Ratzinger – Martini: hai lối nhìn, một Giáo hội

Ratzinger – Martini: hai lối nhìn, một Giáo hội

Cái chết của tu sĩ Dòng Tên, Đức hồng y Carlo Maria Martini, nguyên Tổng giám mục Milano, cho chúng ta cơ hội suy tư nghiêm túc về tính đa quan điểm cần có trong Giáo hội.

Xung quanh người quá cố, nở rộ biết bao tranh biếm hoạ: nào là “người chống giáo hoàng”, “người lập giáo hoàng”, “vị giáo hoàng không được bầu”, “giáo hoàng của những người không tin”, “biểu tượng của phe cấp tiến”, v.v... Cứ như là một kiểu phong chân phước trước trên các phương tiện truyền thông ảo. Và bài trả lời phỏng vấn của ngài, nổi tiếng sau khi ngài qua đời, đã được nhiều phương tiện truyền thông nhanh chóng phổ biến trên khắp thế giới, trong đó có tờ “La Croix”, được nhiều người coi như lời cảnh báo cuối cùng cho một Giáo hội đang được Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI lèo lái theo quan điểm của mình.

Cần phải tỉnh táo. Từ thời Phêrô và Phaolô, lịch sử Giáo hội đã được dệt bằng những lối nhìn, chắc chắn là khác nhau, nhưng không nhất thiết phải cạnh tranh với nhau, có chút gì giống như dùng kính 3D để xem màn hình nổi.

Có thực sự cần phải đặt nhà thần học Ratzinger “bảo thủ” đối lập với học giả Kinh Thánh “cấp tiến” Martini không? Nhà thần học Ratzinger xem ra như bị ám ảnh về tính bền vững của cơ chế trong khi học giả Kinh Thánh Martini không ngừng mở ra những cánh cửa cho những người đang chen chúc ở mái hiên được bước vào chính điện. Ratzinger, sứ giả của chân lý, sẽ gồng mình bảo vệ kho tàng đức tin, vốn không thay đổi từ muôn đời cho đến muôn đời. Trong khi Martini, bám chặt vào sự tăng triển và tính khả tín của Tin Mừng –hiện đang trở nên độc đáo hơn bao giờ hết–, lại mong cho mọi người được hưởng nếm Lời ấy một cách vô điều kiện. Ratzinger mời gọi người nam và người nữ nỗ lực hết sức chung sống một cuộc sống tự do và phong phú, trong khi Martini hướng đến số đông bị cuộc sống làm tổn thương, không thể hoặc không muốn sống đến cùng thách thức này.

Chắc hẳn ĐHY Martini đã cao giọng nói lên rõ ràng điều mà các hồng y, tổng giám mục, giám mục, phó tế, giáo dân, những người nam và nữ ngày hôm nay chỉ có thể thì thầm, ngay cả ở Roma. Và trên mảnh đất văn hóa La Mã chật chội, luồng gió chướng này gây khó chịu cho những người có thể nhầm lẫn giữa sao chép và sáng tạo, đến mức có nguy cơ ủng hộ thái độ dửng dưng vốn đã thành phổ biến ở phương Tây, vì họ cứ xa lánh dần những thách thức lớn của thời đại.

Thế nên cần phải tỉnh táo. Ratzinger và Martini, sinh cùng một năm, đều đưa ngón tay chỉ Nước Chúa ngự đến. Thật đáng tiếc nếu quên đi điều đó và chỉ nhìn vào ngón tay. Lịch sử Giáo Hội được viết từ 2000 năm nay và vẫn được viết mãi. Ai đã đọc “Ánh sáng thế gian” (nxb. Bayard), cuốn sách tâm tình của Ratzinger, đều tìm thấy trong đó dấu ấn của Martini. Và công trình to tát của vị hồng y Dòng Tên, cũng như công trình đồ sộ của Ratzinger, đều bày tỏ sự gắn bó sâu xa với sự thật của Tin Mừng, sự thật đã không bao giờ và sẽ chẳng bao giờ ngưng quấy rầy những người xu thời đủ loại. Thực ra, Giáo hội không thể hài lòng với chỉ một Ratzinger hay Martini. Giáo hội cần đến cả hai. Theo bước các ngài và hướng đến Nước Trời, mỗi người đều được tự do lựa chọn con đường của mình. Sự đa dạng trong Kinh cầu các thánh, được hát lên trong tang lễ Đức hồng y, theo nghi thức Milano, làm chứng cho sự tự do ấy trong tính đa dạng của nó.

(Frédéric Mounier, 03-09-2012)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top