Thứ Ba trong Tuần Bát Nhật lễ Giáng Sinh
BÀI ĐỌC I: 1 Ga 2, 18-21
“Các con được Đấng Thánh xức dầu, và các con biết mọi sự”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Hỡi các con, đây là giờ sau hết. Các con đã nghe biết là sẽ có Phản-Kitô đến, thì nay đã có nhiều Phản-Kitô xuất hiện, do đó chúng ta biết rằng đây là giờ sau hết. Họ ở giữa chúng ta mà ra, nhưng không thuộc về chúng ta, vì nếu họ thuộc về chúng ta, thì họ vẫn còn ở với chúng ta. Như vậy để chứng tỏ rằng không phải tất cả mọi người đều thuộc về chúng ta.
Còn các con, các con được Đấng Thánh xức dầu, và các con biết mọi sự. Ta viết cho các con, không phải vì các con không biết sự thật, nhưng vì các con biết sự thật, và phàm là dối trá thì không (thể) do sự thật mà có.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 95, 1-2. 11-12. 13
Đáp: Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan (c. 11a).
Xướng:
1) Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới. Hãy ca mừng Thiên Chúa, hỡi toàn thể địa cầu. Hãy ca mừng Thiên Chúa, hãy chúc tụng danh Người, ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ. - Đáp.
2) Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan. Biển khơi và muôn vật trong đó hãy reo lên. Đồng nội và muôn loài trong đó hãy mừng vui, các rừng cây hãy vui tươi hớn hở. - Đáp.
3) Trước nhan Thiên Chúa, vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai quản địa cầu. Người sẽ cai quản địa cầu cách công minh, và chư dân cách chân thành. - Đáp.
“Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại;
sự sáng chiếu soi trong u tối”. (Ga 1,4-5)
Lời Chúa: Ga 1,1-18
1 Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời: Ngôi Lời ở với Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa. 2 Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ nguyên thủy. 3 Mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành. 4 Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại; 5 sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp nhận sự sáng. 6 Có một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gioan. 7 Ông đã đến như một người chứng, để ông minh chứng về sự sáng, hầu cho mọi người nhờ ông mà tin. 8 Chính ông không phải là sự sáng, nhưng đến để chứng minh về sự sáng. 9 Vẫn có sự sáng thực, sự sáng soi tỏ cho hết mọi người sinh vào thế gian này. 10 Người vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo, và thế gian đã không nhận biết Người. 11 Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người. 12 Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào danh Người. 13 Những người này không do khí huyết, không do ý muốn xác thịt, cũng không do ý muốn của đàn ông, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra. 14 Và Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi. Và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của người Con Một đầy ân sủng và chân lý. 15 Gioan làm chứng về Người khi tuyên xưng rằng: “Đây là Đấng tôi tiên báo. Người đến sau tôi nhưng xuất hiện trước tôi, vì Người có trước tôi”. 16 Chính do sự sung mãn Người mà chúng ta hết thảy tiếp nhận ơn này tới ơn khác. 17 Bởi vì Chúa ban lề luật qua Môisen, nhưng ơn thánh và chân lý thì ban qua Đức Giêsu Kitô. 18 Không ai nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng chính Con Một Chúa, Đấng ngự trong Chúa Cha sẽ mạc khải cho chúng ta.
Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)
A- Phân tích (Hạt giống...)
Các chuyên viên Thánh Kinh đã gọi đoạn này là quyển Phúc Âm Thứ Tư tóm lược vì chứa đựng dưới dạng súc tích tất cả những chủ đề chính của tác phẩm như: Chúa Giêsu là Lời, Sự Sống, Sự Sáng, Làm chứng, Sự thật...
1. Chúa Giêsu là “Lời” của Thiên Chúa, tiền hữu và hằng hữu (c 1-2)
2. Ngài là Đấng Tạo hóa (c 3a)
3. Ngài là sự sống và sự sáng (cc 3b-5)
4. Gioan Tiền Hô là người làm chứng cho Chúa Giêsu (c 6-8)
5. Chúa Giêsu là sự thật (c 9)
6. Ngài đến ở giữa thế gian và thế gian đã nhờ Ngài mà có. Nhưng thế gian đã không nhận Ngài (c 10-18)
B- Suy gẫm (... nẩy mầm)
1. ”Lời đã trở thành nhục thể”. Trong những thế kỷ đầu, có những lạc thuyết không chấp nhận việc Thiên Chúa Nhập Thể vì cho rằng thể xác là xấu xa không đáng cho Thiên Chúa nhập vào. Nhưng Con Thiên Chúa đã thực sự Nhập Thể, chứng tỏ thân xác chúng ta không xấu xa, chứng tỏ lòng Ngài quá thương chúng ta, và còn cho biết từ nay Thiên Chúa muốn gặp gỡ chúng ta qua thực tại nhân tính với tất cả những yếu đuối hèn hạ của nó. Hệ luận của Mầu Nhiệm Nhập Thể này là từ nay ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa khi gặp gỡ con người, ta có thể yêu mến Thiên Chúa khi yêu mến con người...
2. ”Ánh sáng chiếu trong bóng tối và bóng tối đã không tiêu diệt được ánh sáng”: Nói một cách triết lý, Tối chỉ là thiếu Sáng, cho nên khi nào Sáng đến thì Tối phải tan. Chỉ một ngọn nến nhỏ được đưa vào một gian phòng mênh mông cũng đủ đuổi bóng tối ra khỏi gian phòng. Suy rộng ra, Ác chỉ là thiếu Thiện, cho nên Ác không thể nào thắng Thiện, ngược lại Thiện thắng Ác là điều tất yếu. Ngôi Hai đã nhập thế và nhập thể, ai đón nhận Ngài vào lòng mình thì chắc chắn sẽ đẩy lùi bóng tối và sự ác khỏi lòng mình. Bởi thế, trong quyển sách “Bước qua ngưỡng cửa hy vọng,” Đức Gioan Phaolô II luôn lặp đi lặp lại lời kêu gọi đầy lạc quan: “Đừng sợ. Hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô”.
3. Một đêm kia, trên một đường phố vắng vẻ, Bóng Tối ngồi co ro, buồn bã. Từ một xó nọ loé lên một Tia Sáng, rất nhỏ và rất yếu, nhưng là một tia sáng, phát ra từ một cây nến nhỏ mà ai đó đã cắm ở đấy. Một người khách đi qua nhìn thấy cây nến nhỏ và nói:
- Sao mi lại chiếu sáng trong cái xó kẹt này ? Thiếu gì chỗ khác, mi đến đó mà chiếu sáng thì sẽ hữu ích hơn nhiều.
- Tại sao hả, cây nến trả lời. Tôi chiếu sáng bởi vì tôi là cây nến. Tôi có chiếu sáng thì tôi mới là cây nến. Vả lại tôi chiếu sáng đâu phải chỉ để cho người ta thấy mà còn để cho tôi vui, vui vì được làm Tia sáng, vui vì được chiếu sáng.
Bóng Tối nghe thế rất bực bội. Nó nhào tới phủ lên Tia sáng mong làm cho Tia sáng bị tắt. Nhưng chẳng những Tia sáng không tắt, trái lại Bóng Tối còn bị rách nát ra. (Willi Hoffsuemmer)
Câu chuyện
Một vị quan lớn mở tiệc mời nhiều người đến dự. Tất cả các người được mời đều ăn mặc sang trọng và dùng xe đi đến. Trong số ấy có một người khách già. Rủi thay vì già yếu nên ông cụ này khi xuống xe đã trượt chân té vào vũng nước bùn. Những khách khác thấy vậy cười nhạo ông. Xấu hổ và cảm thấy mình không xứng đáng, ông quyết định quay về. Gia nhân nài nỉ đến mấy ông cũng không chịu ở lại dự tiệc.Khi đó vị quan chủ tiệc bước ra sân, đi tới chỗ vũng nước đó, rồi cũng cố tình té ngã vào vũng nước. Thế là quần áo của ông quan cũng dơ dáy y như cụ già kia. Mọi người chung quanh chẳng ai dám cười nhạo nữa. Sau đó vị quan lớn cầm tay ông cụ đưa vào phòng tiệc. Ông cụ chẳng còn lý do nào để chối từ nữa (Góp nhặt).
Việc làm của vị quan lớn ấy thật không ai ngờ, nó giúp ta hiểu được phần nào sự bất ngờ đến kinh ngạc của việc Con Thiên Chúa nhập thể làm người.
Suy niệm (Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)
“Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1,14). Ngôi Lời là dấu chỉ tình thương của Thiên Chúa như Thánh Gioan đã nói: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà chúng ta được sống” (1 Ga 4,9). Điều mà ngôn sứ Isaia đã loan báo về Ngài, một tình yêu và quà tặng vĩ đại được Thiên Chúa ban tặng cho nhân loại: “Bởi lẽ một Hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, và một người con đã được ban tặng chúng ta” (Is 9,6). Chính Hài nhi này sẽ làm cho đầy lời hứa của Thiên Chúa cho nhân loại, lời hứa đó bắt đầu có từ thời nguyên tổ Ađam - Eva phạm tội bất tuân và hậu quả là nhân loại phải đau khổ và phải chết (x. St 3,1-19). Lời hứa sẽ cứu nhân loại được sống và trở về với đời sống ân sủng ban đầu bằng miêu duệ của người phụ nữ, nhưng miêu duệ đó đến từ Thiên Chúa và hơn nữa lại là Con Yêu Dấu của Ngài: “Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1,1).
Thiên Chúa nhập thể làm người nơi cung lòng của Đức Maria, tên Ngài là Giêsu như thiên sứ báo cho Giuse và Maria trước đó và chỗ Ngài được sinh ra tại máng cỏ bò lừa Bêlem như Tin Mừng ghi nhận (x. Mt 2,1; Lc 2,2-4).Vĩ đại hơn, sự kiện Thiên Chúa nhập thể - một sự sáng tạo mới vì: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm”. Ngài đã trở nên xác thịt và cũng mang nhịp đập của trái tim nhân loại như thánh François Sale nói “Ngài là Vị Thiên Chúa có trái tim nhân loại”. Nơi Ngài, sự sống mới xuất hiện cho sự tác thành nhân loại mới: “Điều được tạo thành ở nơi Người là sự sống và sự sống là ánh sáng cho nhân loại”.Nhưng, “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Thế giới từ chối Ngài, trong khi Ngài là vị vua của bình an (Is 9,5-7) thì nhân loại lại phát động chiến tranh, Ngài là tình yêu thương cầu nối giữa mọi người và các dân tộc nhưng tha nhân lại luôn gieo sự hận thù, chia rẽ… người ta lại chạy theo vật chất và những ảo vọng hạnh phúc phù du, đón tất cả những gì đem lại cho họ tiền tài danh vọng… họ đang từ chối Thiên Chúa.
Đấng Cứu Thế đang được sinh ra, “Ngài ở giữa chúng ta”, và như Gioan đã nói rõ: “Những ai đón nhận, tức là những ai tin vào danh Người thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12).
Cho nên, mầu nhiệm Nhập Thể không chỉ là Thiên Chúa làm người. Nhưng còn là chính con người được ơn trở về trong cung lòng Thiên Chúa, vốn đã bị xa lìa bởi tội nguyên tổ. Với sự kiện Ngôi Lời nhập thể, chúng ta trở về với tình thương bao la của Thiên Chúa như Thánh Phaolô đã chia sẻ: “Ân sủng của Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta, đã xuất hiện cho mọi người” (Tt 2,11). Vì thế, văn sĩ Origène đã nói đến sự nên thánh của con người qua Ngôi Lời nhập thể: “Khi đi vào trong nhân loại, Người đã xây dựng sự hiệp thông với tất cả thụ tạo. Người mang sự Thánh đến cho tất cả”. Thiên Chúa làm người chia sẻ với cuộc sống con người và thông truyền cho con người có được khả năng tham dự và chia sẻ cuộc sống Ngôi Lời trong Ba Ngôi, như chính đời sống Thiên Chúa.
Hãy đón nhận Hài nhi Giêsu vì như Gioan đã tuyên tín: “Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1,16).
Ý lực sống
“Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại; sự sáng chiếu soi trong u tối” (Ga 1,4-5).
bài liên quan mới nhất
- Chúa nhật 33 Thường niên năm B - Ngày hạnh phúc hay đau khổ (Mc 13,24-32)
-
Thứ Bảy tuần 32 Thường niên năm II - Tín thác (Lc 18,1-8) -
Thứ Sáu tuần 32 Thường niên năm II - Hy sinh (Lc 17,26-37) -
Thứ Năm tuần 32 Thường niên năm II - Triều đại Thiên Chúa (Lc 17,20-25) -
Thứ Tư tuần 32 Thường niên năm II - Tạ ơn (Lc 17,11-19) -
Thứ Ba tuần 32 Thường niên năm II - Bổn phận (Lc 17,7-10) -
Thứ Ba tuần 32 Thường niên năm I - Bổn phận (Lc 17,7-10) -
Thứ Hai tuần 32 Thường niên năm II (Lc 17,1-6) -
Chúa nhật 32 Thường niên năm B - Tâm tình dâng hiến của bà góa nghèo (Mc 12,38-44) -
Thứ Bảy tuần 31 Thường niên năm II - Trung tín (Lc 16,9-15)
bài liên quan đọc nhiều
- Chúa nhật 4 mùa Chay năm C - Trở về (Lc 15,1-3.11-32)
-
Ngày 08/09: Sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria (Mt 1,1-16.18-23) -
Lễ thánh nữ Têrêsa hài đồng Giêsu -
Chúa nhật 22 Thường niên năm A (Mt 16,21-27) -
Ngày 29/09: Các Tổng lãnh Thiên thần (Ga 1,47-51) -
Chúa nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống - Đức Chúa Thánh Thần, Đấng ban sự sống (Ga 14,15-16.23b-26) -
Ngày 01/11: Lễ Các Thánh Nam Nữ - Phúc thật (Mt 5,1-12a) -
Ngày 22/07: Thánh nữ Maria Magđalêna, lễ kính (Ga 20,1-2.11-18) -
Ngày 21/09: Thánh Mát-thêu, tông đồ, tác giả Tin mừng (Mt 9,9-13) -
Chúa nhật 6 Phục sinh năm B (Ga 15,9-17) - Bạn hữu của Thầy