức mạnh, thánh hóa, làm cho họ ngày càng tốt đẹp, mạnh mẽ và hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, Ngài có làm được điều đó hay không còn tùy thuộc vào sự tự do chấp nhận và sự tự nguyện cộng tác của chúng ta. Ngài sẽ không làm được gì cho chúng ta nếu chúng ta không muốn Ngài làm, hoặc nếu chúng ta hoàn toàn thụ động không cộng tác gì vào công việc mà Ngài muốn làm cho ta.

Để Ngài có thể hành động biến đổi con ta nên tốt đẹp, mạnh mẽ, thánh thiện hơn, ta cần tôn Ngài làm vua tâm hồn mình, bằng cách:

– Trước tiên, phải thường xuyên ý thức về sự hiện diện của Ngài ở trong ta.

– Kế đến là ý thức rằng Ngài là tình thương, Ngài yêu thương ta hơn tất cả mọi người, và sẵn sàng làm tất cả những gì ta cần cho sự phát triển và hạnh phúc của ta.

– Đồng thời ý thức Ngài là sức mạnh toàn năng, có thể thực hiện tất cả những gì Ngài muốn nơi ta.

– Vì thế, ta nhường quyền làm chủ bản thân ta cho Ngài, để Ngài hoàn toàn làm chủ bản thân ta. Ta không còn hành động theo ý riêng ta nữa, mà hoàn toàn hành xử theo ý của Ngài.

– Vì Ngài yêu thương ta, sáng suốt và khôn ngoan hơn ta rất nhiều, lại có khả năng làm tất cả những gì Ngài muốn, nên ta hãy hoàn toàn phó thác vận mệnh của ta cho Ngài.

– Và cuối cùng là luôn luôn sống trong bình an, hạnh phúc của một người được Đức Kitô yêu thương và phù trợ. Hãy hưởng niềm hạnh phúc của một người được Vua của cả trần gian này yêu thương và quan tâm săn sóc. Hãy tin tưởng và luôn luôn an tâm rằng nhờ quyền năng của Ngài, tất cả những gì xảy đến cho ta đều hết sức có lợi, đều trở nên vô cùng tốt đẹp cho ta, cho dù hiện nay ta chưa hiểu rõ.

Nắm vững điều đó, ta sẽ thấy có Đức Kitô ngự trong tâm hồn mình là như có được một «cây đèn thần» trong tay, một «bùa hộ mạng» an toàn, một «vị thần bảo trợ» hữu hiệu, một «người tình chung thủy» luôn luôn ở với ta suốt cuộc đời. Lúc đó ta sẽ sung sướng cảm nghiệm được như thánh Phaolô: «Tôi làm được tất cả mọi sự nhờ Đấng ban sức mạnh cho tôi» (Pl 4, 13).

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

LỄ ĐỨC GIÊSU KITÔ VUA VŨ TRỤ - NĂM C

A. DẪN NHẬP

Hôm nay, Chúa nhật cuối năm Phụng vụ, Giáo hội dành để biệt kính Đức Giêsu Kitô, Vua vũ trụ. Như vậy, năm Phụng vụ được mở đầu bằng 4 Chúa nhật Mùa Vọng, chuẩn bị đón nhận Con Chúa giáng trần; và Chúa nhật 34 thì tôn kính Đức Giêsu là vua cao cả của vũ hoàn. Nhưng danh hiệu và vương quyền của Ngài như thế nào? Dù Kinh Thánh kể rằng Ngài là “dòng dõi” vua Đavít, nhưng phải chăng Ngài cũng chỉ tương tự như Đavít?

Trong bài Tin mừng hôm nay, thánh Luca mô tả cảnh Đức Giêsu bị treo trên cây thập giá giữa hai tên trộm cướp và bị mọi người nhạo báng. Hình ảnh này tạo cho ta một cảm tưởng rằng Ngài dường như bị thất thế, bị kết án như một tên tử tội, bị lăng mạ bởi chính các “thần dân” của mình. Nhưng với con mắt đức tin chúng ta thấy chính lúc ấy là lúc thành công, chính trong lúc ấy Ngài được Chúa Cha phong vương cho Ngài và Ngài đã làm lễ đăng quang trên chính thập giá đó. Ngài đã thành công ở chỗ hy sinh mạng sống mình để cứu chuộc loài người, đã hoà giải nhân loại với Thiên Chúa. Vì thế, Thiên Chúa Cha phong vương cho Ngài và đặt mọi sự dưới chân Ngài để Ngài làm bá chủ muôn loài. Ngài thực sự là vua và còn là vị Vua Cao Cả, độc nhất vô nhị, mãi mãi vượt trên mọi vua chúa ở trần gian và triều đại Ngài sẽ vô cùng cô tận.

Khi sinh thời, Đức Giêsu đã phán: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống”, ai theo Ngài thì không sợ bị lạc lối. Vì thế, chúng ta hãy công nhận vương quyền của Ngài, tin theo Ngài và góp phần xây dựng vương quốc Ngài bằng đời sống tin yêu và phục vụ. Con đường về Nước Trời chính là nỗ lực chu toàn bổn phận đối với bản thân, gia đình và xã hội. Không có bổn phận nào là đơn giản và dễ dãi. Tuy nhiên, Thiên Chúa luôn thấu hiểu và phù trợ ta qua lời chuyển cầu của Đức Maria và các thánh. Đức Kitô đã rộng mở cánh cửa tình yêu bằng hy sinh trọn vẹn của Ngài cho chúng ta.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: 2Sm 5, 1-3.

Đoạn này thuật lại cuộc phong vương lần thứ hai cho Đavít. Sau khi vua Saulê chết, tiên tri Samuel đã nhân danh Thiên Chúa xức dầu cho Đavít để ông làm vua các chi tộc ở Giuđêa. Sau một thời gian, vì mộ mến tài đức của Đavít, các chi tộc miền Bắc vốn trung thành với dòng tộc vua Saulê cũng phong Đavít làm vua nữa. Từng bước một Đavít đã trở nên vua của 12 chi tộc Israel. Nhờ bản lĩnh hiếm có, ông đã giữ cho Israel được thống nhất.

Đức Kitô là Đavít mới nhờ thập giá sẽ kiện toàn sự thống nhất hoàn hảo và mãi mãi của dân Thiên Chúa.

+ Bài đọc 2: Cl 1, 12-20.

Thánh Phaolô trích dẫn một bài thánh thi trình bầy địa vị của Đức Giêsu Kitô. Theo đoạn thư này, tư tưởng được trình bầy cho tín hữu Côlôssê như sau:

- Phải cảm tạ Thiên Chúa Cha, Đấng đã quy tụ họ về Vương quốc của Con Người.

- Địa vị tối thượng của Đức Kitô: Ngài vượt trên vũ trụ vì Ngài là Đấng sinh thành ra vũ trụ và cùng đích của muôn loài.

- Đức Giêsu là nguồn mạch cứu độ vì Ngài đã làm hoà vũ trụ với Thiên Chúa.

Như vậy Ngài đóng vai trò trung tâm và là Đấng trung gian duy nhất thâu tóm mọi kế hoạch của Thiên Chúa Cha.

+ Bài Tin mừng: Lc 23, 35-43.

Trong bài trình thuật này, thánh Luca mô tả Đức Giêsu chịu treo trên thập giá với đám khán giả hỗn độn.

Phía dưới chân thập giá có những khán giả:

- Dân chúng nhìn một cách bàng quan như không liên quan gì đến mình.

- Các thủ lãnh Do thái chế nhạo: “Hắn đã cứu người khác thì hãy cứu lấy mình đi, nếu hắn là Đức Kitô”.

- Lính canh cũng chế diễu: “Nếu ông là vua dân Do thái thì hãy cứu lấy mình đi”.

- Trên đầu Ngài có bảng chữ: “Đây là vua dân Do thái” (INRI).

- Bên cạnh Ngài là hai tên trộm: một tên hùa theo đám đông chế nhạo Ngài, tên kia thì công nhận Ngài là vua.

Hình ảnh nói lên hai tên trộm lành và dữ này cho ta thấy rằng ơn cứu độ đến từ Đấng bị đóng đinh. Việc Đức Kitô nhận người trộm lành vào vương quốc Ngài, là dấu chỉ tất cả các tín hữu tin vào Chúa sẽ được vào Nước Trời.

Qua cái chết của Đức Kitô, “Vua người Do thái”, Thiên Chúa đã làm cho Đức Kitô trở nên nguồn suối ơn cứu chuộc cho cả và loài người ta.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Đức Giêsu là Vua chúng ta

I. ĐỨC GIÊSU LÀ VUA.

1. Kinh Thánh hé mở cho chúng ta

Trong chu kỳ năm Phụng vụ, đã có ba ngày Giáo hội long trọng nhắc đến tước hiệu “Vua” của Đức Kitô, tuy không rõ ràng tôn vinh tước hiệu ấy.

- Lần thứ nhất, trong ngày lễ Hiển linh: “Khi Đức Giêsu sinh ra tại Belem, thời vua Hêrôđê trì vì, có mấy nhà đạo sĩ từ phương Đông đến Giêrusalem, và hỏi: Đức vua dân Do thái mới sinh ra hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lậy Người” (Mt 2, 1-2).

- Lần thứ hai trong Tuần Thánh, với việc Đức Giêsu long trọng vào thành Giêrusalem (Mc 11, 1tt). Rồi trước toà án Philatô, ông cho Đức Giêsu ngồi ở Gabbata, ghế dành riêng cho quan toà. Như vậy, vô tình Philatô công nhận Ngài là vua. Chính Ngài cũng khẳng định: “Tôi là vua dân Do thái” (Ga 18, 37). Philatô cũng truyền cho người ta viết tấm bảng trên đầu thập giá với hàng chữ: “Giêsu Nazareth Vua dân Do thái” (Ga 19, 19).

- Lần thứ ba, trong ngày Đức Giêsu lên trời, Hội thánh tôn vinh vua oai phong đi vào vinh quang và chờ đợi ngày Người lại đến (Mc 16, 19) để phán xét kẻ sống và kẻ chết trong ngày cánh chung.

2. Nhiều người công nhận Ngài là vua

Trong đoạn Tin mừng ta thấy người ta vô tình hay hữu ý nhận Đức Giêsu là vua: Dân chúng nói Ngài là vua – Kỳ mục nói Ngài là vua – Philatô viết Ngài là vua – Kẻ trộm lành cũng tuyên xưng Ngài là vua – cùng cả và trời đất cũng nói lên Ngài là vua, thì chắc chắn Ngài là vua và Ngài phải là vua nữa.

Chúng ta có thể trích ra vài câu Kinh Thánh để làm chứng:

- Câu 37: “Nếu ông là vua dân Do thái, ông hãy cứu mình đi”.

- Câu 38: Phía trên đầu Người có tấm bảng đề chữ Hy lạp, La tinh và Do thái như sau: “Người này là vua dân Do thái”.

- Câu 42: “Lạy Ngài, khi nào về Nước Ngài, xin nhớ đến tôi”.

Các câu này nói lên vương quyền của Đức Kitô, Luca nhắc đi nhắc lại để nêu cao vương quyền đó.

3. Ngày đăng quang của Đức Giêsu

Nghi thức phong vương thường là thầy thượng phẩm nhân danh Thiên Chúa xức dầu tấn phong ai làm vua trước mặt đông đảo dân chúng chứng kiến và nhiệt liệt tung hô (Bài đọc 1).

Nhưng, nghịch lý thay, Đức Giêsu được phong vương trên thập giá với bản án trên đầu: “Đây là vua dân Do thái”.

Ngai vàng là cây thập giá. Từ trên cao, Chúa nhìn xuống thần dân, giang hai tay ra để ôm lấy dân Ngài.

Vương miện là vòng gai cuốn trên đầu.

Áo cẩm bào là thân hình trần trụi ô nhục.

Những người tham dự: kẻ thù, mẹ ngài và một số môn đệ.

Tiếng tung hô là những tiếng đả đảo: “Đóng đinh nói đi”, và những tiếng khóc nức nở của người thân.

Cảnh trí: núi Sọ và bầu trời u ám.

Diễn từ nhận chức: “Lạy Cha xin hãy tha cho họ” và sau cùng: “Mọi sự đã hoàn tất”.

Trước đây Đức Giêsu đã từng tuyên bố: “Khi nào Ta bị treo lên, Ta sẽ kéo mọi người lên với Ta” (Ga 12, 32). Trên thập giá, kẻ trộm lành đã nhận ra Đức Giêsu là Đấng Cứu thế, là Vua vũ trụ, anh đã nhận ra tội lỗi của mình, tỏ lòng sám hối và đã thưa với Đức Giêsu: “Lạy Ngài, khi nào về Nước Ngài, xin nhớ đến tôi” (Lc 23, 42) và như vậy anh muốn thuộc về vương quốc Thiên Chúa. Và Đức Giêsu hứa với anh: “Ta bảo thật ngươi: Ngay hôm nay, ngươi sẽ ở trên thiên đàng với Ta” (Lc 23, 43).

II. THẾ NÀO LÀ VUA?

Theo quan niệm Nho giáo, người cầm quyền chính trị là vua. Vua được gọi là Con Trời hay Thiên tử.

Chữ VƯƠNG (Vua) gồm có 3 nét ngang và một nét dọc, Ba nét ngang là chữ Tam hay quẻ Càn, tượng trưng cho Tam tài hay ba đạo: Thiên đạo, Địa đạo và Nhân đạo. Xổ dọc đứng giữa ngụ ý Vua là kẻ thụ mệnh Trời, đứng ra dung hoà ba đạo: Trời, Đất và người. Dung hoà ba đạo ấy thành một duy nhất. Khổng Tử nói: “Nhất quán tam vi vương” là thế.

Du khách đến Huế không thể quên được đàn Nam Giao, cũng như đến Bắc Kinh không thể bỏ qua Điện Trời. Chính nơi đây, nhà vua thay mặt toàn dân tế Trời.

Tại Huế, đàn Nam Giao, cửa Ngọ Môn và Điện Thái Hoà cùng nằm ngay trên một đường thẳng.

Điện Thái Hoà là nơi vua cùng triều đình lo việc phục vụ dân chúng.

Cửa Ngọ Môn xây hướng về nam, nơi mặt trời lên cực điểm, vào giờ Ngọ, tức là 12 giờ trưa, giờ mặt trời “đứng bóng”, giờ mà hình và bóng nên một.

Từ điện Thái Hoà, qua Ngọ môn, vua sẽ tiến thẳng về phía nam để đến đàn Nam Giao, thay dân tế trời. Sau khi ăn chay nằm đất, vua sẽ tiến lên lễ đàn. Trước tiên vua sẽ lên đàn hình vuông tượng trưng đất, sau đó mới lên đàn hình tròn, tượng trưng Trời để dâng lễ tế.

Đức Kitô Vua vũ trụ, Vua của chúng ta, là chính Mặt Trời đúng ngọ, là Mặt Trời lên cực điểm, và Ngài cũng muốn chúng ta nên một với Ngài, như hình và bóng nên một vào giờ chính ngọ. Đức Kitô, Vua vũ trụ, Vua chúng ta đã thay chúng ta dâng lễ cho Chúa Trời và nay, bên cạnh Chúa Cha, vẫn hằng cầu thay nguyện giúp cho chúng ta: “Đức Giêsu, chính vì Người hằng sống muôn đời, nên phẩm vị tư tế của Người tồn tại mãi mãi. Do đó, Người có thể đem ơn cứu độ vĩnh viễn cho những ai nhờ Người mà tiến lại gần Thiên Chúa. Thật vậy, Người hằng sống để chuyển cầu cho chúng ta” (Dt 7, 24-25).

Người Việt Nam chúng ta rất kính trọng vua. Người dân mình kính vua vì vua là “Thiên Tử”, là Con Trời, là người có “thiên mệnh”, là “Dân chi phụ mẫu” – cha mẹ của dân. Một vị vua sẽ được kính tôn là minh quân và thiên tử, nếu vị ấy thực sự thương dân như cha mẹ thương con, xả thân lo cho dân cho nước như cha mẹ hy sinh cho con cái, đôi khi còn dám nghĩ “Hay để trẫm nộp mình cho giặc để cứu muôn dân”, như xưa kia vua Trần Nhân Tông đã làm!

Vua Kitô của chúng ta không những là “Thiên tử” trong tước hiệu, mà còn là “Con Trời” trong bản tính. Mừng kính, tôn vinh Chúa Giêsu là vua vũ trụ, chúng ta cũng được mời gọi làm vua như Ngài. Chúng ta là Alter Christus (Chúa Kitô khác), là Đức Kitô toàn thể, là nhiệm thể Đức Kitô. Chúng ta có nhiệm vụ hầu hạ mọi người, dấn thân phục vụ đồng loại.

III. ĐỨC GIÊSU LÀ VUA CHÚNG TA

1. Tại sao lại gọi Đức Giêsu là vua?

Chúng ta thường nghe người ta nói: Sư tử là vua vì nó là con vật mạnh mẽ nhất trong muôn loài thú. Ta cũng thấy người ta gọi ông vua dầu lửa, vua thép, vua nhạc rock… Đó là những nhân vật tài giỏi nhất, làm bá chủ về một lãnh vực nào đó. Tương tự như thế, Đức Giêsu được gọi là “vua”, vì Ngài là một con người hoàn hảo nhất, cao thượng nhất, tài giỏi và quyền năng nhất. Nhờ đã hạ mình vâng lời chịu chết, một cái chết thập giá, mà Ngài đã được Thiên Chúa siêu tôn và ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu là: “Đức Giêsu Kitô là Chúa” (x. Pl 2, 8-9).

2. Vương quyền của Đức Kitô

Thiên Chúa đã đặt Đức Giêsu làm vua vũ trụ, đặt mọi sự dưới quyền điều khiển của Ngài. Ngài là vua vĩnh cửu và truyệt đối, vương quyền Ngài không có giới hạn. Chúng ta vẫn tuyên xưng trong kinh Tin kính: “Người lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha và Người sẽ trở lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết, Nước Người sẽ không bao giờ cùng”! Vương quốc của Ngài không bị giới hạn bởi không gian và thời gian như các vua chúa ở trần gian này, nước Ngài là nước thiêng liêng và vĩnh cửu.

Truyện: Vua Cảnh Công nước Tề

Vua Cảnh Công nước Tề, một hôm lên chơi núi Ngưu Sơn. Nghĩ rằng có ngày sẽ phải chết và giang sơn gấm vóc lại lọt vào tay kẻ khác, vua liền trào nước mắt thương tiếc. Đoàn tuỳ tùng thấy vua khóc cũng khóc theo. Duy chỉ có Án Tử là chúm miệng cười. Vua chau mày hỏi:

- Tại sao ai cũng khóc cả, mà nhà ngươi lại cười?

Án Tử trả lời:

- Nếu các đời vua trước mà còn sống, thì vua ngày nay hẳn còn phải mặc áo tơi nón lá. Nhờ thế sự thăng trầm mà nay đến lượt vua được mặc áo gấm, đội mũ ngọc. Thế mà vua lại khóc. Thấy Đấng làm vua bất nhân, bầy tôi siểm nịnh, tôi không cười sao được?

3. Đức Giêsu là vua thế nào?

Cứ nhìn vào lịch sử nhân loại sẽ thấy vua Trụ và vua Kiệt là những hôn quân.

Một Tần Thủy Hoàng bạo ngược đến độ đốt sách, giết các nhà trí thức, học trò giỏi trên 2000 mạng để dễ bề cai trị.

Một Néron hung tàn vì thoả mãn lòng kiêu căng đã đốt sạch đế đô La mã để có cớ xây lại huy hoàng hơn.

Một Napoléon tham vọng đã đẩy hàng triệu người vào cái chết.

Một Hitler hiếu chiến hiếu sát đã lôi kéo cả thế giới vào một cơn lốc chém giết, tàn phá nhau kinh khủng.

Và biết bao vua chúa quan quyền khác đã cai trị thần dân bằng cách bắt họ lụy phục mình hơn là phục vụ họ.

Vương quyền dầu lớn lao, tuyệt đối, nhưng Đức Giêsu trước sau chỉ có một đường duy nhất là yêu thương và phục vụ mà thôi. Chính vì tình yêu vời vợi như thế, Đức Kitô đã chấp nhận chết cho thần dân của mình. Ngài hiến thân hy sinh cho cả Hội thánh. Như vậy, qua cuộc hiến tế của Ngài, chúng ta nhận ra, vua Kitô không chỉ là Vua hiền lành, nhân từ, Ngài còn là vị vua hạ mình đến tận cùng. Đến nỗi khi nhìn ngắm sự hạ mình của Ngài trong cuộc hiến tế thương đau, ta chỉ còn biết lặng người đi, chiêm ngắm, thờ lạy, cảm tạ, chúc tụng, nguyện một lòng mang ơn Ngài và trung thành theo Ngài đến trọn cuộc đời.

Truyện: Chiếc nhẫn

Cách đây không lâu, những người thợ lặn đã phát hiện ra một con tầu bị chìm cách đây 400 năm ngoài biển khơi ở vùng phía bắc Ireland. Một trong những kho tàng họ đã tìm thấy trên tầu là một chiếc nhẫn cưới của một người đàn ông. Khi họ đánh bóng, họ thấy trên mặt chiếc nhẫn khắc hình một bàn tay đang nắm giữ một trái tim. Phía dưới có khắc hàng chữ như sau: “Em không còn gì hơn để cho anh” (I have nothing more to give you). Trong tất cả những kho tàng đã tìm thấy trên con tầu, không có sự gì làm cảm động những người thợ lặn cho bằng chiếc nhẫn và những lời cao đẹp của tình yêu đó.

Hàng chữ được khắc trên chiếc nhẫn “Ta không còn gì hơn để cho con” có thể được đặt trên thập giá của Đức Giêsu. Vì từ trên thập giá đó, Ngài đã cho chúng ta tất cả những gì Ngài có. Ngài cho chúng ta tình yêu và mạng sống. Ngài cho chúng ta tất cả những gì một người có thể trao ban cho người mình yêu: “Không có tình thương nào lớn hơn tình thương của người hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga Ga 15, 13). Chúa Giêsu Kitô là Vua Tình yêu.

4. Ai là vị vua xứng đáng nhất?

Trong bài đọc 2, thánh Phaolô trích dẫn một bài thánh thư trình bầy địa vị của Đức Giêsu Kitô: Đức Giêsu là hình ảnh của Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu mà muôn vật được tạo thành và nhờ cái chết của Ngài trên thập giá mà mọi người được giao hoà lại với Thiên Chúa:

Thiên Chúa đã làm cho Đức Kitô trỗi dậy từ cõi chết và đặt bên hữu Ngài trên trời. Như vậy, Ngài đã tôn Đức Kitô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai. Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội thánh; mà Hội thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn” (Ep 1, 20-23).

Như thế, Đức Giêsu là vua tối cao trên toàn thể vũ trụ, Ngài là người xứng đáng nhất để nhận lấy cái vinh dự đó.

Truyện: Người xứng đáng nhất

Vào thời thập tự viễn chinh, nhằm bảo vệ thánh địa và đảm bảo an ninh cho khách hành hương, vua Philipphê của nước Pháp đã làm một cử chỉ lạ thường. Trước mỗi lần lên đường, ông tháo gỡ triều thiên đang đội trên đầu, rồi đặt nó lên một chiếc bàn và ghi dòng chữ như sau: “Dành cho người nào xứng đáng nhất”.

Sau đó, ông qui tụ tất cả tướng lãnh, các hiệp sĩ, những người hầu cận lại trước mặt ông và yêu cầu họ hãy quên ông là vua và là người chỉ huy của họ. Ông nói với mọi người rằng chiếc vương miện được dành cho người nào tỏ ra xứng đáng nhất trong cuộc chiến đấu.

Cuộc viễn chinh đã hoàn tất cách vẻ vang, mọi người hát khúc khải hoàn trở về quê hương. Họ tụ tập chung quanh vương triều và một tướng lãnh tiến lại cầm lấy triều thiên đội lên đầu của Philipphê và nói: “Tâu bệ hạ, bệ hạ là người xứng đáng nhất”.

Chỉ có một người xứng đáng nhất được tuyên xưng tước hiệu là vua, đó là Đức Giêsu Kitô. Chỉ có mình Ngài là vua đích thực, bởi vì duy mình Ngài mới có thể mang lại sự sống cho con người, duy mình Ngài là chủ của lịch sử nhân lọai, duy mình Ngài là Đấng xứng đáng đội triều thiên vương giả. Ngài là vua duy nhất và đúng nghĩa nhất. Ngài là vua, không những vì Ngài là Đấng trao ban sự sống, mà còn vì Ngài đã thể hiện vương quyền một cách đúng nghĩa nhất.

IV. HÃY TIN THEO ĐỨC KITÔ VUA.

1. Chấp nhận vương quyền của Chúa

Hôm nay mỗi người cần tự hỏi mình có chấp nhận vương quyền của Chúa không? Ta có để cho Chúa làm chủ tâm hồn và đời sống chưa? Ta tuyên xưng và loan truyền vương quốc của Chúa thế nào? Nhận Chúa là vua vũ trụ xem ra là một việc dễ dàng, còn để Chúa làm chủ tâm hồn và đời sống xem ra không phải là một việc dễ dàng đâu.

Đức Giêsu đã được Thiên Chúa Cha phong làm vua vũ trụ và dĩ nhiên cũng là vua lòng mọi người. Chúng ta chỉ có hai thủ lãnh để theo: một là Chúa Giêsu, hai là ma quỷ. Chúng ta phải chọn một trong hai, hoặc là vị này hoặc là vị kia, là Chúa hay là ma quỷ. Trong vấn đề này chúng ta không thể trung lập để “bắt cá hai tay”, bởi vì người ta thường nói:Một nhà hai chủ không hoà,

Hai vua một nước, ắt là không yên.

Vậy chúng ta phải theo vị thủ lãnh nào? Chắc chắn chúng ta chọn Đức Giêsu là vua bởi vì tất cả chúng ta đã được chịu phép rửa tội. Qua phép Rửa tội, mỗi người chúng ta được thông phần cái chết và sự sống của Chúa Giêsu, được tham dự vào chức năng làm vua của Chúa Kitô. Đúng là: “Con vua thì lại làm vua, con bác sãi chùa lại quét lá đa (tục ngữ).

2. Làm cho vương quốc Ngài phát triển

Ngày xưa, tiên tri Giêrêmia cũng nhắc đến những yêu tố làm cho vương quyền Thiên Chúa phát triển qua sự nhân nghĩa, công bình và chính trực (Gr 9, 23). Ngày nay, Giáo hội cũng thúc giục chúng ta phải làm cho vương quốc Ngài được phát triển nơi mọi người, mọi dân tộc: “Chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến”. Vì thế, trong hiến chế Lumen gentium, công đồng Vatican II dạy:

Vì thế, với ân huệ của Đấng sáng lập, và trong khi trung thành tuân giữ các giới răn bác ái, khiêm nhường và từ bỏ, Giáo hội đã lãnh nhận sứ mạng truyền giáo và thiết lập Nước Chúa Kitô và Nước Thiên Chúa trong mọi dân tộc; Giáo hội là mầm mống và khai nguyên Nước ấy trên trần gian. Đang lúc từ từ phát triển, Giáo hội vẫn khát mong Nước ấy hoàn tất và thiết tha hy vọng, mong ước kết hợp với vua mình trong vinh quang” (L.G. đ 5).

Sách Khải huyền đã ca ngợi: “Lạy Đức Kitô, Vua vũ trụ, chỉ có Ngài mới xứng đáng nhận vương quyền, vinh quang và vinh dự, Ngài đã bị giết và đã lấy máu đào cứu chuộc muôn người thuộc mọi chi tộc và ngôn ngữ, thuộc mọi nước, mọi dân” (Kh 5, 9).

Giáo hội đặt lễ Chúa Kitô Vua vào cuối năm phụng vụ như một lời tuyên xưng rằng Chúa là một Vương tướng mà chúng ta hết thảy quân đội dưới bóng cờ Ngài, và Ngài hướng dẫn tất cả về cùng Chúa Cha. Ngài đã chịu đau khổ, nhưng Ngài đã toàn thắng trong vinh quang.

Ngày xưa, trên đầu cây thánh giá có một tấm bảng ghi: “Đây là vua dân Do thái”, khiến người ta qua lại mỉm cười khinh chê. Ngày nay cả Giáo hội tôn vinh, giữa công trường thánh Phêrô, có một cột đá khổng lồ cao 25 mét, ngày xưa ở một đền bụt thần được đưa về đây để tượng trưng cho sự toàn thắng của Chúa Cứu thế, dưới cây thánh giá có khắc ba hàng chữ bằng tiếng La tinh:

CHRISTUS VINCIT: Chúa Kitô toàn thắng.

CHRISTUS REGNAT: Chúa Kitô quản suất.

CHRISTUS IMPERAT: Chúa Kitô thống trị.

Đó là những lời tung hô của Giáo hội trong ngày lễ hôm nay.

 

4. Suy niệm (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.)

ĐƯỢC Ở VỚI TÔI

Trong cả bốn Phúc Âm, đây là câu hỏi đầu tiên của Philatô

khi gặp Đức Giêsu trong dinh tổng trấn của mình:

“Ông có phải là vua người Do-thái không?”

Điều quan tâm của Philatô là xem Đức Giêsu

có đứng lên xúi dân lật đổ đế quốc Rôma không.

Đức Giêsu đáp lại Philatô bằng một câu giống nhau:

“Chính ông nói đó” (Mt 27,11; Lc 23,3; Mc 15,2; Ga 18,37).

Ngài không trả lời rõ ràng “có” hay “không,”

không từ chối hẳn, cũng không nhìn nhận hẳn.

Có lần sau phép lạ bánh hóa nhiều,

Đức Giêsu suýt bị đám đông bắt để tôn lên làm vua,

nhưng Ngài đã trốn lên núi (Ga 6,15).

Ngài biết mình không được Cha sai đến để làm chính trị,

để giải phóng dân tộc, hay để tạo ra một xã hội ấm no.

Tuy nhiên, lúc cuối đời, Ngài đã vào thành Giêrusalem,

ngồi trên lưng lừa, giữa tiếng tung hô của đám đông:

“Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa.”

Đức Giêsu đã không từ chối lời tung hô này (Lc 19,38.39-40).

Sau này, Ngài còn gián tiếp nhận mình là vua,

khi Ngài nói đến Nước của Ngài trước mặt Philatô (Ga 18,36).

Dĩ nhiên Đức Giêsu chẳng phải là vua theo nghĩa thế gian,

vì Ngài chẳng có lính để bảo vệ Ngài khỏi người Do-thái.

Ngài là vua thuộc dòng dõi vua Đa-vít,

nhưng Ngài chưa bao giờ được ngồi trên ngai vàng (Lc 1,32).

Ngai vàng của Vua Giêsu là cây thập giá xù xì trên đồi Sọ.

Hai bên có hai tên gian phi cũng bị treo.

Phía trên đầu thánh giá có tấm bảng ghi:

“Đây là vua của người Do-thái” (Lc 23,38).

Bài Phúc Âm hôm nay được đọc trong lễ Chúa Kitô Vua vũ trụ.

Chúng ta kinh ngạc vì cách làm vua của Đức Giêsu

hoàn toàn trái ngược với cách làm vua ở ngoài đời.

Một vị vua bị các thủ lãnh cười nhạo, bị binh lính chế giễu,

bị một trong hai tên gian phi nhục mạ.

Một vị vua bị thách thức chứng minh vương quyền của mình.

Cách chứng minh đáng tin nhất là cứu chính mình,

nghĩa là xuống khỏi thập giá.

Điệp khúc “cứu chính mình” được nhắc ba lần (Lc 23,35.37.39).

Hãy cứu mình khỏi cái chết, như đã cứu Ladarô (Ga 11).

Cách đây mấy năm, quỷ đã cám dỗ Đức Giêsu trong hoang địa:

“Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy gieo mình xuống đi” (Lc 4,9).

Giờ đây, vẫn những lời cám dỗ tương tự:

Nếu ông là Đấng Kitô, là Vua của người Do-thái,

thì hãy cứu chính mình đi, và xuống khỏi thập giá đi.

Đức Giêsu thinh lặng không đáp lại lời nào, và không xuống.

Ngài chứng minh mình là Kitô, là Vua,

bằng cách ở lại, bằng cách không tự cứu mình khỏi thập giá,

nhưng để Cha cứu mình khỏi cái chết trong nấm mộ.

Đức Giêsu trên thập giá có vẻ như một người thua cuộc,

một người không tự cứu được mình, nên không đáng tin.

Trong cảnh u buồn của đồi Sọ, có một điểm sáng.

Đó là tên gian phi mà ta quen gọi là anh trộm lành.

Anh này nhận mình có tội, đáng bị đóng đinh thập giá.

Anh bênh vực Đức Giêsu và cho rằng Ngài vô tội (Lc 23,41).

Rồi anh bắt đầu cuộc trò chuyện rất thân tình với Ngài.

Chúng ta không hiểu làm sao anh có thể nói câu này

với một người chịu đóng đinh, đang hấp hối:

“Khi Ngài vào Nước của Ngài, xin nhớ đến tôi!” (Lc 23,42).

Anh tin Đức Giêsu là Vua, sắp đi vào trong vinh quang.

Anh chỉ xin Ngài nhớ đến anh thôi, và chỉ thế là đủ rồi.

Lòng tin đáng kinh ngạc của anh được đền đáp.

Vua Giêsu chẳng những nhớ, mà còn cho anh ở với Ngài.       

Thiên đàng của anh đã bắt đầu từ hôm nay.

Vua Giêsu đã đem lại niềm hy vọng cho anh trộm lành.

Anh nhắm mắt trong bình yên vì biết mình được tha thứ.

Anh biết mình sẽ đi đâu sau cái chết này.

Chính người có tên Giêsu, người có vẻ không cứu nổi mình,

người ấy sẽ cứu anh và đưa anh vào nơi vĩnh phúc.                                                                                                                     

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa,

Con người hôm nay chênh vênh giữa trời cao và vực thẳm,

Chúa đã cho chúng con tự do để chọn

giữa thiện và ác,

giữa đồng cảm và vô cảm,

giữa chân lý và dối trá.

giữa tha thứ và hận thù,

giữa hiệp nhất và chia rẽ.

Chúa đã được giương cao khỏi mặt đất,

và Chúa hứa sẽ kéo mọi người lên.

Vậy mà chúng con hôm nay vẫn còn chênh vênh!

Cuộc đời này có bao điều hút chúng con xuống,

khiến chúng con cứ bị giằng co nghiêng ngả.

Xin giúp chúng con buông bỏ những đam mê trần tục, 

để dám chọn điều Chúa đã chọn trên Thánh Giá:

chọn khó nghèo, nhục nhã, chọn tự hạ, khổ đau.

Nhờ sức mạnh cứu độ của Thánh Giá Chúa,

xin đưa chúng con ra khỏi thế đứng chênh vênh

để trọn vẹn thuộc về Chúa.

Sr. Augusta

 

5. Suy niệm (song ngữ)

Bài Đọc I: 2 Samuen 5, 1-3
II: Côlôxê 1, 12-20

34st Sunday in Ordinary Time
Reading I: 2 Samuel 5:1-3
II: Colossians 1:12-20

Gospel
Luke 23:35-43

35 And the people stood by, watching; but the rulers scoffed at him, saying, “He saved others; let him save himself, if he is the Christ of God, his Chosen One!
36 The soldiers also mocked him, coming up and offering him vinegar,
37 and saying, “If you are the King of the Jews, save yourself!
38 There was also an inscription over him, “This is the King of the Jews.
39 One of the criminals who were hanged railed at him, saying, “Are you not the Christ? Save yourself and us!
40 But the other rebuked him, saying, “Do you not fear God, since you are under the same sentence of condemnation?
41 And we indeed justly; for we are receiving the due reward of our deeds; but this man has done nothing wrong.

42 And he said, “Jesus, remember me when you come into your kingdom.
43 And he said to him, “Truly, I say to you, today you will be with me in Paradise.

Phúc Âm
Luca 23, 35-43

35 Dân chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: Hắn đã cứu người khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô, của Thiên Chúa, là người được tuyển chọn!
36 Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm cho Người uống
37 và nói:
Nếu ông là vua dân Dothái thì cứu lấy mình đi !
38 Phía trên đầu Người, có bản án viết: Đây là vua người Do Thái.
39 Một trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người:
Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!
40 Nhưng tên kia mắng nó: Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên Chúa, mày cũng không biết sợ!
41 Chúng ta chịu như thế này là đích đáng
, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì trái!
42 Rồi anh ta thưa với Đức Giêsu: Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!
43 Và Người nói với anh ta: Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.Đức Giêsu trút hơi thở cuối cùng.

Interesting Details

  • The reading for todays feast is not of Jesus triumphal entry into Jerusalem where He was greeted like a king. Todays passage pointedly serves as an indication that Jesus kingship is one of love and sacrifice, not of power and domination.
  • (v.35) Jesus enemies propose that if He is the Son of God, “ He can save Himself and will not die. In contrast, because He is truly Son of God, “ Jesus will die in obedience to Gods will.
  • (v.35) save yourself: the challenge by Jesus enemies echoes the temptation of Satan. In both instances, Jesus is urged to defy death and to avoid the cross. But in both instances, Jesus is victorious.
  • The mocking, ironically, proclaims the truth about Jesus and His identity: The Christ of God, the Chosen One, the King of the Jews and the Savior of the people.
  • (v.42) when you come into your kingdom: These words imply that the repentant criminal expected Jesus to reign after death. He had been given some revelation that the dying Jesus was truly a king and can dispense the pardon and mercy, which only a king can. In Luke, he was the last person that Jesus talked to before He died.

Chi Tiết Hay

  • Bài Phúc Âm Lễ Chúa Kitô Vua hôm nay không phải là bài kể lại việc Chúa Giê-su vào thành Giêrusalem và được đón tiếp như một vị Vua. Nhưng việc dùng bài đọc hôm nay cho thấy rằng vương vị của Chúa Giê-su là tình yêu và hy sinh chứ không phải là quyền lực và thống trị.
  • (c. 35) Kẻ thù của Chúa Giê-su thách thức rằng nếu Ngài là Con Thiên Chúa”, thì có thể tự cứu sống mình và sẽ không chết. Nhưng ngược lại, bởi vì Ngài chính thực là Con Thiên Chúa nên Chúa Giê-su sẽ chịu chết trong sự vâng phục thánh ý Chúa Cha.
  • (c. 35) Sự thách đố của kẻ thù của Chúa Giê-su giống như sự thách đố của Satan. Trong cả hai trường hợp, Chúa Giê-su bị cám dỗ tránh né sự chết, chối bỏ thập giá. Cùng trong cả hai trường hợp, Chúa Giê-su đều chiến thắng vinh quang.
  • Trớ trêu thay, khi nhạo báng Chúa Giê-su chính họ lại tuyên xưng những căn tính của Ngài: Đấng Kitô của Thiên Chúa, Đấng Được Tuyển Chọn, Vua dân Do-Thái và Đấng Cứu Chuộc nhân loại.
  • (c. 42) khi nào Ngài vê đến vương quốc của Ngài: Câu nói này chứng tỏ người gian phi sám hối đã tin tưởng Chúa Giê-su sẽ thống trị sau sự chết. Kẻ tội phạm biết hối cải này đã được tỏ cho biết là Chúa Giê-su đang chết trên thập giá chính thật là một vị Vua và Ngài có thể tha thứ và thương xót mà chỉ một vị vua đích thực mới làm được. Theo thánh Lu-ca, kẻ tội phạm này là người cuối cùng được Chúa Giê-su ban cho một lời trước khi Ngài chết trên thập giá.

One Main Point

Down through history, thousands and millions of subjects have died for their kings, but Jesus is the King who dies for us. He accepted crucifixion as the climax of the perfect obedience to His Father.

Một Điểm Chính

Xuyên qua lịch sử, đã có hàng ngàn và hàng triệu người chết cho vua của họ. Nhưng Chúa Giê-su lại là một vị Vua đã chết cho chúng ta. Ngài chấp nhận bị đóng đinh vào thập giá như một sự vâng phục tuyệt đối thánh ý Cha của Ngài.

Reflections

  1. How do we explain the passive attitude of the people? In what ways do they resemble us?
  2. How does the repentant criminal symbolize us? In what ways does he resemble us?

Suy Niệm

  1. Làm sao chúng ta có thể giải thích được thái độ thụ động của quần chúng? Họ giống với chúng ta như thế nào?
  2. Kẻ tội phạm biết ăn năn tượng trưng cho chúng ta như thế nào? Anh ta giống chúng ta như thế nào?

 

Top