Suy tư thần học về việc cầu nguyện
SUY TƯ THẦN HỌC VỀ VIỆC CẦU NGUYỆN
(Bài thứ III trong loạt bài Suy Từ theo chủ đề này)
Bài Huấn Dụ của Đức Thánh Cha BÊNÊĐICTÔ XVI
trong Buổi Triều Yết Chung, Thứ Tư, ngày 18-5-2011
Anh Chị Em thân mến,
Trong 2 bài giáo lý trước đây chúng ta đã suy tư về việc cầu nguyện như là hiện tượng phổ quát mà – cho dù dưới những hình thức khác nhau – đều thấy có trong các nền văn hóa của tất cả mọi thời đại. Nhưng hôm nay tôi muốn bắt đầu đi theo Kinh Thánh để học hỏi về đề tài này, để hướng dẫn chúng ta đào sâu cuộc đối thoại khế ước giữa Thiên Chúa và con người, là cuộc đối thoại làm sống động lịch sử cứu rỗi, cho tới tuyệt đỉnh của lịch sử này, cho tới lời quyết định là Đức Giêsu Kitô. Trong hành trình này chúng ta dừng lại ở một vài bản văn quan trọng và ngắm nhìn các bộ mặt mẫu của Cựu Ước và Tân Ước.
Ông Abraham, vị Tổ Phụ vĩ đại, cha của mọi người tin (x. Rm 4, 11 - 12. 16 – 17), là người được coi là gương mẫu thứ nhất về việc cầu nguyện, trong câu truyện ông can thiệp cho thành Sođoma và thành Gomorra. Và Tôi cũng muốn mời Anh Chị Em lợi dụng hành trình mà chúng ta sẽ đi qua trong những bài giáo lý sắp tới để học biết Kinh Thánh hơn nữa, mà Tôi hy vọng là Anh Chị Em có cuốn Kinh Thánh trong nhà mình, và trong tuần này, Anh Chị Em dừng lại đó để đọc Kinh Thánh và suy niệm trong khi cầu nguyện để biết lịch sử tuyệt vời về mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người, giữa Thiên Chúa là Đấng thông ban chính mình cho chúng ta và con người là đối tượng đáp trả lại, cũng là con người cầu nguyện.
Bản văn Kinh Thánh thứ nhất mà chúng ta muốn suy tư, trích trong đoạn thứ 18 của Sách Sáng Thế, kể lại cho chúng ta tội ác của dân thành Sođoma và thành Gomorra, tội của họ chồng chất cao chót vót tới tột độ, đến nỗi Thiên Chúa cần phải can thiệp vào để thực hiện một hành động công bằng và để làm cho sự dữ ngưng lại, không tiếp tục hủy diệt thành này. Ở đây ông Abraham đã xuất hiện cùng với lời cầu nguyện của ông, lời cầu nguyện có mục đích can thiệp vào biến cố. Thiên Chúa quyết định mặc khải cho ông biết điều đang xẩy ra và làm cho ông biết mức độ nặng nề của sự dữ và các hậu quả khủng khiếp từ đó mà ra, bởi vì ông Abraham là người được Thiên Chúa tuyển chọn, được tách riêng ra để trở nên một dân tộc vĩ đại và làm cho lời chúc phúc của Thiên Chúa ảnh hưởng tới tận cùng của thế giới. Sứ mệnh của ông là sứ mệnh cứu rỗi, là thái độ đáp lại với tội lỗi đã xâm nhập sâu xa vào thực tại con người, qua con người Thiên Chúa muốn mang nhân loại tới đức tin, tới sự vâng phục, tới công bình. Và giờ đây, người bạn của Thiên Chúa đang tỏ mình ra là người như thế trong biến cố này và ông lo lắng về nhu cầu của thế giới, khi ông Abraham cầu nguyện cho những người sắp bị trừng phạt và ông cầu xin để họ được giải cứu.
Ông Abraham đặt ngay vấn đề sự ác toàn diện, ông thưa với Chúa: “Có phải đúng là Chúa sẽ tru diệt người công chính cùng với người dữ, cho dù có tìm ra được 50 người lành trong thành này, như vậy Chúa có tru diệt họ không? Và Chúa không tha thứ cho nơi này vì 50 người lành ở trong thành đó sao? Không thể xẩy ra như thế được, khi Chúa để người lành cùng chết với người dữ, và như vậy người lành cũng bị cư xử cùng một cách như người dữ sao? Không thể như thế đối với Chúa!” Có lẽ gì Đấng xét xử tất cả trái đất này lại không xét xử công minh?” (câu 23 – 25). Với những lời này, cùng với thái độ thật can đảm, ông Abraham đặt ra trước mặt Thiên Chúa một điều là cần tránh một sự công chính tầm thường : nếu thành Sođoma có tội, thì đúng là phải trừng phạt tộâi của thành và ra án phạt, nhưng – vị Tổ phụ quả quyết - : như thế thật là bất công trong khi trừng phạt mà không phân biệt người lành kẻ dữ giữa đám dân cư trong đó. Nếu trong thành có những người vô tội, thì những người này không thể bị xử như những người có tội, Thiên Chúa, Đấng thẩm phán công minh, không thể nào hành động như thế được, ông Abraham nói thẳng với Thiên Chúa như vậy.
Tuy nhiên, nếu chúng ta đọc bản văn này một cách chú ý hơn, chúng ta nhận ra rằng lời xin của ông Abraham còn nghiêm chỉnh hơn và có ý nghĩa sâu xa hơn, bởi vì lời xin này không chỉ giới hạn vào việc xin cứu vớt các kẻ vô tội. Ông Abraham còn cầu xin ơn tha thứ cho cả thành khi ông nại tới sự công chính của Thiên Chúa, quả vậy, khi ông nói với Chúa : “Chúa không tha thứ cho thành vì 50 người công chính tìm được ở trong đó sao? (câu 24b). Làm như thế, người ta đưa ra một ý tưởng mới về vấn đề công chính: Không phải là sự công chính, hiểu như là việc trừng phạt những người có tội, như người đời thường làm, nhưng là sự công chính khác, sự công chính của Thiên Chúa là sự công chính tìm điều tốt và tạo ra điều tốt qua ơn tha thứ biến đổi người tội lỗi, sự công chính cải hóa họ và cứu rỗi họ. Vậy với lời cầu xin của mình, ông Abraham không kêu xin một sự công chính hoàn toàn có tính cách thưởng phạt, nhưng ông kêu xin một sự can thiệp cứu rỗi, như là một sự công chính vừa chú ý tới những người vô tội, như là sự công chính vừa giải thoát cả những kẻ dữ khỏi các lỗi lầm, khi tha thứ cho họ. Tư tưởng của ông Abraham, mà hình như có vẻ mâu thuẫn, có thể được tóm lại như sau: rõ ràng là người ta không thể xử với người vô tội như kẻ có tội, điều này thật bất công, trái lại phải xử những người có tội như người vô tội, khi làm cho hành động này trở nên hành động công chính “cao hơn”, nghĩa là làm cho kẻ có tội có đươc khả năng, có được cơ hội để được cứu rỗi, bởi vì nếu những người dữ chấp nhận ơn tha thứ của Thiên Chúa và xưng thú lỗi lầm của mình và để cho mình được cứu rỗi, nếu không tiếp tục làm điều dữ nữa, họ cũng sẽ trở nên công chính, và như thế không cần phải có hình phạt nào nữa.
Và đó là lời cầu xin sự công chính mà ông Abraham biểu lộ ra trong việc cầu bầu của ông, một lời cầu xin dựa trên niềm xác tín chắc chắn là Thiên Chúa quả thực rất nhân từ. Ông Abraham không kêu xin Thiên Chúa một điều trái ngược với yếu tính của Thiên Chúa, ông gõ cửa vào chính cung lòng của Thiên Chúa trong khi biết đươc ý muốn đích thực của Thiên Chúa. Thật vậy thành Sođôma là một thành trì thật lớn rộng, tìm ra 50 người công chính xem ra như một điều nhỏ, nhưng sự công chính của Thiên Chúa và ơn tha thứ của Ngài có lẽ không phải là biểu lộ của sức mạnh của sự thiện, và rồi hành động này còn được coi như là thua kém hơn và yếu đuối hơn sự dữ? Việc phá hủy thành Sođôma phải làm ngưng sự dữ hiện đang hoành hành trong thành, nhưng ông Abraham biết rằng Thiên Chúa có những cách khác và những phương tiện khác để ngăn cản sự dữ lan tràn ra. Sự tha thứ làm gián đoạn cơn lốc xoáy của tội lỗi, và qua việc ông Abraham đối thoại với Thiên Chúa, người ta chắc chắn nhận ra rằng những điều này đưa ta nghĩ tới chân lý trên. Rồi khi Chúa chấp nhận tha thứ cho thành này, nếu có được 50 người lành, lời cầu nguyện can thiệp bắt đầu đi sâu vào vực thẳm của lòng nhân từ của Thiên Chúa Ông Abraham – như chúng ta nhớ lại – lòng nhân từ đó rút bớt đi con số những người công chính cần phải có để được cứu rỗi xuống thấp hơn: nếu không có 50 người, thì 45 người có đủ không, và rồi còn đi xuống hơn nữa, tới con sốâ 10 người, tiếp tục lời xin của ông, mà đi tới mức độ như bắt buộc phải có để được chấp nhận, khi ông nhấn mạnh nài xin “có lẽ chỉ có 40 . . . 30 . . .20 . . . hay 10 người thôi” (xem các câu 29. 30. 31, 32). Và khi con số càng xuống thấp, thì lòng nhân từ của Thiên Chúa lại càng được tỏ ra bao la hơn, Thiên Chúa Đấng lắng nghe lời cầu nguyện với sự kiên nhẫn, Ngài nhận lời cầu nguyện đó và nhắc lại mỗi lần lời cầu xin vang lên ”Ta sẽ tha thứ, . . . chứ không tiêu hủy thành . . . Ta sẽ không làm thế đâu” (xem các câu 26. 28. 29. 30. 31. 320.
Như thế, nhờ lời cầu bầu của ông Abraham, thành Sođôma có thể được thoát, cả khi người ta tìm ra được chỉ 10 người vô tội trong thành đó. Đó là quyền năng của lời cầu nguyện. Bởi vì qua việc bầu cử, lời cầu xin với Thiên Chúa để được ơn cứu rỗi cho người khác, lại tỏ ra và diễn tả ra ý muốn cứu rỗi mà Thiên Chúa luôn tỏ ra đối với con người tội lỗi. Quả vậy, sự dữ không có thể được chấp nhận, mà cần phải đem ra tố cáo và bị hủy diệt qua hình phạt : việc hủy thành Sođôma quả là có công dụng này. Nhưng Chúa không muốn sự chết của người dữ, nếu họ trở lại thì sẽ được sống (xem Ez 18, 23; 33, 11); mong muốn của Chúa luôn là muốn tha thứ, cứu rỗi, ban sự sống, muốn biến đổi sự dữ thành sự lành. Như vậy, chính ý muốn của Thiên Chúa qua lời cầu nguyện, trở nên ý muốn của con người và diễn tả ra qua những lời cầu bầu. Cùng với lời cầu khẩn, ông Abraham đang nói ra những lời riêng của mình, đang cho thấy con tim riêng của mình, cùng với ý của Thiên Chúa, mong muốn của Thiên Chúa là lòng nhân từ, là tình yêu và cứu rỗi, tất cả điều này tìm gặp được nơi ông Abraham và trong lời cầu nguyện của ông, và được biểu lộ ra một cách thế cụ thể bên trong lịch sử của con người, hiện diện ở đâu cần có ơn thánh. Với tiếng vang vọng của lời cầu nguyện, ông Abraham đang làm cho ý muốn của Thiên Chúa, trở nên ý muốn không phải là hủy diệt, mà là cứu vớt thành Sođoma, là trao ban sự sống cho kẻ có tội ăn năn trở lại.
Và đây là điều Thiên Chúa muốn, đó là cuộc đối thoại của Ngài với ông Abraham được trải dài ra và là một biểu lộ thật rõ ràng của tình yêu nhân từ. Việc cần thiết tìm ra những người công chính ở trong thành không còn là đòi hỏi nữa và sau cùng chỉ cần 10 người thôi cũng đủ để cứu vớt cả dân thành. Vì lý do đó, ông Abraham dừng lại ở 10 người, điều này không thấy nói trong bản văn. Có lẽ đó là con số chỉ về gốc nguồn của một cộng đoàn nhỏ nhất (ngay cả ngày nay con số 10 người cũng là con số đủ cần thiết để có thể cầu nguyện theo phong tục của những người Do Thái). Dầu sao, người ta bàn về một con số nhỏ, một mảng nhỏ phát xuất ra từ sự thiện, để cứu khỏi cả một sự dữ lớn lao. Tuy nhiên dù có 10 người công chính tìm được trong thành Sođoma và thành Gomorra, thì các thành này cũng bị phá hủy. Như vậy một cuộc phá hủy được coi một cách mâu thuẫn như là điều cần thiết chính là do lời cầu nguyện can thiệp của ông Abraham. Bởi vì chính lời cầu nguyện đó đã mặc khải ra ý muốn cứu rỗi của Thiên Chúa : Chúa sẵn sàng để tha thứ, Ngài muốn làm điều đó, nhưng các thành đã đóng cửa lại khép mình trong một sự dữ toàn diện và làm tê liệt, mà không có được một vài người vô tội từ đó bắt đầu biến chuyển sự dữ thành sự lành. Bởi vì chính hành trình cứu rỗi này mà ngay cả ông Abraham đã xin được cứu rỗi, chứ không muốn đơn sơ là chạy trốn khỏi cuộc trừng phạt, mà xin được cứu thoát khỏi sự dữ đang ở nơi chúng ta. Như vậy không phải là việc trừng phạt, như là điều phải loại bỏ đi, nhưng điều cần loại bỏ đi, chính là tội, tội chối từ Thiên Chúa và chối bỏ tình yêu đã mang trong mình sự sửa phạt. Tiên tri Giêrêmia nói với dân phản loạn: “Chính sự độc ác của ngươi sửa phạt ngươi và các cuộc phản loạn trừng phạt ngươi. Bạn hãy lưu ý và hãy thử xem thật buồn thảm biết bao và đắng cay biết bao khi ta bỏ Chúa, Thiên Chúa” ( Gr 2, 19). Và từ nỗi niềm buồn sầu và cay đắng này mà Chúa muốn cứu vớt con người khi giải thoát họ khỏi tội. Nhưng Ngài đòi hỏi nơi họ một sự biến đổi từ bên trong, một hình thức hướng về sự thiện một khởi đầu từ đó phát xuất hành động hoán đổi sự ác nên sự lành, giận ghét ra yêu thương, trả thù thành tha thứ. Vì điều này mà những người công chính phải là người ở trong thành, và ông Abraham lặp lại luôn “có thể là chỉ tìm được . . . “. “Ở đó” : ở trong thực tại ốm đau là điều phải có như là mầm mống của sự lành có thể sửa chữa lại và đem lại được sự sống. Đó là một lời nó được tỏ ra cả với chúng ta nữa: nghĩa là trong các thành trì của chúng ta ở cũng tìm ra mầm mống sự lành; có nghĩa là chúng ta hãy làm hết sức có thể để tìm được không chỉ 10 người lành mà thôi, để làm cho thực sự sống và làm sống sót các thành của chúng ta và phải cứu lấy chúng ta khỏi sự cay đắng bên trong này, đó là sự vắng bóng Thiên Chúa. Và trong thực tại bệnh hoạn của thành Sođoma và Gomorra cái hạt giống của sự lành không tìm ra được.
Nhưng lòng nhân từ của Thiên Chúa trong lịch sử của Dân của Ngài được mở rộng ra vượt xa hơn nữa. Nếu để cứu thành Sođoma cần tới 10 người lành, thì ngôn sứ Giêrêmia nói rằng, nhân danh Đấng Toàn Năng, chỉ cần một người lành thôi để cứu thành Giêrusalem : “Anh em hãy đi chung quanh thành Giêrusalem, và hãy nhìn cho kỹ, và hãy biết mọi tin tức, hãy tìm kiếm trong các quảng trường của thành xem có được một người thực hành luật lệ không, và là người đi tìm sự trung tín, và tôi sẽ tha thứ cho thành đó” (Gr 5, 1). Con số còn xuống thấp hơn nữa, thế mà lòng tốt của Thiên Chúa lại còn tỏ ra lớn lao hơn. Tuy nhiên điều này cũng chưa đủ, lòng từ bi vượt qua giới hạn phát xuất từ Thiên Chúa không tìm được câu trả lời về sự thiện mà Ngài muốn tìm, và Giêrusalem ngã xuống trước cuộc bao vây của kẻ thù. Điều cần là chính Thiên Chúa trở nên người lành đó. Và đây là mầu nhiệm Nhập Thể : để bảo đảm một người công chính Ngài đã trở nên con người. Tình yêu vô cùng và thật ngạc nhiên của Thiên Chúa sẽ được bày tỏ một cách trọn vẹn khi Con Thiên Chúa làm người, Đấng Công Chính sau cùng, Đấng Vô Tội toàn vẹn, mang ơn cứu độ cho toàn thể thế giới, khi chết trên Thánh Giá, khi tha thứ và khi cầu bầu cho những ai “không biết điều họ làm” (Lc 23, 34). Vì thế lời cầu nguyện của mỗi người sẽ tìm thấy câu trả lời của mình, lúc đó việc cầu bầu của chúng ta sẽ được nhận.
Anh Chị Em thân mến. Lời cầu xin của ông Abraham, cha chúng ta trong đức tin, dạy chúng ta luôn mở con tim của chúng ta ra cho lòng nhân từ cao vượt của Thiên Chúa, bởi vì trong lời cầu nguyện hằng ngày, chúng ta biết ước mong sự cứu độ nhân loại và biết xin Lòng Nhân Từ của Thiên Chúa một cách kiên nhẫn và tín thác với Thiên Chúa là Đấng thật vĩ đại trong tình yêu.
Xin cám ơn.
Dịch ngày 20-5-2011
Lm. Phanxicô Trần Văn Khả
(dịch theo nguyên bản tiếng Ý, do Phòng Báo Chí Tòa Thánh công bố)
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô