Sứ điệp Mùa Chay 2011 của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI
WHĐ (23.02.2011) – “Anh chị em đã được mai táng cùng với Chúa Kitô trong Phép Rửa, thì cũng sẽ được cùng sống lại với Người”.
Trên đây là nhan đề Sứ điệp Mùa Chay 2011 của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, được Đức Hồng y Robert Sarah, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum (Đồng tâm) giới thiệu vào sáng Thứ Hai 22-02, tại Văn phòng Báo chí Tòa Thánh.
Cùng tham dự buổi giới thiệu Sứ điệp, còn có Đức Tổng Giám mục Giampiero Dal Toso, Tổng Thư ký Hội đồng, Đức Tổng Giám mục Secundo Tejado Muñoz, Phó TTK HĐ, và bà Myriam Abrisqueta García, Chủ tịch Tổ chức Manos Unidas (Tây Ban Nha).
Trước hết ĐHY Robert Sarah nói về mối quan hệ giữa bí tích Thánh tẩy và đức Bác ái đã được Sứ điệp Mùa Chay 2011 nêu lên:
“Trước những sự dữ trên thế giới, chúng ta phải tìm ra giải pháp cụ thể để an ủi những ai đang đau khổ … Điều đó cho thấy, Chúa Kitô thiết lập Giáo hội để Giáo hội tiếp tục mang lại những giải pháp cho con người… Trên bình diện thế giới cũng như cá nhân, câu trả lời được mong đợi trong mọi cảnh khổ chỉ có thể đến từ sự sống đời đời bền vững được Chúa hứa ban trong Bí tích Thánh tẩy”.
ĐHY nhấn mạnh hiệu năng của bí tích Thánh tẩy mang lại cho con người bản tính mới: “Bản tính mới được lãnh nhận qua bí tích Thánh tẩy trở thành nền tảng cho những việc làm bác ái của chúng ta đối với anh chị em đang chịu đau khổ”.
ĐHY nhấn mạnh ba chìa khóa tìm lại sự sống siêu nhiên phát sinh từ bí tích Thánh tẩy đã được ĐTC nêu lên trong Sứ điệp Mùa Chay 2011:
“ĐTC đưa ra những thời điểm và các nhân vật chúng ta được gặp trong năm bài Phúc âm Chúa nhật Mùa Chay, đồng thời nhắc lại đề nghị suy ngẫm Lời Chúa được đọc trong mùa phụng vụ này. ĐTC muốn bản thân mỗi chúng ta thực hiện cuộc gặp gỡ cá nhân với Đức Kitô, đáp ứng những mong đợi sâu xa nhất của con người và của thế giới. Cuộc gặp gỡ Đức Kitô trong chính Lời của Người và qua các bí tích cần được diễn dịch thành những việc bác ái cụ thể”.
Cuối cùng ĐHY nhắc lại: “Mùa Chay là con đường và là thời gian làm cho hạt giống được gieo khi lãnh nhận bí tích Thánh tẩy được nẩy mầm”.
Cũng trong dịp này, bà García Abrisqueta cho biết: “Từ 50 năm nay, có biết bao phụ nữ của Liên hiệp các Tổ chức Phụ nữ Công giáo thế giới đã khẩn thiết kêu gọi chống nạn đói trên khắp thế giới”.
Bà nhấn mạnh: “Với đặc điểm riêng của mình, phụ nữ đã đóng góp cho Giáo hội tính chất nhạy cảm của người làm mẹ, là những người sinh ra và bảo vệ sự sống. Theo Lời Đức Kitô dạy, phụ nữ đang làm chứng cho tình yêu của Chúa đối với gia đình nhân loại. Ngay từ ban đầu, chúng tôi đã nêu vấn đề khắc phục nạn đói cơm, đói văn hóa và đói Thiên Chúa… Vì thế Tổ chức của chúng tôi (Tổ chức Manos Unidas – Những bàn tay liên kết – PV), trong khuôn khổ những hoạt động của Giáo hội tại Tây Ban Nha, đã giúp đỡ mọi người túng thiếu, nữ cũng như nam, tại 60 quốc gia, thông qua 25.000 dự án phát triển”.
(Theo VIS)
Toàn văn sứ điệp:
“Anh em đã được mai táng với Chúa Kitô trong Phép Rửa, anh em cũng sẽ được cùng sống lại với Người” (x. Cl 2, 12)
Anh chị em thân mến,
Mùa Chay dẫn chúng ta tiến đến việc cử hành Lễ Phục sinh Rất Thánh, đem lại cho Giáo Hội một mùa phụng vụ thật sự quý giá và quan trọng. Chính vì thế, tôi vui mừng gửi đến anh chị em Sứ điệp này, giúp anh chị em sống Mùa Chay sốt sắng. Trong khi chờ cuộc gặp gỡ mang tính quyết định với Vị Hôn phu trong cuộc Vượt qua vĩnh cửu, Cộng đoàn Hội Thánh chuyên cần cầu nguyện và làm việc bác ái, ra sức làm cho tinh thần được nên thanh sạch, để trong Mầu nhiệm Cứu chuộc, múc thêm nguồn sống mới dồi dào nơi Chúa Kitô (Kinh Tiền tụng Mùa Chay I).
Tái khám phá ý nghĩa của Bí tích Thánh tẩy
1. Trong ngày chịu Phép Rửa tội, chúng ta đã được ban cho sự sống mới, khi “tham dự vào cái chết và sự Phục sinh của Chúa Kitô”, chúng ta đã bắt đầu “cuộc hành trình vui mừng và hân hoan của người môn đệ” (Bài giảng Lễ Chúa Giêsu chịu Phép rửa 10-01-2010). Trong các Thư của mình, thánh Phaolô nhiều lần nhấn mạnh về sự kết hiệp rất đặc biệt với Đấng Con Chúa khi được dìm trong nước rửa tội. Quả thật, Bí tích Thánh tẩy, thường được lãnh nhận khi còn rất nhỏ, đã cho chúng ta thấy rõ ràng đây là ơn Chúa ban cho: với sức riêng của mình chẳng ai có thể được hưởng sự sống đời đời. Lòng thương xót của Chúa đã xóa hết tội lỗi, cho chúng ta được sống với “chính những tâm tình trong Chúa Giêsu Kitô” (Pl 2, 5) và con người được Chúa ban cho lòng thương xót ấy cách nhưng không.
Trong Thư gửi các Tín hữu Philipphê, Vị Tông đồ dân ngoại đã giúp chúng ta hiểu ý nghĩa của sự biến đổi qua việc dự phần vào cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô, bằng cách chỉ ra cho chúng ta thấy mục đích của sự dự phần này, là: “Nhận biết Người là Đức Kitô, biết Người là Đấng quyền năng qua việc Người đã sống lại và được thông phần vào những đau khổ của Người, trở nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, để có thể được sống lại từ giữa những kẻ đã chết” (Pl 3, 10-11). Vậy bí tích Thánh tẩy không phải là nghi thức của thời đã qua, mà là cuộc gặp gỡ Đức Kitô, Đấng ban cho người lãnh nhận bí tích một cuộc sống toàn vẹn, được thông truyền sự sống thần linh, được mời gọi thành tâm trở về, được ân sủng thúc đẩy và nâng đỡ, nhờ đó người lãnh nhận bí tích đạt đến tầm vóc trưởng thành của Chúa Kitô.
Một mối liên hệ đặc biệt nối kết giữa bí tích Thánh tẩy với Mùa Chay, mùa sống kinh nghiệm về ơn cứu độ. Các nghị phụ Công đồng Vatican II đã đưa ra lời kêu gọi mọi mục tử trong Giáo Hội “biết dùng những yếu tố của bí tích Thánh tẩy trong Phụng vụ một cách dồi dào hơn nữa” (Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, 109). Vì vậy, ngay từ ban đầu, Giáo Hội đã liên kết việc cử hành Vọng Phục sinh với Bí tích Thánh tẩy: trong Bí tích này, gồm trọn Mầu nhiệm lớn lao về con người đã chết cho tội lỗi, được dự phần vào cuộc sống mới trong Chúa Kitô Phục sinh, và lãnh nhận cùng một Thần khí của Thiên Chúa, Đấng đã phục sinh Chúa Giêsu từ giữa những kẻ đã chết (x. Rm 8, 11). Ơn huệ được ban cho nhưng không này phải luôn được khơi dậy nơi mỗi người chúng ta, và Mùa Chay mang lại cho chúng ta một cuộc lên đường, một dịp quý báu học hỏi đức Tin và cách sống làm người Kitô hữu, như các Kitô hữu thời Giáo Hội sơ khai cũng như các dự tòng ngày nay học hỏi và luyện tập để thực sự sống Bí tích Thánh tẩy như một hành động mang tính quyết định đối với cả cuộc đời mình.
Suy gẫm Lời Chúa qua năm bài Phúc Âm Mùa Chay
2. Để thực hiện một cách nghiêm chỉnh hơn nữa cuộc hành trình tiến đến Lễ Phục sinh và chuẩn bị cho việc cử hành sự Sống lại của Chúa – ngày lễ trọng và hân hoan nhất của năm phụng vụ -, còn gì thích hợp hơn việc chúng ta được Lời Chúa hướng dẫn? Vì thế, qua những bài Phúc âm được công bố trong các Chúa nhật Mùa Chay, Giáo Hội dẫn chúng ta đến gặp Chúa trong lắng sâu, đưa chúng ta một lần nữa bước vào những chặng đường khai tâm Kitô giáo: đối với các dự tòng, đây là việc lãnh nhận bí tích khai sinh cuộc sống mới, còn đối với những người đã lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, đây là những bước đi dứt khoát theo Chúa Kitô trong ân sủng tràn đầy hơn nữa.
Chúa nhật I của hành trình Mùa Chay cho chúng ta thấy thân phận con người trần thế của mình. Cuộc chiến đấu vinh quang của Chúa Giêsu chống lại những cám dỗ, khởi đầu sứ vụ của Người, là một lời kêu gọi chúng ta ý thức về thân phận mỏng giòn của mình để lãnh nhận Ơn giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi và cho chúng ta được nên mạnh mẽ với một cách thức mới trong Đức Kitô, Đấng là Đường, là sự Thật và là sự Sống (x. Ordo Initiationis Christianae Adultorum - Nghi thức Khai tâm Kitô giáo dành cho người lớn, số 25). Đây là lời mời gọi thôi thúc chúng ta, theo gương Chúa Kitô và kết hiệp với Người, nhớ rằng đức Tin Kitô giáo là một cuộc chiến đấu chống lại “các lực lượng bóng tối của thế gian này” (Ep 6, 12), nơi ma quỷ đang hoạt động, và ngay lúc này vẫn cám dỗ mọi người đang muốn tiến đến gần Chúa: Đức Kitô đã ra bước ra khỏi cuộc chiến này trong vinh quang, để mở lòng chúng ta hướng đến hy vọng và dẫn dắt chúng ta đi đến cuộc chiến thắng đối với mọi cám dỗ của sự dữ.
Bài Tin Mừng thuật lại cuộc biến hình của Chúa cho chúng ta chiêm ngắm vinh quang của Đức Kitô, tiên báo về sự sống lại và loan báo loài người sẽ được nên giống Chúa. Cộng đoàn Kitô hữu nhận ra rằng, tiếp theo các tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan, mình cũng được đưa vào “một nơi riêng, trên núi cao” (Mt 17, 1) để lãnh nhận Ân sủng của Thiên Chúa, theo một cách thức mới, trong Đức Kitô, với tư cách những người con trong Con Chúa: “Đây là Con Ta yêu dấu, làm đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người” (Mt 17, 5). Những lời này mời gọi chúng ta rời bỏ những ồn ào của cuộc sống thường nhật, dìm mình trong sự hiện diện của Thiên Chúa: Chúa muốn chúng ta mỗi ngày hãy truyền đi một Lời của Chúa đã đưa chúng ta đi vào chiều sâu của tinh thần, giúp chúng ta phân định được Thiện và Ác (x. Dt 4, 12) và củng cố cõi lòng chúng ta muốn được bước đi theo Chúa.
“Cho tôi xin nước uống” (Ga 4, 7). Lời xin này của Chúa ngỏ cùng người phụ nữ xứ Samari, được thuật lại cho chúng ta trong Phụng vụ Chúa nhật III Mùa Chay, diễn tả niềm thiết tha của Chúa đối với mọi người và khơi lên trong lòng chúng ta niềm khát khao được ban cho “một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4, 14): Đó chính là ơn Chúa Thánh Thần ban cho các Kitô hữu để trở nên “Những người thờ phượng đích thực”, có thể cầu xin Chúa Cha “trong tinh thần và chân lý” (Ga 4, 23). Chỉ có nguồn nước này mới có thể làm thỏa cơn khát Chân, Thiện, Mỹ của chúng ta! Chỉ có nguồn nước được Chúa Con ban cho chúng ta mới có thể tưới đẫm sa mạc linh hồn lo âu và chưa được mãn nguyện “cho đến khi nào nghỉ yên trong Chúa” như câu nói nổi tiếng của Thánh Augustinô.
Chúa nhật “Người mù từ lúc mới sinh” giới thiệu với chúng ta Đức Kitô là Ánh sáng cho trần gian. Phúc âm đặt câu hỏi cho mỗi người chúng ta: “Con có tin vào Con Người không?”, “Vâng, lạy Chúa, con tin!” (Ga 9, 35-38), câu trả lời hân hoan của người mù từ lúc mới sinh đã nói thay cho mọi người có lòng tin. Phép lạ chữa lành này là dấu chỉ cho thấy Đức Kitô, khi cho người mù nhìn thấy được, thì cũng muốn chúng ta mở đôi mắt nội tâm để đức tin của mình đi vào chiều sâu và nhận ra chính Người là Đấng Cứu độ duy nhất. Chúa Kitô chiếu ánh sáng vào mọi nơi tăm tối của cuộc đời và cho con người được sống làm “con của Ánh sáng”.
Đọc Phúc âm Chúa nhật V Mùa Chay thuật việc Chúa cho Lazarô sống lại, chúng ta nhận thấy mình đang đứng trước mầu nhiệm tối hậu của đời sống: “Thầy là sự sống lại và là sự sống… con có tin điều đó không?” (Ga 11, 25-26). Cùng với Macta, đã đến lúc cộng đoàn Kitô hữu, một lần nữa với tất cả ý thức, phải biết đặt hy vọng nơi Đức Giêsu Nazareth: “Vâng, lạy Chúa, con tin Chúa là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng đến trong thế gian” (Ga 11, 27). Sự kết hiệp với Đức Kitô, trong cuộc đời này, chuẩn bị cho chúng ta vượt qua chướng ngại vật là cái chết để được sống trong Chúa đời đời. Tin rằng kẻ chết sống lại và hy vọng vào sự sống đời đời sẽ mở lòng trí chúng ta hướng đến ý nghĩa tối hậu của đời sống: Chúa dựng nên con người để con người được sống lại và được sống; sự thật này mang lại một chiều kích đích thực và mang tính quyết định cho lịch sử nhân loại, cho cuộc sống cá nhân con người, cho xã hội, cho nền văn hóa, chính trị, kinh tế. Không có ánh sáng của đức Tin, toàn thể vũ trụ đã bị diệt vong, bị giam cầm trong nấm mồ không có tương lại và chẳng còn chút hy vọng.
Cuộc hành trình Mùa Chay được hoàn tất với Tam nhật Vượt qua, đặc biệt với đêm Đại Canh thức Cực Thánh; bằng cách nhắc lại những lời hứa khi chịu Phép Rửa tội, một lần nữa chúng ta tuyên xưng Đức Kitô là Chúa của đời mình, là chủ tể của sự sống Chúa ban cho chúng ta khi được tái sinh “từ nước và từ Chúa Thánh Thần”, và chúng ta tái khẳng định cam kết đáp lại ơn Chúa ban cho được làm môn đệ của Người.
Ăn chay, làm việc bác ái và cầu nguyện
3. Việc chúng ta được dìm trong cái chết và sự sống lại của Đức Kitô, qua bí tích Thánh tẩy, thúc đẩy chúng ta mỗi ngày phải giải phóng tâm hồn mình thoát khỏi sức nặng của những điều thuộc về vật chất, khỏi mối liên hệ vị kỷ với “cõi trần” đang làm chúng ta nghèo đi và cản trở chúng ta sẵn sàng để Chúa sử dụng, đồng thời mở lòng đón Chúa và tha nhân. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa mặc khải Ngài là Tình yêu (x. 1Ga 4, 7-10). Thập giá của Đức Kitô, “ngôn ngữ Thập giá” biểu hiện quyền năng cứu độ của Chúa (x. 1Cr 1, 18), Đấng tự hiến mình để nâng con người lên và dẫn dắt đến ơn cứu độ: đó là hình thái triệt để nhất của tình yêu (Tđ Deus Caritas est – Thiên Chúa là Tình yêu, 12). Qua việc giữ truyền thống ăn chay, làm việc bác ái và cầu nguyện, những dấu chỉ của ước muốn hoán cải, Mùa Chay dạy chúng ta biết phải luôn sống tình yêu của Đức Kitô một cách triệt để nhất. Việc giữ chay, dù có thể vì nhiều động cơ khác nhau, đối với người Kitô hữu cũng là cách biểu lộ sâu xa về tôn giáo: khi ăn uống thanh đạm, chúng ta học biết cách chiến thắng lòng ích kỷ để sống đúng với ơn Chúa ban và đúng với tình yêu; khi chấp nhận sống thiếu thốn –không phải chỉ bỏ đi những gì dư thừa– chúng ta học biết khám phá có một Ai đó bên cạnh chúng ta và nhận ra Thiên Chúa trên gương mặt của biết bao anh chị em của mình. Đối với Kitô hữu, việc ăn chay không hề mang tính chất não nề nhưng giúp chúng ta mở lòng hướng đến Chúa và những nỗi khốn cùng của con người, để tình yêu đối với Thiên Chúa cũng trở thành lòng thương yêu tha nhân (x. Mc 12, 31).
Trên đường đi, chúng ta cũng phải đối mặt với cám dỗ tích góp của cải, ham mê tiền bạc, không tin Chúa là Đấng Tối cao trong cuộc đời. Tham vọng chiếm hữu sinh ra bạo lực, lạm dụng và sự chết; vì lẽ đó, Giáo Hội, nhất là trong Mùa Chay, kêu gọi các tín hữu làm việc bác ái, nghĩa là biết chia sẻ. Ngược lại, việc sùng bái của cải không chỉ khiến con người xa lìa tha nhân mà còn tước đoạt nhân cách, khiến con người trở nên bất hạnh, đồng thời lừa dối, gạt gẫm con người, không làm đúng những gì đã hứa hẹn với con người, bởi vì thói sùng bái này đã đặt của cải vật chất thay vào chỗ của Thiên Chúa, Đấng là nguồn duy nhất phát sinh sự sống. Như vậy làm sao chúng ta hiểu được tấm lòng người cha nhân từ của Thiên Chúa nếu cõi lòng chúng ta chỉ dành trọn cho bản thân và tin vào những dự định đầy ảo tưởng sẽ bảo đảm cho tương lai mình? Lối suy nghĩ như người phú hộ trong dụ ngôn cũng là một kiểu cám dỗ: “Linh hồn ta ơi, ngươi có nhiều của cải ê hề, đủ xài trong nhiều năm…”. Chúng ta biết Chúa đã trả lời: “Đồ ngốc, nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại linh hồn ngươi…” (Lc 12, 19-20). Việc làm phúc giúp người nghèo đưa chúng ta trở về tin nhận quyền tối thượng của Thiên Chúa và biết quan tâm đến tha nhân, đồng thời giúp chúng ta lại nhận ra được lòng nhân từ của Chúa Cha và lãnh nhận lòng thương xót của Ngài.
Trong suốt Mùa Chay, Hội Thánh tặng chúng ta món quà Lời Chúa rất dồi dào. Suy ngẫm và để cho Lời Chúa thấm vào nội tâm rồi đưa vào cuộc sống đời thường, chúng ta sẽ nhận ra đây chính là một hình thức cầu nguyện quý giá, không gì thay thế được. Vì thế chăm chú lắng nghe chính Thiên Chúa không ngừng nói với trái tim chúng ta, nuôi dưỡng con đường đức Tin được khởi sự vào ngày chúng ta lãnh nhận bí tích Thánh tẩy. Việc cầu nguyện cũng cho phép chúng ta có cái nhìn mới về thời gian: nếu không hướng vào vĩnh cửu và thực tại siêu việt, thời gian chỉ là nhịp điệu theo mỗi bước chân chúng ta đang đi về chân trời vô định. Ngược lại, khi cầu nguyện, chúng ta dành thời gian cho Thiên Chúa để nhận ra những lời Chúa nói “sẽ không hề qua đi” (Mc 13, 31) và bước vào sự kết hiệp mật thiết với Chúa “sẽ không ai lấy mất được” (Ga 16, 22) và chính Ngài mở ra cho chúng ta niềm hy vọng vào sự sống đời đời chẳng hề làm thất vọng.
Kết luận
Tóm lại, trong hành trình Mùa Chay, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm mầu nhiệm Thập giá, trở nên “đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô trong cái chết của Người” (Pl 3, 10) để thực hiện một cuộc hoán cải sâu xa cuộc đời của mình: hãy để Chúa Thánh Thần tác động biến đổi chúng ta, như Thánh Phaolô trên đường đi Damas; hãy kiên vững sống theo ý Chúa muốn; hãy thoát khỏi cái tôi ích kỷ bằng cách vượt qua bản năng muốn thống trị người khác và mở lòng đón nhận tình yêu của Đức Kitô. Mùa Chay cũng là thời gian thích hợp để chúng ta nhìn nhận bản tính mỏng giòn của mình, đồng thời qua việc thành tâm kiểm điểm đời sống, chúng ta lãnh nhận Ơn đổi mới từ Bí tích Hòa giải và dứt khoát bước đến với Chúa Kitô.
Anh chị em thân mến,
Qua việc gặp gỡ cá nhân với Đấng Cứu chuộc và qua việc ăn chay, làm phúc giúp người nghèo và cầu nguyện, cuộc hành trình hoán cải hướng đến lễ Phục sinh sẽ giúp chúng ta tái khám phá ý nghĩa của bí tích Thánh tẩy mình đã lãnh nhận. Trong Mùa Chay này, chúng ta hãy canh tân việc lãnh Ơn Chúa ban khi chúng ta lãnh nhận bí tích Thánh tẩy, để nguồn ơn này luôn soi sáng và dẫn dắt mọi việc chúng ta làm. Mỗi ngày chúng ta đều được mời gọi sống ý nghĩa và hiện thực của bí tích Thánh tẩy, bằng cách luôn thực sự tiến bước theo Đức Kitô một cách quảng đại hơn. Trong cuộc hành trình này, chúng ta phó thác nơi Đức Trinh nữ Maria, Đấng đã sinh hạ Ngôi Lời Thiên Chúa trong đức Tin và thể xác, để cũng như Mẹ, chúng ta dìm mình trong sự chết và sự sống lại của Chúa Giêsu, Con của Mẹ và được sống đời đời.
Vatican, ngày 4 tháng Mười Một 2010
Bênêđictô XVI, Giáo hoàng
Đức Thành chuyển ngữ
(theo bản Pháp ngữ, tham khảo bản Anh ngữ
của Libreria Editrice Vaticana
– Các tiểu đề do người chuyển ngữ đặt)
Xem bản văn tiếng nước ngoài: tại đây
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô