Nuôi dưỡng tinh thần lạc quan ở trẻ

Nuôi dưỡng tinh thần lạc quan ở trẻ

Những người lạc quan chẳng những ít bệnh tật hơn, mà còn ít chịu ảnh hưởng do stress gây ra, và biết cách tận hưởng những niềm vui cuộc sống. Lạc quan không phải tính cách bẩm sinh, mà phải được hình thành và nuôi dưỡng từ khi trẻ còn rất nhỏ.

Tinh thần lạc quan có thể được nuôi dưỡng như thế nào?

Giúp con mình đạt được thành tích

Trẻ hình thành ý thức về ưu điểm của bản thân và phát triển tinh thần lạc quan, cái nhìn lạc quan về cuộc sống khi chúng thành công trong một việc cụ thể nào đó. Cha mẹ nên ủng hộ trẻ thường xuyên thành công, thường xuyên đạt được kết quả tích cực trong bất cứ việc gì trẻ làm. Khi trẻ làm được một việc gì đó tốt, nhất thiết phải công nhận, phải khen trẻ thành lời, dù cho việc đó có nhỏ đến đâu.

Giải thích cho trẻ hiểu trẻ thành công nhờ đâu

Chỉ khen không chưa đủ. Luôn luôn ghi nhớ rằng, phải giải thích cho trẻ rõ tại sao trẻ đạt được kết quả tốt. Ví dụ, khi trẻ đạt được điểm thi cao, cha mẹ cần cho trẻ biết kết quả đó có được là do trẻ ôn tập cẩn thận, chuẩn bị tốt đồ dùng khi đi thi,… Nói cách khác là phải cho trẻ hiểu rõ các bước tạo nên thành công. Trẻ phải được biết rõ rằng thành công được hình thành từ nhiều bước nối tiếp nhau trên con đường có đích đến rõ ràng, thành công là kết quả của lao động, của nỗ lực không ngừng.

Nếu trẻ chưa đạt được kết quả tích cực thì không nên khen, nhưng phải tiếp tục hỗ trợ trẻ, phải động viên để trẻ thành công ở lần sau.

Không quá khen

Không bao giờ nên nghĩ rằng bất cứ việc gì trẻ làm được cũng đáng khen. Nếu không, trẻ không thể tự giải quyết được vấn đề của mình trong tương lai, ảo tưởng về khả năng của mình, không thể ý thức được khi nào chúng làm chưa được, chưa đúng, khi nào cần nỗ lực hơn. Điều này có thể dẫn tới việc trẻ sẽ cảm thấy mất phương hướng, mất tự tin vào năng lực bản thân, thậm chí có thể rơi vào trầm cảm.

Hỗ trợ trẻ khi trẻ thất bại

Khi không đạt được kết quả tốt, trẻ thường mất bình tĩnh và cảm thấy thiếu tự tin. Vào những thời điểm này, cha mẹ nhất thiết phải có mặt bên cạnh để hỗ trợ và động viên trẻ. Ví dụ, trẻ không đạt điểm tốt trong kỳ thi. Hãy động viên trẻ: có thể là lần này con chưa chuẩn bị tốt, mình sẽ làm việc đó tốt hơn trong lần sau. Và nhất thiết phải thêm rằng, “nếu chuẩn bị kỹ hơn, con nhất định sẽ đạt được điểm tốt vì con thông minh và có sức học, bằng chứng là ít khi con bị điểm thấp”.

Tập cho trẻ nhận ra những điều tốt đẹp trong những người và những tình huống xung quanh

Giải thích cho trẻ biết trong mỗi hoàn cảnh, mỗi tình huống đều có cái hay và cái dở, trong thất bại cũng có điều gì đó tích cực. Thực hành phân tích hay dở của mỗi tình huống với trẻ. Chọn lựa những trò chơi giúp trẻ thấy điều tích cực (hay) trong những tình huống không mong muốn. Ví dụ, trời mưa, không ra ngoài chơi được thì lại là cơ hội để vẽ, đóng kịch, tập bài hát mới…

Không bao giờ nhận xét tiêu cực về trẻ trước mặt chúng

Cha mẹ có thể điều chỉnh, nhận xét về hành vi của con mình, đôi khi trách móc, nhưng tuyệt đối không được dùng những từ: “vô dụng”, “ăn hại”, “ngu ngốc”, “vô tích sự”,… Trẻ thường có khuynh hướng tin lời cha mẹ, vì thế nếu bạn thường xuyên dùng những từ này để nhận xét trẻ, chúng sẽ lớn lên thành kẻ “ăn hại”, “vô dụng”.

Top