Thư gửi các Giám mục Giáo hội Công giáo về chăm sóc mục vụ cho các người đồng tính luyến ái
Thư gửi các Giám mục Giáo Hội Công giáo
về chăm sóc mục vụ cho các người đồng tính luyến ái
Bộ Giáo lý Đức Tin, 1986
1. Vấn đề đồng tính luyến ái và việc lượng giá luân lý về các hành vi đồng tính đã ngày càng trở thành cuộc tranh luận công khai ngay cả trong các giới Công Giáo. Bởi vì cuộc tranh luận này thường triển khai các lý luận và có các tuyên bố không phù hợp với giáo huấn của Giáo Hội Công Giáo, đó thật là một nguyên nhân gây lo lắng cho các người dấn thân trong sứ vụ mục vụ, và Bộ này đã nhận định sự việc khá trầm trọng và có tầm quan trọng rộng lan nên gửi Thư này cho các giám mục Giáo Hội Công Giáo về việc chăm sóc mục vụ cho người đồng tính luyến ái.
2. Một cách tự nhiên, Thư này không cố gắng xử lý thấu đáo vấn đề phức tạp này, nhưng chúng tôi sẽ tập trung sự suy tư bên trong bối cảnh đặc biệt của quan điểm luân lý Công Giáo. Đây là một quan điểm tìm kiếm sự ủng hộ từ các khám phá bảo đảm hơn của các khoa học tự nhiên, vốn có phương pháp học riêng và chính đáng, và có lãnh vực thẩm tra riêng của chúng.
Tuy nhiên, quan điểm luân lý Công Giáo đặt nền trên lý trí con người được soi sáng bởi đức tin, và được tác động một cách có ý thức bởi ước muốn thực thi ý Thiên Chúa là Cha chúng ta. Vì vậy Giáo Hội vừa học hỏi từ các khám phá khoa học, nhưng cũng vượt lên trên chân trời khoa học, và vững tin rằng cái nhìn toàn thể hơn của mình thực hiện công bằng lớn lao hơn đối với thực tại phong phú của con người, trong chiều kích thiêng liêng và thể lý, được Thiên Chúa tạo dựng, và kế thừa, do ân sủng, vào đời sống vĩnh cửu.
Chính là trong bối cảnh này, có thể thấy một cách rõ ràng rằng, hiện tượng đồng tính luyến ái, vốn là phức tạp, và với nhiều hậu quả cho xã hội và đời sống giáo hội, là một mục tiêu riêng cho việc chăm sóc mục vụ của Giáo Hội. Vấn đề này đòi hỏi các thừa tác viên của Giáo Hội nghiên cứu kỹ lưỡng, quan tâm chủ động và theo lời khuyên chân thật và quân bình về mặt thần học.
3. Việc xử lý rõ ràng vấn đề này đã được bàn đến trong tài liệu “Tuyên ngôn về một số vấn đề liên quan đến đạo đức tính dục” của Thánh Bộ ban hành ngày 29 tháng 12 năm 1975. Tài liệu đó đã nhấn mạnh bổn phận cố gắng hiểu biết tình trạng đồng tính luyến ái và lưu ý rằng tính lỗi phạm của với các hành vi đồng tính nên chỉ được phê phán với sự thận trọng. Đồng thời, Bộ chú ý sự phân biệt thông thường giữa tình trạng hay khuynh hướng đồng tính và các hành vi đồng tính cá nhân. Các hành vi này đã được mô tả như mất đi mục tiêu chính yếu và cần thiết, như là “rối loạn tự nội tại”, và không trường hợp nào có thể được tán thành (xem số 8. 4).
Tuy nhiên, trong thảo luận diễn ra tiếp sau sự ban hành Tuyên ngôn, người ta đã giải thích quá nhẹ về chính tình trạng đồng tính, có người còn đi xa đến mức cho nó là “vô thưởng vô phạt”, hay thậm chí là tốt. Mặc dù sự nghiêng chiều cách riêng của người đồng tính luyến ái không phải là một tội, nó là một khuynh hướng ít nhiều mạnh mẽ hướng về một sự xấu luân lý nội tại; và vì vậy sự nghiêng chiều tự nó phải được xem như là một rối loạn khách quan.
Vì vậy sự quan tâm đặc biệt và lưu tâm mục vụ nên hướng về những ai ở trong tình trạng này, e rằng họ sẽ đi đến chỗ tin rằng sống thể hiện khuynh hướng này trong các hành vi đồng tính luyến ái là một chọn lựa có thể chấp nhận được về mặt luân lý. Thực ra không được như vậy.
4. Một chiều kích chính yếu của chăm sóc mục vụ đích thật là việc nhận diện các nguyên nhân của sự lẫn lộn về giáo huấn của Giáo Hội. Một nguyên nhân là sự giải thích mới về Kinh Thánh, vốn tuyên bố nhiều cách khác nhau rằng Kinh Thánh không nói gì về chủ đề đồng tính luyến ái, hay một cách ngầm chấp nhận, hay tất cả các huấn thị luân lý của Kinh Thánh đều quá gắn liền với văn hóa thời đó đến nỗi chúng không còn có thể áp dụng cho đời sống hiện nay. Các quan điểm này sai lầm một cách trầm trọng và cần có sự chú ý riêng ở đây.
5. Thật đúng là văn chương Kinh Thánh phụ thuộc vào các thời kỳ khác nhau, trong đó Kinh Thánh được viết làm cho nó có các kiểu mẫu khác nhau về tư tưởng và diễn tả (Dei Verbum 12). Giáo Hội ngày nay rao giảng Tin Mừng cho một thế giới vốn khác nhau về nhiều phương diện so với ngày xưa. Nhưng, ví dụ, thế giới trong đó Tân Ước được viết đã rất khác với hoàn cảnh mà Kinh Thánh của dân Do Thái đã được viết hay tập hợp lại.
Điều nên chú ý là, trong sự hiện diện của sự đa dạng đáng kể như thế, nhưng lại có một sự hằng định rõ ràng trong chính Kinh Thánh về vấn đề luân lý của hành vi đồng tính. Giáo thuyết của Giáo Hội về vấn đề này vì vậy không phải dựa trên vài câu rời rạc dùng cho sự lý luận thần học dễ dàng, nhưng trên nền tảng vững chắc của một bằng chứng Kinh Thánh hằng định. Cộng đoàn đức tin ngày nay, trong sự kế tục không đứt đoạn với các cộng đoàn Do Thái và Kitô hữu mà bên trong đó Kinh Thánh cổ xưa đã được biên soạn, tiếp tục được nuôi dưỡng bởi cùng Kinh Thánh và bởi Thần Khí Chân Lý mà Kinh Thánh là Lời của Thần Khí đó. Một cách chính yếu, cần nhìn nhận rằng Kinh Thánh không được hiểu một cách chính xác khi chúng được giải thích theo một cách thức đối nghịch với Truyền Thống sống động của Giáo Hội. Một cách đúng đắn, việc giải thích Kinh Thánh phải hòa hợp một cách căn bản với Truyền Thống đó.
Công Đồng Vaticanô II trong Dei Verbum 10 nói đến điều trên như sau: “Vì vậy, rõ ràng rằng trong sự sắp xếp khôn ngoan tuyệt đỉnh của Thiên Chúa, Truyền thống thánh thiêng, Kinh Thánh, và Huấn Quyền của Giáo Hội đã nối kết và liên hệ chặt chẽ với nhau đến mức mỗi lãnh vực không thể đứng vững nếu không có hai lãnh vực kia. Làm việc cùng nhau, mỗi lãnh vực trong cách thức riêng của mình, dưới tác động của một Thánh Thần, tất cả chúng đóng góp một cách hiệu quả cho sự cứu rỗi các linh hồn.” Trong tinh thần đó, ở đây chúng tôi ước ao phác thảo ngắn gọn giáo huấn của Kinh Thánh.
6. Việc cung cấp một lược đồ cơ bản để hiểu biết toàn bộ thảo luận về đồng tính luyến ái là thần học tạo dựng, mà chúng ta tìm thấy trong Sáng Thế. Thiên Chúa, bằng sự khôn ngoan và yêu thương vô hạn, tạo dựng tất cả thực tại như là phản ánh sự thiện hảo của Người. Người tạo ra loài người, nam và nữ, theo hình ảnh của Người và giống như Người. Vì vậy, con người, là công trình của chính Thiên Chúa; và trong sự bổ sung cho nhau của phái tính, họ được mời gọi để phản ánh sự thống nhất bên trong của Đấng Tạo Hóa. Họ thực hiện điều này theo một cách thức đáng kinh ngạc bằng sự cộng tác với Thiên Chúa trong lưu truyền sự sống bằng sự trao ban chính mình cho nhau.
Trong Sáng Thế 3, chúng ta thấy rằng sự thật về con người là hình ảnh của Thiên Chúa đã bị lu mờ đi vì tội nguyên tổ. Theo đó, không tránh khỏi là sự đánh mất ý thức về đặc tính giao ước của sự hiệp nhất mà con người đã có với Thiên Chúa và với nhau. Thân xác con người vẫn duy trì “ý nghĩa vợ chồng” ban đầu của nó nhưng nay bị che mờ vì tội. Vì thế, trong Sáng Thế 19, 1-11, sự sa đọa do tội lỗi tiếp nối trong câu chuyện của dân thành Sôđôm. Trong đoạn văn đó, sự phê phán luân lý chống lại các quan hệ đồng tính luyến ái là không thể nghi ngờ. Trong Lêvi 18,22 và 20,13, trong mô tả các điều kiện cần thiết để thuộc về Dân Được Tuyển Chọn, tác giả loại trừ khỏi Dân của Thiên Chúa những ai hành xử theo đồng tính luyến ái.
Dựa trên nền tảng của sự trình bày luật thần quyền, một quan điểm cánh chung đã được thánh Phaolô khai triển trong 1 Cr 6, 9 khi Ngài đề nghị cùng một giáo thuyết và liệt kê những ai hành xử theo đồng tính luyến ái vào số các người sẽ không được vào Nước Thiên Chúa.
Trong Rôma 1, 18-32, vẫn xây dựng trên các truyền thống luân lý của các vị tiền bối, nhưng trong bối cảnh mới của sự chạm trán giữa Kitô giáo và xã hội ngoại giáo thời của ngài, thánh Phaolô sử dụng hành vi đồng tính luyến ái như một thí dụ của sự mù quáng đã chinh phục con người. Thay vì sự hòa hợp nguyên thủy giữa Đấng Tạo Hóa và thụ tạo, sự méo mó gay gắt của thờ ngẫu tuợng đã dẫn đến mọi loại quá trớn luân lý. Thánh Phaolô không tìm thấy một thí dụ nào rõ ràng hơn về sự bất hòa hợp này là các quan hệ đồng tính luyến ái. Cuối cùng, 1 Tm 1, hoàn toàn tiếp nối với lập trường Kinh Thánh, tách những kẻ đã loan truyền giáo thuyết sai lạc và trong câu 10, minh nhiên gọi những ai làm hành vi đồng tính luyến ái là kẻ tội lỗi.
7. Giáo Hội, vâng phục Thiên Chúa, Đấng đã thiết lập Giáo Hội và ban cho Giáo Hội đời sống bí tích, cử hành kế hoạch Thiên Chúa về sự hiệp nhất yêu thương và truyền sinh của người nam và người nữ trong bí tích hôn phối. Chỉ trong tương quan hôn nhân mà việc sử dụng năng lực tình dục có thể là tốt lành về mặt luân lý. Vì thế, một người thực hiện hành vi đồng tính luyến ái là hành động không hợp luân lý.
Chọn một ai đó cùng phái tính cho hoạt động tình dục của mình là phá hủy biểu trưng và ý nghĩa phong phú của tạo dựng tính dục của Tạo Hóa, đó là chưa nói đến mục tiêu của hành vi tình dục. Hoạt động đồng tính không phải là sự kết hợp bổ sung có thể thông truyền sự sống; và vì vậy nó phá vỡ lời mời gọi đi đến sự sống mang hình thức tự hiến mà Tin Mừng nói đến, là tinh hoa của đời sống Kitô hữu. Điều này không có nghĩa là các người đồng tính thường không quảng đại và tự hiến chính mình, nhưng khi họ dấn thân vào hoạt động đồng tính luyến ái, họ khẳng định bên trong họ một sự nghiêng chiều tình dục bị rối loạn, một cách chủ yếu đam mê chính mình.
Như mọi rối loạn luân lý, hoạt động đồng tính luyến ái ngăn trở người đó hoàn thành viên mãn và hạnh phúc riêng của người đó, bằng cách hành động trái nghịch với sự khôn ngoan sáng tạo của Thiên Chúa. Giáo Hội, khi khước từ các ý kiến sai lạc đối với đồng tính luyến ái, không giới hạn nó, nhưng đúng hơn là bảo vệ tự do và phẩm giá con người được hiểu một cách thực tế và đích thật.
8. Vì vậy, giáo huấn của Giáo Hội ngày nay là sự tiếp nối với quan điểm Kinh Thánh và với Truyền Thống hằng định của Giáo Hội. Mặc dù thế giới ngày nay thật mới mẻ trong nhiều cách, cộng đoàn Kitô hữu cảm nghiệm được cầu nối sâu xa và bền bỉ, vốn nối kết chúng ta với các thế hệ đã đi trước, “được ghi dấu đức tin.”
Tuy nhiên, ngày nay càng có nhiều người, ngay cả bên trong Giáo Hội, đang gây áp lực to lớn để Giáo Hội chấp nhận tình trạng đồng tính như thể nó không phải là bị rối loạn và không chấp nhất hành vi đồng tính. Những người thuộc Giáo Hội lý luận theo cách này thường có mối liên hệ chặt chẽ với các người bên ngoài Giáo Hội có cùng quan điểm. Nhóm người này được hướng dẫn bởi quan niệm đối nghịch với sự thật về con người, vốn được bộc lộ hoàn toàn trong mầu nhiệm Đức Kitô. Họ phản ánh, ngay cả không phải một cách ý thức hoàn toàn, một ý thức hệ duy vật vốn chối bỏ bản tính siêu vượt của con người cũng như ơn gọi siêu nhiên của mọi cá nhân.
Các thừa tác viên của Giáo Hội phải bảo đảm rằng các người đồng tính luyến ái mà họ chăm sóc sẽ không bị hướng dẫn sai lạc bởi quan điểm trên, vốn đối nghịch với giáo huấn Giáo Hội một cách sâu xa. Nhưng nguy cơ là thật lớn và có nhiều người tìm cách tạo ra sự lẫn lộn về lập trường của Giáo Hội, và rồi sử dụng sự lẫn lộn đó cho lợi ích riêng của họ.
9. Phong trào bên trong Giáo Hội, với hình thức các nhóm gây áp lực có nhiều tên và mức độ lớn nhỏ khác nhau, cố gắng tạo ra ấn tượng rằng nó đại diện cho tất cả các người đồng tính luyến ái Công Giáo. Thực ra, thành viên của nhóm là những người hoặc là lờ đi giáo huấn của Giáo Hội hoặc là tìm cách giảm nhẹ giáo huấn. Phong trào qui tụ dưới sự che chở của Công Giáo các người đồng tính luyến ái không có ý định từ bỏ hành vi đồng tính của họ. Một chiến thuật được dùng để phản đối cho rằng một vài hay tất cả chỉ trích hay sự dè dặt về người đồng tính luyến ái, hoạt động và lối sống của họ, chỉ là các hình thức khác nhau của sự phân biệt đối xử bất công đối với họ.
Trong vài quốc gia có một nỗ lực để điều khiển Giáo Hội bằng cách đạt được sự ủng hộ nhiệt tình của các mục tử nhằm thay đổi các quy chế dân sự và luật pháp. Họ thực hiện điều này nhằm thích ứng với khái niệm của các nhóm áp lực này, cho rằng đồng tính luyến ái ít nhất là vô hại hoàn toàn, nếu không phải là một việc tốt hoàn toàn. Ngay cả khi việc thực hành đồng tính luyến ái có thể đe dọa nghiêm trọng đời sống và phúc lợi của phần lớn dân chúng, các người ủng hộ chúng vẫn không nao núng và từ chối xem xét tầm quan trọng của các mối nguy cơ liên can.
Giáo Hội không bao giờ nhẫn tâm. Đúng là lập trường rõ ràng của Giáo Hội không thể được cứu xét dưới áp lực của luật pháp dân sự hay các trào lưu. Nhưng Giáo Hội thực sự quan tâm về số đông người không được đại diện bởi phong trào ủng hộ đồng tính luyến ái, và về các người có thể bị cám dỗ tin vào sự tuyên truyền dối trá của nó. Giáo Hội cũng ý thức là quan điểm, vốn cho rằng hoạt động đồng tính luyến ái tương đương, hay có thể được chấp nhận, với sự diễn tả tình dục của tình yêu vợ chồng, có ảnh hưởng trực tiếp lên hiểu biết của xã hội về bản chất và quyền lợi của gia đình và làm nguy hại cho các điều này.
10. Đáng tiếc là các người đồng tính luyến ái đã và đang là đối tượng của sự dữ bạo lực trong lời nói hay trong hành động. Lối cư xử như thế đáng bị các mục tử của Giáo Hội kết án bất cứ nơi nào nó xảy ra. Điều đó bộc lộ một loại coi thường người khác, gây nguy hiểm cho các nguyên tắc nền tảng nhất của một xã hội lành mạnh. Phẩm giá nội tại của mỗi con người phải luôn luôn được tôn trọng trong lời nói, hành động hay trong luật pháp.
Nhưng phản ứng đúng đắn đối với tội ác chống lại các người đồng tính luyến ái không nên là công bố rằng tình trạng đồng tính luyến ái không phải là bị rối loạn. Khi một công bố như thế được đưa ra và theo đó, hoạt động đồng tính luyến ái được chấp nhận, hoặc khi luật pháp dân sự được thiết lập để bảo vệ cái hành vi đó, thì Giáo hội nói riêng và xã hội nói chung sẽ không ngạc nhiên khi các khái niệm và thực hành lệch lạc chiếm được chỗ đứng, và các phản ứng vô lý và bạo lực gia tăng.
11. Người ta lý luận rằng khuynh hướng đồng tính trong một số trường hợp không phải là kết quả của sự chọn lựa hữu ý; và vì vậy người đồng tính không có chọn lựa nào khác hơn là hành xử theo cách đồng tính luyến ái. Thiếu tự do, một người như thế, ngay cả dấn thân vào hoạt động đồng tính, sẽ không phạm tội.
Ở đây, truyền thống luân lý khôn ngoan của Giáo Hội là cần thiết vì truyền thống cảnh giác chống lại việc tổng quát hóa trong phê phán các trường hợp riêng lẻ. Quả thật, các hoàn cảnh có thể tồn tại, hay có thể đã tồn tại trong quá khứ, có thể làm giảm nhẹ hay xóa đi tính lỗi phạm của cá nhân trong hoàn cảnh đó; hay các hoàn cảnh khác có thể làm gia tăng tính lỗi phạm. Điều cần phải tránh với mọi giá là sự giả định không cơ sở và hạ thấp con người cho rằng hành vi đồng tính luyến ái của các người đồng tính, luôn luôn và hoàn toàn cưỡng bách và vì vậy không có lỗi. Điều chính yếu là sự tự do nền tảng, tạo tính cách cho con người và làm cho con người có phẩm giá phải được nhìn nhận cũng thuộc về người đồng tính luyến ái. Như trong mọi hoán cải khỏi tội lỗi, sự từ bỏ hoạt động đồng tính luyến ái đòi hỏi sự hợp tác sâu xa của cá nhân với ân sủng giải thoát của Thiên Chúa.
12. Vậy thì, các người đồng tính luyến ái phải làm gì để theo chân Thiên Chúa? Một cách nền tảng, họ được mời gọi để thực hiện ý Thiên Chúa trong đời sống của họ bằng cách nối kết bất cứ đau khổ và khó khăn, mà họ gặp phải do bởi tình trạng của họ, với hy sinh thập giá của Đức Chúa. Thập giá đó, đối với người tín hữu, là hy sinh mang lại hoa trái vì từ sự chết đó, đem lại sự sống và sự cứu rỗi. Trong khi bất cứ tiếng mời gọi nào vác thập giá hay hiểu biết đau khổ của Kitô giáo theo cách này, có thể đoán trước là sẽ gặp phải chế giễu cay đắng của một số người, nên nhớ rằng đây là con đường dẫn đến sự sống vĩnh cửu cho tất cả những ai theo Đức Kitô
Thật vậy, không gì khác hơn là giáo huấn của Thánh Tông Đồ Phaolô gửi tín hữu Galát khi ngài nói rằng Thần Khí làm phát sinh trong đời sống người tin “bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (5,22) và hơn nữa (c. 24), “anh em không thể thuộc về Đức Kitô trừ khi anh em đóng đinh tất cả các dục vọng và đam mê.”
Tuy nhiên, dễ hiểu lầm, nếu người ta đơn thuần nhìn sự tự hủy như một nỗ lực vô nghĩa. Thập giá là sự tự hủy chính mình, nhưng dùng trong thi hành ý Thiên Chúa, Đấng làm cho sự sống đến từ sự chết và ban sức mạnh cho những ai tín thác vào Ngài để thực thi nhân đức thay vì nết xấu.
Cử hành mầu nhiệm Phục Sinh, cần để cho mầu nhiệm đó in dấu trong mảnh đời hàng ngày. Từ chối hy sinh ý muốn riêng mình trong vâng phục ý Thiên Chúa là chống lại một cách hiệu lực ơn cứu độ. Cứ như thập giá là trung tâm diễn tả tình yêu cứu độ của Thiên Chúa đối với chúng ta trong Đức Giêsu, thì sự hòa hợp của việc tự hủy của những người nam và người nữ đồng tính luyến ái với hy sinh của Thiên Chúa sẽ tạo nên trong họ một nguồn mạch tự hiến sẽ cứu họ khỏi một cách thức đời sống, vốn luôn đe dọa phá hủy họ.
Các Kitô hữu đồng tính luyến ái được mời gọi, như tất cả mọi người chúng ta, sống khiết tịnh. Khi họ dâng hiến đời họ để hiểu biết bản chất của lời mời gọi riêng tư của Thiên Chúa dành cho họ, họ sẽ có thể cử hành bí tích Hòa Giải một cách trung thành hơn và đón nhận ân sủng của Thiên Chúa ban tặng một cách tự do, để hoán cải cuộc đời họ tràn đầy hơn theo Con Đường của Ngài.
13. Lẽ tất nhiên chúng tôi nhìn nhận rằng, trong phạm vi rộng lớn, sự truyền thông rõ ràng và thành công của giáo huấn Giáo Hội cho tất cả các tín hữu và cho xã hội nói chung, phụ thuộc vào sự giảng dạy đúng đắn và sự trung thành của các thừa tác viên của Giáo Hội. Giám mục có trách nhiệm nặng nề một cách đặc biệt để thấy rằng các người phụ tá của mình trong sứ vụ, nhất là các linh mục, phải được thông tin một cách đúng đắn và sẵn sàng mang giáo huấn Giáo Hội trong sự toàn vẹn của nó đến cho mọi người.
Sự quan tâm đặc thù và thiện chí, được biểu lộ nơi nhiều linh mục và tu sĩ trong chăm sóc mục vụ của họ đối với các người đồng tính luyến ái là đáng ngưỡng mộ, và chúng tôi hy vọng, sẽ không suy giảm. Các thừa tác viên nhiệt tình như thế nên có niềm tin cậy rằng họ đang theo đuổi một cách trung thành ý Thiên Chúa, bằng cách khuyến khích người đồng tính đi đến một cuộc sống khiết tịnh và bằng sự khẳng định phẩm giá và giá trị Thiên Chúa ban cho người đó.
14. Ghi nhớ điều này, Bộ ước ao yêu cầu các giám mục phải thận trọng một cách đặc biệt về các chương trình nào đó có thể tìm cách gây áp lực lên Giáo Hội để thay đổi giáo huấn, ngay cả khi chương trình đó công bố sẽ không làm như thế. Việc xem xét cẩn thận các tuyên bố công khai của họ và các sinh hoạt mà họ khuyến khích, cho thấy một sự hàm hồ đã được nghiên cứu để nhằm làm các mục tử và các tín hữu lạc hướng. Ví dụ, họ có thể trình bày giáo huấn của Huấn Quyền, nhưng chỉ như thể đó là một nguồn có thể lựa chọn cho việc huấn luyện lương tâm. Uy quyền đặc biệt của giáo huấn không được nhìn nhận. Vài trong các nhóm này sẽ sử dụng từ “Công Giáo” để mô tả hoặc là tổ chức hoặc là thành viên được nhắm đến của nó, nhưng họ không bảo vệ hay đẩy mạnh giáo huấn của Huấn Quyền; thật vậy, họ thậm chí tấn công giáo huấn công khai. Trong khi các thành viên của họ có thể công bố ước muốn hòa hợp đời sống của họ với giáo huấn của Chúa Giêsu, nhưng thực tế họ lại từ bỏ giáo huấn của Giáo Hội của Đức Giêsu. Hành động nghịch lý này không nên được sự cổ vũ nào của các giám mục.
15. Chúng tôi khuyến khích các giám mục, hãy cung cấp chăm sóc mục vụ phù hợp hoàn toàn với giáo huấn của Giáo Hội đối với các người đồng tính luyến ái trong giáo phận của mình. Không chương trình mục vụ đích thật nào được bao hàm các tổ chức trong đó người đồng tính luyến ái liên kết với nhau, mà không nói rõ ràng rằng hoạt động đồng tính luyến ái là vô luân lý. Một lối tiếp cận mục vụ thật sự sẽ đề cao nhu cầu giúp các người đồng tính tránh các cơ hội gần dễ phạm tội.
Chúng tôi hết lòng cổ vũ các chương trình nào tránh được các nguy hiểm này. Nhưng chúng tôi ước muốn làm rõ ràng rằng trong cố gắng cung cấp chăm sóc mục vụ, mà xa rời giáo huấn của Giáo Hội, hay giữ im lặng về giáo huấn này, thì không có chăm sóc cũng không có mục vụ. Chỉ những gì là chân thật mới có thể là mục vụ. Lờ đi lập trường của Giáo Hội sẽ ngăn trở người nam và người nữ đồng tính đón nhận sự chăm sóc mà họ cần và xứng đáng được hưởng.
Một chương trình mục vụ đích thật sẽ giúp đỡ các người đồng tính trên mọi mức độ của đời sống thiêng liêng: qua các bí tích, và cách riêng qua việc thường xuyên và chân thành đến với bí tích Hòa Giải, qua cầu nguyện, chứng từ, lời khuyên và chăm sóc cá nhân. Theo cách thức như thế, toàn thể cộng đoàn Kitô hữu có thể nhận ra lời mời gọi riêng của mình để giúp đỡ anh chị em của mình, mà không lừa dối họ hay cô lập họ.
16. Từ cách tiếp cận nhiều mặt này, có rất nhiều thuận lợi đạt được, trong đó ít nhất có việc ý thức rằng một người đồng tính, như mọi con người khác, cần được nuôi dưỡng một cách sâu xa cùng lúc ở nhiều mức độ khác nhau.
Con người, được tạo dựng theo hình ảnh của Thiên Chúa, và giống như Thiên Chúa, khó có thể được mô tả một cách đầy đủ bằng quy chiếu giản lược với khuynh hướng tính dục của người đó. Mọi người sống trên mặt đất này có các vấn đề và khó khăn riêng tư, nhưng cũng có các thách đố để tăng trưởng, sức mạnh, tài năng và ân huệ. Ngày nay, Giáo Hội cung cấp một bối cảnh hết sức cần thiết cho việc chăm sóc con người, khi từ chối xem con người như là một “khác phái tính luyến ái” hay “đồng tính luyến ái”, và nhấn mạnh rằng mỗi nhân vị có căn tính nền tảng: thụ tạo của Thiên Chúa, và bởi ân sủng, là con cái của Người, và thừa hưởng sự sống vĩnh cửu.
17. Trong khi kéo sự chú ý của các giám mục vào vấn đề này, Bộ ước ao nâng đỡ sự cố gắng của họ để bảo đảm rằng giáo huấn của Thiên Chúa và của Giáo Hội về vấn đề quan trọng này được truyền thông một cách đầy đủ cho tất cả các tín hữu.
Trong ánh sáng của các điểm nêu trên, các giám mục nên quyết định cho giáo phận của mình sự giới hạn của việc can thiệp về phần các giám mục. Hơn nữa, các giám mục nếu thấy đó là hữu ích, các vị sẽ hành động phối hợp xa hơn ở cấp Hội đồng Giám mục quốc gia.
Đặc biệt, chúng tôi yêu cầu các giám mục ủng hộ, với các phương tiện mà các vị có, sự phát triển các hình thức thích hợp của việc chăm sóc mục vụ cho các người đồng tính luyến ái. Các phương tiện này nên bao gồm cả sự trợ giúp của các khoa tâm lý, xã hội, và y khoa, trong sự phù hợp hoàn toàn với giáo huấn của Giáo Hội.
Các giám mục được khuyến khích mời gọi sự trợ giúp của tất cả các thần học gia Công Giáo, là những người, bằng sự giảng dạy những gì mà Giáo Hội dạy, và bằng sự đào sâu suy tư về ý nghĩa đích thật của tính dục con người và của hôn nhân Kitô giáo với các nhân đức mà nó đem lại, sẽ đóng góp quan trọng trong lãnh vực đặc biệt này của chăm sóc mục vụ.
Chúng tôi yêu cầu các giám mục cẩn trọng đặc biệt trong việc lựa chọn các thừa tác viên mục vụ, để cho nhờ trình độ cao của sự trưởng thành nhân bản và thiêng liêng và bởi sự trung thành của họ đối với Huấn Quyền, họ có thể là người phục vụ thực sự cho các người đồng tính luyến ái, cổ vũ sức khỏe và phúc lợi của họ trong ý nghĩa đầy đủ nhất. Các thừa tác viên như thế sẽ từ bỏ các ý kiến thần học không đồng ý với giáo huấn của Giáo Hội, và do đó, không thể được sử dụng như là các chỉ dẫn cho chăm sóc mục vụ.
Chúng tôi khuyến khích các giám mục cổ vũ các chương trình giáo lý thích hợp dựa trên sự thật về tính dục con người, trong tương quan với gia đình như đã được Giáo Hội giảng dạy. Các chương trình như thế sẽ cung cấp một bối cảnh tốt để xử lý vấn đề đồng tính luyến ái.
Giáo lý này cũng sẽ trợ giúp các gia đình của các người đồng tính luyến ái để xử lý vấn đề này, vốn ảnh hưởng trên họ một cách sâu xa.
Nên rút lui sự ủng hộ cho các tổ chức nào tìm cách phá hoại giáo huấn của Giáo Hội, mơ hồ về giáo huấn, hay chối bỏ nó toàn bộ. Sự ủng hộ như thế, hay ngay cả sự làm ra vẻ ủng hộ như thế, có thể bị giải thích sai một cách trầm trọng. Nên chú ý đặc biệt về việc thi hành sắp xếp giờ giấc các dịch vụ tôn giáo và việc sử dụng các tòa nhà Giáo Hội bởi các nhóm này, bao gồm các tiện nghi của các trường Công Giáo. Đối với một số người, việc cho phép sử dụng tài sản Giáo Hội có thể dường như chỉ mang ý nghĩa công bằng và bác ái; nhưng trong thực tế nó đối nghịch với mục đích mà các cơ sở này được dựng nên, do đó gây lạc hướng và thường tai tiếng.
Trong định mức luật pháp được đề nghị, các giám mục nên xem mối quan tâm cao nhất là trách nhiệm bảo vệ và cổ vũ đời sống gia đình.
18. Đức Chúa Giêsu hứa: “anh em sẽ biết sự thật và sự thật sẽ giải phóng anh em” (Ga 8, 32). Kinh thánh truyền lệnh chúng ta nói sự thật trong tình yêu (x. Ep 4, 15). Thiên Chúa Đấng là chân lý và tình yêu mời gọi Giáo Hội chăm sóc mọi người nam, người nữ và trẻ em, với sự quan tâm mục tử của Đức Chúa Đấng thương xót của chúng ta. Chính trong tinh thần này mà chúng tôi gửi bức thư này đến các giám mục trong Giáo Hội, với hy vọng rằng nó sẽ hữu ích khi các giám mục chăm sóc các người, mà đau khổ của họ chỉ có thể nặng nề thêm bởi sai lầm và được chiếu sáng bởi chân lý.
Trong cuộc tiếp kiến Hồng Y Bộ trưởng,
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chuẩn y Thư này,
được chọn trong một hội nghị thông thường của Bộ Giáo lý Đức Tin,
và ra lệnh công bố Thư này.
Ban hành tại Rôma, ngày 1/10/1986
Hồng y JOSEPH RATZINGER
Bộ trưởng
TGM ALBERTO BOVONE
Tổng Giám mục hiệu tòa Caesarea ở Numidia
Thư ký
BS Trần Như Ý-Lan chuyển dịch từ bản tiếng Anh:
LETTER TO THE BISHOPS OF THE CATHOLIC CHURCH
ON THE PASTORAL CARE OF HOMOSEXUAL PERSONS,
Congregation for the Doctrine of the Faith
Tháng 1/2011
bài liên quan mới nhất
- Ngày 04/12: Thánh Gioan Đamas, Tiến sĩ Hội Thánh
-
Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, linh mục -
Ngày 30/11: Thánh Anrê, Tông đồ (lễ kính) -
Ngày 25/11: Thánh Catarina Alexanđria -
Ngày 24/11: Các Thánh Tử đạo Việt Nam -
Ngày 23/11: Thánh Clêmentê I, Giáo hoàng, Tử đạo -
Ngày 22/11: Thánh Cêcilia, trinh nữ tử đạo -
Ngày 18/11: Cung hiến Đền thờ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Ðồ -
Ngày 17/11: Thánh Elisabeth Hungari -
Ngày 15/11: Thánh Albertô Cả, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
bài liên quan đọc nhiều
- 12 điều mà người Công giáo phải trả lời được
-
Quy định về Thủ tục Hôn Phối -
Tuần bảy ngày cầu cho các linh hồn dưới luyện ngục -
Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp và việc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay -
Về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá (theo khoa học) -
Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima -
Ngày 29/09: Tổng Lãnh Thiên Thần Michael, Gabriel & Raphael -
Ngày 01/10: Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, trinh nữ, Tiến sĩ Hội thánh -
Ngày 13/06: Thánh Antôn Padua, linh mục, TSHT (1195-1231) -
Ngày 04/10: Thánh Phanxicô Assisi