Thấp cao cao thấp
Hòa mình với trào lưu thế giới trong việc làm giàu, Việt Nam ta cũng đang chú ý và phát động đến một nền công nghệ không khói, là “dịch vụ du lịch”.
Bởi vậy, trong những thời gian gần đây, khách ngoại kiều đến Việt Nam khá đông. Nhất là nơi những thành phố lớn hoặc thành phố biển.
Chiều hôm thứ bảy vừa rồi, sau giờ họp ở Tòa Giám mục Sài Gòn, tôi thả bộ dọc theo đường phố, có một đôi vợ chồng (tôi đoán thế) đi trước mặt làm tôi chú ý.
Chồng là một chàng Mỹ đen cao lớn.
Vợ là một cô gái Việt trắng trẻo, nhỏ nhắn, dễ thương.
Điều làm tôi chú ý hơn cả, là đôi giày rất đẹp và rất cao của cô gái. Cái đế có lẽ tới một tấc, nên cô bước đi rất cẩn thận, sợ ngã, và mỗi khi nói chuyện, cô thường ngước mặt lên.
Một ý tưởng đến với tôi:
Sao lại phải đi giày cao? Sao lại phải ngước mặt?...
Người con gái ấy phải đi giày cao vì muốn mình đẹp hơn, nghĩa là muốn rút ngắn cái khoảng cách với chồng. Cố gắng nên hoàn thiện hơn.
Người con gái ngước mặt lên, là muốn gần chồng hơn, để có thể ngang tầm với nhau.
Thế đó, bước vào hôn nhân là để tìm gặp hạnh phúc. Bởi đó, mọi người phải cố gắng loại bỏ những yếu kém của mình. Phận người, ai cũng đầy những thiếu sót, cho nên, vì yêu, vì người yêu, mình phải cố gắng phát triển, để xứng đáng với người bạn trăm năm của mình.
Mình phải biết can đảm, nhận ra những thiếu sót ấy, để làm được điều này, mình phải biết khiêm tốn, dám chấp nhận sự thật.
Vì bước vào hôn nhân, là phải sống chung với người khác. Mà mỗi người là một khác biệt rất lớn, cho nên muốn có hạnh phúc, người ta phải chấp nhận đánh mất chính mình, để có thể hòa hợp với người kia. Và trong cái “đánh mất chính mình”, thì việc bỏ ý riêng mình, là một việc vô cùng hệ trọng.
Tôi biết, đi đôi giày đế cao ấy, có lẽ cô gái rất mỏi chân, khổ sở và rắc rối. Nhưng biết sao được, vì muốn đẹp hơn, muốn hoàn thiện hơn, nên phải chấp nhận khổ đau.
Trước đây, mình vụng về lắm, trong việc nội trợ cơm nước, bây giờ muốn gia đình an vui, mình phải cố gắng học hỏi, tìm tòi.
Trước đây, mình rất bê bối, rất luộm thuộm trong ăn mặc, nhà cửa để bề bộn lôi thôi; bây giờ, phải cố gắng thu xếp, cho gia đình được trật tự ngăn nắp.
Trước đây, mình rất cộc cằn, chanh chua trong lời ăn tiếng nói; bây giờ, xin người hãy cố gắng mềm mỏng dịu dàng.
Trước đây, mình quen ăn xài phung phí, tiền bạc mẹ cha, bao nhiêu cũng hết; bây giờ, vì tương lai con cái, vì những bất ngờ sẽ ập đến trong tương lai, xin người hãy cố tiết kiệm lại, dành dụm nhiều hơn.
Trước đây, người rất thấp kém trong đời sống đạo đức, luôn biếng trễ trong các giờ kinh lễ; bây giờ, trở thành gương mẫu cho chồng, cho con, nên xin người hãy cố gắng vượt qua sự lười biếng, bê trễ ấy, để trở thành một người vợ đạo đức, một người mẹ tốt lành.
Rồi hai người cứ bước đi, đi về phía siêu thị. Họ lại nói chuyện với nhau. Và cứ mỗi lần người đàn ông nói, thì lại cúi xuống, trong khi người phụ nữ lại ngước lên.
Thế đấy, để có thể gặp gỡ, người ta phải biết cúi xuống để lắng nghe..
Lắng nghe ước muốn của nhau, ý định của nhau, lắng nghe góp ý của nhau. Sự lắng nghe ấy, vừa tỏ lộ sự quan trọng, vừa biểu lộ sự quan tâm.
Lắng nghe để biết tâm lý mà đối xử, để hiểu rõ hơn về “nửa đời” của mình.
Sự lắng nghe trong đời hôn nhân là một điều vô cùng quan trọng. Hầu hết những đổ vỡ, những xích mích, đều là do hiểu lầm, hoặc không hiểu tâm lý của nhau.
Người đàn ông phải bỏ đi cái kiểu độc tài phát xít, cho vợ chỉ là “cái thứ đàn bà”, không bao giờ cho vợ góp ý, không bao giờ thèm để ý đến ý kiến của vợ.
Dù thế nào, hai người cũng vẫn còn là hai con người. Mỗi người là một độc đáo, với một thế giới riêng tư lạ lùng. Không lắng nghe, ta không thể nào khám phá ra được, cái kỳ diệu của thế giới riêng tư ấy.
Biết lắng nghe, ta sẽ có nhiều cơ hội, để làm giàu thêm những yếu tố cần thiết trong mọi việc mình phải quyết định.
Khi biết lắng nghe, sẽ tạo được sự thông cảm cần thiết cho cả hai. Và khi đã biết thông cảm với nhau, ta sẽ tránh bỏ được những tức tối, đụng độ gây nguy hiểm cho sự hạnh phúc của gia đình..
Rồi bỗng nhiên, sau nụ cười khanh khách của cả hai người, tôi thấy họ vắt tay qua lưng nhau, họ ôm eo ếch nhau bước đi.
Thế đấy, tình yêu hôn nhân là thế, hai người đỡ nâng nhau, để dìu nhau vào đời. Có thể nó sẽ hơi vướng trở để bước đi, nhưng chắc chắn một điều, sẽ thấy ấm áp hơn, an toàn hơn, và bước đi sẽ không cô đơn, bởi có điểm tựa cuộc đời.
bài liên quan mới nhất
- Những câu chuyện vui của ĐHY Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn kể nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập giáo phận Mỹ Tho
-
Lạc quan...! -
Chuyện nhỏ! -
5 điều bất ngờ về nụ cười -
Truyện ngắn: Đồng cảm -
Các Giáo Hoàng cũng dí dỏm -
Truyện vui, suy niệm mỗi ngày -
Truyện vui, suy niệm mỗi ngày -
Truyện vui, suy niệm mỗi ngày -
Truyện vui, suy niệm mỗi ngày