Sức mạnh của im lặng và bất bạo động

Sức mạnh của im lặng và bất bạo động

WHĐ (10.01.2010) - Ngày 7-1-2010, Bộ trưởng nhập cư Pháp Eric Besson cho biết trong năm 2009, nước này đã trục xuất khoảng 29.000 người nhập cư bất hợp pháp. Đây là một con số ít hơn so với số liệu trong năm 2008, tuy nhiên lại cao hơn nhiều so với dự kiến ban đầu mà Chính phủ nước này đưa ra.

Được biết, vào tháng 9-2009, lực lượng giữ gìn trật tự Pháp đã chính thức dỡ bỏ khu trại lớn nhất nước Pháp của người nhập cư bất hợp pháp tại miền Bắc nước này trong chiến dịch mang tên “Rừng rậm”. Kết quả, có 278 người bị bắt giữ, trong đó có 132 trẻ vị thành niên. Số người này chỉ là một phần “dân cư” của trại, bởi trước khi chiến dịch được tiến hành, ước tính có từ 700 - 800 người sống ở khu trại này, trong đó rất nhiều người đến từ Afghanistan.
Trước tình trạng nhà chức trách Pháp đối xử thô bạo với các người nhập cư bất hợp pháp, linh mục Alain Richard, dòng Phan sinh, năm 2007, đã sáng lập phong trào “Vòng cung im lặng”.
Phong trào “Vòng cung im lặng” dùng hình thức thinh lặng cầu nguyện như một lời kêu gọi nhà chức trách và xã hội hãy đối xử khoan dung đối với người nhập cư.
Từ ngày phong trào “Vòng cung im lặng” ra đời, cứ mỗi tháng một lần, tại các địa điểm công cộng của 150 thành phố ở Pháp, các công dân từ mọi nơi đến tham dự một giờ thinh lặng do “Vòng cung im lặng” tổ chức.
Mới đây, báo La Croix đã thực hiện cuộc phỏng vấn cha Alain Richard. Qua trả lời phỏng vấn, cha Alain Richard nêu rõ niềm tin vào sức mạnh của im lặng và thái độ khoan hòa, bất bạo động. Theo cha, đó chính là sức mạnh của Chúa Giêsu trên Thánh giá, sức mạnh của một người “chân tay bị đóng đinh nhưng qua tình yêu vẫn tích cực tác động sâu xa”.
Bài phỏng vấn do Martine de Sauto, báo La Croix, thực hiện.
Sau đây là những câu trả lời của linh mục Alain Richard.
* * *
PV: Phong trào “Vòng cung im lặng” đã gây tiếng vang lớn. Phải chăng vì phong trào khai sinh trong im lặng. Tại sao lại có sự nghịch lý này?
Lm. Alain Richard: “Vòng cung im lặng” tố cáo Nhà nước tạm giam những người nhập cư bất hợp pháp tại các trung tâm giam giữ. Các hiệp hội đã dùng phương cách tố cáo, đòi trả tự do cho những người bị bắt giữ, nhưng dường như không có kết quả, bởi phần lớn công luận tỏ ra ủng hộ các chính sách đã được biểu quyết.
Là tu sĩ Phan sinh, chúng tôi cần phải lên tiếng nói, nhưng theo cách khác. Sự thinh lặng có lẽ là cách tốt nhất giúp chúng tôi nói một cách nghiêm túc rằng ai cũng có nhân phẩm, từ các nhà hoạch định chính sách, những người ủng hộ chính sách, đến những người nhập cư trái phép. Khi không thể lên tiếng, hoặc khi tiếng nói không được lắng nghe, thì im lặng trở thành một tiếng gọi vượt trên mọi lời kêu gọi. Nó vượt trên mọi ngôn từ.
PV: Đâu là ý nghĩa của sự im lặng?
Lm. Alain Richard: Những trung tâm giam giữ đều ở xa trung tâm các thành phố… Dù là tín hữu hoặc người vô thần, đàn ông hay phụ nữ, ở mọi độ tuổi khác nhau, chúng tôi tập hợp tại một quảng trường ở trung tâm thành phố, trung tâm của cuộc sống con người. Tại Toulouse, chúng tôi đứng thành một vòng tròn xung quanh một cây đèn bão, làm biểu tượng những người nhập cư bị giam giữ ở trung tâm. Chúng tôi không treo biểu ngữ thông báo cho mọi người, nhưng phân phát tờ rơi cho những người qua đường. Chúng tôi kiềm chế không minh họa hoặc cung cấp tài liệu hình ảnh của những người nhập cư bị trục xuất vì muốn tránh gây xúc động.
Sự im lặng trở thành một lời mời gọi hãy đi sâu hơn vào bản thân và lắng nghe lương tâm của mình. Một mình, trong thinh lặng nội tâm, chúng ta đối mặt với toàn bộ mặc cảm của họ, và rồi tất cả chúng ta nhận thấy mình đang có thái độ rất mơ hồ, nhập nhằng.
Chúng ta xúc động trước nhân phẩm của người nhập cư và tình cảnh của họ, nhưng đồng thời, chúng ta lại lo sợ họ ở lại. Sự im lặng giúp chúng ta biết mình thiếu sự thống nhất và thấy phải cố gắng sống liên kết với nhau hơn, cần phải sống đơn sơ hơn, như thánh Phanxicô Assisi đã nói, sự đơn sơ đối lập với giả dối, sống hai lòng.
PV: Im lặng có phải là mục đích tự thân không?
Lm. Alain Richard: Chúng tôi không có mặt ở đây để có cảm giác đang làm cái gì tốt đẹp, nhưng với hy vọng sẽ có thêm nhiều người tham gia và dấn thân vào công cuộc thay đổi nhận thức, một điều kiện cần thiết cho việc thay đổi luật pháp. Điều này tùy thuộc vào mỗi người chúng ta.
Đối với một số người, được sống với nhau trong một giờ im lặng, đâu phải chuyện xoàng. Những người khác nói rằng, sống trong “Vòng cung im lặng” là cả một kinh nghiệm tinh thần cá nhân thật sự. Những chiến sĩ dấn thân bên những di dân, chỉ trong một giờ,  đã được tiếp thêm sức mạnh để tiếp tục hoạt động. Đối với những người khác, im lặng là nơi giúp họ sống sâu hơn, đồng thời cũng mời gọi dấn thân hơn nữa, tác động hơn nữa vào cuộc tranh luận của đất nước. Sự thinh lặng thu hút ngôn từ.  
PV: Khi tham gia hoạt động im lặng này, người tín hữu có cách thể hiện đặc biệt nào?
Lm. Alain Richard: Ai có thể cầu nguyện thì cầu nguyện và nài xin Thiên Chúa cho những nhập cư bị giam giữ và cho những nhà làm chính sách biết lắng nghe tiếng nói âm thầm của lương tâm. Trong sự thinh lặng, họ còn cảm nhận được sự bất lực của mình. Phải chấp nhận đối mặt với nó thôi. Chúng tôi không có giải pháp kỳ diệu. Nhưng chúng tôi trông cậy Thiên Chúa soi đường dẫn lối cho chúng ta tìm ra các giải pháp đúng đắn nhất, đáng tin cậy nhất, giải quyết từng vấn đề rồi toàn bộ vấn đề.  
Đây cũng là sự bất lực của Chúa Giêsu trên thập giá, chân tay bị đóng đinh, nhưng Người vẫn tích cực tác động sâu xa qua tình yêu của Người. Chúng tôi đang tiến lên phía trước, vừa hướng tới vừa đối nghịch, bởi chúng tôi tin rằng mọi người đều thánh thiêng và kể từ khi Ngôi Lời của Thiên Chúa trở thành một người trong nhân loại chúng ta, thì tất cả mọi người đều có điều gì đó thần thiêng.
Sự im lặng của chúng tôi được xây dựng trên nền tảng hy vọng. Cũng chính niềm hy vọng thúc đẩy chúng tôi dấn thân mà không lên án bất cứ ai. Dấn thân cho Vương quốc của tình yêu và sự hiểu biết. Vương quốc này được các Kitô hữu gọi là Nước Chúa.

Martine de Sauto

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top