Phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô (3)

Phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô (3)

Phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô (bản dịch Việt ngữ chính thức của Dòng Tên VN) (2)

WGPSG - Đây là bài phỏng vấn quy mô và công phu nhất từ trước tới nay của báo La Civiltà Cattolica. La Civiltà Cattolica cộng tác với nhiều tờ báo khác của dòng Tên trên toàn thế giới như America, Thingking Faith… để thực hiện cuộc phỏng vấn. Ban biên tập của những tờ báo trên gửi các câu hỏi về cho linh mục Antonio Spadaro, S.J. -Tổng biên tập tờ La Civiltà Cattolica- để vị này đúc kết lại và thực hiện cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha. Cha Antonio đã được gặp Đức Phanxicô 3 lần tại Casa Santa Marta để tiến hành cuộc phỏng vấn.

WGPSG đang đăng dần dần từng phần của bài phỏng vấn rất có giá trị này.

Dòng Tên

Do đó nhận định chính là cột trụ trong linh đạo của Giáo hoàng Phanxicô. Nó diễn tả một cách cụ thể căn tính Giê-su hữu của ngài. Rồi tôi hỏi ngài làm thế nào để Dòng Tên có thể phục vụ Hội Thánh hôm nay, đâu là đặc nét của Dòng, và đâu là những nguy cơ mà Dòng Tên có thể gặp phải.

“Dòng Tên là một định chế trong mối căng thẳng, luôn luôn căng thẳng từ căn bản. Một Giê-su hữu là một người không phải là trung tâm của chính mình. Chính bản thân Dòng cũng không phải là trung tâm của chính mình; trung tâm điểm của Dòng chính là Chúa Ki-tô và Hội Thánh của Ngài. Vì thế, nếu Dòng lấy Chúa Ki-tô và Hội Thánh làm trung tâm, Dòng có hai điểm qui chiếu nền tảng để giữ thăng bằng mà sống ở ngoại biên. Nếu Dòng nhìn quá nhiều vào bản thân mình, đặt mình ở vị trí trung tâm như một cơ cấu vững chắc và được “trang bị” đầy đủ, thì Dòng sẽ gặp nguy cơ là cảm thấy an toàn và tự mãn. Dòng phải luôn nhìn vào Deus semper maior, Thiên Chúa luôn cao cả hơn, tìm Vinh Danh Chúa hơn nữa, nhìn vào Hội Thánh như là Hiền Thê Đích Thực của Đức Ki-tô, Chúa chúng ta, Đức Ki-tô là Vua, Đấng đã chinh phục chúng ta và chúng ta hiến trọn con người và trọn lao công của chúng ta cho Ngài, dù ta chỉ là bình sành, bất tương xứng. Mối căng thẳng này liên tục đẩy ta ra khỏi chính mình. Khí cụ làm cho Dòng Tên không lấy mình làm trung tâm, thực sự mạnh mẽ, chính là việc cởi mở lương tâm, một việc thể hiện tính phụ tử và huynh đệ, chính vì nó giúp Dòng đi ra cách tốt đẹp hơn mà thi hành sứ mạng”. 

Đức Phanxicô đang đề cập tới một điểm đặc biệt trong Hiến Pháp Dòng Tên vốn đòi buộc các Giê-su hữu phải “bày tỏ lương tâm”, nghĩa là, bày tỏ tình trạng thiêng liêng nội tâm của mình, để bề trên ý thức và hiểu biết nhiều hơn khi sai một người vào sứ mạng.

Ngài nói tiếp: “Nhưng thật khó khăn khi nói về Dòng Tên. Khi bạn giải thích quá nhiều, bạn sẽ gặp nguy cơ trở nên hàm hồ. Dòng Tên chỉ có thể tự mô tả dựa vào hình thức thuật truyện. Chỉ nhờ hình thức thuật truyện, bạn mới có thể phân định, chứ không phải qua lối giải thích triết lý hay thần học, một lối giúp bạn thảo luận thì đúng hơn. Phong cách Dòng Tên không phải là phong cách thảo luận, nhưng là phong cách phân định, dĩ nhiên sự phân định này giả thiết thảo luận là một phần của tiến trình. Chiều kích huyền nhiệm của phân định không bao giờ định ra góc cạnh cho nó và không hoàn thành quá trình suy tư. Tu sĩ Dòng Tên phải là một người của suy tư chưa hoàn tất, suy tư còn mở. Trong Dòng, đã từng có những thời kỳ các Giê-su sống trong một môi trường tư duy khép kín và cứng nhắc, mang tính chất huấn đức – khổ chế hơn là huyền nhiệm: việc bóp méo lối sống Dòng Tên như thế đã sinh ra cuốn Epitome Instituti” [Toát Yếu Thể Chế].

Đức Giáo Hoàng đang đề cập đến một thứ tóm lược thực dụng, từng được sử dụng trong Dòng, được duyệt lại ở thế kỷ XX, xem như để thay thế Hiến Pháp của Dòng. Trong một thời gian, việc huấn luyện các Giê-su hữu được khuôn đúc bởi bản văn này, đến nỗi có Giê-su hữu chưa bao giờ đọc Hiến Pháp của Dòng, mà đây mới là bản văn nền tảng. Theo Đức Giáo Hoàng, trong thời kỳ này, các qui luật có nguy cơ đè bẹp tinh thần, và Dòng Tên rơi vào cơn cám dỗ quá tay trong việc minh định và giải thích đặc sủng của mình.

Đức Thánh Cha nói tiếp: “Không, Giê-su hữu luôn luôn suy nghĩ, suy đi nghĩ lại, với Chúa Ki-tô làm trung tâm, họ nhìn chân trời mà họ phải tới. Đây mới là sức mạnh thực sự của Giê-su hữu và điều này thúc đẩy Dòng luôn trên đường tìm kiếm, sáng tạo và quảng đại. Bởi thế, ngày nay, hơn bao giờ hết, Dòng Tên phải chiêm niệm trong hoạt động, phải sống thật gần gũi sâu sắc với toàn thể Hội Thánh, như là ‘dân Chúa’ cũng như ‘mẹ thánh là Hội Thánh có phẩm trật’. Điều này đòi hỏi nhiều khiêm nhường, hy sinh và can đảm, nhất là khi bạn bị hiểu lầm hay là nạn nhân của sự hiểu lầm và vu khống, nhưng đó là thái độ sinh nhiều kết quả nhất. Chúng ta hãy nghĩ tới các căng thẳng trong quá khứ, về nghi lễ Trung Hoa, nghi lễ Malabar và những vùng định cư của dân bản địa tại Paraguay.”

“Chính tôi là nhân chứng của nhiều hiểu lầm và khó khăn mà Dòng phải trải nghiệm gần đây. Trong số đó, có những thời điểm gay cấn, nhất là đụng tới vấn đề cho mọi tu sĩ Dòng Tên tuyên lời khấn thứ tư liên quan tới việc vâng lời Đức Giáo Hoàng. Thời Cha Arrupe (bề trên cả Dòng Tên trong các năm từ 1965 tới 1983), điều khiến tôi tin tưởng là sự kiện ngài là người của cầu nguyện, một người dành nhiều thì giờ cho việc cầu nguyện. Tôi nhớ lúc cầu nguyện, ngài hay ngồi trên đất theo kiểu Nhật Bản. Nhờ thế, ngài có được thái độ đúng đắn và đã đưa ra được các quyết định đúng đắn”.

Khuôn mẫu Phêrô Favre, ‘vị linh mục cải cách’

Tới đây tôi tự hỏi liệu có nhân vật nào trong số các Giê-su hữu, từ buổi đầu của Dòng cho tới nay, đã đánh động ngài một cách đặc biệt chăng, nên tôi đã hỏi ngài có vị nào không, vị đó là ai và tại sao. Ngài bắt đầu kể đến Thánh I-nhã [đấng sáng lập Dòng Tên] và Thánh Phanxicô Xaviê, nhưng sau đó, ngài tập trung vào một khuôn mặt mà các Giê-su hữu biết, nhưng chắc chắn là nói chung không mấy nổi tiếng, đó chính là cha Phê-rô Favre (1506-1546), quê ở Savoy. Ngài là một trong những người bạn đồng hành đầu tiên của Thánh I-nhã, thật ra là người bạn đầu tiên, người bạn chung phòng với Thánh I-nhã khi cả hai còn là sinh viên tại Đại Học Sorbonne. Người bạn chung phòng thứ ba là thánh Phanxicô Xaviê. Đức Piô IX phong chân phước cho cha Favre vào ngày 5 tháng 9 năm 1872 và án phong thánh cho ngài vẫn còn đang tiến hành.

Đức Giáo Hoàng trưng dẫn việc xuất bản cuốn Hồi niệm của cha Favre, do ngài yêu cầu hai học giả Dòng Tên là Miguel A. Fiorito và Jaime H. Amadeo thực hiện lúc còn là giám tỉnh Dòng Tên tại Argentina. Ấn bản ngài đặc biệt ưa thích là ấn bản của cha Michel de Certeau. Tôi hỏi Đức Phanxicô lý do tại sao ngài bị đánh động bởi cha Favre như thế, những nét nào gây ấn tượng cho ngài hơn cả.

Đức Giáo Hoàng trả lời: “Ngài đối thoại với mọi người, cả những người xa xôi nhất và cả những thù địch của mình; lòng đạo đức đơn sơ của ngài, có lẽ hơi chút ngây thơ, sự ứng trực của ngài, khả năng nhận định nội tâm đầy cẩn trọng, và ngài thực là một con người có khả năng đưa ra các quyết định quan trọng và mạnh mẽ nhưng đồng thời có khả năng hiền hậu, hiền hậu đến thế”.

Trong khi ĐTC Phanxicô kể ra những đặc tính của Giêsu hữu mà ngài ưa thích, tôi hiểu ra rằng khuôn mặt này đã thật sự là khuôn mẫu cho đời sống của ngài. Cha Michel de Certeau mô tả về cha Favre đơn thuần như “một vị linh mục cải cách”; đối với vị linh mục này, kinh nghiệm nội tâm, những phát biểu về giáo thuyết và cải cách cơ cấu không thể tách rời nhau. Như vậy hình như tôi có thể hiểu là ĐTC Phanxicô cũng lấy nguồn hứng từ lối cải cách này. Sau đó, ĐTC mới tiếp tục với một suy tư về khuôn mặt đích thực của đấng sáng lập Dòng Tên.

Ngài nói: “Thánh I-nhã là một nhà thần bí, không phải là một nhà khổ tu. Tôi rất khó chịu khi nghe người ta bảo Linh Thao chỉ “mang tính chất I-nhã’ bởi vì chúng được thực hiện trong thinh lặng. Thực ra, Linh Thao vẫn hoàn toàn mang đậm tính I-nhã ngay trong cuộc sống thường ngày và không có sự thinh lặng. Một sự giải thích Linh Thao nhấn mạnh tới khổ hạnh, tới thinh lặng và đền tội là lối giải thích méo mó, có lúc khá phổ biến trong Dòng Tên, đặc biệt là ở Dòng Tên Tây Ban Nha. Trái lại, tôi gần gũi hơn với luồng thần bí, tức luồng của Louis Lallement và Jean-Joseph Surin. Và cha Favre cũng là một nhà thần bí.”

Phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô (9)
Phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô (8)

Phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô (7)

Phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô (6)

Phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô (5)
Phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô (4)
Phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô (2)
Phỏng vấn Đức Thánh Cha Phanxicô (1)

(Còn tiếp)

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top