Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần II Mùa Chay

Suy niệm Lời Chúa hằng ngày: Tuần II Mùa Chay

THỨ HAI TUẦN 2 MÙA CHAY
Lc 6,36-38

"Vì anh em đong bằng đấu nào,
thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em
 bằng đấu ấy."
(Lc 6,38)

1. Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa dạy chúng ta rất nhiều điều: Nhân từ, đừng xét đoán và kết án, hãy tha thứ và biết cho đi. Đặc biệt Chúa Giêsu nói rằng, tùy cách ta đối xử với người khác như thế nào thì ta sẽ được Thiên Chúa đối xử lại như vậy.

Trong những việc lành vừa kể trên, Chúa nhấn mạnh hơn về việc biết cho đi.

Mẹ Têrêsa kể: "Có người hỏi một người đàn ông Hindu: "Kitô hữu là gì?" Ông trả lời: "Kitô hữu là người biết cho đi".

Hãy mở lòng, để Thiên Chúa làm thấm nhuần tấm lòng bạn bằng tình yêu thương. Chúa yêu thương bạn với tình yêu dịu hiền. Những gì Chúa ban tặng không phải để bạn giữ lấy và khoá kỹ, nhưng để bạn cho đi.

Bạn càng dành dụm, bạn càng ít khả năng trao tặng, bạn càng có ít, càng biết rõ bạn phải cho đi bao nhiêu. Nếu có xin gì, chúng ta hãy xin Ngài giúp chúng ta sống quảng đại.

Tại Ấn Độ, nếu ai cho người nghèo một ít gạo, họ sẽ vui vẻ mãn nguyện khi nhận quà. Tại Âu Châu, người nghèo không nhận mình nghèo, nên với nhiều người, thái độ này đã làm nảy sinh nỗi thất vọng.

Chiều muộn (khoảng 10 giờ đêm), nghe chuông reo, tôi ra mở cửa và gặp một người đàn ông đang run rẩy vì lạnh.

"Thưa mẹ Têrêsa, con nghe mẹ vừa nhận một giải thưởng lớn. Khi hay tin này, con quyết định cũng tặng Mẹ món quà gì đó. Đây mẹ nhận đi. Đó là những gì con quyên được hôm nay".

Chỉ là một chút thôi, nhưng trong hoàn cảnh của anh, đó là tất cả.

Tôi cảm động trước "giải thưởng" của anh hơn là lúc nhận giải Nobel.

Có ngày, một đôi vợ chồng trẻ đến nhà chúng tôi và xin gặp tôi.

Họ tặng tôi một món tiền lớn, tôi hỏi: "Các bạn kiếm được số tiền lớn này ở đâu?" . Họ trả lời: "Chúng con mới cưới nhau hai ngày. Trước khi cưới, chúng con đã quyết định không tổ chức đám cưới, không sắm áo cưới, không làm tiệc cưới, chẳng đi trăng mật. Chúng con muốn tặng mẹ số tiền chúng con dành dụm được".

Tôi hiểu hết ý nghĩa của quyết định đó, nhất là đối với một gia đình Hindu. Do đó tôi hỏi: "Các bạn nghĩ thế nào về chuyện đó?"

"Chúng con yêu nhau nhiều, nên chúng con muốn chung chia niềm vui về tình yêu của chúng con với những người mẹ đang phục vụ.

Chia sẻ: hành động tốt đẹp biết bao!

Ta biết cho đi thì Chúa sẽ cho lại. Chúa dùng hình ảnh cái đấu để cắt nghĩa: nếu ta đong cho người ta bằng cái đấu nhỏ hoặc cái đấu thiếu thì Chúa sẽ đong lại cho ta bằng cái đấu nhỏ hoặc thiếu y như vậy. Ngược lại, nếu ta đong cho người ta bằng đấu to thì Chúa sẽ đong lại cho ta bằng cái đấu to hơn gấp bội, lại còn dằn, còn lắc và đầy tràn nữa.

2. Chúa cũng nói với chúng ta về việc cần phải sám hối.

Sám hối không phải chỉ là tâm tình hối hận vì những tội đã phạm, mà còn là làm việc lành phúc đức để đền bù tội lỗi. Một trong những việc làm đó là tha thứ. Ta sám hối để cầu Chúa tha thứ cho ta thì ta cũng phải biết tha thứ cho anh em ta.

Liền sau thế chiến thứ II chấm dứt, bà Koritainbun một con người còn mang đầy những vết sẹo trên thân thể. Đó là những tàn tích của những khổ hình mà bà phải chịu trong trại tập trung của Đức quốc xã. Bà đã đi khắp Âu Châu rao giảng về sự tha thứ cho những kẻ đã làm hại mình.

Thế nhưng, vào một Chúa Nhật nọ, sau khi kêu gọi mọi người tha thứ cho nhau trong nhà thờ của thành phố Munich, bước ra ngoài, bất ngờ bà phải đối diện với một gương mặt rất quen thuộc, đó là dung mạo của người lính đã hành hạ làm khổ bà cũng như hàng ngàn nữ tù nhân khác trong trại tập trung. Từ thâm tâm, bà cảm thấy những tiếng than khóc, những cảnh tra tấn, và những tiếng kêu thét đòi trả thù nổi lên mạnh mẽ.

Ngay lúc đó, người đàn ông này tiến lại khiêm tốn đưa tay ra, vừa muốn bắt tay bà vừa muốn nói:

- Thưa bà, tôi rất cảm ơn những lời tốt đẹp của bà kêu gọi sự tha thứ, xin bà tha thứ cho tôi.

Bà Koritainbun như chết điếng người, vì trước đây bà đã cầu nguyện và nhất quyết tha thứ thật sự, nhưng giờ đây đối diện với con người cụ thể đã từng tra tấn mình, bà đứng lặng im, tay không tài nào đưa ra để bắt tay người đến xin bà tha thứ.

Sau này vào năm 1971, khi kể lại biến cố trong tập sách "Nơi ẩn trốn", bà đã cho biết: Trong những giây phút thinh lặng đó, tôi đã cố gắng dâng lên Chúa lời cầu nguyện "Lạy Chúa, Chúa thấy con chưa thể tha thứ cho con người đã làm khổ con. Xin Chúa hãy ban cho con những tâm tình của Chúa để có thể tha thứ như Chúa".

Và chính trong lúc đó, bà đã hiểu rằng, con người chỉ có thể tha thứ cho nhau khi họ được nhận tình thương yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa.


THỨ BA TUẦN 2 MÙA CHAY
Mt 23,1-12

"Vậy, tất cả những gì họ nói,
anh em hãy làm, hãy giữ,
còn những việc họ làm,
thì đừng có làm theo,

vì họ nói mà không làm."
(Mt 23,3)

1. Cái tội nói mà không làm chẳng phải là của những người Pharisêu và luật sĩ như Chúa nói trong bài Tin Mừng hôm nay, mà phải nói đó là cái tội của mọi thời đại.

Trong kho tàng giai thoại văn chương thế giới, có câu chuyện này. Chuyện xảy ra vào thời Hoàng đế Néron ở Rôma. Néron nổi tiếng là ông vua tàn bạo, rất thích phạt tội nhân bằng cách cho sư tử xé xác họ ra.

Cứ mỗi lần xử, Néron lại cùng hoàng hậu và các quan văn võ lên khán đài chứng kiến. Dĩ nhiên là quần chúng cũng được phép đến xem.

Một hôm, có tên tử tội bị xử theo kiểu này. Anh ta bị đẩy ra giữa hí trường và người ta thả sư tử ra. Con sư tử gầm gừ nhảy ra. Ai nấy đều phập phồng kinh hãi cho phút thụ hình của anh ta.

Nhưng lạ thay, lần này con sư tử hung dữ thay vì cắn xé tử tội thì nó chỉ nhảy chồm lên... rồi đến trước tội nhân lấy mũi hít hít vài cái rồi thôi.

Quân lính làm thế nào nó cũng mặc. Đoạn nó cúi đầu chào tội nhân rồi ngoắc đuôi lủi thủi đi vào với vẻ mặt buồn rầu như bị một cái gì đe dọa.

Theo luật, nếu sư tử không ăn thịt thì tội nhân được tha bổng.

Néron lấy làm lạ, nên trước khi tha về, ông ta gọi tội nhân đến mà hỏi:

- Nhà ngươi làm cách nào mà con sư tử của trẫm không dám đụng đến. Phải nói cho trẫm biết, trẫm sẽ thưởng tiền để về làm ăn.

Tội nhân đáp:

- Tâu bệ hạ, thần không làm gì mà cũng không có bùa phép chi cả mà chỉ khẽ bảo nó một câu.

- Câu gì? Néron hỏi gấp

Anh ta thưa:

- Muôn tâu bệ hạ, thần chỉ bảo: Mày muốn ăn tao, cứ việc. Nhưng tao cho mày hay ăn xong, thế nào nhà vua cũng bắt mày đọc diễn văn bày tỏ cảm tưởng và cám ơn. Vậy nếu mày muốn ăn tao, hãy lo thảo diễn văn trước đi. Muôn tâu bệ hạ, ấy thế là nó hoảng hồn bỏ đi ngay.

Câu Chuyện trên đây là do nhà văn Gilbert Chesterton đặt ra chế nhạo cái phong trào đọc diễn văn của vua quan và những người quý phái ở nước Anh vào thời ông, mà dân chúng đã quá nhàm.

Không phải chỉ ở những thời xa xưa, mà ngày nay, thế giới càng văn minh, khoa học càng phát triển, con người càng nhiều kiến thức thì những bài diễn văn lại càng uyên bác và càng dài.

Biết bao nhiêu hội nghị, biết bao nhiêu bài diễn văn, biết bao nhiêu giấy mực, thời giờ và công sức bỏ ra để soạn thảo, để nói, để nghe.

Nhưng cuối cùng, thì người ta nói quá nhiều mà làm quá ít, hay chẳng làm gì cả.

Người ta nói để trấn an dư luận, để lấn át tiếng lương tâm, để che đậy cái man trá của lòng mình.

2. Hãy nhớ Lời Chúa Giêsu quở trách: "Khốn cho các ngươi! Vì các ngươi nói mà không làm." (Mt 23,3)

Một công chúa Ả Rập quyết định cưới một trong những nô lệ của cô làm chồng. Nhà vua nói và làm đủ cách để khuyên can con gái, nhưng không thành công. Không một cố vấn nào của nhà vua có thể nghĩ ra cách nào để giúp ông. Cuối cùng, một quan tể tướng nổi tiếng khôn ngoan xuất hiện tại triều đình. Sau khi nghe câu chuyện của nhà vua, viên quan này nói:

- Bệ hạ đã được cố vấn một cách sai lầm rồi. Vì nếu bệ hạ cấm công chúa điều đó, công chúa sẽ oán trách bệ hạ và càng gắn bó hơn với anh chàng nô lệ kia.

- Vậy nhà ngươi hãy cho biết ta phải làm gì?

Quan tể tướng đề xuất một kế hoạch hành động. Nhà vua không tin tưởng lắm vào kế hoạch này, nhưng cũng quyết định thử xem sao. Ông cho gọi con gái đến và nói:

- Ta sẽ kiểm tra tình yêu của con đối với anh chàng kia. Con sẽ bị giam trong một căn phòng nhỏ với anh ta trong ba mươi ngày đêm. Nếu sau đó, con vẫn muốn cưới anh ta, ta sẽ hoàn toàn chấp thuận.

Công chúa vui mừng ôm chầm lấy thân phụ mình và chấp nhận bài kiểm tra nói trên.

Mọi sự đều trôi chảy tốt đẹp trong những ngày đầu. Nhưng chẳng bao lâu, tất cả trở nên chán chường. Chỉ sau một tuần, cô trở nên dị ứng với mọi hành vi, cử chỉ, lời nói của chàng - và ước gì mình có một sự bầu bạn khác. Sau hai tuần, cô chán anh ta đến nỗi cô thường xuyên la hét và đập vào cánh cửa. Cuối cùng khi được giải phóng, công chúa ôm chầm lấy vua cha, rối rít cám ơn cha mình đã cứu mình khỏi người đàn ông mà bây giờ cô không muốn gặp nữa.

Lạy Chúa Giêsu,
xin làm cho con thật mạnh mẽ,
để không nỗi thất vọng nào
còn chạm được tới con.

Xin làm cho con thật đầy ắp,
để ngay cả một ước muốn nhỏ
cũng không còn có chỗ trong con.

Xin làm cho con thật lặng lẽ,
để con chỉ còn loan báo Chúa mà thôi.

Xin Chúa ngự trong con thật sống động,
để không phải là con,
mà là chính Ngài đang sống. Amen.


THỨ TƯ TUẦN 2 MÙA CHAY
Mt 20,17-28

"Cũng như Con Người đến
không phải để được người ta phục vụ,
nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống

làm giá chuộc muôn người." (Mt 20,28)

Qua bài Tin Mừng vừa nghe, chúng ta thấy quan niệm của Chúa Giêsu và quan niệm của các môn đệ về cuộc sống có một khoảng cách thật xa.

Với Chúa Giêsu thì cuộc sống là phục vụ và hy sinh.

Còn với các môn đệ thì chưa được như thế.

1. Chúa bảo: “Ai muốn cầm đầu thì hãy làm đầy tớ và phục vụ mọi người.” (Mt 20,27)

Sống đối với Chúa là phục vụ. Chúa phục vụ đến quên mình, phục vụ như một người tôi tớ. "Con Người đến không phải để được phục vụ, mà để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người.” (Mt 20,28)

Còn con người thì sao? Qua những gì được kể lại trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy con người thường chỉ nghĩ đến quyền lợi, danh dự, ơn ích... Nói cách khác, chỉ nghĩ đến nhận mà không nghĩ đến cho, nghĩ đến việc được người ta phục vụ chứ chưa nghĩ đến việc phục vụ người khác.

Thánh Antôn, là giám mục của vùng Firenze nước Ý vào khoảng thế kỷ thứ 15, có kể lại một câu chuyện mà ngài đã tận mắt chứng kiến trong đời mục vụ tông đồ:

Một hôm, ngài đang đi trên đường thì Thiên Chúa cho ngài thấy có một thiên thần cứ bay lượn bên trên một ngôi nhà nghèo nàn lụp xụp. Ngài ghé vào hỏi thăm cha sở vùng này thì được biết, gia đình ấy tuy rất nghèo nhưng rất đạo đức và tốt bụng, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Thánh Antôn động lòng thương, hiểu ra ý Chúa muốn soi sáng cho mình, ngài bèn trích quỹ từ thiện, kín đáo trợ cấp hàng tháng cho gia đình đó một số tiền vừa đủ để có vốn liếng mà chí thú làm ăn cho đỡ nghèo khổ.

Bẵng đi một thời gian, ngài lại có việc đi qua vùng ấy. Ngài chợt giật mình trông thấy một tên quỉ xấu xa đang bay lượn trên mái một ngôi nhà khang trang đẹp đẽ nhất vùng. Ngài lại ghé vào cha sở để hỏi thăm, thì hóa ra đó chính là ngôi nhà của gia đình mà ngài đã từng trợ cấp lâu nay. Ngài biết họ đã cố gắng ăn nên làm ra, nhưng dần dần, vì tham lam, họ đã học đòi những thủ đoạn mánh khóe bất lương để làm giàu nhanh chóng, đời sống họ hoàn toàn vô đạo đức, trở nên ích kỷ và độc ác. Hiện tại họ lại còn thói ăn chơi trụy lạc.

Vâng! Khi có tiền có bạc con người ta dễ sinh ra ích kỷ, chỉ nghĩ đến mình chứ không để ý đến người khác.

Mẹ Têrêsa Calcutta có lần đã nói: "Thế giới thiếu vắng đức tin vì có quá nhiều ích kỷ, quá nhiều cái tôi. Để sống đức tin chân thật, lòng người phải quảng đại cho đi."

2. Chúa đã phục vụ, phục vụ đến quên mình. "Con Người đến để phục vụ và phó mạng sống làm giá chuộc cho nhiều người.” (Mt 20,28)

Có lần mẹ Têrêsa nói với các chị em trong dòng của mẹ "Tình yêu đòi hỏi hy sinh. Đừng sợ yêu thương đến độ phải hy sinh, tới mức phải nhức nhối."

Vâng, hãy tập hy sinh để được nên giống Chúa.

Trong căn nhà nhỏ ở một vùng ngoại ô, có hai vợ chồng nọ đã luống tuổi. Họ từng trải qua những ngày tháng bên nhau đầy yêu thương và yên bình. Niềm vui chung của họ là cùng chăm sóc một vườn dưa chuột xanh tốt sau nhà. Ông cụ chăm sóc vườn dưa rất cẩn thận, hết dậy sớm tưới nước lại bỏ công bắt sâu, nhổ cỏ. Những trái dưa chuột ngon nhất sẽ được hái để bà cụ muối dưa - bởi đó là thói quen của bà từ rất lâu. Mùa Đông tới, khi vụ thu hoạch dưa chuột đã hết, ông cụ lại nghiên cứu các bảng danh sách giới thiệu hạt giống để đặt mua loại tốt nhất. Xuân về, các con của ông bà sống gần đấy giúp họ xới đất, gieo hạt. Bà cụ lại tìm đọc các sách nấu ăn để học hỏi thêm những bí quyết làm dưa chuột muối. Trong mắt mọi người, ông bà là một cặp vợ chồng hạnh phúc. Họ sống thân thiện, gần gũi với những người chung quanh. Bất cứ vị khách nào đến chơi cũng được ông bà tặng một bình dưa chuột muối mang về.

Nhưng một ngày kia, ông cụ qua đời. Mùa xuân năm đó, tất cả con cái tụ họp bên mẹ mình và nói:

- Chúng con biết mẹ rất thích làm dưa chuột muối, nên chúng con sẽ thay cha tiếp tục đặt mua hạt giống, sẽ trồng và chăm sóc dưa chuột cho mẹ.

Người mẹ mỉm cười:

- Cảm ơn các con, các con không cần trồng dưa nữa đâu. Thật ra thì mẹ không thích ăn dưa muối nhưng vì bố các con thích trồng dưa chuột nên mẹ muối thôi.

Những người con ngỡ ngàng. Trước khi cha mất, ông từng kể với họ rằng ông không hề thích trồng dưa chuột. Ông làm điều đó chỉ vì bà thích trổ tài muối dưa mà thôi.

Vì muốn đẹp lòng người bạn đời của mình, họ chấp nhận làm những điều mình không hề thích. Họ sống vì người khác, đến mức quên cả sở thích riêng của mình.

Lạy Chúa,

Xưa Chúa đã vì chúng con mà xuống thế làm người. Xin dạy chúng con biết yêu thương. Amen.


THỨ NĂM TUẦN 2 MÙA CHAY
Lc 16,19-31

"Môisê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe,
thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin."
(Lc 16,31)

1. Đã biết tiền bạc, của cải nói chung là những giá trị là không bền, thế nhưng nhiều người vẫn cứ cậy dựa vào chúng. Đó chính là cái ngu dại của con người.

Một ngày nọ, vua Salomon bỗng nảy ra ý muốn, muốn làm bẽ mặt Benaiah, một cận thần thân tín của mình trước mặt mọi người. Vua nói:

- Này Benaiah, trong vòng 6 tháng, ta muốn khanh mang về cho ta một chiếc vòng để đeo trong ngày lễ hội.

Benaiah trả lời:

- Nếu có một thứ gì đó tồn tại trên đời này, thì thưa đức vua, thần sẽ tìm thấy nó và mang về cho ngài nhưng chắc là chiếc vòng ấy phải có gì đặc biệt?

Nhà vua bảo:

- Nó phải có sức mạnh kỳ diệu. Nếu kẻ nào đang vui nhìn vào nó sẽ thấy buồn. Và nếu ai đang buồn, nhìn vào nó sẽ thấy vui.

Vua Salomon thừa biết sẽ chẳng đời nào có một chiếc vòng như thế tồn tại trên thế gian này, nhưng ông muốn cho người cận thần của mình nếm một chút bẽ bàng.

Mùa xuân trôi qua, mùa hạ đến nhưng Benaiah vẫn không thể tìm ra được một chiếc vòng nào như thế. Rồi chính vào đêm trước ngày lễ hội, ông lang thang đến một nơi nghèo nhất của Jêrusalem. Ông đi ngang qua chỗ người bán hàng lạc xoong với những món hàng đang được bày trên một tấm bạt tồi tàn. Benaiah dừng chân hỏi:

- Có bao giờ ông nghe nói về một chiếc vòng kỳ diệu làm cho người hạnh phúc đeo nó vào thì quên đi niềm vui sướng, và người đau khổ đeo nó vào thì quên đi nỗi buồn không?

Người bán hàng lấy từ trên tấm bạt lên một chiếc vòng giản dị có khắc một dòng chữ. Khi Benaiah đọc dòng chữ, khuôn mặt ông rạng rỡ lên một nụ cười. Đêm đó toàn thành phố hân hoan, tưng bừng đón mừng lễ hội. Vua hỏi:

- Nào ông bạn của ta, ông đã tìm thấy điều ta yêu cầu chưa?

Tất cả cận thần có mặt đều cười lớn và chính vua Salomon cũng cười. Trước sự ngạc nhiên của mọi người, Benaiah đưa chiếc vòng ra và nói:

- Dạ nó đây, thưa đức vua!

Khi vua Salomon đọc xong dòng chữ, người ta thấy khuôn mặt của nhà vua biến sắc. Trên chiếc vòng đó người ta khắc dòng chữ này:

"Mọi sự rốt cuộc rồi cũng qua đi"

Chính giây phút ấy, vua Salomon nhận ra rằng: tất cả những sự khôn ngoan, vương giả, quyền uy và giàu có của ông rồi sẽ qua đi. Cả ông cũng thế. Ông cũng chỉ là một thứ phù du bởi vì một ngày nào đó, ông cũng sẽ phải trở về với cát bụi.

2. Tội của người nhà giàu ở chỗ ông thấy những đau khổ túng cực của người khác mà không một chút mảy may thương xót quan tâm.

Mẹ Têrêsa nói: "Người nào luôn sống lệ thuộc vào đồng tiền, lúc nào cũng cũng băn khoăn lo lắng về của cải của mình, thì người đó là người thực sự nghèo khó. Ngược lại, những người biết trao ban của cải để giúp đỡ người khác, người đó mới là người thực sự giàu có thực sự. Lòng tốt làm biến đổi con người nhiều hơn là những nghiên cứu khoa học và tài hùng biện. Một khi đã nhìn thấy hình ảnh của những người anh em trong nhau, bạn nghĩ rằng chúng ta có còn cần đến xe tăng và tướng lĩnh nữa không?"

Chúng ta hãy tập cho mình có thói quen biết quan tâm tới mọi người. Đó là con đường làm cho chúng ta được dễ trở nên giống Chúa Giêsu hơn.

Ở London, thủ đô nước Anh có một ngôi thánh đường rất nổi tiếng. Đó là nhà thờ Saint Paul. Nhà thờ này có một lối kiến trúc rất độc đáo làm cho những âm thanh vang đi rất xa. Nếu áp tai vào tường, người ta có thể nghe được một người nói từ phía bên kia mái vòm tròn, dầu chỉ là giọng nói thì thầm tâm sự.

Có một đôi thanh niên nam nữ đã mượn nơi nhà thờ này làm điểm hẹn hò: Chàng trai vốn là một người làm nghề thợ đóng giày than thở với người yêu rằng:

- Anh chưa thể tiến hành hôn lễ vì đang thất nghiệp, không có tiền để mua da và các vật liệu làm giày, thì đào đâu ra tiền để làm lễ cưới?

Nghe tin chẳng lành ấy, cô gái chỉ biết sụt sùi khóc và cầu nguyện:

-Lạy Chúa, xin giúp chúng con có tiền để làm lễ thành hôn!

Tình cờ, một người đi ngang qua hành lang phía bên kia nghe được câu chuyện và lời cầu nguyện của họ, ông ta quyết định giúp đỡ đôi thanh niên nam nữ này. Vì thế khi họ thất thểu ra về, ông khách cũng âm thầm theo sau để dò cho biết nhà chàng trai ở đâu, rồi lập tức ông cho người mang tặng anh ấy một số da và vật liệu để làm giày. Nhờ được giúp đỡ như vậy, nên người thanh niên bắt tay ngay vào việc và chẳng bao lâu anh trở nên phát đạt và anh sung sướng cử hành hôn lễ.

Mãi mấy năm sau, hai vợ chồng này mới biết được vị ân nhân của mình là ai khi ông trở thành vị thủ tướng nổi tiếng của nước Anh. Người đó chính là ngài William Ewart Gladstone (1809-1998).


THỨ SÁU TUẦN 2 MÙA CHAY
Mt 21,33-43.45-46

"Nước Thiên Chúa,
Thiên Chúa sẽ lấy đi
không cho các ông nữa,
mà ban cho một dân
biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi."

(Mt 21,43)

1. Qua bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội muốn chúng ta nhìn vào Chúa Giêsu như một Giuse mới. Giuse cũ trong Cựu Ước đã lấy ơn để trả oán. Chúa Giêsu - Giuse mới trong Tân Ước còn hay hơn: Không phải chỉ lấy ơn trả oán mà còn lấy cái chết để cứu chuộc cả những người hành hạ mình nữa. Việc làm của Chúa quả là một việc lạ thường, con người khó mà hiểu nổi.

“Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc.” (Mt 21,42)

Viên đá mà “những người thợ xây” - tức loài người chúng ta - coi là đồ bỏ, thì Thiên Chúa đã biến thành tảng đá góc tường. Xin mở một dấu ngoặc: Vào thời Chúa Giêsu, khi phải xây ngôi nhà có mái vòm lớn trên nóc, người ta phải có một viên đá đặt ở trên chóp đỉnh để chịu lực. Viên đá đó có một vai trò rất đặc biệt. Nó giữ cho những viên ngói trên mái vòm được liên kết với nhau nhờ thế mà cả mái vòm được đứng vững. Khi ví mình như một viên đá góc, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta rằng: Hãy nhìn mọi sự trong tinh thần lạc quan, không được phép thất vọng hay buồn phiền, nhất là khi phải đối diện với những bất công khổ đau trong cuộc sống.

Ở Mỹ có một tảng đá rất nổi tiếng. Đó là tảng đá Balebon tại tiểu bang California.

Ngày nọ, có một người dân làm đơn khiếu nại sở Kiều lộ. Người này báo động rằng vì nạn đất chùi, tảng đá này có thể đổ xuống làm hư nhà cửa của họ; và thế là với hai chiếc trực thăng yểm trợ cho hai xe cẩu loại lớn, người ta đã đưa tảng đá lên xa lộ.

Theo dõi câu chuyện trên đài truyền hình, một người Úc nọ đã đến xin mua tảng đá ấy. Sở Kiều lộ của thành phố đã bán tảng đá này với giá 100 Mỹ kim. Những người có trách nhiệm của thành phố đã mừng thầm vì cảm thấy ít ra cũng có người giúp họ di chuyển cái "của nợ" ấy đi. Sau đó, người Úc kia đã bỏ ra 20.000 Mỹ kim nữa để thuê xe chuyên chở tảng đá ấy về nhà, và sau bốn tháng miệt mài làm việc, anh đã tạc được chân dung của một tài tử nổi tiếng chuyên đóng phim cao bồi. Đó là món quà quí nhất mà người này dành cho tài tử yêu quí trước khi nhắm mắt lìa đời. Không bao lâu sau đó, tác phẩm ấy đã được bán cho một người chuyên sưu tầm tượng ảnh với giá một triệu Mỹ kim.

Tảng đá Balebon trên đây đã bị nhiều người xem là một "của nợ", nhưng một người Úc đã nhìn ra những giá trị tiềm ẩn trong đó. Nó đã trở thành một thách đố để thực hiện một công trình vĩ đại. Và cuối cùng, công trình đã được hoàn thành. Từ một tảng đá đáng bỏ đi nó đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật và giá trị của nó không thể ngờ được.

Trước Công nghị Do Thái, thánh Phêrô đã giải thích về cái chết của Chúa Giêsu, với câu nói thời danh: "Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ đã trở thành viên đá góc tường” (Cv 4,11).

2. Hãy nhìn vào tấm gương đó để chúng ta bắt chước.

Thời Xuân Thu chiến Quốc, nước Sở và nước Lương có chung biên giới và dân cư của hai nước sống ở gần biên giới đều trồng dưa. Người bên nước Lương, vì chịu khó vun xới chăm bón cho nên dưa tốt, quả nhiều. Còn người bên nước Sở thì vừa lười vừa làm biếng, chẳng chịu chăm sóc tưới bón nên dưa xấu, quả ít. Quan huyện sở tại bên nước Sở thấy vậy thì tức giận lắm. Những người trồng dưa bên Sở thấy vậy cũng đem lòng ghen ghét, nên cứ tối tối, lẻn sang nhổ cây, bứt lá làm cho dưa bên nước Lương đang tốt tươi bỗng trở nên héo hon, xơ xác.

Những người trồng dưa bên nước Lương rình biết, bèn trình báo lên quan sở tại của mình và cũng định rắp tâm sang phá dưa bên nước Sở để trả thù. Nhưng quan sở tại của nước Lương là người thâm trầm, mưu cao liền can ngăn và bảo:

- Nếu lấy ác mà xử ác thì chỉ gây thù chuốc oán, gieo mầm loạn lạc binh đao. Thay vì trả thù, ta cứ lẳng lặng sang tưới dưa cho họ, đó mới là thiện chí.

Nói là làm. Một thời gian sau, dưa bên nước Sở xanh tốt, quả nhiều. Dân nước Sở lấy làm lạ, cũng để ý rình rập, sau mới hay người bên nước Lương sang tưới dưa cho mình. Quan bản địa bên nước Sở thấy vậy lấy làm hổ thẹn. Sự việc đến tai vua nước Sở. Vua nước Sở cũng lấy làm xấu hổ và nghĩ rằng, ngoài cái tội phá dưa của người ta ra, còn thêm một tội khác nữa là gây ra thù oán. Vua nước Sở bèn xuống chiếu trách cứ quan huyện, khuyến cáo dân chúng nước Sở, rồi viết thư sai sứ giả sang nước Lương xin lỗi, tỏ lòng hiếu hòa bang giao.

Thế là hai nước giữ được sự yên bình lâu dài và dân cư thái bình.

Giá mà mỗi người chúng ta cũng biết sống như quan huyện nước Lương thì cuộc sống của mọi người sẽ đẹp biết bao!


THỨ BẢY TUẦN 2 MÙA CHAY
Lc 15,1-3.11-32

"Nhưng chúng ta phải ăn mừng,
phải vui vẻ vì em con đây đã chết nay sống lại,

Đã mất nay lại tìm thấy." (Lc 15,32)

 

Lời Chúa hôm nay nhấn mạnh đến lòng nhân từ thương xót vô biên của Thiên Chúa.

Hình ảnh người Cha trong bài Tin Mừng minh họa rất sống động tấm lòng nhân từ bao la đó.

1. Hãy nhìn bức tranh đứa em, để suy nghĩ về con đường hư đốn của kẻ tội lỗi và con đường trở về của kẻ sám hối.

Trong một tuyển tập ngụ ngôn, tác giả người Ý, ông Yacob Basavalti có kể câu chuyện như sau: Một tên cướp nọ muốn trút bỏ gánh nặng tội lỗi đang đè nặng trên lương tâm, nên đã tìm đến với một linh mục. Nhưng vừa nghe xong những lời thẳng thắn của linh mục, anh ta liền nổi giận, tuốt gươm chém chết vị linh mục. Một thời gian sau, cảm thấy hối hận, anh ta lại tìm đến một vị linh mục khác, lần này vị linh mục cho biết để được ơn tha thứ của Chúa, anh phải đến Tòa Thánh. Cũng thấy bị xúc phạm, anh ta liền tuốt gươm kết thúc cuộc đời vị linh mục thứ hai.

Vị linh mục thứ ba mà tên cướp tìm đến xưng tội sẵn sàng ban phép giải tội cho anh, nhưng về việc đền tội, ngài yêu cầu anh hãy đi chôn cất tất cả những người chết mà anh gặp, đồng thời hãy khóc lóc như thể họ chính là người thân của anh. Vị linh mục trao cho anh một cái chai nhỏ để hứng nước mắt. Tên cướp ra về và nghe bất cứ nơi nào có đám tang, anh cũng tìm đến, nhưng mắt anh vẫn luôn khô ráo, anh không thể nhỏ được một giọt nước mắt nào. Cho đến một hôm tình cờ anh được đối diện với Chúa Giêsu đang khóc trên một cây Thập Giá, anh nhìn lên và than thở với Chúa về nỗi khổ đau không hề biết khóc là gì. Chính lúc đó, tự nhiên nước mắt anh trào ra. Anh lấy chai đã nhận được từ tay vị linh mục trao cho để hứng lấy và từ lúc đó anh đã hiểu được thế nào là sám hối. Sau đó anh đã tìm vào sa mạc để sống những ngày còn lại.

2. Hãy nhìn bức tranh người anh, để thấy cõi lòng “người công chính” có thể trở nên hẹp hòi như thế nào.

Nhà tu đức học nổi tiếng người Ấn Độ là cha Anthony de Mello có kể câu chuyện ngụ ngôn:

Một ngày nọ, Thiên Chúa đi vào Thiên Đàng, và ngài ngạc nhiên khi khám phá ra tất cả mọi người đều được vào đó cả. Thế là ngài dừng lại suy nghĩ: “Phải chăng ta không phải là Đấng công bình vô cùng”.

Ngài liền cho gọi sứ thần Gabriel:

- Ngươi hãy tập trung mọi người lại trước mặt Ta và đọc cho họ nghe 10 giới răn của Ta.

Tất cả mọi người đều đến trình diện trước tòa Chúa. Sứ thần Gabriel đọc giới răn thứ nhất, và Chúa phán:

- Tất cả những ai đã phạm giới răn thứ nhất hãy xéo khỏi mặt Ta, và đi vào hỏa ngục.

Một số người từ từ ra khỏi đám đông, buồn bã đi vào hỏa ngục.

Sứ thần tiếp tục đọc các giới răn khác, và cứ sau mỗi giới răn thì có một số người lặng lẽ đi vào hỏa ngục như trên.

Sau khi sứ thần Gabriel đọc giới răn thứ 6, thì cả đám đông đều tự động đi vào hỏa ngục, chỉ còn lại vị ẩn sĩ già, đầu hói, “béo mập”.

Thiên Chúa đưa mắt nhìn sứ thần rồi hỏi:

- Phải chăng chỉ có người này được vào Thiên Đàng thôi sao? Nếu vậy thì hắn phải cô độc lẻ loi lắm.

Nói xong, Thiên Chúa truyền lệnh cho sứ thần gọi đám đông lại và cho họ được trở lại Thiên Đàng. Nhìn thấy đám người tội lỗi xấu xa bỗng nhiên có được sự tha thứ, vị ẩn sĩ già bèn nổi giận và hằn học nói:

- Chúa không phải là Đấng công bình. Tại sao Chúa không cho con biết trước điều đó.

Đây quả là hình ảnh của người anh trong dụ ngôn: Rất hẹp hòi với anh em mình.

3. Hãy nhìn bức tranh người cha, và chiêm ngưỡng tấm lòng nhân hậu vô biên của Thiên Chúa. Đây là câu chuyện Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận rất thích kể:

Một bà già thường đến gõ cửa phòng cha xứ, kể cho ngài nghe việc Chúa hiện ra với bà mỗi đêm. Để làm bà nản lòng đừng đến nữa, cha xứ bảo:

- Lần sau, nếu Chúa có hiện ra, bà hãy hỏi Ngài xem ‘Cha xứ con có tội gì nặng nhất, sau đó tới kể cho cha nghe”.

Mấy ngày sau, bà già không đến nữa. Cha xứ mừng thầm tưởng là bà đã trúng kế của ngài.

Nhưng rồi một tuần sau, bà già lại trở lại.

- Thưa cha, tối hôm qua Chúa lại hiện ra với con.

- Thế bà có hỏi Ngài không?

- Thưa có chứ.

Cha xứ bắt đầu hồi hộp:

- Bà hỏi thế nào?

- Thì con hỏi y như Cha đã bảo: “Cha xứ con có tội gì nặng nhất?”

Cha xứ càng hồi hộp thêm:

- Vậy Chúa có trả lời không?

- Có chứ.

Bây giờ thì cha xứ lo lắng thật sự:

- Chúa nói sao?

- Chúa nói: “Ta đã quên hết rồi”

Cha xứ thở phào nhẹ nhõm.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết sống đầy lòng yêu thương và nhân từ như Chúa. Amen.

Top