Sức mạnh của tình mẫu tử
WGPSG -- "Đây là điều răn của Thầy: Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em." (Ga 15,12)
Lm. Mark Link trong bài viết về đề tài: "Tình yêu làm nên những phép lạ nơi những kẻ tin vào tình yêu và thực hiện tình yêu" đã kể lại rằng: "Cách đây mấy năm trong tập san Readers Digest có đăng câu chuyện cảm động về một em bé trong bệnh viện Milwaukee. Em này bị mù, đần độn, lại còn bị liệt não nữa. Em chỉ khá hơn loài thảo mộc một chút là biết đáp ứng lại âm thanh và sự ve vuốt mà thôi. Cha mẹ em đã bỏ rơi em. Nhưng bệnh viện cũng chả biết xử lý thế nào với trường hợp của em. Thế rồi có một người nhớ đến em, bà May Lemke, bà y tá 52 tuổi sống gần đấy. Bà này đã từng nuôi nấng năm đứa con của chính mình, nên bà sẽ biết cách chăm sóc cho một đứa trẻ như thế. Họ yêu cầu bà chăm sóc đứa bé và bảo: "Thằng bé có lẽ sẽ chết yểu!". Bà May trả lời: "Nếu tôi chăm sóc đứa bé, nó sẽ không chết yểu đâu, và tôi rất sung sướng được chăm sóc cho nó".
Thế là bà May đặt tên cho cậu bé là Leslie. Chăm sóc cho cậu bé quả thật không dễ dàng chút nào. Ngày nào bà cũng phải xoa bóp toàn thân đứa bé, bà đã cầu nguyện cho nó, đã khóc vì nó, bà đã đặt đôi tay nó lên những giọt lệ của bà. Một hôm, có người nói với bà: "Tại sao bà không gởi đứa bé ấy vào viện? Nó chỉ làm phí cuộc đời của bà thôi?”
Leslie càng lớn thì càng có nhiều vấn đề phải đặt ra cho bà May. Bà phải giữ nó chặt vào một chiếc ghế để nó khỏi bị té xuống. Thời gian trôi qua, năm, mười, mười lăm năm. Mãi đến khi Leslie 16 tuổi, bà May mới có thể tập cho nó đứng một mình được. Suốt thời gian đó, bà May vẫn tiếp tục yêu thương và cầu nguyện cho cậu bé. Ngoài ra bà còn kể cho cậu bé nghe những mẩu chuyện về Chúa Giêsu dù xem ra cậu chẳng nghe được tiếng bà.
Thế rồi một ngày nọ, bà May chợt nhận thấy Leslie dùng ngón tay của mình búng vào một sợi dây căng thẳng trên một gói đồ. Bà tự hỏi: điều ấy có ý nghĩa gì? biết đâu Leslie lại nhạy cảm với âm nhạc chăng? Và bà May bắt đầu cho Leslie nghe âm nhạc. Bà chơi đủ loại hình âm nhạc mà bà tưởng tượng ra được với hy vọng có một loại nào đó có thể lôi cuốn cậu bé. Cuối cùng, bà May và chồng mua được một chiếc dương cầm cũ kỹ. Họ đặt nó vào giường ngủ của Leslie. Bà May cầm những ngón tay của Leslie đặt vào tay bà và tập cho cậu bé biết cách nhấn phím xuống, nhưng xem ra cậu ta chả hiểu.
Thế rồi vào một đêm đông năm 1971, bà May bừng thức giấc vì nghe có tiếng đàn của ai đó đang chơi bản hoà tấu dương cầm số 1 của Tchaikovsky. Bà lay lay chồng đánh thức ông dậy, và hỏi xem ông có quên tắt radio không. Ông ta nói rằng không, nhưng họ quyết định tốt hơn là nên xem xét lại. Và họ khám phá ra một điều vượt khỏi mọi giấc mơ kỳ quái nhất của họ. Cậu Leslie đang ngồi tại chiếc dương cầm. Cậu đang mỉm cười và chơi đàn một cách ngẫu hứng, hai vợ chồng bà May không thể nào tin được đây là sự thật!
Trước đây Leslie chưa bao giờ bước ra khỏi giường một mình. Trước đây cậu bé chưa bao giờ tự mình ngồi vào chiếc dương cầm được, cậu cũng chưa bao giờ tự dùng tay ấn được vào phím đàn. Thế mà bây giờ đây cậu lại đang chơi đàn tuyệt vời như thế! Bà May vội quì gối xuống và thốt lên: "Lạy Chúa! Con xin cảm tạ Ngài, Ngài đã không bỏ quên Leslie".
Sau này, Leslie chơi nhạc hoà tấu cho những ca đoàn nhà thờ, cho các cơ quan dân sự, cho các nạn nhân liệt não và cha mẹ họ, cậu còn xuất hiện cả trên đài truyền hình quốc gia nữa."
Nhờ tấm lòng hiền mẫu của bà May, một y tá có năm đứa con, mà một cậu bé 'bị mù, đần độn, lại còn bị liệt não' đã có thể trưởng thành và sống nhờ vào tài đánh đàn của mình. Bà còn tuyệt vời hơn khi biết kết hợp việc chăm sóc với lời cầu nguyện, dạy cho Leslie biết về Chúa, nhất là biết cảm tạ Chúa khi thấy cậu chơi nhạc lần đầu tiên. Bà đã thực hành điều răn yêu thương Chúa truyền dạy một cách trọn hảo.
Đọc câu chuyện phép lạ tình yêu này, chúng tôi không khỏi đau buồn khi nhớ đến gần đây báo có đưa tin cha mẹ bỏ rơi con vì bé bị câm, hoặc vì một khiếm khuyết nào đó trên thân thể. Càng đau xót hơn khi các thanh thiếu niên nhầm lẫn tình yêu với tình dục, đưa đến việc có thai ngoài ý muốn và giết con từ trong trứng nước để giải quyết hậu quả.
Lạy Chúa Giêsu mến yêu, chúng con mong ước trên thế giới có được thật nhiều hiền mẫu như bà May. Nhờ lời cầu bầu của Mẹ Maria, xin cho tất cả các người mẹ biết trân quý mầm sống Chúa ban và biết yêu thương con cái, đừng vì nhu nhược, vì yếu đuối, vì thiếu hiểu biết, vì ích kỷ... mà chối bỏ hay hủy diệt sự sống của những sinh linh bé bỏng Chúa đã gởi trao. Amen.
bài liên quan mới nhất
- Bí quyết dạy con nhỏ lần chuỗi Mân Côi của Jesse và Kathleen
-
Tôi có thể làm gì cho những đứa con không sống đạo của mình? -
Hội nghị Thường niên 2024 của Ủy ban Gia đình - Thánh lễ bế mạc -
Hội nghị Thường niên 2024 của Ủy ban Gia đình - Phiên làm việc thứ hai -
Hội nghị Thường niên 2024 của Ủy ban Gia đình - Thánh lễ cầu nguyện cho các gia đình -
Hội nghị Thường niên năm 2024 của Ủy ban Gia đình - Phiên họp thứ nhất -
Ủy ban Gia đình: Thư mời tham dự Hội nghị thường niên năm 2024 -
Đồng tính luyến ái và Hôn nhân đồng tính -
Khóa học “Sơ lược về Giáo Luật Hôn Nhân & Tiêu Hôn” -
Lấn át hoặc đối thoại
bài liên quan đọc nhiều
- Hôn nhân khác đạo
-
Vấn đề "Chữ Hiếu" của giới trẻ ngày nay -
Phá thai & Quyền giải vạ tuyệt thông -
Sự kiện Mục vụ Gia đình 2023 với chủ đề "Ước Mơ Của Mẹ" -
Giờ Kinh Chung Trong Gia Đình -
Cha mẹ là những nhà giáo dục Đức Tin đầu tiên của con cái -
Câu chuyện gia đình cảm động -
Đặc ân Thánh Phêrô và đặc ân Thánh Phaolô -
Chăm sóc cha mẹ già -
10 điều con cái mong chờ ở cha mẹ