Thứ Ba tuần Bát nhật Phục sinh - Ngôi mộ (Ga 20,11-18)
Đức Giê-su bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại,
vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. (Ga 20,17)
Bài đọc 1: Cv 2,36-41
36 Vậy toàn thể nhà Ít-ra-en phải biết chắc điều này: Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô.”
37 Nghe thế, họ đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phê-rô cùng các Tông Đồ khác: “Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì ?” 38 Ông Phê-rô đáp: “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần. 39 Thật vậy, đó là điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tất cả những người ở xa, tất cả những người mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi.” 40 Ông Phê-rô còn dùng nhiều lời khác để long trọng làm chứng và khuyên nhủ họ. Ông nói: “Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này để được cứu độ.” 41 Vậy những ai đã đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo.
Tin mừng: Ga 20,11-18
11 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, 12 thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân.
13 Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc ?” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu!” 14 Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su.
15 Đức Giê-su nói với bà: “Này bà, sao bà khóc ? Bà tìm ai ?” Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.”
16 Đức Giê-su gọi bà: “Ma-ri-a!” Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: “Ráp-bu-ni!” (nghĩa là ‘Lạy Thầy’).
17 Đức Giê-su bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: ‘Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em’.”
18 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.
1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)
Sứ điệp: Dù trước kia đã biết Chúa Giêsu, nhưng bà Ma-đa-lê-na đã không nhận ra Chúa Phục Sinh bằng con mắt thường. Người đã bước vào cuộc sống khác, nên cần phải có đức tin mới có thể nhận ra Người.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con tạ ơn Chúa vì Chúa thương con và đích thân đến gặp bà Ma-đa-lê-na. Cũng như bà Ma-đa-lê-na, con tưởng có thể nhìn Chúa bằng đôi mắt xác thịt, con tưởng có thể ôm chầm lấy Chúa và giữ Chúa lại trong vòng tay. Chính vì vậy, bao nhiêu lần Chúa đến với con mà con chẳng nhận ra Chúa, bao nhiêu lần con đi tìm Chúa mà chẳng gặp được Chúa.
Có những lúc chúng con đi bên nhau mà vẫn chẳng nhận ra sự hiện diện của nhau. Người khác có đó mà cũng như chẳng có. Vì chúng con chẳng quan tâm đến nhau, không yêu thương nhau. Ngược lại có những lúc thân xác xa cách nhau, nhưng lòng chúng con rất gần nhau và tưởng chừng đang sống bên nhau. Đó là vì chúng con thương nhau.
Lay Chúa, xin Chúa ban cho con đức tin và tình yêu mến để con nhận ra Chúa đang ở bên cạnh con. Chúa đã sống lại và vượt qua những giới hạn của thân xác, của không gian và thời gian, để đến gặp con trong mọi nơi, mọi lúc. Chúa gọi tên con, xin cho con được nhận ra tiếng gọi của tình yêu Chúa. Trên hành trình thời gian, Chúa vẫn bước đi bên con, nhưng nhiều lúc con cảm thấy vắng bóng Chúa, xin Chúa giúp con nhận ra Chúa bên cạnh con để con được sống trong bình an và niềm vui.
Con xin hứa đến với Chúa trong những điểm hẹn mà Chúa đang đợi chờ con, đó là lắng nghe Lời Chúa và tham dự thánh lễ. Con cũng hứa không sống khép kín nữa, để con có thể nhận ra Chúa nơi các anh chị em hằng ngày đang sống bên con. Lạy Chúa, xin giúp con. Amen.
Ghi nhớ: “Tôi đã trông thấy và Người đã phán với tôi những điều ấy”.
2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A. Phân tích (Hạt giống...)
Bài tường thuật của Gioan, cũng về những chuyện sáng ngày Phục sinh, đặc biệt về Maria Mađêlêna:
1. Khi thấy ngôi mộ trống, Maria Mađêlêna “khóc” và “tìm” xác Chúa Giêsu.
2. Hai thiên thần hỏi lý do bà khóc. Hai vị chỉ hỏi chứ chưa nói Chúa Giêsu sống lại.
3. Chính Chúa Giêsu hiện ra cho bà: ban đầu bà không nhận ra Ngài, khi Ngài gọi tên bà thì bà liền nhận ra. Ngài giải thích ý nghĩa việc sống lại: “Ta về cùng Cha Ta cũng là Cha của các con, về cùng Thiên Chúa cũng là Thiên Chúa của các con”.
4. Maria Mađêlêna báo tin Phục sinh cho các môn đệ.
B. Suy niệm (...nẩy mầm)
1a. Việc Chúa Giêsu Phục sinh đã biến đổi hẳn ý nghĩa và tình cảm của con người (bà Maria Mađêlêna chính là đại diện) trước cái chết: nếu không tin việc Phục sinh, chúng ta đau buồn than khóc trước cái chết của một người thân và tiếc nuối đi tìm thân xác họ, khi đã có niềm tin Phục sinh, chúng ta sẽ không còn than khóc và sẽ không tìm người sống nơi kẻ chết nữa.
1b. Bà De Gaulle cho gọi một nhân viên mai táng đến, bảo tìm nơi an nghỉ cuối cùng cho người chồng đã quá cố. Người này thân hành trở bà đến sườn đồi, trước mặt là một thung lũng tuyệt đẹp. Ông nói: “Đây là nơi an nghỉ rất xứng đáng với người chồng vĩ đại của bà, và cũng chỉ tốn 200.000 francs”. Trong lúc bà còn đang phân vân, ông ta nói tiếp: “Ông nhà thật xứng đáng hưởng sự ưu đãi đó”. Bà đáp: “Nhưng ông ấy chỉ cần 3 ngày thôi mà!”.(Góp nhặt).
2. Tình cảm của bà đối với Chúa Giêsu rất đậm đà: Khi không thấy xác Chúa Giêsu, bà khóc và cả thế giới này không còn ý nghĩa gì đối với bà nữa: bà không tìm gì khác ngoài xác của Chúa Giêsu, không nhận ra ai khác (các thiên thần, chính Chúa Giêsu mà bà tưởng là người giữ vườn). Rồi khi Chúa gọi tên, bà nhận ra Chúa rồi sau đó vui mừng chạy đi báo cho mọi người. Tóm lại, đối với Maria Chúa Giêsu là tất cả, mất Chúa Giêsu cả thế giới như sụp đổ, gặp lại Chúa là gặp lại niềm vui.
3a. Dù Maria không còn thấy gì và không còn nhận ra ai nữa cả, nhưng Chúa Giêsu gọi tên bà thì tất cả bừng sáng trở lại. “Ta biết các chiên Ta…các chiên Ta biết Ta…”. Chúa cũng biết đích danh mỗi người chúng ta và gọi đúng tên chúng ta. Phần chúng ta có nhận biết Ngài không ?
3b. Một sinh viên cao đẳng đến thực tập tại một trường nọ. Chỉ trong hai tuần, anh ta nhớ tên tất cả các học sinh trong lớp. Anh gọi từng em như một người bạn thân.
Sau khi tốt nghiệp, anh lại được phân công về dạy tại trường đó. Lập tức, tất cả các học sinh thân yêu tụ tập xung quanh anh. Anh chỉ và gọi đích danh từng em. Các em rất vui mừng.
Tôi cả các em đếu được gọi nhưng chỉ có một em mà anh không thể nhớ tên. Em xấu hổ bỏ chạy và khóc. Anh rất ngượng ngùng. Tên người thân quan trọng.(Góp nhặt).
4. Chúa Giêsu đã hỏi Maria: “Tại sao con khóc ?” và Ngài đó bà đã biến nỗi buồn của bà thành niềm vui. Nỗi buồn nào đang khiến tôi phải khóc thầm ? Hãy dâng cho Chúa và xin Ngài hãy biến nó thành niềm vui.
5. Vì yêu mến Chúa, đôi khi tôi cũng thấy buồn vì không thấy Chúa: chung quanh tôi hình như không có chỗ cho Chúa ở, trong xã hội, trong những công việc và những con người. Xin cho thêm nhiều người biết Chúa, xin cho người ta biết dành chỗ cho Chúa trong việc làm và trong cuộc sống.
6. “Đức Giêsu gọi bà: “Maria” bà quay lại và nói: “Rapbuni” nghĩa là lạy Thầy”. Đức Giêsu bảo: “thôi đừng giữ Thầy lại…nhưnhg hãy đi gặp anh em Thầy”. “Này các chị có nghe điện thoại reo không ? Sao tôi gọi mãi mà không có ai nhấc máy lên nghe vậy ?” Từ dưới sân lầu, giữa trời nắng gắt, tiếng chị H,trực phòng khách lanh lảnh vang lên. Thật ra không phải chúng ta không nghe, nhưng ai cũng ngại nhấc máy. Vì đã nghe rồi thì sau đó phải “thông tin” lại cho người có liên quan hay phải đi gọi người dùm cho chị H.
Nhưng hôm nay, lời chị đánh động tôi rất nhiều. Vì đối với Chúa tôi cũng có thái độ như thế. Biết bao lần tôi đã dửng dưng trước những “cú phôn” Chúa gọi cho tôi. Tôi không muốn nghe vì ngại phải thi hành những “Sứ điệp” của Chúa sẽ truyền dạy tôi. Cũng có thể nhiều lần Chúa gọi tôi ở đầu dây bên kia, nhưng tôi bận nghe hay nói với người khác ở đầu dây bên này. Như thế làm sao tôi có thể nghe được “điện” của Chúa ?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa, giữa thế giới đầy bận rội và náo nhiện này, xin cho con biết lắng tai nghe tiếng Chúa. Xin hãy mở rộng đôi tay còn khép kín của con, để con mau mắn thi hành “sứ điệp” Chúa gửi đến cho con trong cuộc sống hằng ngày. Amen. (Epphata)
3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)
Chúa hiện ra với bà Maria Madalena (Ga 20, 11-18)
- Hôm mai táng Đức Giêsu, vì ít thời gian, người ta đã xức thuốc thơm cách hối hả. Sáng ngày sau, mấy bà đã đưa thuốc thơm đến mồ để làm lại cách chu đáo hơn. Khi đến nơi, các bà thấy ngôi mộ trống vì xác Ngài không còn nữa. Và Chúa hiện ra để củng cố đức tin cho các bà và sai họ đi báo tin cho các Tông đồ. Bài tường thuật của thánh Gioan hôm nay, ghi lại việc Đức Giêsu Phục sinh hiện ra với bà Maria Madalena.
- Khi thấy mồ Chúa mở toang, xác Chúa không còn trong mồ, bà Maria Madalena chạy về báo tin cho các môn đệ Chúa. Mặc dầu bán tín bán nghi, hai ông Phêrô và Gioan cũng chạy ra mộ xem thực hư thế nào. Maria Mađalêna cũng chạy ra theo, ông Phêrô và Gioan, sau khi quan sát kỹ và thấy rõ xác Chúa không còn, hai ông ra về, một mình bà Maria Mađalêna ở lại mộ, ngậm ngùi, khóc lóc, thương nhớ Chúa, và Chúa đã hiện ra với bà, lúc đầu bà không nhận ra, nhưng sau một vài câu trao đổi, bà nhận ra Chúa và Chúa bảo bà hãy mau về kể lại cho các môn đệ hiện đang ở trong nhà Tiệc ly.
- Bà Maria tức tốc chạy về nhà gặp các môn đệ đang nóng lòng chờ đợi. Họ vây quanh bà và hỏi: “Maria, chị hãy nói đi, chị đã thấy gì?” Bà Maria đáp: “Tôi đã thấy Chúa, Chúa đã hiện ra với tôi, Chúa gọi tên tôi và Chúa phán: ‘Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con, về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con’”. Những lời bà Maria nói đã phá tan mọi lo lắng, nghi ngờ nơi các Tông đồ, và lòng các ông tràn ngập vui mừng.
- Niềm tin và sự gặp gỡ của con người với Đấng Phục sinh thường đến sau những đổ vỡ, mất mát, thất bại và khổ đau. Điều này đã diễn ra với hầu hết các môn đệ của Đức Giêsu. Vào giữa lúc họ buồn bã quay về làng cũ, họ gặp Ngài. Vào giữa lúc họ từ bỏ con đường đi theo Ngài để trở về sau chuyến bôn ba của cuộc sống, Ngài đến với họ. Ngài cũng đến với họ khi họ giam mình trong sợ hãi, buồn phiền. Maria Mađalêna cũng được gặp Ngài giữa tiếng khóc than. Chính lúc bà tưởng mình đã mất tất cả, Ngài đã đến với bà.
- Quả thật, Đấng Phục sinh thường đến với con người vào những lúc bất ngờ nhất và dưới những hình dạng con người không hề chờ đón. Hầu hết trong mọi trường hợp, Ngài đến với họ như người vô danh, một người mà họ không thể nhận ra tức khắc. Phục sinh là một biến cố lịch sử, nhưng không có bất cứ một người nào đã chứng kiến giây phút lịch sử ấy, từ các môn đệ cho đến chúng ta ngày nay.
Để tin nhận Ngài, con người luôn làm bước nhảy vọt trong các biến cố của cuộc sống, những biến cố ấy thường là những mất mát, thất bại và khổ đau. Cần phải trải qua đau khổ để đến vinh quang, đó là định luật của niềm tin, phép rửa nhờ đó chúng ta trở thành tín hữu Kitô, không đương nhiên biến chúng ta thành những người thông minh đĩnh đạc hay may mắn thịnh vượng hơn người. Nhưng chúng ta phải xem mình là những người may mắn nhất, bởi vì giữa tăm tối của cuộc sống, chúng ta vẫn còn nhận ra được ánh sáng; giữa những đổ vỡ, mất mát, thất bại và khổ đau, chúng ta vẫn tiếp tục tin tưởng (Mỗi ngày một tin vui).
- Lúc này lúc khác – qua những biến cố, những dữ kiện – Chúa vẫn lên tiếng gọi thẳng tên chúng ta nhằm để chúng ta biết Người sống lại và hằng sống... Những lần gọi thẳng tên như thế sẽ giúp chúng ta bình an và đi tới để nói cho mọi người rằng: chúng ta có Chúa sống lại cùng đi...
Cô bé đi học về muộn... Ở nhà bố mẹ rất lo...
Thấy cô về, bố mẹ hỏi xem cô đã đi đâu và làm gì?
- Con dừng lại giúp bạn con... Xe đạp của bạn con bị hỏng.
- Nhưng con đâu có biết sửa xe?
- Đúng ạ! Nhưng con dừng lại để cùng khóc với bạn ấy.
- Truyện: Cần biết tên từng người
Dù bà Maria không còn thấy gì và không nhận ra ai nữa cả, nhưng khi Đức Giêsu gọi tên bà thì tất cả bừng sáng trở lại, “Ta biết các chiên Ta... Chiên Ta biết tiếng Ta...”. Chúa cũng biết đích danh mỗi người chúng ta và gọi đúng tên chúng ta. Phần chúng ta có nhận ra tiếng Ngài không?
Một sinh viên Cao đẳng sư phạm đến thực tập tại một trường nọ. Chỉ trong hai tuần, anh nhớ tên tất cả các học sinh trong lớp. Anh gọi từng em như một người bạn thân.
Sau khi tốt nghiệp, anh lại được phân công về dạy tại trường đó. Lập tức, tất cả những học sinh thân yêu của anh tụ tập xung quanh. Anh chỉ và gọi đích danh từng em. Các em rất vui mừng.
Tất cả các em đều được gọi, nhưng chỉ có một em mà anh không thể nhớ tên. Em xấu hổ bỏ chạy và khóc. Anh rất ngượng ngùng.
Tên người thật quan trọng (Góp nhặt)
bài liên quan mới nhất
- Thứ Ba tuần 3 Thường niên năm I (Mc 3,31-35)
-
Thứ Hai tuần 3 Thường niên năm I (Mc 3,22-30) -
Chúa nhật 3 Thường niên năm C (Lc 1,1-4; 4,14-21) -
Ngày 26/01: Thánh Timôthêô và thánh Titô, giám mục (Lc 10,1-9) -
Thứ Bảy tuần 2 Thường niên năm I (Mc 3,20-21) -
Thứ Sáu tuần 2 Thường niên năm I (Mc 3,13-19) -
Thứ Năm tuần 2 Thường niên năm I (Mc 3,7-12) -
Thứ Tư tuần 2 Thường niên năm I - Ngày Sa-bát (Mc 3,1-6) -
Thứ Ba tuần 2 Thường niên năm I - Lề luật (Mc 2,23-28) -
Thứ Hai tuần 2 Thường niên năm I - Ăn chay (Mc 2,18-22)
bài liên quan đọc nhiều
- Ngày 25 tháng 12: Chúa Giáng sinh (Lễ Đêm, Rạng Đông, Ban Ngày)
-
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23) -
Lễ thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu -
Chúa nhật 22 Thường niên năm A (Mt 16,21-27) -
Chúa nhật Lễ Chúa Hiển Linh (Mt 2,1-12) -
Ngày 29/09: Các Tổng lãnh Thiên thần (Ga 1,47-51) -
Ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ - Phúc thật (Mt 5,1-12a) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (Ga 15,9-17) - Bạn hữu của Thầy -
Ngày 21/09: Thánh Mát-thêu, tông đồ, tác giả Tin mừng (Mt 9,9-13) -
Lễ Đức Mẹ Mân Côi - Vâng phục (Lc 1, 26-38)