Tác vụ Văn Hóa
Rõ ràng là hễ nơi đâu có những tình cảnh thảm thương, có những lời hô hào giúp đỡ, khách quan hay chủ quan, đoàn thể hay cá nhân, thì ở đó tiếng tác vụ được nói đến với đầy đủ ý nghĩa. Bên cạnh đó, căn cứ vào những lý do của Lý trí và Đức tin, ngay từ đầu phải nhận rằng người ta phải và có thể giúp đỡ người khác. Cảm kích trước gương Đức Giêsu, dựa trên một nền tảng qui Kitô và ngang qua Giáo Hội, việc phục vụ Thiên Chúa phải được hoàn tất. Vậy, để tiếng "tác vụ văn hóa" (diaconie culturelle), xét như một viễn tượng thần học, không chỉ đơn thuần là một lối nhìn gây kinh ngạc, thì trước tiên cần định nghĩa thật chính xác "văn hóa là gì" (Phần I). Tiếp theo đó, trong khuôn khổ của một suy tư thần học có tính nguyên tắc, phải tìm xem đâu là thẩm quyền đặc biệt của Giáo Hội cũng như sứ mạng của Giáo Hội (Phần II). Sau cùng chúng ta cần làm sáng tỏ ít là một vài tình trạng của thảm cảnh văn hóa hiện nay, bằng cách tự hỏi rằng các Giáo Hội và các Kitô hữu đứng trước những tình cảnh đó phải xử sự như thế nào trong tinh thần của vị Thừa tác và ngôn sứ miền Nadarét (Phần III). Một vài luận đề được rút ra ở cuối phần khảo cứu thiết tưởng sẽ giúp ích cho công tác cần thiết sau này (Phần IV).
I. VĂN HÓA là gì?
Thật khó đạt đến một khái niệm cô đọng về "văn hóa" (đây là một vấn đề mà tất cả các tự điển chuyên môn đều trình bày cách chung chung). Bởi đó, ta có thể đề cập đến tiếng này khởi từ lai lịch của nó. Quả thực S.Pufendorf (1686) là người đầu tiên đã dùng tiếng Cultura để chỉ sự hoán đổi tình trạng của một bản chất vốn không còn được quan niệm là tính bản thiện như ở thời địa đàng, mà là đau khổ và hỗn mang (bất định và theo bản năng). Kể từ đó, tiếng văn hóa không còn được ưu tiên hiểu về mối tương quan với những hiện tượng tự nhiên nhằm bảo trì và khuất phục chúng, nhưng là cái tổng thể của đời sống con người xét trong tính cá biệt và tính xã hội của nó. Sự việc có tính chất quyết định kể từ Herder, chủ yếu đó là khám phá ra chiều kích lịch sử của đời sống xã hội. Chính vì thế, văn hóa chỉ hiện hữu cách cụ thể trong những nền văn hóa nảy sinh từ lịch sử với những thời kỳ vàng son và suy thoái. Bởi vậy, xét một cách khách quan, thì văn hóa có nghĩa là những lời giải thích đặc sắc về thế giới, những lối sống, những kiểu chơi chữ và những mô hình (paradigmes). Xét theo phương diện chủ quan, trong mối liên hệ hỗ tương giữa những điều kiện sống và trình độ mở mang, người ta nói đến một tâm trí được khai hóa, nói đến việc đào tạo. Ta có thể chấp nhận lối phát biểu đã thành "cổ điển" của Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng - Gaudium et Spes (số 53 và tt) để định nghĩa cách tóm lược văn hóa là "Thành quả được tinh luyện do quá trình lịch sử của một môi trường có tính xã hội. Văn hóa bao gồm tất cả những công trình vật chất và tinh thần mà con người đã tạo nên; chúng vốn là điều kiện và nền tảng để con người thống trị thế giới và phát triển xã hội loài người : những phương tiện nhờ đó con người bảo đảm được cuộc sinh tồn tập thể (y học, kỹ thuật), duy trì đời sống cộng đồng (phong tục, luân lý, giáo dục, chính trị, luật pháp), thêm vào đó là lối giải thích về thực tại (tôn giáo, nghệ thuật, khoa học).
Quan niệm bao quát về văn hóa đó, vốn khởi phát từ học thuyết về hệ thống và sự thông giao lại rất thường bị giản lược, không chỉ trong ngôn ngữ thường ngày, thành một hệ thống thứ cấp (sous système) được xác định trong xã hội, phân biệt với những hệ thống thứ cấp khác như chính trị, kinh tế, gia đình v.v.. Và sau khi đã cố ý cô lập ý nghĩa của tiếng văn hóa, người ta đã dùng tiếng này để chỉ : lãnh vực nghệ thuật, văn chương, khoa học và các nhà "sáng tạo văn hóa". Trong cái quan niệm hẹp hòi về văn hóa đó, phản ảnh một hệ luận hết sức lưỡng diện về sự phân hóa của các xã hội hiện đại. Thật vậy, nếu trong những khảo luận triết học về lịch sử, như thấy trong tập san Thời hiện đại (Temps modernes) chẳng hạn, văn hóa vẫn còn được xem như hình thái phô quát làm môi giới giữa thiên nhiên và lịch sử, giữa con người và đồng loại, giữa cá nhân và xã hội hiểu theo nghĩa một cấu trúc toàn diện xây dựng trên tự do và công lý; thế nhưng trong thực tế, kể từ nay văn hóa ngày càng nghèo đi do những điều kiện kinh tế và đang biến thành thế giới thuần túy tiểu tư sản của những "con người có văn hóa", là những kẻ ít nhiều thủ đắc được văn hóa. Văn hóa trở thành một thứ xa xỉ phẩm của giới ưu tú trong xã hội; bởi vì họ là những người ưu tú đóng vai trò lãnh đạo, nên quan niệm của họ về văn hóa trở thành chuẩn mực cho nền văn hóa nói chung.
Chắc hẳn, cái kế hoạch, thoạt đầu có vẻ không tưởng, nhằm làm hết mức có thể để mang lại cho mọi người những "vận may" ngang nhau trong việc đào tạo và tham dự trọn vẹn vào tiến trình văn hóa, việc làm đó đã dẫn đến những cuộc chinh phục quan trọng - trong vấn đề xã hội hóa kiến thức và văn hóa - nhờ vậy mà đạt đến hệ thống giáo dục như hiện nay. Tuy nhiên, cái biện chứng của thuyết duy lý sáng suốt vẫn để lộ một khía cạnh đen tối. Trong đó có thể kể đến thái độ khinh thường thực sự những vũ trụ tinh thần mang sắc thái bản địa và chân thực của những con người cứ mãi bị áp bức. Bị coi như kém mở mang, kém văn hóa, những người này đã bị thống trị bởi một nền văn hóa độc nhất muốn san bằng tất cả.
Những nền văn hóa dân tộc của từng miền chẳng hạn, với sự phong phú về những truyền thống độc đáo và những cung cách sống đã trở thành thuần thục, lại bị coi nhẹ thậm chí bị tẩy trừ - xét trên bình diện quốc gia cũng như quốc tế, rõ ràng nhất là trong "Thế Giới thứ ba". Để phản ứng lại điều đó, các nhà trí thức và các nhà sáng tạo đang tìm về cái di sản tích cực của kỷ nguyên Ánh Sáng và toan tính tạo ra những chuyển biến có tính nhân đạo hơn, thay thế mọi thứ chủ nghĩa đế quốc văn hóa do lối đào tạo trưởng giả phát sinh ra.
Đứng trước toàn bộ vấn đề nói trên và trước một nhân loại đang có nguy cơ hủy hoại chính mình cùng với bầu khí quyển, thật chính đáng để nói về một cơn khủng hoảng văn hóa toàn diện, một cuộc khủng hoảng chất chứa nhiều vận may nhưng cũng đầy đe dọa.
II. SỨ MẠNG CỦA GIÁO HỘI
Trong Tông Huấn "Loan báo Tin Mừng" (Evangelii Nuntiandi, số 20), khi Đức Phaolô VI nhận định thật xác đáng rằng :"Sự đoạn giao giữa Tin Mừng và văn hóa là thảm cảnh của thời đại chúng ta", thì lời phát biểu có được cụ thể hóa cả trong trường hợp văn hóa được xét như một toàn bộ bao gồm những phương tiện truyền thông xã hội, lẫn trong trường hợp văn hóa được coi như một hệ thống thứ cấp đặc thù. Ngay từ đầu cũng phải nhận định rằng Tin Mừng không hiện hữu cách cụ thể trong một nền văn hóa "tinh chất", tựa hồ như nó đã được cách ly bằng phương pháp hóa học. Bản thân các sách Cựu Ước và Tân Ước cũng chính là tài liệu cho thấy một sự hội nhập văn hóa (inculturation) đầy tính sáng tạo. Tính đa diện về mặt thần học cũng đồng thời phản ánh sự đa dạng về văn hóa (chẳng hạn đi từ bối cảnh Sê mít và Do Thái tới bối cảnh Hy Lạp). Bao giờ Tin Mừng cũng chỉ đến được với ngôn ngữ và đến với mọi người ngang qua những lối diễn tả đã bị điều kiện hóa về mặt lịch sử và được trung-gian-hóa về mặt văn hóa xã hội. Những lối sống và những lời giải thích có sẵn về thế giới đã được tiếp nhận với óc phê bình, được luyện lọc rồi rèn đúc lại thành những hình thái văn hóa mới : Đó là cả một quá trình đối lưu văn hóa lâu dài và đầy những xung đột.
Ít ra, đứng trên quan điểm của chính các tín hữu, cái quá trình biến đổi mang tính chất Tin Mừng đó cho thấy một cấu trúc thừa tác, xét theo mức độ người tín hữu ngỏ lời với những bối cảnh văn hóa đã có trước, với đầy đủ những nét phong phú lẫn những nhược điểm của chúng; khi đó, người tín hữu phải đem đối chiếu những nền văn hóa ấy với chân lý Đức tin và như thế, tạo nên những chuyển thể phản văn hóa (alternatives contre culturelles), thậm chí những cuộc cách mạng văn hóa. Qua đó, những mô hình văn hóa được biến đổi xét trong toàn bộ của chúng, cũng hệt như những hình thái xã hội của chính Tin Mừng. Trong cách sống đạo của người tín hữu, Tin Mừng đó là một thực tại lịch sử cụ thể, do mục đích cứu độ và giải phóng nên thấm nhập ngày càng sâu xa hơn vào trong tất cả những bối cảnh sống. Nhưng cuộc hội nhập văn hóa này thực sự mang tính đặc loại do một khoảng cách xuất hành văn hóa (exculturative) độc đáo so với bất kỳ hình thái lịch sử và văn hóa nào, bởi vì nó nhằm phục vụ cho thực tại của một Thiên Chúa siêu việt và sự hiển trị của Vương quốc Ngài. Bởi đó, tác vụ văn hóa có thể được định nghĩa là một thể thống nhất đặc loại cho sự giằng co (tension) giữa hội nhập văn hóa và xuất hành văn hóa: công cuộc phục vụ Thiên Chúa hoàn toàn ở trong trần gian và vì trần gian nhưng lại không thuộc về trần gian này. Hòa nhập với mọi nền văn hóa trong tư thế "tấn công", nhưng Tin Mừng không bị hạn định bởi bất kỳ nền văn hóa nào và cũng không bị lệ thuộc vào bất kỳ nền văn hóa nào. Hiểu như thế thì Kinh thánh, xét trong tính toàn vẹn của nó, có thể được xem như một thành quả và kiểu mẫu của tác vụ văn hóa.
Chắc hẳn, khi Đức Phaolô VI nói về sự đoạn giao bi thảm giữa Tin Mừng và văn hóa, thì ngài không có ý nói đến nhân tố xuất hành văn hóa mà theo quan điểm thần học, vốn cần thiết trong quá trình phúc âm hóa. Trái lại, ngài phê phán sự đoạn tuyệt giữa một thế giới không biết đến Thiên Chúa và một Giáo Hội không quan tâm đến thế giới, giữa cái động lực phàm tục nhằm tự cứu mình và cái quá trình mà qua đó Giáo Hội đã tự giam mình trong một trại biệt cư (ghetto). Cách thức Giáo Hội xuất hành văn hóa như thế là không đúng đắn. Bởi vì, một khi Giáo Hội (các Giáo Hội) và các Kitô hữu sống bằng Thần Khí, thì họ cứ mãi là một nhân tố văn hóa quan trọng, không sợ phải tiếp xúc với thế giới và cũng chẳng cần một thứ hộ giáo để tự vệ, nhưng đủ khả năng nhận định về nhân tình thế thái. (Nếu tác vụ văn hóa được nhìn như thế, thì toàn bộ lịch sử Kitô giáo và khoa thần học phải được duyệt lại - Bởi vì khi thuyết Thệ phản văn hóa và luồng thần học biện chứng ra đời, Kitô giáo và khoa thần học hãy còn là những hình thái Tin Mừng nhằm phản ứng lại cái xã hội tư sản - rồi lúc xuất hiện Duy tân thuyết và phản duy tân thuyết, thì Kitô giáo và khoa thần mới chỉ như một kẻ "sánh đôi" với chúng nhưng mang sắc thái Công Giáo). Bởi vậy, vấn đề là tìm hiểu xem có hay không, và trong một mức độ nào, Giáo Hội (các Giáo Hội) và các Kitô hữu ngày hôm nay tìm lại nghị lực và thẩm quyền của mình đối với một tác vụ văn hóa. Trên đây, có những bài học mà ta có thể rút ra từ Cộng đồng Vaticanô II và từ cách tiếp thu Công Đồng, là điều cho đến nay còn trong vòng tranh cãi; có 2 khía cạnh :
Trước hết, Giáo Hội Công Giáo ở đây đã chứng tỏ mình có khả năng am hiểu, do sự kiện Giáo Hội đã tiếp thu cách sáng tạo một số ý tưởng của thời hiện đại mà trước đó vốn bị loại trừ (như quyền tự do tôn giáo chẳng hạn). Ở đây, Giáo Hội trở thành "đối tượng" hay người thụ nhận tác vụ văn hóa do tính hiện đại thế tục đem lại. Như thế, ở đâu Giáo Hội biết tự phê và để mình được giúp đỡ, bởi Giáo Hội tin rằng mình tiếp nhận Chân lý của Thiên Chúa, Chân lý mà từ đó đã khai sinh ra Giáo Hội và Giáo Hội đặt mình dưới ánh sáng của Lời Chúa, thì chính ở những nơi ấy, Giáo Hội giành lại được cái thẩm quyền nguyên thủy của mình đối với tác vụ văn hóa. Bằng không, nếu chỉ khư khư duy trì tính chất biệt loại của mình, Giáo Hội sẽ dễ dàng rơi vào một khu biệt cư văn hóa mà chính Giáo Hội sẽ phải chịu trách nhiệm về chuyện ấy.
Tiếp đến, Công Đồng đã gợi lên cho ý thức chung của Giáo Hội cái thứ tự ưu tiên của các Chân lý và những lựa chọn đi liền theo đó : trước tiên phải hướng đến những người nghèo. Thái độ "phản biện văn hóa" do Đức Kitô khởi xướng, trước hết nhằm làm sao để những nạn nhân và những kẻ bị áp bức rốt cuộc chính họ lại trở thành những kẻ thừa hưởng các mối phúc. Sự tiến bộ về văn hóa do Kitô giáo mang lại không có tính cách đặc tuyển, bởi vì Kitô giáo cổ võ và đòi hỏi cái chủ thể tính toàn diện cho từng người và cho tất cả mọi người. ở đây, ta gặp thấy tính chất uyển chuyển trong tác vụ văn hóa nhân danh Đức Giê-su.
III. NHỮNG THẢM CẢNH VĂN HÓA
Để cụ thể hóa những suy tư nói trên, nếu bây giờ chúng ta đem áp dụng vào một vài thảm trạng cùng những thiếu sót xét riêng về mặt đào tạo, thì một lần nữa, thiết tưởng phải gợi lại cơn khủng hoảng văn hóa toàn diện và cái định chế của Kitô giáo (còn mang nặng tính Tây phương và bị chi phối bởi tư tưởng lấy Châu Âu làm trung tâm). Người ta đang tìm kiếm những mô hình mới cho đời sống cộng đoàn cho các dân tộc và loài người, chúng giúp phân phối hợp lý quyền hành, tiền của và kiến thức, đồng thời có khả năng vô hiệu hóa sự áp bức và bóc lột con người và thiên nhiên. Một nền "Văn minh của tình yêu" và công bình như thể hàm súc một mức độ cao nhất của tính xã hội và tính cá biệt triển nở cách hỗ tương (điều đó càng đúng với những người nghèo trên địa cầu này và với những thế hệ mai sau), tuy nhiên không vì thế mà để cho tương lai nhân loại lại rơi vào trong những chủ trương hẹp hòi lấy con người làm trung tâm và tái diễn những cuộc hủy hoại liên tiếp đối với môi sinh và nội tình thế giới.
1. Văn hóa kiểu chuyên gia (culture d'experts)
Đối với một xã hội đang bị phân hóa do mức độ tiệm tiến của chuyên môn hóa và những phân cắt trong xã hội, thì một trong những vấn đề nan giải của nó là hố ngăn cách ngày càng lớn dần giữa sự hiểu biết từng sự kiện và sự hiểu biết toàn bô của chúng. Một khối lượng thông tin khổng lồ về chi tiết vẫn tồn tại bên cạnh tình trạng thiếu thông tin về toàn bộ và vì thế lời kêu gọi trở về với suy tư và tìm ra lối ứng xử có hệ thống trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Mặt khác, do những hệ thống thông dụng nhằm phổ biến kiến thức và thông tin bị lệ thuộc một cách tiên quyết và đơn phương vào lối lý luận của Lý trí hiện đại lồng trong bối cảnh của lòng ham muốn quyền lực, nên nhu cầu hiểu biết toàn diện ở đây bị phủ lấp bởi những hệ thống ưu tú mang sắc thái của cái tri thức đang nắm quyền thống trị. Việc xã hội hoá và dân chủ hóa kiến thức là điều đáng mong ước, nhưng chỉ có thể được thực hiện một cách hạn chế trong những điều kiện của chủ nghĩa tư bản, cả khi có những trường hợp ngoại lệ.
Như thế, văn hóa theo kiểu chuyên gia của một thiểu số người được thông tin một cách phiến diện, phải trả giá bằng nạn mù chữ và nạn thất học (non alphabétisme) của đại đa số còn lại : mù chữ ở đây có nghĩa là đại đa số không những không biết ngôn ngữ riêng của mình, nhưng còn có khuynh hướng bị tước mất nền văn hóa dân tộc chân chính và mang sắc thái bản địa của mình (kể cả tôn giáo địa phương); còn nạn thất học, nghĩa là tình trạng yếu kém và ấu trĩ của những người không có khả năng tiếp thu bằng óc sáng tạo và tính độc lập đối với một lượng thông tin tương đối nhiều, để rồi biến hóa chúng một cách có sáng tạo. "Chúng ta biết ngày càng nhiều hơn và cũng trở thành đần độn mỗi ngày một hơn" (K.Rahner). Sự "suy thoái văn hóa" đó càng đe dọa khi mà những tiêu chuẩn và những sự kiểm soát đối với việc thu thập tài liệu và phương thức thông tin đang đặt ra những vấn đề.
Ở đây, tác vụ văn hóa có nghĩa là phục hồi cho những người câm và những người không có tiếng nói (sans-voix), hợp với những lời hứa của Tin Mừng và những đòi hỏi của Lý trí sáng suốt, để họ tìm lại được cái thẩm quyền "suy nghĩ tự mình, suy nghĩ giùm người khác, và suy nghĩ theo chính mình" (Kant). Bởi đó, vấn đề là vượt thắng được sự cách biệt nảy sinh từ lịch sử giữa đặc quyền được đào tạo của một số người và sự thiếu văn hóa của toàn xã hội. Với những con người bị buộc phải nín lặng, với những người câm và những người không có tiếng nói, Giáo Hội kể từ nay phải đi vào trong một tiến trình sáng tạo nhằm "xóa nạn mù chữ", để cùng với những con người ấy và vì họ, Giáo Hội giúp từng người tìm lại thứ ngôn ngữ riêng và văn tính độc đáo của họ. Đồng thời, điều hệ trọng là phải triển khai những sách lược khôn ngoan, nhằm chống lại chủ trương hủy hoại văn hóa, bị chi phối từ bên ngoài. Như thế, Giáo Hội phải tỏ rõ đặc tính Công Giáo và đại kết của mình : như vị trạng sư và người đại diện của tính toàn vẹn đã bị đánh mất, mà nay phải tìm lại.
2. Sự thiếu văn hóa của đa số quần chúng và nền kỹ nghệ văn hóa
Do ảnh hưởng của chủ nghĩa quốc gia, Dietrich Bonhoeffer đã viết: "Sự đần độn là một kẻ thù lợi hại gấp bội so với sự độc ác". Đứng trước sự độc ác, người ta có thể phản đối, bởi sự độc ác thường để lộ chân tướng. Và nếu cần, người ta có thể ngăn chặn nó bằng bạo lực; sự độc ác luôn mang trong mình mầm mống của sự tự tan rã, bởi ít ra nó cũng để lại trong con người một cảm thức khó chịu. Còn đối với sự đần độn, thật hết thuốc chữa. Những lời chống đối và bạo lực kể như vô hiệu, những lý lẽ không nhằm nhò gì với sự đần độn; còn riêng về việc vạch cho thấy thành kiến của kẻ đần độn là sai lầm, chỉ cần anh ta không tin sự kiện, thì cũng như nước đổ đầu vịt. Bằng lý luận trừu tượng, người ta còn có thể tùy ý khơi lên tính cách trưởng thành và cái chủ thể đang thành hình, bằng cách nại đến thứ Triết Học Ánh Sáng của thời hiện đại cũng như những văn bản chính thức của Giáo Hội - nhưng trong thực tế, nền kỹ-nghệ-văn hóa, do bị chi phối bởi những lợi nhuận tư riêng, nhất là qua những phương tiện truyền thông mới, nên rất thường dẫn đến một sự đần độn gắn liền với cơ chế và một nền đào tạo nửa vời, hiểu theo nghĩa người thụ huấn chỉ tiếp thụ một nền văn hóa độc nhất, nhưng tầm thường. Ở đây, chúng tôi không có ý đưa ra một lời kết tội trừu tượng đối với những phương tiện truyền thông. Nhưng người ta cũng không thể dùng một cái khoát tay để đẩy lùi mối nguy hại của sự "đần độn hóa cách êm ái". Nó làm cho các ý thức hệ thuộc cánh tả hay cánh hữu bị thương tổn; nó làm cho con người trở thành vô cảm, thậm chí đui mù đứng trước những thách đố sôi bỏng của thời hiện tại.
Ở đây, tác vụ văn hóa phải được cụ thể hóa bằng sự dũng cảm tỏ thái độ bất đồng, bằng sự phê phán những điều kiện sống gây mù quáng, "bằng cách gây nên những vết thương đau nhức trong những địa hạt của thói quen" (Nelly Sachs) và bằng cách tạo ra những chuyển thể không những nhằm chấm dứt tình trạng đần độn, nhưng còn hướng đến tính chủ thể và tính liên-chủ-thể, và như thế nghĩa là khai thông tình liên đới.
Cuộc đấu tranh của các dân tộc "chất phác" và "thiếu văn hóa" tại Châu Phi vào hậu bán thế kỷ XX nhằm đạt đến nền văn hóa của những người văn minh ở Châu Âu vào thế kỷ XIX và XX cung cấp một nguồn "tư liệu" dồi dào cho những nổ lực cần thiết của chúng ta về phương diện này. Tác vụ văn hóa từ nay còn có nghĩa là việc đặt lại vấn đề một cách sáng tạo đối với những điều đang được xã hội nhìn nhận là ưu thắng, đồng thời đưa vào diễn đàn xã hội những luận đề gây khó chịu hoặc những luận đề đã bị quên lãng. Trong một bối cảnh văn hóa đề cao tính cấp thời (immédiat), trong đó tốc độ làm chủ, thì việc dũng cảm gợi lại nguồn kinh nghiệm phong phú của những thời đã qua với tất cả tính hiện thực của nó quả là một công tác phục vụ đặc biệt vậy.
3. Phản biện văn hóa (contre-culture)
Một trong những gương mặt đặc biệt của nhà trí thức, nghệ sĩ, các nhà "sáng tạo văn hóa" phát xuất từ chỗ họ đóng vai trò của một vị "ngôn sứ đời" để tấn công vào những gì đang tồn tại cách giả trá và họ tạo ra bước khởi đầu của những phản biện văn hóa trong khung cảnh sống hiện tại và cho sự phát triển mai sau. Về điểm này, điều có tính chất quyết định kể từ nay đó là một thái độ phê phán, không có nghĩa là một sự phê phán gàn dở, nhưng là một sự phủ nhận rạch ròi. Với sự tự phê tới mức tối đa, mọi việc đều phải được dẫn ra trước tòa án của lý trí thuần lý và thực tiễn. Chỉ ngang qua một sự quyết tâm đặt lại vấn đề như thế, may ra ta mới có thể tìm lại tính bản thiện đã mất. Không có những lời phê phán đầy tâm huyết này, đời sống văn hóa thời hiện đại cũng như bản thân thời đại này sẽ không thể nào hiểu được.
Những thái độ cực đoan và những mối nguy gắn liền với sự phê phán trên đây chắc hẳn phải cần đến sự tu chỉnh của tác-vụ-văn hóa. Điều này càng đòi buộc hơn nữa khi mà sứ điệp và công trình của chính Đức Giê-su Kitô được mô tả như là một khởi xướng phản biện văn hóa. Tuy nhiên, sự đoạn giao giữa Tin Mừng và văn hóa, hay đúng hơn giữa các Giáo Hội và thời hiện đại, không thấy nơi nào đáng tiếc như ở đây. Thực ra, Giáo Hội, như Công Giáo tại Cộng Hòa Liên Bang Đức chẳng hạn, xuất hiện trước mắt các nhà trí thức như một Giáo Hội bị đẩy rất xa khỏi nền văn hóa. Giáo Hội không là một nhân tố sáng tạo trong nghệ thuật và văn học. Ngược lại, cũng phải nhận thức rằng nguồn kinh nghiệm phong phú của nền văn hóa nảy sinh từ Giáo Hội và lịch sử của nó đã hầu như mất dạng trong ý thức của toàn xã hội.
Tiếp đến, tác vụ văn hóa còn có nghĩa là lần đầu tiên người ta nhận thấy chiều rộng và chiều sâu của sự đoạn giao trên kia, thay vì loại trừ nó. Sự thực là lúc này đây, người ta phải nói về một cuộc xuất hành văn hóa của Giáo Hội Công Giáo trong lãnh vực này. Vì vậy, phải có một cuộc canh tân nội bộ Giáo Hội nhằm đạt tới sự hội nhập với thời hiện đại ở một mức độ sáng suốt và có văn hóa, đó là điều Công Đồng mong muốn và khởi xướng. Một tác vụ văn hóa như thế của Giáo Hội hướng nội (ad intra), trong địa hạt đời sống và Đức tin của Giáo Hội, đó là điều kiện bắt buộc để Giáo Hội chinh phục lại cái thẩm quyền cần thiết của mình trong tác vụ hướng ngoại (ad extra) đối với toàn xã hội. Thật là một điều có ý nghĩa khi mà vấn đề tôn giáo lại một lần nữa được đặt ra nơi những bậc thức giả giữa những người suy tư về tôn giáo, và họ đã tìm được những lời giải đáp sâu rộng ngang qua Kitô giáo. Tác vụ văn hóa phải đề cao cái "giá trị trội vượt" của truyền thống Kitô giáo (và khoa thần bí) một cách sáng tạo và lôi cuốn rồi sau đó nhấn mạnh hơn nữa tới sự nhận định các thần trí, bất kể vào thời nào.
4. Đối thoại liên-văn hóa (interculturel)
Tình thế hiện nay thật đáng lưu ý với sự kiện này là ngày càng có nhiều người trong các xã hội (và các Giáo Hội) thuộc Tây Âu có cảm tưởng rằng toàn bộ hệ thống văn hóa ưu thắng đang gây ra một tác dụng hủy hoại và cần có một sự thay đổi căn bản. Không thiếu những người đã nhập cuộc để tìm kiếm những giải pháp thay đổi tận gốc rễ. Đồng thời, ở bên kia của những chân trời văn hóa riêng của mỗi dân tộc, người ta thấy một sự quan tâm đang lớn dần đối với những truyền thống khác và những cộng đồng suy tư theo cách khác. Ở đó là cả một vận may đặc biệt, cùng với mối nguy cơ của chủ nghĩa chắp nối. Để cổ võ cho một nền văn hóa thế giới và một cộng đồng Giáo Hội mang tính chất "đa hệ" (polycentrique), quả thực phải có sự phối hợp cần thiết giữa lòng khiêm tốn và sự tự ý thức, giữa lòng trung thành với truyền thống văn hóa riêng của mình và một tư thế sẵn sàng để cho những hình thái văn hóa lỗi thời chết đi hầu hội nhập chúng vào trong một tiến trình văn hóa rộng lớn và toàn diện hơn. Hiểu như thế thì Giáo Hội toàn cầu có thể đóng góp đặc biệt trong việc đào tạo một tâm trạng và một phép xử thế mang tầm mức thế giới, trong đó các nền văn hóa riêng lẻ của địa phương và các truyền thống đặc loại của các khối, các miền, các dân tộc... không còn bị áp chế, thậm chí bị loại trừ, nhưng sẽ thấy mình có quyền được công nhận. Điều này bao hàm việc tạo ra một nền đạo đức học trong việc đối thoại và tôn trọng lẫn nhau, tạo ra một thứ văn hóa-đối-thoại giữa các tôn giáo và các nền văn hóa.
"Như thế sẽ mở ra những con đường hướng tới một sự thích ứng sâu xa hơn trong toàn bộ chiều kích của đời sống Kitô giáo. Bằng cách đó, tất cả cái vẻ bề ngoài của một chủ nghĩa chắp nối và chủ nghĩa đặc thù sai lầm sẽ bị loại trừ, đời sống Kitô giáo sẽ thích ứng với thiên hướng (génie) và đặc tính của từng nền văn hóa; những truyền thống đặc thù với những đặc tính riêng của mỗi gia đình dân tộc, một khi đã được ánh sáng Tin Mừng soi chiếu, đều được đón nhận vào sự hiệp nhất Công Giáo" (Vat.II, Ad Gentes, 22). Người ta còn thấy rõ hơn nữa cái hình thái xã hội và giảng huấn trước đây của Kitô giáo mang đậm nét Tây phương, và cần phải có một cuộc chỉnh đốn lại để trở thành chất men hữu hiệu đối với nền văn hóa thế giới đang được tìm kiếm. Bởi đó, tác vụ văn hóa hàm súc một sự từ chối đặc biệt đối với văn hóa Châu Âu và Bắc Đại Tây Dương nhằm cổ võ cho cái tiến trình văn hóa phổ quát này. Nhờ vậy, các nền văn hóa riêng lẻ sẽ tiếp nhận một phẩm giá và một tính cách mới mẻ.
IV. NHỮNG LUẬN ĐỀ
Chúng ta tổng kết một vài kết quả quan trọng của phần thảo luận trên thành những luận đề sau đây :
1. Trong chiều hướng của Công Đồng Vaticanô II, văn hóa có thể được hiểu như môi trường phổ quát của Tin Mừng và việc truyền bá Tin Mừng. Về phần Tin Mừng của Cựu Ước và Tân Ước, nó giả thiết và giải phóng các nền văn hóa như những thực tại đầy tính sáng tạo. Tin Mừng đã thực hiện điều đó bằng cách tự khẳng định mình và tự kiểm nghiệm mình như là một khuynh hướng hoàn toàn siêu việt trên mọi nền văn hóa. Tác vụ văn hóa khi đó đồng nhất với chính việc Phúc âm hóa, xét theo khía cạnh nó là một sự tiếp nhận vừa có tính phê bình lẫn tính sáng tạo đối với mọi nền văn hóa. Sự tiếp nhận này bước vào một tổng thể mới của sự thông cảm, hành động và giải thích. Sự tiếp nhận ấy được khôi phục và giải phóng nhằm mang lại sự tự do, công bình và bác ái. Về phần Tin Mừng, nó chỉ tồn tại cách cụ thể trong một tiến trình văn hóa xã hội và hình thành nên những khung trời văn hóa riêng của mình.
2. Cũng trong chiều hướng của Công Đồng, văn hóa có thể được hiểu như một lãnh vực xã hội chuyên biệt nhằm giải thích toàn bộ thực tại để thiết lập cũng như bảo vệ một nền phong hóa công cộng. Tiếp đến, đứng về mặt niềm tin Kitô giáo, tác vụ văn hóa có nghĩa là bước vào một cuộc trao đổi văn hóa có đặc tính sáng tạo và phê bình lẫn nhau (như văn học, nghệ thuật chẳng hạn). Điều này hàm súc sự dũng cảm khám phá ra những thảm trạng và tìm cách đẩy lùi những thảm trạng đó - nếu cần, có thể bước vào cuộc chiến trong tư thế của những người đang đau khổ. Sự phục vụ liên-văn hóa này có tính chất hỗ tương trong mức độ tự Giáo Hội là một môi trường văn hóa mang dấu ấn của lịch sử và bản thân Giáo Hội cũng cần một sự cải cách trường kỳ (nhất là khi Giáo Hội có nguy cơ biến thành một khu biệt cư).
3. Những chủ thể của tác vụ văn hóa là Giáo Hội (các Giáo Hội) và các Kitô hữu. Còn những kẻ tiếp nhận công tác phục vụ này là "trần gian", xã hội, lãnh vực văn hóa toàn diện cũng như các thành phần của nó. Định nghĩa này được coi là chính xác về mặt thần học tùy theo mức độ Giáo Hội (các Giáo Hội) và các Kitô hữu xác tín rằng nhờ Tin Mừng mà mình chứng thực cho một chân lý độc nhất và bất khả thay thế. Từ đó nảy sinh sự ý thức về bản thân và ý thức về sứ vụ của Giáo Hội. Nhưng thiết tưởng ta sẽ rơi vào một võng luận tai hại (paralogisme fatal) nếu từ đó đi đến kết luận rằng các Giáo Hội và các Kitô hữu không cần tác vụ văn hóa đến từ bên ngoài. Quả thực, rất thường các Giáo Hội có những thiếu sót về văn hóa vốn gây phương hại cho sự hiện diện của Giáo Hội trong thời đại mình và làm hại uy tín của Giáo Hội. Chỉ khi nào người ta hiểu được rằng cả Thiên Chúa nữa cũng đã phục vụ thế giới bằng việc thực thi tác vụ văn hóa, thì khi ấy, người ta mới nhìn nhận đúng giá trị thần học của vấn đề trên đây.
(TSTH số 04)
-----------------------------------------------------------------
* Gotthard FUCHS sinh năm 1938 tại Halle/S. Học triết học và thần học Công Giáo, lãnh tác vụ Linh Mục năm 1963 tại Paderborn. Trong nhiều năm Cha hoạt động mục vụ, cố vấn, cũng như giảng dạy tại Phân Khoa Thần Học Munster và Bamberg. Từ 1983, Cha là Giám Đốc của Académie catholique Raban Maur của các giáo phận Fulda, Limbourg và Mayence.
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha: Cách đối xử với người nghèo là thước đo của nền văn minh
-
Cánh cửa tinh thần và hơi thở Thánh Linh: Giáo huấn của Hội Thánh trong mục vụ văn hóa, văn học nghệ thuật -
Giới thiệu Thư viện Hội đồng Giám mục Việt Nam -
Phỏng vấn Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết - Một trong những nhà sưu tập cổ vật hàng đầu Việt Nam -
Bộ sưu tập hướng đến 400 năm Văn học Công giáo Việt Nam (1632-2032) -
Sứ vụ và hoạt động của Hội đồng Toà Thánh về Văn hóa -
Định hướng văn học trong mục vụ truyền giáo thời đầu tại Việt Nam -
Tủ Sách Nước Mặn: Những tác giả văn thơ cần in sách -
Léopold Michel Cadière 1869-1955 -
Ban Mục vụ Văn hóa TGP Sài Gòn: thông báo hai cuộc trưng bày các hiện vật cổ
bài liên quan đọc nhiều
- Toàn cầu hóa: cơ hội và thách đố của giới trẻ ngày nay
-
Văn hóa, văn minh -
Ban Mục vụ Văn hóa TGP Sài Gòn: thông báo hai cuộc trưng bày các hiện vật cổ -
Những đóng góp của Kitô giáo Việt Nam cho nền văn hóa và văn học dân tộc -
Giới thiệu Thư viện Hội đồng Giám mục Việt Nam -
Phỏng vấn Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết - Một trong những nhà sưu tập cổ vật hàng đầu Việt Nam -
Giáo hội Công Giáo dấn thân trong sứ mạng Giáo dục -
Bộ sưu tập hướng đến 400 năm Văn học Công giáo Việt Nam (1632-2032) -
Trương Vĩnh Ký - Thầy dạy chữ quốc ngữ đầu tiên -
Léopold Michel Cadière 1869-1955