Thánh Thể làm nên Giáo hội

Thánh Thể làm nên Giáo hội

Dẫn nhập

Khi bàn về vai trò và mối tương quan giữa Thánh Thể và Giáo hội, Công đồng Vaticanô II và Giáo Lý Hội thánh Công giáo đã xác định rõ Thánh Thể là “nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu”[1]; “Bí tích Thánh Thể là biểu thị và biểu hiện chính thực chất của Hội thánh là hiệp thông đời sống với Thiên Chúa và hiệp nhất với dân Thiên Chúa”[2].Thánh Thể không tách rời khỏi Giáo hội và Giáo hội cũng không thể tồn tại nếu không có Thánh Thể.

Trước khi tìm hiểu sâu xa mối tương quan giữa Thánh Thể và Giáo hội, chúng ta nên tìm hiểu sơ qua khái niệm về Thánh Thể và Giáo hội, đồng thời tìm lại lịch sử xem từ thời sơ khai Giáo hội đã cử hành Bí tích Thánh Thể như thế nào; và cuối cùng chúng ta nêu ra một trong những quan niệm rộng rãi nhất về Thánh Thể có khả năng diễn tả tất cả vẻ phong phú mà Giáo hội đã nhận thấy nơi Thánh Thể, đó là quan niệm được cha Henri de Lubac tóm tắt trong cái được gọi là thần học của các Giáo phụ về Thánh Thể: Thánh Thể làm nên Giáo hội[3].

1 Khái niệm

a. Về Thánh Thể

“Trong bữa tiệc sau hết, vào đêm bị nộp Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã thiết lập hy tế tạ ơn bằng Mình và Máu Người, để nhờ đó, hy tế khổ giá kéo dài qua các thời đại cho tới khi Người lại đến và cũng ủy thác cho Hiền thê yêu quý của Người là Hội thánh tưởng nhớ sự chết và Phục sinh của Người. Đây là Bí tích tình yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái, bữa tiệc Vượt qua. Trong tiệc này, chúng ta nhận được Chúa Kitô làm của ăn, được tràn đầy ân sủng và được bảo đảm vinh quang tương lai” (SC số 47).

Để diễn tả về Bí tích Thánh Thể, Giáo hội có nhiều hình ảnh khác nhau như Lễ tạ ơn, vì đây chính là việc tạ ơn Thiên Chúa;[4] bữa ăn của Chúa, vì Hội thánh tưởng niệm bữa tiệc ly Chúa cùng ăn với các môn đệ tối hôm Người chịu khổ nạn, bữa ăn này cũng nói lên sự tiền dự vào bữa “tiệc cưới con chiên” tại Giêrusalem trên trời[5]; Lễ bẻ bánh, vì nhắc lại việc Đức Giêsu đã làm trong bữa tiệc ly[6], Người đã làm một nghi thức đặc thù của người Dothái để chúc tụng Thiên Chúa và chia bánh như người chủ tiệc thường làm[7]; thánh Phaolô còn gọi Bí tích Thánh Thể là Đồng bàn vì được cử hành trong cộng đoàn tín hữu. Cộng đoàn Thánh Thể là hình ảnh hữu hình của Hội thánh.[8] Bí tích Thánh Thể còn được gọi bằng nhiều từ khác nữa như: cuộc tưởng niệm việc Đức Giêsu chịu chết và sống lại, Hy tế thánh, Hy tế thánh lễ, Hy tế ca ngợi, Hy tế thiêng liêng, Hy tế tinh tuyền và thánh thiện, Bí tích hiệp thông, sự thánh, bánh các thiên thần, bánh bởi trời, thuốc trường sinh, của ăn đàng[9].

Trong tông thư "Mane Nobiscum Domine", Đức thánh cha Gioan Phaolô II còn cho chúng ta những lối nhìn đặc biệt về bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh Thể là: Mầu nhiệm ánh sáng,[10] là nguồn mạch và biểu lộ tình hiệp thông, [11] là nguyên lý và là sự dự phóng của sứ vụ.[12]

Qua những tên gọi trên, chúng ta thấy Bí tích Thánh Thể vô cùng phong phú, và có muôn vàn cách diễn tả khác nhau, mỗi cách nêu lên một khiá cạnh của mầu nhiệm. Ở đây chúng ta không làn một khảo cứu đầy đủ về Bí tích Thánh Thể, nhưng chỉ đưa ra một khái niệm chung, đặc biệt nhằm tìm ra mối tương quan mật thiết giữa Thánh Thể và Giáo hội. Trong câu nói: “Thánh Thể làm nên Giáo hội”, chúng ta phải hiểu Thánh Thể ở đây theo nghĩa nào? Có lẽ chữ “Thánh Thể” phải hiểu theo nghĩa rộng nhất: Thánh Thể là sự tập họp các tín hữu để cử hành Thánh lễ, để lắng nghe Lời Chúa, lấy Lời Chúa soi sáng cuộc sống của mình, múc lấy trong Lời Chúa những nghị lực để cảm tạ Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần, vì những gì Đức Giêsu đã làm cho họ. Trong thánh lễ, họ kết hiệp với Đức Giêsu, rồi được sai đi vào giữa lòng nhân loại gieo rắc Tin mừng, xây dựng xã hội đầy ắp tình thương, công lý và hoà bình, tự do và hạnh phúc… Theo nghĩ a này, Thánh Thể chỉ làm nên Giáo hội thực sự trong chiều kích Thánh Thể được cử hành trong bầu khí bác ái của Giáo hội. Vì Thánh Thể làm nên sự hiệp nhất và do đó, bác ái phải trở nên động cơ của đời sống Giáo hội. Thánh Thể qui tụ lại những ai tham dự vào Thân Mình của Đức Giêsu như những chi thể của một thân thể[13].

Từ khái niệm về Thánh Thể, chúng ta tiếp tục tìm hiểu khái niệm

b. Về Giáo hội

Giáo hội là gì? Chúng ta có một loạt hình ảnh khác nhau nói về Hội thánh là “dân Thiên Chúa”, [14]là “chuồng chiên” mà Đức Giêsu là cửa vào duy nhất,[15] là đàn chiên mà chính Thiên Chúa tiên báo Ngươi là Mục tử, [16]và trong thời Tân ước, Người mục tử đó không ai khác là chính Đức Giêsu, Người đã dẫn dắt và nuôi dưỡng,[17] thí mạng mình vì đoàn chiên.[18]

Hội thánh cũng được gọi là “toà nhà của Thiên Chúa”,[19] là “lều tạm của Thiên Chúa giữa loài người”, [20]là Giêrusalem trên trời, là mẹ chúng ta, [21]là hiền thê tinh tuyền không tỳ ố.[22]

Nếu như Thánh Thể được diễn tả bằng nhiều hình ảnh khác nhau thì Giáo hội cũng được diễn tả bằng nhiều biểu tượng không kém phần phong phú như thế! Tuy nhiên, để cô đọng cũng như đối chiếu mối tương quan giữa Thánh Thể và Giáo hội, chúng ta tìm về nghĩa tầm nguyên của từ Giáo hội.

Chúng ta dùng từ Giáo hội để dịch từ Ekklèsia của Hy Lạp.[23] Thuật ngữ này dùng để chỉ những cuộc tập họp dân chúng thường có tính tôn giáo.[24]Trong bản Cựu ước bằng tiếng Hy Lạp, thuật ngữ này thường được sử dụng để chỉ cuộc tập họp của “dân được tuyển chọn” trước mặt Đức Chúa, nhất là trong cuộc tập họp ở núi Sinai. Khi dân lãnh lề luật và được Đức Chúa thiết lập làm dân thánh của Người. [25]Từ ý nghĩa này, Hội thánh hay Giáo hội thời Tân ước đã được các tín hữu tiên khởi nhìn nhận như là việc kế thừa cộng đoàn dân Chúa trong Cựu ước. Trong cộng đoàn mới này, Thiên Chúa tập họp “dân của Người từ khắp mặt đất”.[26]

Trong ngôn ngữ Kitô giáo, thuật ngữ “Hội thánh” chỉ cộng đoàn phụng vụ.[27] Từ này có ý chỉ các cộng đoàn địa phương, [28]đặc biệt là Sách Công vụ tông đồ dùng để chỉ công đoàn ở Giêrusalem, Giáo hội là mẹ;[29] vừa có ý nghĩa cộng đoàn phổ quát, bao gồm tất cả các Giáo hội trên hoàn vũ tin vào Đức Giêsu Kitô. [30]Thực ra, ba nghĩa này không thể tách rời nhau. Hội thánh là dân được Thiên Chúa quy tụ từ khắp cả hoàn cầu. Hội thánh hiện diện trong những cộng đoàn địa phương và thể hiện như một cộng đoàn phụng vụ, đặc biệt là cộng đoàn Thánh Thể. Hội thánh sống nhờ Lời và Mình Thánh Chúa Kitô, và nhờ đó, Hội thánh trở thành thân thể Chúa Kitô.[31]

Hội thánh vừa là thiêng liêng, vừa hiện diện một cách hữu hình. Có thể nói không cuộc hội họp nào của Hội thánh mà không để cử hành Thánh Thể, hay nói một cách khác, nếu không cử hành Thánh Thể thì không có Hội thánh đích thực, và Hội thánh không được biểu hiện cách cụ thể khả giác. Để hiểu được điều này, chúng ta tìm hiểu xem từ thời sơ khai Hội thánh đã tập họp để cử hành Thánh Thể như thế nào.

2. Hội thánh sơ khai với việc cử hành Thánh Thể

Chứng tích cổ nhất về Giáo hội thời sơ khai tập họp để cử hành Thánh Thể là những lời mô tả trong sách Đidakhê (XIV, 1-2): “Tập họp nhau vào ngày của Chúa, anh em hãy bẻ bánh và tạ ơn sau khi đã xưng thú các tội lỗi, ngõ hầu hy lễ của anh em được tinh tuyền. Ai nuôi hiềm thù với người thân cận thì không được kết hợp với anh em bao lâu chưa nhận được hòa giải, ngõ hầu hy lễ của anh em không trở nên ô uế”.[32]

Bản văn không nói đến địa điểm tập họp nhưng cho biết thời gian là “ngày của Chúa”, ngày kính nhớ Chúa sống lại. Các tín hữu họp vào lúc tinh sương như lời tổng trấn Philatô đã phúc trình lên hoàng đế Trajanus.[33]

Vào giữa thế Kỷ II, thánh Giustinô (I Apologia, c.67) tường thuật khá chi tiết diễn tiến buổi cử hành Thánh Thể:

“Vào ngày gọi là ngày mặt trời, tất cả mọi người dù là ở thành thị hay thôn quê, cũng đề tụ họp về một nơi. Tại đây người ta đọc các bút ký các tông đồ vá các sách ngôn sứ. Sau khi đọc xong, vị chủ sự lên tiếng nhắn nhủ và khuyến khích mọi người sống theo các giáo huấn và gương lành tốt đẹp này. Sau đó, chúng tôi đứng dậy dâng lời cầu nguyện lên Chúa (…). Sau lời cầu nguyện, chúng tôi hôn và chúc bình an cho nhau. Tiếp đến một tín hữu mang bánh và một chén rượu có pha nước đến cho vị chủ sự. Vị chủ sự cầm lấy bánh rượu nhân danh Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dâng lời tán tụng và tôn vinh Chúa Cha là Chúa tể càn khôn (…). Sau khi vị chủ sự hoàn tất nghi thức tạ ơn và toàn dân thưa Amen, các vị mà chúng tôi gọi là phó tế phân phát bánh và rượu có pha nước “đã trở thành Thánh Thể” cho mọi người hiện diện hưởng dùng và đem về cho người vắng mặt”.[34]

Qua trình thuật của thánh Gustinô, chúng ta thấy diễn tiến của buổi cử hành Thánh Thể của Hội thánh thời sơ khai căn bản giống Thánh lễ chúng ta cử hành ngày nay. Dù trải qua bao nhiêu thời gian và nghi thức phụng vụ khác nhau, Giáo hội vẫn chu toàn mệnh lệnh của Đức Giêsu trong đêm trước khi Người chịu khổ nạn: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1Cr 11, 24-25).

Sách Công vụ tông đồ cũng cho chúng ta thấy Giáo hội tiên khởi chuyên cần hội họp bẻ bánh. [35] Chính việc Bẻ bánh và chuyên cần này đã xây dựng Hội thánh tiên khởi. Như vậy, ngay từ đầu, việc cử hành Thánh Thể đã đi vào trọng tâm việc phụng vụ của Giáo hội. Khi cử hành Bí tích này, biến cố Đức Giêsu chịu chết và phục sinh lại được hiện tại hoá, mầu nhiệm Vượt qua của Đức Giêsu đã là nền tảng cho sự hiện hữu của Giáo hội, Giáo hội trước hết là “Giáo hội phục sinh”, Giáo hội là cộng đoàn quy tụ, Giáo hội là cử hành Thánh Thể, Giáo hội là Agapê, là đức ái… trong những ý ngĩa này, chúng ta rút ra mối tương quan khắng khít giữa Thánh Thể và Giáo hội:

3. Thánh Thể làm nên Giáo hội

Thánh lễ có nhiều ý nghĩa, nhưng điều hiển nhiên nhất, thánh lễ là một cuộc hội họp của dân Chúa.[36] Theo nghĩa này, đích thật “Thánh Thể làm nên Giáo hội”, vì Giáo hội chính là sự tụ họp Dân Chúa.

Thánh Cyprianô nhấn mạnh chiều kích Hội thánh của Thánh Thể: Bánh và rượu không những là biểu tượng của Mình và Máu thánh Đức Giêsu, mà còn là biểu tượng của Hội thánh. Nhờ kết hiệp với Đức Giêsu, các tín hữu được liên kết thành một thân thể, giống như một tấm bánh từ nhiều hạt lúa và một chén rượu từ nhiều trái nho.[37]

Thánh Augustinô cũng quan niệm Hội thánh là thân thể Đức Giêsu. Do đó, tuy vẫn tin rằng Bánh và Rượu thánh thực sự là Mình và Máu Đức Giêsu, nhưng thánh nhân muốn các tín hữu chú trọng đến sự hiện diện của Đức Giêsu nơi các chi thể của Người, nhằm cổ võ tinh thần đoàn kết, yêu thương như là điều kiện cử hành thánh lễ và như công hiệu của Bí tích.[38]

Như vậy, đặc điểm chung của Thánh Thể và Giáo hội là sự quy tụ, hiệp thông, và đức ái. Việc tập họp cử hành bẻ bánh và tạ ơn đã trở thành điều ưu tiên của Giáo hội. Như thế, Giáo hội “duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền” biểu lộ căn tính của mình không ở đâu rõ nét cho bằng lúc cử hành Thánh Thể hay tạ ơn.[39]

Như chúng ta đã nói ở trên, Chúa nhật là ngày Giáo hội tụ họp để cử hành Thánh Thể, và như vậy, Thánh Thể giữ vị trí trung tâm của ngày này, và Thánh Thể cũng chính là trung tâm cho cộng đoàn cử hành biến cố Vượt Qua của Đức Giêsu. Là Kitô hữu, tức là chúng ta thuộc về Giáo hội, và thuộc về Giáo hội có nghĩa là tham dự vào ngày cử hành Chúa sống lại để Bẻ bánh và Tạ ơn. Như vậy, việc chúng ta thuộc về Giáo hội được thể hiện qua việc chúng ta tham dự vào cộng đoàn cử hành Thánh Thể. Trong ý nghĩa này, chúng ta lại thấy rõ hơn một chút “Thánh Thể làm nên Giáo hội”.

Thánh Thể làm nên Giáo hội còn chính là việc Giáo hội xây dựng nhiệm thể Giáo hội và làm cho Dân Kitô được tăng trưởng. Sống Thánh Thể là sống sự hiệp thông trong Giáo hội và Giáo hội như là hồng ân Thiên Chúa.[40] Giáo hội là chi thể, là nhiệm thể, có Đức Giêsu là đầu, do vậy, chúng ta không thể thuộc về Đức Kitô nếu không thuộc về Giáo hội. Như vậy, sẽ thực sự là mâu thuẫn khi tách Đức Giêsu ra khỏi nhiệm thể của Người là Giáo hội. Hay nói cách khác, Thánh Thể làm nên Giáo hội được hiểu theo nghĩa rộng.

Thánh Augustinô trong bài giảng 272, đã trình bày một cách tuyệt vời về mối tương quan giữa thân thể Đức Giêsu mà chúng ta nhận lãnh một cách bí tích và thân thể Giáo hội của Chúa Kitô mà chúng ta trở thành khi hiệp lễ:

“Bạn muốn hiểu thân thể Chúa Kitô là gì không? Bạn hãy nghe thánh công đồng nói với các tín hữu: “Anh chị em là thân thể Chúa Kitô, và là các chi thể của Người” (1 Cr 12,27). Vậy nếu anh chị em là thân thể của Chúa Kitô và là chi thể của Người thì chính mầu nhiệm của anh chị em đang nghự trị trên bàn tiệc của Chúa. Anh chị em lãnh nhận mầu nhiệm của mình. Anh chị em thưa Amen để đáp lại lời nói của bản thân anh chị em, và lời đáp này nói lên sự chấp nhận của anh chị em. Bạn nghe nói: “Mình Thánh Chúa Kitô” và bạn hãy là chi thể của Chúa Kitô, để lời thưa Amen của bạn là chân thật”. [41]

Như vậy, Thánh Thể làm nên thân thể Chúa Kitô tức là làm nên Giáo hội. Hơn nữa, Thánh Thể còn là thần lương nuôi dưỡng Giáo hội, làm cho Giáo hội viên thành mãi. Các Giáo phụ diễn tả điều này với tư tưởng: Thánh Thể là sự cứu rỗi của Giáo hội và là sự hiệp nhất của Giáo hội. Qua bí tích Thánh Thể mọi tín hữu không những được hiệp nhất với Thiên Chúa mà còn được nên một với nhau trong Hội thánh của Người.

Thánh Thể nuôi dưỡng đức ái của Giáo hội, bởi chính Thánh Thể là một bài học yêu thương tuyệt hảo nhất, yêu thương đến tột cùng, trao ban đến tận cùng.

Nhờ tham dự việc cử hành Thánh Thể, cộng đoàn tín hữu trở thành một thực thể sống động, hiệp thông, liên kết trong đức ái, làm nên một thân thể mầu nhiệm có Đức Giêsu là đầu. Đó chính là Giáo hội của Đức Giêsu, Giáo hội được khai sinh từ ngày lễ Ngũ tuần, được khai sinh từ bàn tiệc Thánh Thể. “Thánh Thể làm nên Giáo hội” là như thế. Lời kinh tạ ơn III, một lần nữa cho chúng ta thêm phần xác tín: “Và khi chúng con được Mình và Máu Con Cha bổ dưỡng, được đầy tràn Thánh Thần của Người, xin cho chúng con trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Giêsu”.

Kết luận

“Thánh Thể làm nên Giáo hội” đó là tư tưởng của các giáo phụ diễn tả mối tương quan giữa Thánh Thể và Giáo hội. Chúng ta tóm kết những điểm chính của các giáo phụ về vấn đề này.[42]

- Thánh Thể là bí tích của sự hiệp nhất của Hội thánh, sự thông hiệp Thánh Thể và sự thông hiệp Hội thánh gắn liền với nhau: những ai không thông hiệp với Hội thánh, thì cũng không được chấp nhận thông hiệp phụng vụ Thánh Thể.

- Thánh Thể là Bí tích của Mình và Máu Đức Giêsu được ban làm lương thực nuôi dưỡng các tín hữu.

- Thánh Thể là hy tế duy nhất của Hội thánh, cùng với Đức Giêsu, Hội thánh dâng chính bản thân lên Thiên Chúa.

- Bánh và rượu được biến đổi thành Mình và Máu Đức Giêsu, sự biến đổi này do tác động của Chúa Thánh Thần; Chúa Thánh Thần giúp chúng ta mở mắt đức tin để nhận ra sự hiện diện của Đức Giêsu, đón nhận Đức Giêsu bằng lòng mến, nhờ đó, chúng ta gắn bó với Đức Giêsu và chi thể của Người là Hội thánh.

Nói chung, truyền thống thần học Tây phương (La Tinh) về Thánh Thể đã nhìn nhận Thánh Thể như là phần trung tâm, thánh thiện nhất của toàn bộ đời sống Giáo hội: Giáo hội phổ quát cũng như Giáo hội địa phương và đối với từng tín hữu.[43]

Truyền thống Đông phương[44] cũng đồng ý với thần học Tây phương, nhưng nhấn mạnh Thánh Thể như là biến cố của cuộc hiện xuống, và Thánh Thể mang tính vũ hoàn. và cộng đoàn Thánh Thể chính là thân thể của Đức Giêsu tuyệt hảo nhất.

Để kết luận, chúng ta mượn những dòng suy tư của thánh Phaolô về Thánh Thể và Giáo hội:

“Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Giêsu ư ? Và khi ta cùng bẻ bánh, đó chẳng là dự phần vào thân thể Người sao ? Bởi vì chỉ có một tấm bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một tấm bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1Cr 10,17-19).

Quốc Văn, OP.

----------------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Sách lễ Rôma.

2. Thánh Công đồng chung Vaticanô II.

3. Giáo lý Hội thánh Công giáo 1997.

4. Gm. Phaolô Bùi Văn Đọc, Lm. Giuse Võ Đức Minh,

Thiên Chúa Ba Ngôi, Bí Tích Thánh Thể. Nxb Tôn Giáo, Hà Nội 1999.

5. Phan Tấn Thành,Về nguồn, Chân Lý xuất bản, 2000,tập 3-4.

6. Một số tập giáo trình môn phụng vụ.

7. Giáo trình huấn luyện phụng vu: Thánh lễ, tập quay rônêô, không rõ tác giả.

8. Tông thư "Mane Nobiscum Domine", của Đức Gioan Phaolô II, ban hành ngày 7.10.2004

(TSTH số 38)

[1] Xc. LG 11; GLHTCG số 1324 – 1327.

[2] Xc. CDR, Huấn thị “Mầu nhiệm Thánh Thể”, số 6; GLHTCG số 125.

[3] Câu này viết đầy đủ phải là: “Thánh Thể làm nên Giáo hội và Giáo hội làm nên Thánh Thể”. Xc. Gm. Phaolô Bùi Văn Đọc, Lm. Giuse Võ Đức Minh, tr. 367.

[4] Xc. Lc 22,19; 1Cr 11,24; Mt 26,26; Mc 14,22.

[5] Xc. GLHTCG số 1329.

[6] Xc. Mt 26,6; 1Cr 11,24.

[7] Xc. Mt 14, 19; 15,16; Mc 8,6.19.

[8] Xc. 1Cr 11,17-34

[9] Xc. GLGHCG 1330-1331.

[10] Xc. "Mane Nobiscum Domine", số 11-18.

[11] Ibid. số 19-23.

[12] Ibid. số 24-28.

[13] Xc. Gm. Phaolô Bùi Văn Đọc tr. 374.

[14] Xc. Ep 1,21; 1,18.

[15] Xc. Ga 10, 1-10.

[16] Xc. Is 40,11; Ed 34,11-31.

[17] Xc. Ga 10,11; 1Pr 5,4.

[18] Xc. Ga 10, 11-15.

[19] Xc. 1Cr 3,9,11.

[20] Xc. Kh 21,3.

[21] Xc. Ga 4,26; Kh12,7.

[22] Xc. kh 19,7; 21,2.9; 22,17.

[23] Ekklèsia bắt nguồn từ Ek – kalein, có nghĩa là tập họp.

[24] Xc. Cv19,39.

[25] Xc. Xh 19.

[26] Xc. GLHTCG 751.

[27] Xc. 1Cr 11,18; 14,19.28.34.35.

[28] Xc. 1Cr 1,2; 16,1.

[29] Xc. Cv 8,1.

[30] Xc. Cv15; 1Cr 15,9; Gl 1,3; Plm 3,6.

[31] Xc. GLHTCG số 725; Gm. Bùi Văn Đọc tr. 368.

[32] Xc. Phan Tấn Thành, tr. 269.

[33] Ibid. tr. 270.

[34] Thánh Giustinô, Hộ Giáo 1,65; Phan Tấn Thành tr. 271-272. Bài này được trích đăng trong bài đọc kinh sách Chúa nhật III Phục Sinh và trong GLHTCG số 1345.

[35] Xc. Cv 2,42-47; 4,32-35; 5,12-16.

[36] Xc. Cv 2,42,46; 28,7; 1Cr 11,17,18,20,33,34.

[37] Xc. Phan Tấn Thành,tr. 693.

[38] Ibid. tr. 694.

[39] Xc. Gm. Phaolô Bùi Văn Đọc, tr. 371.

[40] Ibid. tr. 374.

[41] Ibid. tr. 375-376.

[42] Xc. Phan Tấn Thành, tr. 694-695.

[43] Xc. Quy chế tổng quát sách lễ Rôma, ch. 1; PV 41; GH11.

[44] Xc. Tư tưởng của Jean Ziziouslas, thần học gia Chính Thống giáo,giáo sư thần học tín lý tại Đại học Glasgow; dẫn theo cước chú của Gm. Bùi Văn Đọc,tr. 384.

Top