Thứ Bảy tuần 4 Thường niên năm I (Mc 6,30-34)

Thứ Bảy tuần 4 Thường niên năm I (Mc 6,30-34)

Thứ Bảy tuần 4 Thường niên năm I (Mc 6,30-34)

“Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su,
và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm,
và mọi điều các ông đã dạy”. (Mc 6,30)


BÀI ĐỌC I: Dt 13, 15-17, 20-21

"Nguyện Thiên Chúa bình an, Người đã đem ra khỏi cõi chết Đấng nhờ máu giao ước, làm cho anh em xứng đáng thi hành việc thiện".

Trích thơ gửi tín hữu Do-thái.

Anh em thân mến, nhờ Đức Giêsu mà trong mọi lúc, chúng ta luôn luôn hiến dâng cho Thiên Chúa của lễ ngợi khen, tức là hoa quả của miệng lưỡi ta tuyên xưng danh Người. Anh em đừng quên công việc từ thiện và sự tương tế, vì Chúa hài lòng về những của lễ như thế. Anh em hãy vâng lời và tùng phục các vị lãnh đạo anh em, vì chính các ngài canh giữ linh hồn anh em, như những người sẽ phải trả lẽ, để các ngài hân hoan thi hành việc đó, chớ không phàn nàn, vì điều đó không có lợi gì cho anh em. Nguyện Thiên Chúa bình an, Người đã đem ra khỏi cõi chết Đấng nhờ máu giao ước vĩnh cửu, trở nên vị Mục tử cao cả, tức là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, xin Người làm cho anh em trong các việc thiện, xứng đáng thi hành thánh ý Người, khi Người thực hiện trong anh em điều Người hài lòng, nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng được vinh quang đến muôn đời. Amen.

Đó là lời Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6

Đáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).

1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi, trên đồng cỏ xanh rì Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. - Đáp.

2) Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sỡ dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa,) dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Người, đó là điều an ủi lòng con. - Đáp.

3) Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa. - Đáp.

4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống; và trong nhà Chúa tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài. - Đáp.

 

Tin mừng: Mc 6, 30-34

30 Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy.

31 Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa.

32 Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. 33 Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài.

34 Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Tình yêu của Chúa Giêsu luôn phủ ngập trên bước đường truyền giáo. Trái tim Chúa đã mở ra đầy lòng xót thương. Chúa mời gọi chúng ta cũng hãy mở rộng lòng, để đáp ứng những nhu cầu của anh chị em đang cần đến.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con xin cảm tạ lòng tốt tuyệt vời của Chúa. Trái tim Chúa luôn rung động trước nỗi khổ của con người. Chúa có tâm hồn rất tinh tế, nhạy bén đến độ nhận thấy các nhu cầu của người khác.

Lạy Chúa, cảm thông với nỗi khổ đau của người khác, đó là bổn phận của con. Và đi vào tâm tình của họ để chia sẻ những lo lắng của họ, đó là ơn gọi của con. Con muốn đáp lại lời kêu mời của Chúa để sống đời bác ái yêu thương. Xin Chúa mở mắt để con nhìn thấy anh chị em chung quanh đang cần giúp đỡ. Xin Chúa giúp con biết dang rộng đôi tay đón nhận những ai đang tìm đến, và biết chia sẻ những trăn trở trong đời sống của họ. Xin Chúa thúc đẩy đôi chân con luôn tiến bước đi đến với anh chị em chung quanh, để cùng họ hướng về Thiên Chúa Toàn Năng. Xin Chúa mở rộng cõi lòng chật hẹp của con, để biết quảng đại yêu thương mọi người.

Lạy Chúa, con cần nhìn người khác không chỉ bằng đôi mắt, nhưng trước hết cần nhìn thấy những nhu cầu của anh em bằng trái tim biết rung động cảm thông. Con cần giúp đỡ người khác không chỉ bằng đôi tay rộng mở, nhưng còn bằng tấm lòng quảng đại yêu thương.

Lạy Chúa Giêsu, bắt đầu từ hơi ấm trái tim Chúa, qua trái tim con, xin cho hơi ấm tình người luôn lan rộng trên thế giới này. Xin cho con và mọi người luôn biết vây quanh Chúa như vị mục tử duy nhất, để được Chúa dạy bảo và yêu thương. Amen.

Ghi nhớ: “Họ như đàn chiên không người chăn”.

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A. Phân tích (Hạt giống...)

Chúa Giêsu như một chiếc phao giữa biển mà nhiều người lênh đênh bám vào. Thánh Mác Cô viết: “Lúc ấy dân chúng kẻ đến người đi tấp nập đến nỗi các tông đồ không có thời giờ ăn uống”.

Trong hoàn cảnh bận rộn như vậy Chúa Giêsu làm sao ? Một mặt lo liệu cho các môn đệ Ngài được nghỉ ngơi: “Các con hãy lui vào nơi vằng vẻ mà nghỉ ngơi một chút”. Mặt khác, về phầm mình, Ngài hy sinh thời giờ nghỉ ngơi của mình để tiếp tục phục vụ cho dân chúng.

Động cơ của cách cư xử đầy lòng nhân hậu ấy là tình thương củ Ngài: “Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông thì Ngài động lòng thương”

B. Suy niệm (...nẩy mầm)

1. Sau khi làm việc mệt nhọc tôi có quyền nghỉ ngơi. Chính Chúa Giêsu cũng đã kêu các môn đệ tìm chỗ yên tĩnh để nghỉ ngơi.

Vì tôi có quyền nghỉ ngơi, nên lúc tôi đã mệt mà người ta vẫn đến “quấy rầy”, tôi thường bực bội gắt gỏng. Hãy xem gương Chúa Giêsu: Ngài không hề gắt gỏng, trái lại Ngài động lòng thương và tiếp tục phục vụ.

Nếu tôi chưa được như Chúa hy cả thời giờ nghỉ ngơi, thì ít ra tôi đừng gắt gỏng với người ta. Tôi phải học biết “động lòng thương” họ.

2. Khi Chúa Giêsu động lòng thương dân chúng thì Ngài làm gì ? việc trước tiên Ngài làm không phải là chữa bệnh, mà là “dạy dỗ cho họ nhiều điều”. Chúa thương người ta đau khổ, nhưng Chúa càng thương hơn vì người ta không biết Tin Mừng. Nói cho người ta một lời đem lại sức sống còn ích hơn chữa cho người ta khỏi bệnh phần xác.

Tôi có sẵn những lời đó không ? Nếu tôi gặp một người đang đau khổ, tôi sẽ nói gì để người đó thực sự được an ủi và lạc quan hơn, chứ không có cảm tưởng nghe một lý thuyết suông ?

3. Abraham Lincoln là vị tổng thống Hoa kỳ đã phải đương đầu với cuộc nội chiến tang thương nhất trong lịch sử đất nước. Ngày nọ, căng thẳng gần như điên cuồng, ông đã nhờ người về nơi sinh quán của mình là Kentusky để mời cho được người bạn già đến thử đô Washington cho ông tham khảo ý kiến. Hai người bạn mừng mừng tủi tủi khi gặp nhau. Sau những giờ phút tâm sự, tổng thống Lincoln cảm thấy tươi vui hẳn lên.

Về sau có người hỏi ông đã làn gì để tổng thống vui tươi phấn khởi hẳn lên như thế, người bạn già của tổng thống cho biết: tổng thống không bàn hỏi bất cứ chuyện gì có liên quan đến chiến tranh đất nước. Ong cũng cho biết là ông chỉ ngồi thinh lặng để lắng nghe tổng thống chút hết nỗi lòng của mình. (Chờ đợi Chúa)

4. “Thấy các Ngài ra đi, nhiều người hiểu ý nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các Ngài “ (Mác Cô 6,33)

“Em thân mến! Giờ đây chị đã bình an. Chị không còn oán trách giận hờn anh ấy và các bạn nữa. Trước đây, chị luôn nghĩ mình là người vững vàng, bản lãnh là chỗ dựa cho mọi người. Chị yêu anh ấy, nhưng lại cho rằng anh ấy thật yếu đuối. Chị đã làm tổn thương đến danh dự và lòng tự trọng của anh. tình yêu tan vỡ, bạn bè xa lánh, chị rơi vào vực thẳm cô đơn buồn thảm.

Trong hoàn cảnh tối tăm ấy, chị đã cầu nguyện thật nhiều. Và khi đối diện với Chúa, Đấng hiền lành và khiêm nhượng, chị nhận ra mình kiêu căng và tự mãn biết bao. Cảm ơn Người đã cho chị nhận biết sự thật về chính mình, dù là một sự thật đau lòng.

Em thân mến, khi thuận lợi cũng như lúc khó khăn, em hãy lắng nghe Lời Chúa và khám phá thánh ý Người trong mọi biến cố cuộc sống. Chị tin rằng mọi sự sẽ trở nên tốt đẹp hơn và tâm hồn em sẽ được bình an.

Phúc cho chị vì chị đã chạy đến Chúa và nhận ra ý Người. Còn em, có lẽ chỉ biết khóc và oán giận thôi; chẳng để ý đến sự hiện diện của Chúa và cũng chẳng tìm kiếm thánh ý Người”.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa vẫn ở bên con và đỡ bước con đi. Xin mở mắt cho con được thấy ton nhan Chúa và nhận ra thánh ý Người. (Epphata)

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Hãy nghỉ ngơi một chút (Mc 6,30-34)

  1. Thánh Marcô cho biết: sau khi vâng lệnh Chúa đi giảng đạo, các Tông đồ trở về bên Chúa, tường trình về các việc đã làm, các lời đã giảng dạy. Vì Chúa thấy dân chúng kéo theo các ông đông đảo quá, đến nỗi không có thời giờ ăn uống, nên Chúa bảo các ông tìm nơi vắng vẻ nghỉ ngơi một chút. Thế là thầy trò xuống thuyền đi, nhưng dân chúng đoán biết nơi Chúa và các Tông đồ định đi, kéo nhau đến đó trước.

Vì thế, khi vừa bước lên bờ Chúa đã thấy họ ở đó đợi rồi, nên Người cảm động và thương xót dạy dỗ họ lâu giờ, vì họ bơ vơ như đàn chiên không có người chăn dắt giúp đỡ.

  1. Chúa quan tâm đến các Tông đồ

Trước hết, Chúa Giêsu cảm thông với nỗi vất vả của các Tông đồ khi làm việc truyền giáo nên cần có thời gian nghỉ ngơi để hồi phục sức khoẻ cả về thể xác cũng như tâm hồn. Nghỉ ngơi để lấy lại sức, để nhìn lại những việc đã làm, để sống thân tình với Chúa và với nhau. Đây là nhu cầu chính đáng và rất bổ ích nhằm quân bình cuộc sống.

Lại nữa, Chúa Giêsu muốn các Tông đồ cần có sự quân bình giữa đời sống cầu nguyện và truyền giáo, giữa chiêm niệm và hoạt động, giữa việc đạo đức kết hợp với Chúa và công việc mục vụ. Đó cũng là một điều hết sức cần thiết cho các vị lo việc truyền giáo và mục vụ ngày nay. Có những vị “quá dấn thân” cho việc “mục vụ” và “xây dựng”, đến nỗi không còn thời giờ để đọc kinh Phụng vụ, không còn những phút thinh lặng cầu nguyện và dần dần đời sống đạo đức èo uột, nói về Chúa mà không sống với Chúa và cuối cùng chỉ còn công việc mà không có Chúa đồng hành nữa.

  1. Truyện: Nghỉ ngơi cần thiết và có lợi

Trong một buổi thuyết trình về vấn đề thư giãn trong cuộc sống, người dẫn chương trình giơ cao một ly nước lên và hỏi khán giả:

- Quý vị thử đoán xem ly nước này nặng bao nhiêu ?

- Điều đó còn tùy thuộc vào chuyện anh cầm nó trong bao lâu chứ ? Một khán giả nói.

- Đúng vậy - Người dẫn chương trình trả lời - Nếu tôi cầm nó trong một phút thì không có gì đáng nói. Nhưng nếu tôi cầm nó trong một tiếng đồng hồ thì tay tôi sẽ mỏi. Còn nếu tôi cầm nó cả một ngày, quý vị sẽ phải gọi xe cấp cứu cho tôi. Cùng một khối lượng, nhưng mang nó càng lâu thì nó càng trở nên nặng hơn.

Trong cuộc sống cũng vậy. Nếu chúng ta cứ liên tục chịu đựng gánh nặng, nó sẽ càng ngày càng trở nên trầm trọng. Không sớm thì muộn chúng ta gục ngã. “Điều quý vị phải làm là đặt ly nước xuống nghỉ một lát, rồi lại tiếp tục cầm nó lên”.

Thỉnh thoảng, chúng ta phải biết đặt gánh nặng cuộc sống, nghỉ ngơi lấy sức để còn tiếp tục mang nó trong quãng đời tiếp theo. Mỗi ngày, chúng ta đều cần phải có giây phút nghỉ ngơi, không bận tâm đến bất kỳ một gánh nặng nào.

  1. Chúa Giêsu quan tâm đến dân chúng

Họ giống như đàn chiên đang bơ vơ không có mục tử chăn dắt. Đây là hình ảnh đáng thương của dân Israel thời bấy giờ. Không phải dân không có các vị lo việc phụng tự và dạy dỗ, bởi vì trong 12 chi tộc thì đã có cả một chi tộc Lêvi làm tư tế, trung bình 1/12. Họ còn có những tầng lớp lãnh đạo, các luật sĩ, biệt phái... Thế nhưng, những đầu mục, các tư tế và các luật sĩ chỉ lo tìm kiếm tư lợi hơn là dạy cho dân nghe Lời Chúa. Họ tìm cách chú giải những điều luật theo ý mình và có lợi cho mình hơn là Lời Chúa. Chính vì thế mà sự xuất hiện của Tin mừng mà Chúa Giêsu và các môn đệ rao giảng làm họ phấn khởi đi theo. Chính điều này đã đạt ra một sự cấp bách truyền giáo, mà Chúa Giêsu và các môn đệ phải xả thân đến nỗi không còn thời giờ để nghỉ ngơi vì sự khao khát của dân chúng.

  1. Truyện: Tổng thống Abraham Lincoln

Abraham Lincoln là vị tổng thống Hoa Kỳ đã phải đương đầu với cuộc nội chiến tang thương nhất trong lịch sử đất nước. Ngày nọ, căng thẳng gần như điên cuồng, ông đã nhờ người về nơi sinh quán của mình là Kentucky, để mời cho được người bạn già đến thủ đô Washington cho ông tham khảo ý kiến. Hai người bạn mừng mừng tủi tủi khi gặp nhau. Sau những giờ phút tâm tư, tổng thống Lincoln cảm thấy tươi vui hẳn lên.

Về sau có người hỏi ông đã làm gì để tổng thống phấn khởi lên như thế. Người bạn già của tổng thống cho biết: tổng thống không bàn hỏi với ông bất cứ điều gì có liên quan đến chiến tranh hay chuyện đất nước. Ông cũng cho biết là ông chỉ ngồi thinh lặng để lắng nghe tổng thống trút hết nỗi lòng của mình.

(Chờ đợi Chúa).

Top