Sứ điệp Giáng Sinh 2011 của Đức Thượng phụ Giáo chủ Giêrusalem
WHĐ/LPJ (23.12.2011) – Tại cuộc họp báo hôm thứ Tư 21-12-2011, Đức Thượng phụ Giáo chủ Công giáo Latinh Fouad Twal, Tổng Giám mục Giêrusalem, với sự hiện diện của các vị Đại diện của ngài, đã công bố Sứ điệp Giáng Sinh 2011 trước khi trả lời phỏng vấn của các phóng viên báo chí.
Sau đây là toàn văn Sứ điệp nói trên. Bản tiếng Việt do Đức Thành chuyển ngữ.
* * *
Anh chị em Israel, Palestin, Giorđani và Chypre đang sinh sống tại Thánh Địa thân mến,
Xin chúc anh chị em mừng lễ Chúa Giáng Sinh trong niềm hân hoan và Năm Mới tràn đầy hy vọng, bình an nơi tâm hồn, trong gia đình và trên quê hương anh chị em.
Xin kính chào quý Đức cha đang hiện diện nơi đây: Đức cha Giacinto Marcuzzo, Đại diện Thượng phụ tại Israel, Đức cha Shomali, Đại diện Thượng phụ phụ trách Giêrusalem. Xin chào cha David Neuhaus, Đại diện Thượng phụ tại Israel, phụ trách cộng đoàn Kitô giáo nói tiếng Do Thái, đồng thời xin bày tỏ lòng biết ơn về những gì ngài đã làm.
Xin thân ái chào các bạn phóng viên báo chí. Cảm ơn các bạn, những người có lòng yêu mến sự thật, đã đều đặn đưa tin về giáo phận của chúng tôi với một ý thức chuyên nghiệp. Chúng tôi biết tầm ảnh hưởng của các phương tiện truyền thông đối với những thay đổi đang diễn ra tại các quốc gia vùng Địa Trung Hải và Cận Đông.
Tôi muốn cùng các bạn đưa ra một phác thảo tổng kết năm đang kết thúc, nhìn đến những thành công và thiếu sót, đồng thời chia sẻ những điều tôi quan tâm, nhất là những hy vọng trước thềm năm mới.
1. Đối thoại liên tôn
Tôi xin được nêu những sự kiện đáng khích lệ sau đây:
1/ Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với Đức Thánh Cha đã tổ chức tại Vatican, vào ngày 10 tháng Mười Một vừa qua, cuộc gặp gỡ Hội đồng các nhà lãnh đạo tôn giáo tại Israel, nhằm thúc đẩy sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Các cộng đồng Kitô giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo và Druze luôn tin vào sức mạnh của lời cầu nguyện cho sự hòa giải và quan hệ láng giềng thân thiện. Cuộc đối thoại liên tôn là điều kiện tiên quyết cho việc xây dựng bầu khí tin tưởng, hữu nghị và hợp tác.
2/ Mặt khác cuộc gặp gỡ này cũng hoàn toàn nằm trong đường hướng của Assisi, nơi ĐTC quy tụ gần 300 vị chức sắc tôn giáo, và cả những người không theo tôn giáo nào, để cùng nhau trao đổi và cầu nguyện cho mọi dân nước được hưởng hòa bình và công lý. Đây là lần thứ hai trong lịch sử, mọi tôn giáo trên khắp thế giới cùng quy tụ về một nơi để cầu xin Chúa, theo cách của mình, ban hòa bình cho thế giới. Điều tôi ghi nhận ở cuộc gặp gỡ cầu nguyện tại Assisi là: các tôn giáo có trách nhiệm đặc biệt trong việc giúp con người xây dựng hòa bình. Các tôn giáo chính là nhân tố kiến tạo hòa bình. Chúng tôi lên án việc mọi hình thức bạo lực chống lại các nơi thờ phượng và miệt thị các biểu tượng tôn giáo.
3/ Hội nghị được tổ chức tại Luân Đôn vào tháng Bảy đã quy tụ những người Công giáo, Tin lành, Anh giáo, Hồi giáo và Do Thái giáo ngồi lại với nhau. Đó là một dấu chỉ tích cực.
4/ Gần đây, tại Amman, đã diễn ra Diễn đàn Hồi giáo – Công giáo lần thứ hai, gồm những đại biểu cấp cao của Công giáo và Hồi giáo. Điều chúng ta mong đợi tại những cuộc gặp gỡ này, là không còn những thành kiến, là tôn trọng lẫn nhau nhằm học hỏi những giá trị chung, đồng thời bắc nhịp cầu của lương tri và thiện chí, ý thức tầm quan trọng của sự đối thoại trong cuộc sống hằng ngày tại các trường học và những tổ chức khác nhau.
2. Đại kết
Trong dịp này, tôi muốn nói đến cuộc đối thoại giữa những Kitô hữu. Cuộc họp lần thứ mưới mới đây tại Chypre của Hội đồng các Giáo hội vùng Trung Đông đã nêu cao thiện chí của bốn nhóm: Công giáo, các Giáo hội Cải cách, Chính thống giáo Đông phương và Chính thống giáo nhằm hợp tác hơn nữa đồng thời nỗ lực đạt đến sự hợp nhất. Như vậy, dựa trên sự mời gọi của Thượng Hội đồng Giám mục về Trung Đông, chúng tôi có ý hướng thống nhất với nhau về ngày lễ mừng Chúa Phục sinh. Chúng tôi làm việc này do được ý Chúa và sự đồng tâm nhất trí của của các Kitô hữu tại Thánh Địa thúc đẩy.
Tôi cũng muốn nêu lên niềm vui mừng sau cuộc gặp các Thượng phụ Giáo chủ Công giáo Đông phương diễn ra tại Liban từ 14 đến 17 tháng Mười Một. Thật vậy, chúng tôi được đón tiếp Đức Thượng phụ Giáo chủ Kyrill của Matxcơva và ngài đã mời chúng tôi đến thăm ngài tại Nga để củng cố các mối quan hệ. Tôi hoan hỉ đón nhận lời mời này.
3. Mùa xuân Ả rập và tình cảnh các Kitô hữu
Tất nhiên tôi cũng muốn đề cập đến các sự kiện đang diễn ra tại các nước Ả rập được chúng ta chăm chú theo dõi. Tôi vẫn luôn ủng hộ sự thay đổi hướng đến dân chủ và được tự do hơn nữa. Và nhiều lần tôi còn bày tỏ mong muốn các Kitô hữu không tự tách mình ra khỏi các phong trào này, nghĩa là, tôi thiết tha mong mỏi các quyền của con người và phẩm giá của từng người phải được tôn trọng. Tôi mong các nhà chức trách có thẩm quyền dùng mọi cách xoa dịu các tâm hồn mà không sử dụng bạo lực và bảo vệ các nhóm thiểu số là thành phần không tách rời khỏi cộng đồng dân chúng. Cần phải tận dụng thời gian này để xây dựng một xã hội mới dựa trên quyền bình đẳng của mọi công dân. Cùng với các Thượng phụ Giáo chủ Công giáo Đông phương, chúng tôi đã mời gọi các tín hữu dành một ngày cầu nguyện cho sự hòa giải và hòa bình tại Trung Đông.
4. Đề nghị công nhận Nhà nước Palestin làm thành viên Liên Hợp quốc
Chúng tôi ước mong một nền hòa bình chân chính và toàn diện nhằm kết thúc cuộc xung đột Israel – Palestin và chúng tôi thống nhất quan điểm rõ ràng và thẳng thắn của Tòa Thánh về giải pháp có hai Nhà nước được quốc tế công nhận về an ninh và biên giới. Tôi vẫn thường khẳng định, ở bên này không có nghĩa là chống lại bên kia. Chúng tôi hướng đến ích lợi chung của toàn thế giới: hòa bình, an ninh, biết tôn trọng nhau và vì phẩm giá của mọi người. Hành trình này đã được bắt đầu nhưng đường vẫn còn dài. Tôi luôn xác tín đàm phán là giải pháp tốt nhất để giải quyết xung đột.
5. Thăm viếng các tín hữu sống tản mát và những dự định
Trong những niềm lạc quan của năm qua, tôi muốn nói đến hai chuyến viếng thăm Hoa Kỳ vào tháng Sáu và tháng Chín. Những chuyến viếng thăm này đem lại cho tôi cơ hội được gặp các tín hữu sống tản mát (diaspora). Mục đích của các chuyến thăm viếng là khuyến khích mọi người đừng quên quê hương, hãy yêu mến quê hương và giúp đỡ anh chị em mình, “đoàn chiên nhỏ” ở lại Thánh Địa. Nhờ lời cầu nguyện và sự giúp đỡ vật chất của các tín hữu diaspora, chúng tôi đã xây dựng được trường Đại học Madaba và khánh thành vào ngày 17 tháng Mười vừa qua, hướng đến việc đào tạo những nhà lãnh đạo tương lai có tinh thần “khai sáng”, cởi mở và có trách nhiệm.
6. Mục vụ di dân
Với sự hiện diện của những người tị nạn nhập cư Israel, hiện có khoảng 230.000 lao động là người nước ngoài, phần lớn là những Kitô hữu. Cũng phải kể đến 30.000 người đang xin tị nạn, đa số sống trong những cộng đồng Do Thái nói tiếng Do Thái. Quả thật, vị đại diện Thượng phụ phụ trách các tín hữu nói tiếng Do Thái đang đứng trước một thách đố lớn khi phải đáp ứng nhu cầu mục vụ của những di dân Công giáo này. Chúng tôi phải nỗ lực gấp đôi giúp những anh chị em này về đời sống đạo để họ có thể hội nhập Giáo hội địa phương.
7. Tri ân và hẹn tái ngộ trong những cuộc gặp gỡ sắp tới
Trước khi kết thúc, tôi muốn nói lên lời cảm ơn mọi cộng đoàn tu sĩ tại Thánh Địa đã cầu nguyện và phục vụ. Tôi cũng xin cảm ơn tất cả quý anh chị em đã đem lòng nhiệt thành thực thi Tông huấn Verbum Domini, giúp cho năm 2011 trở thành Năm Kinh Thánh tại Thánh Địa, nhờ đó các tín hữu thêm yêu mến Lời Chúa, “lương thực hằng ngày của chúng ta”.
Tôi vui mừng hướng đến những sự kiện rất được mong đợi sắp diễn ra và Giáo Hội chúng ta sẽ hân hoan tham dự:
1/ Đại hội thế giới về Mục vụ Du lịch (Mêxicô – tháng Tư 2012).
2/ Đại hội Mục vụ Truyền thông dành cho các giám mục, do Hội đồng Tòa Thánh về Truyền thông xã hội tổ chức tại Liban, từ 17 đến 19 tháng Tư 2012.
3/ Hội ngộ gia đình Thế giới (Milan – tháng Sáu 2012), sẽ có 8 gia đình tại Thánh Địa tham dự.
4/ Đại hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 50 (Dublin – tháng Sáu 2012).
5/ Thượng Hội đồng Giám mục về Tân Phúc âm hóa (Rôma – tháng Mười 2012).
Để kết thúc, tôi mời gọi tất cả anh chị em Kitô hữu hãy hành hương đến Thánh Địa. Anh chị em đừng sợ. Chúng tôi sẽ dành cho anh chị em sự đón tiếp ân cần. Một trong những cách tốt đẹp nhất để tỏ lòng yêu mến Thánh Địa là hãy làm khách hành hương đến Thánh Địa, cầu nguyện cho Thánh Địa và cho con cái của nơi thánh thiện này. Quê hương trần thế của Chúa Giêsu cần các bạn và các bạn cũng cần mảnh đất thánh thiêng ấy.
Các bạn thân mến,
Một lần nữa tôi chân thành cầu chúc các bạn được Bình an.
Xin Đức Trinh nữ Maria, Mẹ Chúa Kitô, Hoàng tử Hòa bình, chuyển cầu cùng Chúa cho Thánh Địa của chúng con.
Chúc các bạn mừng lễ Giáng Sinh tràn đầy niềm vui.
+ Fouad Twal
Thượng phụ Giáo chủ Latinh Giêrusalem
bài liên quan mới nhất
- Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ
-
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi -
Cuộc hành hương kỷ lục: khoảng 13 triệu người viếng Đền Thánh Đức Mẹ Guadalupe trong dịp lễ -
Tình bạn, tình huynh đệ là chứng tá Tin Mừng -
Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Gánh Nặng Ngày Càng Gia Tăng của Tuổi Tác” -
Diễn văn Đức Thánh Cha nhân dịp bế mạc Đại hội lòng đạo đức bình dân ở khu vực Địa Trung Hải ngày 15/12/2024 -
Huấn dụ Kinh Truyền tin ngày 15/12/2024 – Linh mục, tu sĩ chăm sóc chính mình và chăm sóc người khác -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 2 - Cánh cửa của niềm tin tưởng -
Đức Thánh Cha chủ sự Thánh lễ kính nhớ Đức Mẹ Guadalupe
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô