Thứ Ba tuần 5 Mùa Chay (+video)

Thứ Ba tuần 5 Mùa Chay (+video)

Thứ Ba tuần 5 Mùa Chay (+video)

Ga 8,21-30

Các ông bởi hạ giới;
còn tôi, tôi bởi thượng giới.

Các ông thuộc về thế gian này;
còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này
”.
(Ga 8,23)

1. Chúa Giêsu nói với những người Do Thái: Khi nào các ông đưa Con Người lên cao, các ông sẽ nhận biết Tôi là ai (Ga 8,28). Như thế, việc Chúa Giêsu chết trên Thập Giá không phải là một thất bại mà là một chiến thắng. Ngài không bị được đưa lên cao để trở thành nguồn ơn cứu độ cho những ai tin tưởng nhìn lên Ngài.

Vậy, khi chúng ta “bị” đau khổ nhưng nếu biết nhìn lên Thập Giá Chúa Giêsu thì chúng ta sẽ “được” cứu độ. Ngược lại, ngày xưa, khi nguyên tổ tưởng mình “được” bằng Chúa thì lại “bị” đuổi ra khỏi vườn Địa đàng.

Đức Cha Fulton Sheen, một diễn giả nổi tiếng trên các đài truyền thanh và truyền hình Hoa Kỳ đã tưởng tượng ra một cuộc gặp gỡ như sau:

Tôi ra khỏi nhà để hưởng chút ánh sáng mặt trời, tôi gặp một người đang quằn quại trên Thập Giá, tôi dừng lại và đề nghị:

- Xin cho phép tôi được giúp ông xuống khỏi Thập Giá

Nhưng người ấy trả lời:

- Hãy để cho tôi yên. Hãy để nguyên những cái đinh trong lòng bàn tay và bàn chân của tôi. Hãy để nguyên những gai nhọn trên đầu và lưỡi dòng trong trái tim tôi. Tôi không tự mình xuống khỏi Thập Giá, bao lâu những người anh em tản mác khắp nơi của tôi chưa hợp nhất với nhau.

Tôi liền hỏi người ấy:

- Ông muốn tôi làm gì cho ông ?

Người ấy trả lời:

- Hãy đi khắp thế giới, và bắt gặp bất cứ ai hay nói với họ rằng: “Có một người đã chịu đóng đinh trên Thập Giá”.

Vâng, có một người đã chịu đóng đinh trên Thập Giá. Người đó chính là Chúa Giêsu, Chúa của chúng ta.

Trong thư thứ nhất gửi cho Giáo đoàn Côrinthô, Thánh Phaolô đã nói về Thập Giá rất hay: “Thật thế, lời rao giảng về Thập Giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng tôi là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa”. (1Cr 1,18)

Thánh Phêrô cho biết thêm: Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây Thập Giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương để anh em được chữa lành”. (1Pr 2,24)

2. Nhìn lên Thập Giá, ta có thể thấy rất nhiều điều:

Thấy tội lỗi của mình.

Thấy tình thương của Chúa.

Thấy giá trị của đau khổ.

Thấy ơn cứu độ.

Thấy giải pháp cho vấn đề sự dữ

Thánh Phanxicô Assisi đã nói rất hay về vấn đề này: “Không phải quỉ dữ đã đóng đinh Ngài trên Thập Giá; chính bạn cùng với chúng đã đóng đinh Ngài vào Thập Giá; và còn đang đóng đinh Ngài nữa, nếu bạn cứ thích thú ở mãi trong thói xấu và tội lỗi của bạn”. (T.Phanxicô Assisi, khuyến dụ 5,3).

Trong tuyển tập ngụ ngôn của hai anh em người Đức vào thế kỷ thứ 19, người ta đọc được câu chuyện có nội dung như sau:

Hai cha con nọ đã thỏa thuận ngầm với nhau là người con được tự do làm bất cứ điều gì nó muốn. Chỉ có điều là mỗi khi nó làm một hành động xấu thì nó phải đóng một cây đinh vào cánh cửa. Ngược lại, khi làm được một hành động tốt thì nó có quyền nhổ một cây đinh đi.

Chưa đầy một năm, cánh cửa không còn một chỗ nào trống để đóng đinh vào được nữa. Người con chợt nhận ra cuộc sống quá xuống dốc của mình. Nó mới hồi tâm và quyết định tu sửa. Không đầy một năm sau, mọi cây đinh đều lần lượt được gỡ ra khỏi cánh cửa. Ngày cây đinh cuối cùng được tháo gỡ khỏi cửa người cha sung sướng chạy đến ôm lấy đứa con của mình. Ông vui mừng đặt trên trán đứa con những nụ hôn hạnh phúc. Thế nhưng, thật là lạ lùng, không những đứa con không tỏ ra một cảm xúc vui sướng nào mà còn đẩy người cha ra và khóc òa lên. Người cha ngạc nhiên thốt lên:

- Tại sao con khóc ? Tất cả mọi cây đinh đã được nhổ ra khỏi cánh cửa, con không cảm thấy hạnh phúc vì đã sống tốt đẹp hơn sao ?

Đứa con thổn thức:

- Thưa cha đúng thế, nhưng cho dầu những cây đinh đã nhổ đi rồi, nhưng chúng vẫn còn để lại những cái lỗ trên đó.

Trong cuộc sống, nhiều người trong chúng ta cũng như thế. Chúng ta đã chạy đến tòa cáo giải. Chúng ta đã tin là Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Thế nhưng, nhiều khi chúng ta không thể vượt qua được những “Mặc cảm tội lỗi. Chính những mặc cảm này nhiều khi dày vò chúng ta. Mỗi lần như thế chúng ta hãy nhớ lại tình thương của Chúa.

Lạy Chúa, Chúa đã khiêm tốn và kiên trì
nhận lấy những thất bại trong cuộc đời
cũng như mọi đau khổ của Thập Giá,
xin biến mọi đau khổ cũng như mọi thử thách
chúng con phải gánh chịu mỗi ngày,
thành cơ hội giúp chúng con thăng tiến
và trở nên giống Chúa hơn.

Xin lấy niềm vui của Người
mà làm cho chúng con nên mạnh mẽ
và trở thành mối dây yêu thương,
bình an và hiệp nhất giữa chúng con. Amen.

(Mẹ Têrêxa Calcutta)

Top