Thăm Trường Chuyên Biệt Gia Định

Thăm Trường Chuyên Biệt Gia Định

WGPSG -- “Hãy giúp người ta và chính mình có cái nhìn đồng cảm với các em tự kỷ, hãy mở lòng ra và không đòi hỏi gì”. Với lời hướng dẫn đầy cảm xúc trên, cha Giuse Đào Nguyên Vũ đã đồng hành với chúng tôi, các học viên trong Trung tâm Mục vụ TP Hồ Chí Minh, đến thăm Trường Chuyên Biệt Gia Định: số 280 Bùi Hữu Nghĩa, Phường 2, Quận Bình Thạnh vào lúc 8g, ngày 22/4/2017.

Trước khi lên đường, cha Giuse đã có những lời giới thiệu về trường Chuyên Biệt Gia Định và cách thăm hỏi các em tự kỷ, các em bị hội chứng down, chiếm đa số trong số học sinh của trường cùng với cách trao đổi với các phụ huynh có con em đang theo học ở trường này.

Tọa lạc trong khuôn viên giáo xứ Gia Định, Trường Chuyên biệt Gia Định, do Cha sở Antôn Phùng Quang Mạnh thành lập năm 1991, tiếp tục được sự nâng đỡ của cha Inhaxiô Hồ Văn Xuân và cha sở hiện nay là cha Giuse Mai Thanh Tùng. Trường được mang cùng tên với giáo xứ như là một ngôi nhà chung ấm áp, tràn đầy tình thương dành cho các em tự kỷ, các em bị hội chứng down, kém phát triển, cũng là nơi mà các em được chăm sóc và giáo dục để hòa nhập vào xã hội.

Đúng 9 giờ, chúng tôi được các em, thầy cô và các phụ huynh tiếp đón tại trường. Vì hôm nay là ngày nghỉ nên các cô giáo và các phụ huynh phải đến trường cùng các em. Sau khi được cô Võ Thị Khoái, hiệu trưởng nhà trường, có vài lời chào đón, chúng tôi đã được các em chào mừng bằng màn biểu diễn đánh trống rất ấn tượng. Tiếp nối là tiết mục đàn violon minh họa do các em tự kỷ và hội chứng down biểu diễn, một tiết mục chắc phải tốn nhiều công sức của cả các cô giáo.

Sau đó, cô hiệu trưởng giới thiệu về quá trình hình thành và hoạt động của ngôi trường, về hoàn cảnh gia đình của các em. Hiện trường đang dạy và chăm sóc cho 86 em từ 18 tháng tuổi đến 16 tuổi. Có 14 em trên 16 tuổi đã tìm được việc làm tại tiệm Resina coffee. Chúng tôi không khỏi xúc động và khâm phục về tấm lòng và tình thương mà các thầy cô đã dành cho các em, dường như đây là tình cảm của những người thân trong gia đình mà không phải ai trong cuộc đời này cũng có thể làm được. Để đáp lại, cha Giuse đã gửi đến quý thầy cô, phụ huynh và các em lời chào mừng của đoàn.

Thưởng thức những tiết mục văn nghệ tiếp theo của các em, nhìn động tác múa bụng Belly dance nhanh nhẹn của bé Mỹ Ngọc, tiếng đàn organ của em Ly với nhạc phẩm Jingle Bell và Thu ca mới thấy tình thương và sự ân cần mà quý thầy cô nơi đây dành cho các em nhiều biết nhường nào. Còn về phần học sinh, các em rất ngoan, lễ phép và hồn nhiên, hôm nay là ngày cuối tuần được đón đoàn tới thăm nên các em càng vui hơn.

Hơn 10 giờ sáng, lúc các phần quà đã được trao tặng đến các em, chúng tôi chuyện trò thân mật với các em và các phụ huynh để hiểu hơn về hoạt động của nhà trường, các phương pháp mà quý thầy cô đã áp dụng để dạy cho các em những kỹ năng, như em Thanh Tâm, con cô Bảo, đã gửi đến đoàn bài hát tiếng Nhật thật hay. Em Bảo Thanh, 14 tuổi, cũng đóng góp cho màn văn nghệ với bài hát “Một gia đình nhỏ, một hạnh phúc to” với điệu múa minh họa hồn nhiên, thật dễ thương.

Tôi cũng bắt chuyện với một em. Cô Điệp phải phiên dịch lại tôi mới biết em tên Long. Em rất khó khăn trong phát âm nhưng cũng cố gắng chào tôi. Bên cạnh Long, em Phúc rất hồn nhiên, méc cô tội của người khác nhưng không cho méc tội mẹ của mình. Chuyện trò với các em bằng cách hiểu qua ánh mắt các em giúp chúng tôi thêm hiểu biết về cuộc sống. Cô Điệp tâm sự về cơ duyên đưa cô vào ngôi trường này chính là cô tham quan và nhìn thấy ánh mắt thân thương này nên xin gắn bó với trường. Sau này, cả chồng và cô Trinh, con cô, cũng tham gia. Các cô được huấn luyện để giúp các em có thể chăm sóc mình, hòa nhập xã hội, hòa nhập cộng đồng.

Kết thúc một ngày đầy ý nghĩa, mỗi người trong chúng tôi đều mang trong mình những cảm xúc rất riêng, cảm xúc về những số phận cuộc đời, về những tấm lòng nhân ái. Đúng như cha Giuse đã nói, chúng tôi nghĩ lại và thấy… chúng tôi cũng tự kỷ với Chúa. Chia tay nhau, chúng tôi ra về lúc 10 giờ cùng ngày.

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top