Tìm hiểu bất cứ một văn kiện nào xuất phát từ suy tư của Liên Hội đồng Giám mục Á châu (LHĐGMAC) trong ba thập niên hiện hữu vừa qua, chúng ta sẽ bắt gặp được những nhận thức đầy sức sáng tạo về Giáo Hội địa phương trong bối cảnh Á châu. Về mặt lịch sử, chính cuộc viếng thăm mục vụ tại châu Á của Đức giáo hoàng Phaolô VI đã thúc đẩy các Giáo Hội địa phương bắt đầu hình thành một cái nhìn về Giáo Hội và sứ vụ thích ứng với “thế giới mới đang hình thành” tại châu Á vào thời hậu thực dân. Các Giáo Hội tự hỏi: Các cộng đoàn tín hữu sẽ đáp lại ân sủng, -được hiểu là Công đồng chung Vatican II- như thế nào? Các Giáo Hội sẽ thể hiện một “bước ngoặt” có tính quyết định “về lịch sử” và “về Tin Mừng” bên trong lịch sử “vì mọi dân tộc của châu Á” như thế nào?
Một nền thần học đang hình thành
Sự suy tư thần học và mục vụ có tính nhất quán và lâu dài về Giáo Hội và sứ vụ rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội đã giúp Liên Hội đồng Giám mục Á châu đưa ra một cái nhìn toàn bộ về vấn đề “là Giáo Hội tại châu Á ngày nay” thực sự có nghĩa gì? Những nhận thức nảy sinh từ một niềm tin là Chúa Thánh Thần đang nói với các Giáo Hội. Dĩ nhiên, nhiều nhận thức phong phú có tính Giáo Hội học của Liên Hội đồng Giám mục đặt trọng tâm vào ý nghĩa, nền thần học, và kinh nghiệm sống của Giáo Hội địa phương.
Suy tư thần học mục vụ của LHĐGMAC rõ ràng có tính quy nạp –hình thành từ những thực tại cụ thể của cuộc sống. Bởi vậy, một nền Giáo Hội học với Giáo Hội địa phương làm tâm điểm sẽ nắm bắt được một cách đầy đủ nhất những hy vọng và khát vọng của người dân địa phương. Với tính cách là cộng đồng các môn đệ của Chúa Giêsu tại châu Á, Giáo Hội nhất quán gắn căn tính của mình với các dân châu Á và hòan cảnh sống của họ. Giáo Hội nỗ lực là - trong thực tế chứ không phải trong lý thuyết- “Giáo Hội của người nghéo” và “Giáo Hội của người trẻ”. Giáo Hội chia sẻ những thăng trầm của “Giáo Hội thầm lặng” tại nhiều nơi ở châu Á. Các ưu tiên mục vụ của Giáo Hội quan tâm tới những người phải bỏ quê hương (di dân và tỵ nạn), phụ nữ và bé gái, người trẻ, gia đình, người nghèo khổ, các tín đồ của các truyền thống tôn giáo lớn của châu Á. Giáo Hội tích cực thúc đẩy sự hiệp thông ngày càng lớn giữa các Giáo Hội địa phương ở châu Á trong sự hiệp nhất hiếu thảo với Tòa Phêrô, người đứng đầu Giáo Hội phổ quát trong tình thương yêu; Giáo Hội cổ vũ tính Công giáo đích thực.
Tắt một lời, chủ đề thần học về Giáo Hội địa phương đề ra một tâm điểm thích hợp, có tính hòa nhập, đối với đời sống của các cộng đoàn tín hữu tại châu Á. Sự kiện này giúp giải thích tại sao trên bình diện quốc tế một suy tư thần học thực sự tốt đẹp về Giáo Hội địa phương lại đã được hình thành tại châu Á và qua tổ chức LHĐGMAC. Kể lại lịch sử Giáo Hội địa phương trong suy tư thần học, -rất sâu sắc, phong phú, và đầy cảm hứng-, của LHĐGMAC là tiêu đỉểm chính của bài viết này. Về phương diện phương pháp luận, việc giới thiệu các văn kiện của LHĐGMAC về Giáo Hội địa phương sẽ được trình bày theo thứ tự thời gian; cách thức này cho chúng ta một cái nhìn sáng sủa hơn. Ngoài ra, việc trích dẫn trực tiếp và rộng rãi các văn kiện của LHĐGMAC sẽ giúp duy trì được sự tươi tắn, sáng tạo và sâu sắc của các văn kiện gốc.
LHĐGMAC I
Hội nghị khoáng đại lần thứ nhất của LHĐGMAC được tổ chức tại Đài Bắc, Đài Loan, vào tháng Tư năm 1974. Hội nghị đặt trọng tâm vào chủ đề: “Rao giảng Tin Mừng tại châu Á thời Hiện đại” (đây cũng là dịp chuẩn bị cho Thượng Hội đồng Giám mục về Rao giảng Tin Mừng sẽ được tổ chức tại Roma sau đó, cũng vào năm này). Các Giáo Hội Á châu, qua các Giám mục của mình, đã định rõ trách nhiệm trung tâm và khẩn thiến nhất của sứ vụ: “Tiêu điểm tiên khởi của nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng của chúng ta, vào thời điểm này của lịch sử, là xây dựng một Giáo Hội thực sự địa phương. Bởi vì Giáo Hội địa phương chính là việc thể hiện và nhập thể của Thân Mình Đức Kitô trong một dân tộc, ở một nơi và vào một thời nhất định” (LHĐGMAC I, 9-10).
“Đây không phải là một cộng đoàn tách biệt khỏi các các cộng đoàn khác của một Giáo Hội duy nhất và công giáo. Đúng hơn, Giáo Hội địa phương tìm kiếm sự hiệp thông với tất cả các cộng đoàn khác. Với các cộng đoàn này, Giáo Hội địa phương tuyên xưng cùng một niềm tin, chia sẻ một Thánh Linh duy nhất và cũng một đời sống bí tích. Một cách đặc biệt, Giáo Hội địa phương tự hào về sự hiệp thông và hiệp nhất hiếu thảo với Tòa Phêrô, người đứng đầu Giáo Hội phổ quát trong tình thương yêu” (LHĐGMAC I, 11).
“Giáo Hội địa phương là một Giáo Hội nhập thể trong một dân tộc, một Giáo Hội bản xứ và hội nhập trong một nền văn hóa. Cụ thể, điều này có nghĩa là một Giáo Hội trong cuộc đối thoại liên tục, khiêm tốn và đầy tình yêu thương với các truyền thống sống động, các nền văn hóa, các tôn giáo –tóm lại, với tất cả các thực tại của dân tộc, trong đó Giáo Hội đã cắm rễ sâu và vui mừng nhận lấy lịch sử và cuộc sống của dân tộc ấy làm của mình. Giáo Hội cố gắng chia sẻ những gì thực sự thuộc về dân tôc này: các mục đích và các giá trị, các khát vọng, các tư tưởng và ngôn ngữ, các bài ca và nghệ thuật của dân tộc này. Giáo Hội cũng đảm nhiệm cả những yếu đuối và sa ngã của họ để họ cũng có thể được cứu độ. Bởi Con Thiên Chúa đã đảm nhiệm toàn bộ thân phận làm người sa ngã của chúng ta (chỉ trừ tội lỗi), nên Người đã có thể biến con người thực sự là của Người và cứu độ con người trong mầu nhiệm Vượt qua của Người” (LHĐGMAC I, 12).
Hội đàm Á châu về các Thừa tác vụ trong Giáo Hội
Ba năm sau, tức vào năm 1977, trong một cuộc Hội đàm Á châu về các Thừa tác vụ trong Giáo Hội (HATG/ACMC) được tổ chức tại HôngKong, chủ đề Giáo Hội địa phương tiếp tục được đẩy mạnh: “…hiện tượng mới và có tính quyết định đối với Kitô giáo tại châu Á sẽ là sự hình thành của các cộng đoàn Kitô giáo đích thực tại châu Á –Á châu trong cách suy nghĩ, cầu nguyện, sống, thông truyền cảm nghiệm của chính mình về Đức Kitô cho người khác. Kết quả sẽ lớn lao không chỉ đối với các thừa tác vụ mà các Giáo Hội châu Á sẽ phải chu toàn mà cả đối với tất cả các khía cạnh khác của đời sống của mình. Chúng ta phải thận trọng đối với việc nhìn sứ vụ tương lai của chúng ta theo các phạm trù thuộc về quá khứ, khi phương Tây định hình lịch sử của Giáo Hội. Nếu các Giáo Hội Á châu không khám phá ra căn tính riêng của mình, các Giáo Hội ấy sẽ chẳng còn tương lai” (HATG/ACMC 14).
“Mỗi Giáo Hội địa phương được xác định bởi bối cảnh nhân văn và sống trong một quan hệ biện chứng với xã hội con người trong đó mình được đưa vào như men của Tin Mừng…Mỗi Giáo Hội địa phương, để có thể tồn tại và phát triển, cần phải có đầy đủ trách nhiệm và sự tự quản hợp pháp cần thiết cho sự tăng trưởng tự nhiên và hài hòa của mình” (HATG/ACMC 25).
“Các Giáo Hội Á châu, do đó, phải trở thành thực sự Á châu trong mọi sự. Nguyên tắc về sự bản địa hóa và hội nhập trong một nền văn hóa là cội rễ thực sự của việc trở về nhà của mình. Thừa tác vụ của các Giáo Hội Á châu, để trở thành đích thực, phải có liên quan đến các xã hội Á châu. Điều này đòi hỏi về phía các Giáo Hội phải có sự độc đáo, sáng tạo và khả năng sáng tạo, sự tự tin và lòng dũng cảm” (HATG/ACMC 26).
“Bởi vì sứ vụ của Đức Kitô có tính phổ quát, nên tất cả các Giáo Hội địa phương đều được kêu gọi để sống trong sự hiệp thông với nhau. Sợi giây của sự hiệp nhất, được diễn tả một cách rõ rệt trong tính hiệp đoàn của các giám mục, với Giám mục Roma đứng đầu, ám chỉ rằng việc mỗi Giáo Hội tìm kiếm các thừa tác vụ thích hợp với các nhu cầu của mình có lệ thuộc vào sự kiểm tra và xét nghiệm bởi các Giáo Hội khác. Bảo đảm của tính tông truyền và công giáo đích thực của mỗi Giáo Hội địa phương nằm ở mối quan hệ của sự hiệp nhất này” (HATG/ACMC 27).
LHĐGMAC II
Hội nghị Khoáng đại lần II của LHĐGMAC (Calcutta, Ấn Độ, 1978), được tổ chức xung quanh chủ đề “Cầu nguyện - cuộc sống của Giáo Hội tại châu Á”. Các Giám mục đại diện cho biết là một động cơ quan trọng đối với Hội nghị là “đào sâu sự hiểu biết của chúng ta về các Giáo Hội địa phương” (LHĐGMAC II, 1), và các ngài tuyên bố “các nhiệm vụ mà việc thực thi sứ vụ của Giáo Hội tại châu Á đòi hỏi là: cam kết xây dựng các cộng đoàn châu Á trong đời sống Tin Mừng, hội nhập lòng tin và cuộc sống Kitô giáo trong các nền văn hóa, nỗ lực vì sự phát triển toàn diện của con người và sự giải phóng thực sự của các dân tộc trong công bằng và tình thươg, đối thoại liên tôn giáo và đổi mới việc đào tạo thừa sai” (LHĐGMAC II, 3).
Đại hội Quốc tế về Sứ vụ
Đại hội Quốc tế (người châu Á chiếm phần nổi trội) về Sứ vụ (ĐQS) được tổ chức tại Manila năm 1979, một lần nữa, đã khẳng định một cách mạnh mẽ về vị trí trung tâm của Giáo Hội địa phương đối với một “thời đại mới của sứ vụ” tại châu Á.
“Tính cách mới mẻ của ‘thời đại mới của sứ vụ’ này là gì? Trước hết, ‘sứ vụ’, trong thực tiễn, không còn, và không thể tiếp tục được hiểu như là một chuyển động một chiều từ ‘các Giáo Hội kỳ cựu’ tới ‘các Giáo Hội trẻ hơn’, từ các Giáo Hội của thế giới Kitô giáo lâu đời tới các Giáo Hội tại các nước thuộc địa. Ngày nay, -như Công đồng Vatican II đã khẳng định một cách rõ ràng và mạnh mẽ- mọi Giáo Hội địa phương đều mang -và không thể không mang- tính thừa sai. Mọi Giáo Hội địa phương đều được Đức Kitô và Cha ‘sai đi’ đem Tin Mừng cho thế giới xung quanh mình, và cho toàn thể thế giới. Đây là một nhiệm vụ hàng đầu đối với từng Giáo Hội địa phương. Từ nay, chúng ta đang vượt ra khỏi kiểu nói và ý tưởng về ‘Giáo Hội thừa sai’ và ‘Giáo Hội tiếp nhận’, bởi vì, với tính cách là những cộng đoàn sống động của một Giáo Hội duy nhất của Chúa Giêsu Kitô, mọi Giáo Hội địa phương đều phải là một Giáo Hội thừa sai, và mọi Giáo Hội địa phương (vốn chưa phải là sự thể hiện trọn vẹn của Giáo Hội trên đời này) cũng còn phải là một Giáo Hội tiếp nhận. Mọi Giáo Hội địa phương đều có trách nhiệm đối với sứ vụ của mình và đồng trách nhiệm đối với sứ vụ của mọi Giáo Hội anh em. Mọi Giáo Hội địa phương, tùy theo khả năng của mình, phải chia sẻ ân sủng của mình vì nhu cầu của các Giáo Hội khác, vì sứ vụ đối với nhân loại, vì sự sống của thế giới” (ĐQS 14).
“Tính mới mẻ của ‘thời đại mới của sứ vụ’ này còn là gì nữa? Chúng ta tin rằng Thần Khí của Chúa kêu gọi mỗi dân nước và mỗi nền văn hóa có câu trả lời mới mẻ và sáng tạo trước Tin Mừng. Mọi Giáo Hội địa phương có ơn gọi riêng của mình trong một lịch sự cứu độ duy nhất, trong một Giáo Hội duy nhất của Đức Kitô. Trong mọi Giáo Hội địa phương, lịch sử mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa, mục đích và giá trị, các truyền thống của mỗi dân tộc, đều được tiếp nhận, không phải để bị giảm thiểu hay bị phá hủy, mà để được tôn vinh và đổi mới, thanh luyện nếu cần và trở thành viên mãn (như Công đồng Vatican II khẳng định) trong sự sống của Thánh Thần” (ĐQS 15).
Các bản tường trình của hai cuộc thảo luận (V và VII) của Đại hội Manila nói một cách hùng hồn về Giáo Hội địa phương. Các tham dự viên của cuộc thảo luận VII ghi nhận: “Chúng tôi nhận ra rằng Giáo Hội địa phương là trung tâm và là nguồn của việc loan báo Tin Mừng” (1). “Cũng như thuộc trách nhiệm của mỗi người Kitô hữu là làm cho Giáo Hội địa phương lớn lên và phát triển, cũng vậy người Kitô hữu phải ý thức về trách nhiệm của mình đối với các Giáo Hội tại các nơi khác trên thế giới” (9). Điều này có nghĩa là: “Mỗi Giáo Hội địa phương đều đồng trách nhiệm với các Giáo Hội anh em ở khắp nơi, Roma là nền tảng và trung tâm, đối với việc xây dựng Nước Chúa khắp thế giới” (9).
Văn kiện này của cuộc Thảo luận VII cón khẳng định rằng “các thừa sai từ các Giáo Hội anh em không chỉ là những dấu sống động về tính cách phổ quát và đồng trách nhiệm của Giáo Hội, mà do hậu cảnh văn hóa và Kitô giáo khác nhau của các thừa sai, các ngài làm cho Giáo Hội địa phương thêm phong phú và thúc đẩy Giáo Hội này hoạt động một cách có hiệu quả. Giáo Hội địa phương sẽ chào mừng, đón nhận và giúp các ngài hòa mình vào trong đời sống của Giáo Hội địa phương” (10).
LHĐGMAC III
Hội nghị Khoáng đại lần thứ ba của LHĐGMAC được tổ chức tại Bangkok (Thái Lan), năm 1982, có chủ đề chính là “Giáo Hội – Một Cộng đoàn đức tin tại châu Á”. Một lần nữa, chúng ta có thêm những từ mang tính cách soi sáng về Giáo Hội địa phương. Khẳng định kết thúc LHĐGMAC III ghi nhận: “Chúng ta đã thấy Giáo Hội địa phương phải là một cộng đoàn của sự hiệp thông được ban cho và cắm rễ trong sự sống của Ba Ngôi như thế nào, một cộng đoàn của cầu nguyện và chiêm niệm, của việc cử hành và sống đời sống bí tích với trọng tâm là Thánh Thể. Giáo Hội ấy phải được định rõ bởi đời sống của tình môn đệ trong lòng tin vào Tin Mừng, theo mô hình của Mầu nhiệm Vượt qua của Chúa Giêsu, ‘một cộng đoàn vì người khác’. Chúng ta đã hiểu rằng việc tham gia đích thực và tinh thần đồng trách nhiệm phải là những yếu tố thiết yếu của cuộc sống, và sự suy tư thần học, sự nhận thức chín chắn là những bộ phận cấu thành của cuộc sống của mình. Đây là một cộng đoàn cố gắng ở trong sự hiệp nhất chân thành với các chủ chăn của mình, bên trong những quan hệ của sự hiệp thông địa phương và phổ quát trong một Giáo Hội duy nhất” (LHĐGMAC III, 15).
Các luận đề về Giáo Hội địa phương
Tính cách trung tâm của Giáo Hội địa phương trong tư tưởng thần học mục vụ tại vùng Á châu đã được làm nổi bật qua việc Liên Hội đồng Giám mục Á châu cam kết đào sâu vấn đề này. LHĐGMAC đã cổ vũ sự suy tư thần học bản địa Á châu ngay từ những năm đầu; việc chính thức thành lập Ủy ban Tư vấn Thần học (TVTH/TAC) của LHĐGMAC đã diễn ra vào thập niên 1980. Một giai đoạn năm năm khẩn trương nghiên cứu và bàn hỏi đã dẫn đến một văn kiện súc tích có tựa đề “Các luận đề về Giáo Hội địa phương: Một Suy tư Thần học trong Bối cảnh Á châu” (STBA/TLC). Đây là một trong những văn kiện dài nhất do Ủy ban công bố (trên 50 trang sách in); văn kiện đã được phát hành vào tháng giêng năm 1991. Theo quan niệm của tác giả này, trên thế giới, đây có thể là văn kiện súc tích và tốt nhấtcho tới thời điểm này về Giáo Hội địa phương.
Văn kiện của Ủy ban Tư vấn Thần học thuộc LHĐGMAC về Giáo Hội địa phương gồm nhiều phần. Sau phần dẫn nhập được đặt trong bối cảnh và định nghĩa từ ngữ, mười lăm luận để được giới thiệu trong hai phần có chủ đề khác nhau: “Các cơ sở Thánh Kinh” (các luận đề 1-4) và “Sự ra đời, cuộc sống và Sứ vụ của Giáo Hội địa phương” (các luận đề 5-15). Kế đó là phần kết luận; cuối cùng là các hệ quả mục vụ và hành động”. Sau đây là một số trích dẫn nổi bật nhằm giúp đọc giả nắm bắt được tinh thần của văn kiện sáng suốt này, kết quả của suy tư thần học Á châu về Giáo Hội địa phương.
“Như chúng tôi đã ghi nhận, Hội nghị Khoáng đại lần thứ nhất của LHĐGMAC đã nói đến việc xây dựng Giáo Hội địa phương như tiêu điểm hiện nay của sứ vụ của Giáo Hội tại châu Á. Nhận định này ngày nay (1991) vẫn còn giá trị…Các Giáo Hội địa phương ngày càng phải xem mình như những tác nhân có trách nhiệm đối với việc của Giáo Hội tự thể hiện mình” (STBA/TLC: C, 3-4).
“Chúng ta thấy thế giới thuộc Thiên niên kỷ thứ ba đang tới gần …Tin Mừng có hiện diện hay không trong thời đại mới này với những khúc quanh không thấy trước được của nó và tính cách đa dạng phong phú của nó sẽ tùy thuộc phần lớn ở chỗ các Giáo Hội địa phương có làm tròn ơn gọi của mình hay không trong khoảnh khắc lịch sử đang đến với các Giáo Hội. Chúng ta hiểu được chút gì đó về ý nghĩa của Giáo Hội địa phương và sự hội nhập vào văn hóa trong bối cảnh này; những ai không hiểu được điều này không thể đáp lại các dấu chỉ của thời đại chúng ta, và tiếng tim đập của các dân tộc chúng ta” ((STBA/TLC: C, 5).
“Chắc chắn chúng ta phải cảm tạ về điều ngày nay chúng ta cảm nghiệm được ‘sự thúc đẩy của Thánh Thần’ trong các Giáo Hội của chúng ta. Bởi vì đây là khoảnh khắc ưu đãi đối với sự suy tư và nhận thức về thần học địa phương, đối với việc thu thập và phân phối năng lực, đối với việc xây dựng những Giáo Hội địa phương đích thực trên phần đất này của thế giới…Chúng ta chỉ có thể cầu nguyện để có thể nghe được và nghe theo Chúa Thánh Thần, có thể để quyền năng sáng tạo của Người hướng dẫn và để có thể dấn thân với lòng can đảm vốn là những ân sủng của Thánh Thần” (STBA/TLC: C, 6-7).
LHĐGMAC V
Đa số các văn kiện lớn của LHĐGMAC đều trực tiếp nói đến vai trò của Giáo Hội địa phương trong sứ vụ và trong việc rao giảng Tin Mừng. Hội nghị khoáng đại lần thứ năm của LHĐGMAC được tổ chức tại Bandung, Inđônêsia, vào tháng 7/1990, với chủ đề “Đồng hành tới Thiên niên kỷ thứ Ba”. Khẳng định của Hội nghị xác nhận rắng chính Giáo Hội địa phương là “chủ thể hành động của sứ vụ” khiến chủ đề thêm rõ ràng và có tính tập trung hơn nữa.
“Sự đổi mới của ý thức về sứ vụ có nghĩa…là chủ thể hành động của sứ vụ là Giáo Hội địa phương đang sống và hành động trong sự hiệp thông với Giáo Hội phổ quát. Chính các Giáo Hội và cộng đoàn địa phương mới có thể nhận ra và thực hiện (trong đối thoại với từng người và với các người khác có thiện chí) con đường Tin Mừng được loan báo một cách tốt nhất, Giáo Hội được xây dựng, các giá trị của Nước Trời được thể hiện trong không gian và thời gian riêng của mình. Trong thực tế, chính bởi việc đáp lại và phục vụ các nhu cầu của các dân nước tại châu Á mà các cộng đoàn Kitô hữu khác nhau thực sự trở thành các Giáo Hội địa phương” (LHĐGMAC V, 3.3.1).
“Giáo Hội địa phương này, vốn là chủ thể hành động của sứ vụ, là dân của Chúa tại một nơi nhất định, toàn bộ cộng đoàn Kitô hữu –giáo dân, tu sĩ và giáo sĩ. Đó là toàn thể giáo phận, giáo xứ, Cộng đoàn Giáo Hội căn bản và các nhóm khác. Thời của họ đã tới đối với châu Á” (LHĐGMAC V, 3.3.2).
LHĐGMAC VI
Hội nghị Khoáng đại lần thứ Sáu của LHĐGMAC được tổ chức tại Manila, Philippines, năm 1995, phối hợp với cuộc tông du của Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nhân Ngày Giới Trẻ Thế giới, tổng hợp các chủ để then chốt của 25 năm lịch sử của LHĐGMAC. Bản tuyên bố kết thúc Hội nghị có tựa đề “Làm môn đệ Đức Kitô tại châu Á ngày nay: Phục vụ sự sống” viết: “Điểm chính yếu của các hoạt động trong những năm gần đây là thúc đẩy các Giáo Hội tại châu Á đi tới ‘một cách thức mới là Giáo Hội’, một Giáo Hội dấn thân để trở thành ‘một cộng đoàn các cộng đoàn’ và một dấu chỉ có thể tin được về sự cứu độ và giải thoát” (LHĐGMAC VI, 3). Chính Thần Khí Đức Giêsu đã tạo nên Giáo Hội như một cộng đoàn các môn đệ” (LHĐGMAC VI, 14).
Việc trở thành một Giáo Hội địa phương đích thực tại châu Á kéo theo nhiều thách thức. Người Công giáo Á châu nhìn nhận: “Chúng ta có thể do dự bởi vì chúng ta là một nhóm thiểu số. Quả thực, chúng ta là một đàn chiên nhỏ tại châu Á…Nhưng chính từ vị trí yếu kém này mà ân sủng về sự sống Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh, quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa lại có ý nghĩa nhất” (LHĐGMAC VI, 14.3). Đa số các Giáo Hội địa phương tại châu Á liên tục khám phá và sống căn tính là những thiểu số bên trong các xã hội quốc gia của họ.
Các chủ đề của LHĐGMAC tại Thượng Hội đồng Á châu
Một văn kiện ngắn giới thiệu những nhận thức hấp dẫn về các chủ đề then chốt của LHĐGMAC liên quan đến Giáo Hội địa phương và được lấy lại trong Hội nghị Đặc biệt về Á châu của Thượng Hội đồng Giám mục (“Thượng Hội đồng Á châu”), được tổ chức tại Roma từ 19/4 đến 14/5, 1998. Đức Hồng y Stephen Kim Sou-hwan của Hàn quốc, trong phần chào mừng Đức Thánh Cha và các vị tham dự Thượng Hội đồng trong bài diễn văn khai mạc của ngài vào ngày 20/4, đã mô tả các thực tại của châu Á “là được cấu tạo không chỉ bởi các dân tộc khác nhau mà bởi nhiều thế giới, có thể nói được như vậy”.
Hồng y Kim nêu lên các nỗ lực và thực hiện của LHĐGMAC “trong 27 năm qua”; trong việc xây dựng một Giáo Hội địa phương thực sự tại châu Á “những nỗ lực liên tục và hoàn toàn nghiêm túc đã được thực hiện để lắng nghe, học hỏi, suy tư và hành động trên các thực tại châu Á ngày nay vốn đã được sống trong lòng tin và cầu nguyện. Và, chúng tôi đã cảm thấy được mời gọi luôn đổi mới sự hiểu biết về Giáo Hội và sứ vụ của Giáo Hội, không chỉ từ những tư tưởng trừu tượng, mà đối diện với các tình huống mục vụ nhất định và những đòi hỏi của chúng” (OR-EE: 29/4/1998: 5).
Đức giám mục Josef Suwatan, MSC của Inđônêsia khẳng định rằng “các dân tộc châu Á cần những chứng từ về việc ‘là Giáo Hội’”. Ngài nhấn mạnh: “LHĐGMAC V năm 1990 tại Bandung đã nói như thế nào về ‘một cách thức mới là Giáo Hội’ tại châu Á, Giáo Hội như ‘sự hiệp thông của những cộng đoàn’”.
Ngài lặp lại rằng: “Nên nhớ rõ, LHĐGMAC V nói tới việc ‘là’ Giáo Hội!” (OR-EE: 29/4/1998: 15). Tổng Giám mục Petrus Turang của Inđênêsia cũng gợi lại cũng chủ đề này và nhấn mạnh vào sự tăng trưởng của các Giáo Hội địa phương: “Các Giáo Hội tại châu Á cần áp dụng tốt hơn nữa cái nhìn về một cách thức mới là Giáo Hội” (OR-EE: 20/5/1998: 8). Cách tiếp cận mới này cũng sẽ thể hiện, theo Giáo mục John Cummins, “sự hiệp thông được chờ đợi giữa các Giáo Hội địa phương”; điều này có nghĩa là chấp nhận LHĐGMAC như một phương thế để thực hiện điều này” (OR-EE, 20/5/1998: 13).
Chiều kích truyền giáo của các Giáo Hội địa phương tại châu Á được đề cao một cách mạnh mẽ tại Thượng Hội đồng. Cha Edword Malone, Trợ tá Tổng thư ký của LHĐGMAC, nhấn mạnh tới nhiều điểm hóc búa: “Các Kitô hữu Á châu và các Giáo Hội địa phương có một ý thức sâu sắc về lòng biết ơn đối với đức tin đã được ban cho…Với sự canh tân của Giáo Hội học, các sáng kiến phong phú và đa dạng trong việc thi hành sứ vụ chắc chắn sẽ xuất hiện từ mỗi Giáo Hội địa phương…”. Cụ thể, những hành động đặc biệt để giúp cổ vũ “sự xuất hiện của các Giáo Hội thừa sai địa phương”; như vậy, sự quan tâm mục vụ không được đánh lạc hướng nỗ lực thừa sai của Giáo Hội địa phương” và “việc thành lập hiện nay các hội thừa sai gốc châu Á cần phải được củng cố ở mỗi Giáo Hội địa phương” (OR-EE: 13/5/1998: 14).
Nhiều bài tham luận tại Thượng Hội đồng đã xoáy vào các thách đố đối với “cách thức mới là Giáo Hội” do LHĐGMAC gợi lên. Giám mục Pakiam của Malaysia nhấn mạnh vào bản chất của sự cam kết là “những nhân chứng của Tin Mừng với tính cách một cộng đoàn của Giáo Hội địa phương tại một xứ sở đa chủng tộc, đa văn hóa, đa ngôn ngữ”; nên nhớ là sự mô tả này phản ánh thực tế của đa số nước tại châu Á. Giám mục Pakiam gợi lại các hướng dẫn của LHĐGMAC để các Giáo Hội địa phương trở thành “một sự hiệp thông của những cộng đoàn, một Giáo Hội tham gia, một Giáo Hội đối thoại và ngôn sứ” (OR-EE: 17/6/1998: 8).
Tại phiên họp cuối cùng của Thượng Hội đồng vào ngày 13/5, Hồng y Darmaatmadja của Inđônêsia còn nói đến nhiệm vụ “là Giáo Hội tại châu Á”. Đối với ngài, mọi Giáo Hội địa phương phải chiến đấu để là “một Giáo Hội với một ‘dung mạo’ [và với một] “vẻ mặt” Á châu; các Giáo Hội này phải tránh cái vẻ “xa lạ đối với các truyền thống và văn hóa Á châu” (OR-EE: 17/6, 1998:10-11). Tắt một lời, các Giáo Hội phải được biết đến như là những Giáo Hội địa phương thực sự.
Các chủ đề của LHĐGMAC trong Ecclesia in Asia
Tông huấn Ecclesia in Asia do Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II công bố tại Tân Delhi, Ấn Độ, ngày 6/11/1999 đã gợi lại Giáo Hội học của các Nghị phụ thuộc vùng LHĐGMAC trong Thượng Hội đồng về Á châu. Mặc dù văn kiện triển khai “Giáo Hội học về Hiệp thông” một cách rộng rãi, Tông huấn của Đức giáo hoàng cũng đã đưa ra những nhận thức quan trọng về Giáo Hội địa phương tại châu Á.
Ecclesia in Asia ghi nhận rằng “Các Nghị phụ trong Thượng Hội đồng ý thức rõ về nhu cầu cấp bách của các Giáo Hội địa phương tại châu Á là được giới thiệu mầu nhiệm Đức Kitô theo các nền văn hóa và cách suy nghĩ của mình” (20h). Điều cần thiết là “mỗi Giáo Hội địa phương phải trở thành điều các Nghị phụ gọi là ‘một Giáo Hội tham gia’, nghĩa là một Giáo Hội ở đó, tất cả đều sống ơn gọi riêng của mình và chu toàn vai trò riêng của mình” (25b)…Tông huấn ca ngợi tên gọi ‘Liên Hội đồng Giám mục Á châu’, vì nó “giúp củng cố sự hiệp nhất giữa các Giáo Hội địa phương” và “đã tạo nơi gặp gỡ cho sự hợp tác trong việc giải quyết các vấn đề mục vụ” (26b).
Trong Ecclesia in Asia, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II định rõ các trách nhiệm lớn của các Giáo Hội địa phương tại châu Á: “ở đâu có thể các Giáo Hội địa phương tại châu Á phải cổ vũ các hoạt động về nhân quyền vì lợi ích của phụ nữ” (34g); “các Giáo Hội địa phương, về phần mình, cần củng cố ý thức về lý tưởng của đời sống tu trì và dâng hiến, và cổ vũ cho các ơn gọi này” (44c); sứ vụ là nhiệm vụ của mỗi Giáo Hội địa phương, và Đức giáo hoàng nhắn nhủ “việc thiết lập bên trong Giáo Hội địa phương tại châu Á, nơi nào chưa có, các hội thừa sai của đời sống tông đồ, với nét đặc trưng là dấn thân đặc biệt cho sứ vụ ad gentes (Tới với muôn dân) và ad vitam (tới với sự sống) (44d).
Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II viết tiếp: “Các Giáo Hội địa phương tại châu Á, trong sự hiệp thông với người Kế vị Thánh Phêrô, cần cổ vũ sự hiệp thông lớn hơn nữa của trí óc và con tim qua sự hợp tác chặt chẽ giữa các Giáo Hội này” (24d); trong khi sự thống nhất trong Giáo Hội là thiết yếu, cũng phải tôn trọng “tính cách đa dạng hợp pháp của Giáo Hội địa phương và sự khác biệt của các nền văn hóa và dân tộc các Giáo Hội tiếp xúc” (25a).
LHĐGMAC VII
Hội nghị Khoáng đại lần thứ Bảy của LHĐGMAC, cuộc tập hợp Giáo Hội lớn của năm Thánh 2000, được tổ chức tại Samphran, Thái Lan, từ 3 đến 12/1/2000. Hội nghị quy tụ 193 tham dự viên (hồng y, giám mục, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân) đã đề cập đến chủ đề: “Một Giáo Hội được đổi mới tại châu Á: Một sứ vụ của tình yêu thương và phục vụ”. Một lần nữa, nền thần học về Giáo Hội địa phương được nêu bật trong bản tuyên bố kết thúc Hội nghị.
Các tham dự viên khẳng định: “từ chiều sâu của các niềm hy vọng và lo âu của châu Á, chúng tôi nghe lời kêu gọi của Thánh Linh gửi các Giáo Hội địa phương tại châu Á. Đây là một lời kêu gọi đổi mới và thực hiện một sứ vụ của tình thương yêu và phục vụ. Đây là lời kêu gọi các Giáo Hội địa phương trung thành với các giá trị văn hóa, tinh thần và xã hội và qua đó trở thành những Giáo Hội địa phương thực sự hội nhập vào văn hóa” (LHĐGMAC VII: Dẫn nhập).
Hội nghị đã phản ánh: “Lịch sử 30 năm của LHĐGMAC đã là một loạt những chuyển động có phối hợp hướng tới một Giáo Hội được đổi mới”. Một trong tám phong trào được ghi nhận, được xem là một sáng kiến mấu chốt, là “phong trào tiến tới một ‘Giáo Hội địa phương thực sự’, tiến tới một Giáo Hội ‘nhập thể trong một dân tộc, một Gíáo hội bản xứ và hội nhập trong một nền văn hóa’”. Tuyên bố của Hội nghị khẳng định một cách đầy xác tín: “Đây là cái nhìn về một Giáo Hội được đổi mới mà LHĐGMAC đã triển khai suốt ba mươi năm qua. Cái nhìn này ngày nay vẫn còn giá trị” (LHĐGMAC VII: I-A).
Bản tóm tắt chủ đề
Bản trình bày này đã tóm tắt một cách ngắn gọn sự phát triển tư tưởng về Giáo Hội địa phương tại châu Á trên ba thập niên qua. Nhà thần học Á châu nổi tiếng, Catalino G. Arévalo, dòng Tên, đã phản ánh sự lớn mạnh của các Giáo Hội địa phương tại châu Á trong tác phẩm Jahrbuch fur Kontextuelle Theologien 1995 [Niên giám các nền thần học trong văn mạch]. Cái nhìn của tác giả trong tác phẩm này đáng được trích dẫn một cách rộng rãi.
Tác giả ghi nhận là từ cuộc đổi mới của Công đồng Vatican II, “Giáo Hội trong vùng của LHĐGMAC đã ngày càng nỗ lực ‘trở thành Giáo Hội’…Đây là một thời kỳ sôi động để đánh thức lòng trí người Kitô hữu Á châu với nỗ lực thực sự vì sự ‘thể hiện mình của Giáo Hội’” (31). Arévalo khẳng định: “Đối với tôi, đằng sau ước muốn xây dựng những nền thần học địa phương [các nền Giáo Hội học] là ‘giấc mơ về tính cách công giáo’. Tính công giáo của Giáo Hội đã là một đam mê, một cách nào đó, trong tâm trí tôi ngay từ những tiếp xúc đầu tiên của tôi với Giáo Hội học…Đây là một hậu quả của mầu nhiệm Nhập Thể và mầu nhiệm Vượt Qua, đây là ý nghĩa của Hiện Xuống, do đó (hiểu một cách đúng đắn) việc thể hiện tính công giáo là ý nghĩa của Sứ vụ của Giáo Hội” (32).
Arévalo viết tiếp: “Điều đó có nghĩa là mọi dân, mọi nơi tại châu Á, đều có ơn gọi thể hiện tính công giáo của Giáo Hội. Đức Kitô ‘chưa viên mãn’ cho tới khi toàn thể nhân loại, mỗi thành phần của nhân loại, đã đóng góp phần của mình cho ‘Đức Kitô của mọi dân nước’. Mỗi dân tộc có những ân sủng và sự phong phú của mình, và Cha có một chỗ cho tất cả các ân sủng này, trong Nước Trời, trong Thân Mình của Con Ngài. Bình đẳng và tham gia là lời kêu gọi đối với mỗi dân tộc trong gia đình nhân loại. Bao lâu mỗi dân tộc chưa có sự đóng góp vào việc xây dựng sự thống nhất trong đa dạng của Giáo Hội mà mỗi dân tộc có quyền và có bổn phận phải làm, việc thực hiện sứ vụ của Giáo Hội chưa được hoàn tất” (32-33).
“Tôi ngày càng xác tín rằng mỗi nơi, mỗi vùng tại châu Á đều có phần đóng góp riêng của mình vào bức tranh tạo nên tính công giáo của Giáo Hội, vốn trong đầu óc của tôi, là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của lòng tin chúng ta. Mỗi dân tộc đều có quyền tìm cho mình một chỗ trong Giáo Hội. Mỗi Giáo Hội địa phương chỉ có thể đóng góp xây dựng giấc mơ về tính công giáo này khi có vị trí bình đẳng và tham gia, bởi vì mỗi dân tộc trong con mắt của Cha đểu bình đẳng với tất cả các dân tộc khác và có quyền được yêu thương vì chính họ và vì những ân sủng và sự đóng góp riêng họ có thể có” (33).
“Tính công giáo bao hàm điều này là tất cả chúng ta đều cần tới nhau. Đó là cái ý nghĩa cơ bản của Giáo Hội địa phương đối với tôi. Một Giáo Hội địa phương không bao giờ là một phương tiện tự thân, mà trong sự bình đẳng và tham gia, mỗi Giáo Hội địa phương đều giúp đẩy mạnh sự hiệp thông công giáo như mục tiêu cuối cùng của việc ‘là Giáo Hội’” (34).
“Giáo Hội công giáo là một sự hiệp thông của các Giáo Hội địa phương. Mỗi Giáo Hội địa phương là một Giáo Hội vào một thời và ở một nơi nhất định, nhưng cũng ở trong sự hiệp thông, cả về lịch đại lẫn đồng đại, với Giáo Hội ở mọi thời và trên khắp thế giới. Nếu mỗi Giáo Hội địa phương không chia sẻ trong sự hiệp thông koinonia điều là Giáo Hội phổ quát, trong sự bình đẳng đích thực, trong sự tham gia đích thực, trong sự trao đổi các ân sủng và chúc lành, thì giấc mơ về tính công giáo chưa được thể hiện. Phần trách nhiệm thâm sâu nhất của chúng ta, đặc biệt với tư cách người Công giáo, là giúp hoàn tất điều đó” (34).
Một người phỏng vấn nêu vấn đề này với Arévalo: “Linh mục tập trung vào Giáo Hội địa phương tại châu Á như một tác nhân thực hiện sứ vụ…, linh mục có thấy là các Giáo Hội địa phương đang sống cái lý tưởng là mỗi Giáo Hội địa phương được kêu gọi là một Giáo Hội truyền giáo, được kêu gọi là một ‘Giáo Hội thừa sai’?” (35).
Arévalo đã trả lời: “Về Giáo Hội địa phương, điều tôi nghĩ là cần phải được nói đi nói lại: cái ý nghĩa cụ thể, đang tác động của việc hội nhập vào một nền văn hòa là tiến trình của việc để Giáo Hội địa phương là Giáo Hội địa phương, đảm nhiệm trách nhiệm, bên trong sự hiệp thông của tất cả các Giáo Hội trong catholica, để ‘thể hiện chính mình’ trong chính cuộc sống và sứ vụ của Giáo Hội này…Bao lâu các Giáo Hội địa phương chưa xem việc thể hiện chính mình là bổn phận và trách nhiệ của mình để cố gắng thực hiện, các Giáo Hội này chưa ‘trở thành Giáo Hội’ theo nghĩa đích thực nhất và đầy đủ nhất. Nhưng ở đây, tại châu Á, chúng ta còn lâu mới đạt tới đó!” (35).
“Trung tâm thực hiện sứ vụ của Giáo Hội ngày nay là Giáo Hội địa phương: cần phải nhận ra đâu là trách nhiệm cụ thể của sứ vụ riêng của Giáo Hội địa phương vào thời gian và địa điểm riêng của Giáo Hội này. Chúng ta sẽ thực hiện mọi nỗ lực cho một việc rao giảng Tin Mừng được đổi mới, nhưng là một sự rao giảng Tin Mừng vốn thực sự được hội nhập vào một nền văn hóa và có tính cách toàn diện (trong mọi chiều kích của đời thường của chúng ta). Đa số các cộng đoàn địa phương của chúng ta còn xa mới hoàn thành các mục tiêu này” (35).
Arévalo tiếp tục với một giọng điệu lạc quan: “Cuộc hành trình hai mươi năm qua của các Giám mục trong LHĐGMAC đã là những năm tháng tăng trưởng mạnh mẽ đối với các Giáo Hội địa phương của chúng ta, một cách đầy triển vọng, ‘trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng”. Trong những năm tới đây, những việc chúng ta thấy là cần phải làm để thực thi sứ vụ đang ở ngay trước mắt chúng ta như những thách đố chúng ta mới chỉ bắt đầu đối diện. Việc thực thi các việc làm này còn đó” (LHĐGMAC, Tham luận 57b: 20).
Kết luận
Kinh nghiệm của các Giáo Hội địa phương trên đường hành hương tại châu Á từ Vatican II là một cuộc hành trình sôi động và gây cảm hứng của lòng tin. Đây là một kinh nghiệm trong sự hình thành của Giáo Hội, sự ra đời và phát triển của các Giáo Hội địa phương. Câu nói xưa cho rằng Giáo Hội luôn in via, trên đường đi tới, trong diễn tiến –như đang chờ Chúa và vị Cứu Tinh của mình, Đức Giêsu Kitô. Đường đi không phải là một con đường phẳng phiu. Các Giáo Hội Á châu đang thực hiện cuộc hành hương trong quá trình đi trên đó –dưới sự hướng dẫn của Thánh Linh, Đấng tốt lành. Người Kitô hữu Á châu là những môn đệ hành hương đầy hứng khởi, một Giáo Hội địa phương được đổi mới vì một thế giới mới đang ra đời tại châu Á.
Các Giáo Hội địa phương, đầy tràn sức sống của niềm tin và sức mạnh của Chúa Thánh Thần, sẽ dấn thân vào việc đọc “các dấu chỉ thời đại” (GS 4) và đáp lại các thực tại xã hội, chính trị, kinh tế, tôn giáo và văn hóa cụ thể. Các Giáo Hội sẽ củng cố đời sống nột tâm (một lòng tin hội nhập trong văn hóa) và được trang bị tốt hơn cho cuộc đối thoại với các Kitô hữu (tinh thần Đại kết) và với các người theo các truyền thống tôn giáo khác (đối thoại liên tôn). Nói tóm lại, các Giáo Hội sẽ cảm nghiệm việc thể hiện chính mình và “tự xem mình như những tác nhân có trách nhiệm đối với việc tự thể hiện chính mình của Giáo Hội” (TLC: C-4). Các Giáo Hội sẽ được biết qua kinh nghiệm rằng mình là “chủ thể tác động của sứ vụ” (LHĐGMAC V, 3.3.1). Các Giáo Hội sẽ tự hào về “cách thức mới là Giáo Hội của mình” (LHĐGMAC VI, 3).
Mọi Giáo Hội địa phương tại châu Á đã tiếp nhận được vô vàn ân sủng khác nhau từ Thánh Linh. Mỗi Giáo Hội cũng cùng chia sẻ một cách nhưng không bởi vì đã tiếp nhận một cách nhưng không (xem Mt 10, 8). Bằng cách này, mỗi Giáo Hội địa phương góp phần vào việc thể hiện tính công giáo của Giáo Hội. Như Arévalo viết: “Bao lâu các Giáo Hội địa phương không chia sẻ trong koinonia điều làm nên Giáo Hội phổ quát, trong sự bình đẳng thực sự, trong sự tham gia thực sự, trong sự trao đổi các ân sủng và chúc lành, giấc mơ về tính công giáo sẽ chưa được thể hiện. Chính là phần trách nhiệm thâm sâu nhất của chúng ta, đặc biệt với tư cách người Công giáo, là giúp đẩy tới chỗ hoàn tất” (Jahrbuch: 34). Do đó, toàn thể Giáo Hội trở thành, như Công đồng Vatican II ghi nhận, corpus ecclesiarum (LG: 23), tổng hợp các Giáo Hội, thân mình liên kết các Giáo Hội địa phương.
Giáo Hội công giáo là một sự hiệp thông của những Giáo Hội địa phương; Giáo Hội công giáo được xây dựng trên “nguyên tắc của sự hiệp thông như Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã ghi nhận trong sứ điệp gửi các tín hữu Trung Hoa từ Manila vào tháng 1/1995 (OR-EE: 18/1/1995: I). Nhưng trong kinh nghiệm công giáo, mỗi Giáo Hội địa phương càng trở nên thực sự hội nhập, bản địa hóa và địa phương hóa, Giáo Hội ấy, qua quyền năng của Chúa Thánh Thần, càng trở nên phổ quát. Và, giấc mơ về những Giáo Hội địa phương đầy sức sống bên trong một tính công giáo đích thực tiếp tục lớn lên và... Người công giáo thường xuyên chiêm niệm về mầu nhiệm lạ lùng này là trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội là donum Dei atque officium nostri, cùng một lúc, ân sủng của Thiên Chúa và trách nhiệm của chúng ta!
Các chữ viết tắt tên các văn kiện được nói đến trong bài:
ACMC - Hội thảo Á châu về các thừa tác vụ trong Giáo Hội (Asian Colloquium on Ministries in the Church (Hong Kong, 1977) trong: FAPA I: 67-92.
EA - Ecclesia in Asia (Giáo Hội tại châu Á, 6/11/1999)
LHĐGMAC / FABC: Liên Hội đồng Giám mục Á châu
LHĐGMAC / FABC I: Rao giảng Tin Mừng ở châu Á thời hiện đại / Evangelization in Modern Day Asia (Đài Bắc, Đài Loan, 1974) trong: FAPA I: 11-25
LHĐGMAC / FABC II - Cầu nguyện – Đời sống của Giáo Hội tại châu Á / Prayer – The life of the Church in Asia (Calcutta, Ấn Độ, 1978) in: FAPA I: 27-48
LHĐGMAC / FABC III -Giáo Hội – Một cộng đồng đức tin tại châu Á (Bangkok, Thái Lan, 1982) in FAPA I: 49-65
LHĐGMAC / FABC IV - Ơn gọi và Sự vụ của Giáo dân trong Giáo Hội và trong thế giới châu Á (Tokyo, Nhật bản, 1984) in: FAPA I: 177-198
LHĐGMAC / FABC V FAPA - Cùng tiến tới Thiên niên kỷ thứ Ba (Bandung, Inđônêsia, 1990 trong FAPA I: 273-289
LHĐGMAC / FABC VI FAPA - Cộng đoàn các môn đệ Kitô giáo tại châu Á Ngày nay: Phục vụ sự sống (Manila, Philippines, 1995) trong: FAPA II: 1-12
LHĐGMAC / FABC VII FAPA –Một Giáo Hội được đổi mới tại châu Á: Một Sứ vụ Yêu thương và Phục vụ (Samphran, Thái Lan, 2000) trong: FAPA III: 1-16
FAPA – For All the Peoples of Asia I (1970-1991); II (1992-1996); III (1997-2001)
GS – Gaudium et Spes
IMC – International Mission Congress (Manila, Philippines, 1997) trong: FAPA I: 125-163
LG – Lumen Gentium
OR-EE – L’Osservatore Romano (bản tiếng Anh)
TAC - Ủy ban Tư vấn Thần học thuộc LHĐGMAC
TLC - Theses on the Local Church / Các Luận đề về Giáo Hội địa phương (FABC Papers 60: 1-58)
_______________________
Tác giả thuộc Trường Thần học Loyola, Manila, Philippines. Trong Becoming Local Church, Claretian Publications, Quezon City, Philippines, 2003, trg. 31-49.