Nguy cơ “mảnh áo chùng Công Giáo” của Chúa Giêsu bị xé thêm
Trong vòng 10 ngày qua, vấn đề chia rẽ trong Giáo Hội Công Giáo lại được một số vị lãnh đạo Công Giáo nói đến, như tiếng chuông cảnh giác các tín hữu cần luôn luôn cố gắng bảo tồn sự hiệp nhất.
Đức Hồng Y Cantalamessa
Thực vậy, trong nghi thức tưởng niệm cuộc Thương khó của Chúa Giêsu chiều Thứ Sáu Tuần Thánh 2/4/2021 vừa qua do Đức Thánh Cha chủ sự tại Đền Thờ Thánh Phêrô, như thường lệ, ngài không giảng, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, 87 tuổi, dòng Cappucchino, Giảng thuyết viên tại Phủ Giáo Hoàng từ 41 năm nay, đã đề cập đến vấn đề chia rẽ nơi các tín hữu Công Giáo.
Đức Hồng Y nhắc đến thông điệp “Fratelli Tutti” của Đức Thánh Cha Phanxicô và nhấn mạnh rằng “Tình huynh đệ được xây dựng từ chúng ta... Tình huynh đệ đại đồng bắt đầu với tình huynh đệ trong Giáo Hội Công Giáo... và tình huynh đệ này đang bị thương tổn! Chiếc áo chùng của Chúa Kitô đã bị xé thành những mảnh do những chia rẽ giữa các Giáo Hội Kitô, nhưng điều không kém trầm trọng hơn, đó là mỗi mảnh áo của Chúa thường bị xé thành những mảnh khác nữa...”.
Đức Hồng Y Cantalamessa đặc biệt mời gọi các tín hữu Công Giáo hãy xét mình về tội chia rẽ vì đây là “công việc tuyệt hảo của ma quỉ, diabolos, tức là kẻ chia rẽ, là kẻ thù gieo rắc cỏ lùng, như Chúa Giêsu đã nói trong một dụ ngôn của Người (xem Mt 13,25). Đức Hồng Y nói: “Chúng ta phải học từ Tin Mừng và gương của Chúa Giêsu. Quanh Người bấy giờ có sự chia rẽ mạnh mẽ về chính trị. Có 4 phe: Pha-ri-sêu, người Sa-du-xê, người theo vua Hê-rô-đê, và những người Zê-lốt, Nhiệt thành. Chúa Giêsu không đứng về phe nào, và Người mạnh mẽ chống lại những toan tính lôi kéo Người về phe này hay phe kia. Cộng đoàn Kitô sơ khai cũng trung thành noi theo chọn lựa đó. Điều này là tấm gương đặc biệt cho các mục tử, họ phải là những mục tử của toàn đoàn chiên, chứ không phải của một phe nào trong đó. Vì thế, họ phải là những người đầu tiên phải nghiêm túc xét mình và tự hỏi mình đang dẫn đoàn chiên đi về đâu: về phe của họ hay là về Chúa Giêsu”.
Qua những lời trên đây, không biết Đức Hồng Y Cantalamessa ám chỉ đến tình cảnh đặc biệt nào. Có báo ở Ý áp dụng vào sự chia rẽ của các tín hữu Công Giáo giữa các đảng phái khác nhau, nhưng cũng có những người nghĩ đến tình trạng chia rẽ về chính trị giữa các tín hữu Công Giáo ở Mỹ, nhất là trong dịp bầu cử tổng thống hồi năm ngoái, người thì ủng hộ ứng cử viên của đảng Cộng hòa, người thì ủng hộ ứng viên đảng Dân chủ, và trong lãnh vực này, cả vấn đề luân lý đạo đức, đặc biệt là vấn đề bảo vệ sự sống và luân lý tính dục cũng được nêu lên.
Đức Hồng Y Parolin
3 ngày sau bài giảng của Đức Hồng Y Cantalamessa, trong một cuộc phỏng vấn dành cho đài phát thanh Công Giáo Cope của Tây Ban Nha, truyền đi chiều ngày thứ Hai sau Phục Sinh, 5/4, Đức Hồng Y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, bày tỏ lo âu vì những xung khắc giữa phe cấp tiến và bảo thủ trong Giáo Hội Công Giáo và nhận xét rằng tình trạng này chỉ gây thiệt hại cho Giáo Hội.
Theo Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh, “có lẽ vấn đề này nảy sinh từ việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô nhấn mạnh rất nhiều về việc cải tổ Giáo Hội và có nhiều lẫn lộn về điều này. Cơ cấu của Giáo Hội, kho tàng đức tin, các bí tích, thừa tác vụ tông đồ là những điều không thể thay đổi được, nhưng toàn thể đời sống của Giáo Hội có thể canh tân”, đó là một cuộc sống “trong đó có những người tội lỗi hoạt động, và vì thế cũng cần được liên tục đổi mới”.
Đức Hồng Y Parolin giải thích rằng “nhiều khi những chia rẽ và chống đối nảy sinh từ sự hiểu lẫm, lẫn lộn, từ sự thiếu khả năng phân biệt giữa điều thiết yếu và không thể thay đổi, với điều không cốt yếu và phải được cải tổ, phải thay đổi theo tinh thần của Tin Mừng”.
Vài phản ứng
Có tờ báo cấp tiến ở Mỹ dựa ngay nhận định của Đức Hồng Y Parolin để phê bình các nhóm Công Giáo bảo thủ không biết phân biệt những điều có thể thay đổi, như Đức Thánh Cha Phanxicô đang làm, và cứ khư khư bảo vệ những luân lý hoặc đạo lý truyền thống để không chấp nhận các cặp đồng phái, truyền chức cho nữ giới, dân chủ hóa cơ chế Giáo Hội, biến việc độc thân linh mục thành điều tùy ý, như Con đường công nghị ở Đức đang cổ võ.
Đức Hồng Y Brandmueller
Cũng liên quan đến lập trường đối nghịch giữa những người bảo thủ và cấp tiến, đặc biệt là hiện tượng nhiều Giám Mục tại các nước nói tiếng Đức, trong đó có các vị Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục tại Đức và Áo, không kể hàng trăm linh mục và thần học gia ở Đức, ồ ạt phê bình, phản đối thông cáo của Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ giáo lý đức tin, đã được Đức Thánh Cha Phanxicô phê chuẩn, trong đó có xác quyết rằng Giáo Hội không có quyền chúc lành cho các cặp đồng phái, vì việc làm này có nghĩa là công nhận các cặp đó như “hôn phối”, và trái với đạo lý của Giáo Hội về hôn nhân như sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Il Messaggero (Người sứ giả), ra ngày 3/4/2021 ở Roma, Đức Hồng Y Walter Brandmueller, người Đức, 92 tuổi, nguyên Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh về các khoa sử học, xác quyết rằng cuộc ly giáo tại Đức đã bắt đầu rồi. Ngài nói:
“Về mặt kỹ thuật, chúng ta có thể nói về ly giáo khi đang có một tiến trình đưa tới sự tách biệt khỏi sự hiệp thông phẩm trật, khỏi sự hiệp thông với Đức Giáo Hoàng. Tiến trình này đang tiếp tục và có thể bùng lên trong những tháng tới đây... Ly giáo, nói một cách đơn giản, là phủ nhận sự hiệp thông phẩm trật tới Đức Giám Mục hoặc với Đức Giáo Hoàng, đó là điều đang xảy ra trước mắt chúng ta, chỉ cần xem những tuyên ngôn hoặc phát biểu của bao nhiêu Giám Mục Đức”.
Đức Hồng Y Bradmueller nhắc lại rằng năm ngoái Đức nguyên Giáo Hoàng Biển Đức 16 đã tố cáo nguy cơ ly giáo gần kề của Giáo Hội Đức. Đối với Đức Hồng Y, những chủ đề được các Giám Mục Đức từ nhiều năm nay thảo luận vẫn là những đề tài được đề ra trong Con đường Công nghị khai mạc hồi tháng giêng năm ngoái, 2020, đó là truyền chức linh mục cho phụ nữ, chấp nhận đồng tính luyến ái, chúc hôn cho các cặp đồng phái, cho những người ly dị tái hôn rước lễ.
Đức Hồng Y Brandmueller nói: “Theo ý tôi, tình trạng Giáo Hội Công Giáo tại Đức bị tổn hại không những vì sự phủ nhận hiệp thông phẩm trật, nhưng còn vì sự bất đồng với Huấn Quyền của Hội Thánh. Nhiều khi có thể có những sự bất đồng nhưng không nhất thiết là ly giáo. Tuy nhiên trường hợp này ở Đức hoàn toàn mới, và theo ý tôi thật đáng lo âu”. Giáo Hội Công Giáo tại Đức ngày càng rơi vào những lập trường của Tin Lành, có lẽ họ muốn một Giáo Hội hiệp nhất với Tin Lành”.
Theo Đức Hồng Y Brandmueller, “Phần lớn các tín hữu Công Giáo tại Đức dửng dưng đối với tất cả những vấn đề nói trên. Chúng tôi có một xã hội tục hóa cao độ, sự tham dự Thánh lễ Chúa Nhật cùng lắm là 10%. Những người theo các lập trường cấp tiến là những người gắn bó với Ủy ban trung ương giáo dân Công Giáo Đức, nhưng phần lớn giáo dân còn lại là những người dửng dưng. Trào lưu tục hóa lan mạnh và khoảng cách giữa các tín hữu với Giáo Hội gia tăng”.
Thay lời kết
Quả thực, hiểm họa “mảnh áo chùng” của Chúa Giêsu nơi cộng đoàn Công Giáo có nguy cơ bị xé thêm. Trong bối cảnh này, lời mời gọi của Đức Hồng Y Cantalamessa trong bài giảng chiều Thứ Sáu Tuần thánh vừa qua rất là thời sự: “Trong ngày này, chúng ta hãy dâng lên Đấng đã chết trên thập giá ‘để tụ họp lại các con cái Chúa bị tản mát’ (Ga 11,52), với tâm hồn thống hối và tinh thần khiêm hạ chúng ta hãy dâng lên kinh nguyện mà Giáo Hội dâng lên Chúa trong mỗi Thánh lễ trước phần rước lễ: [...] xin đừng chấp tội chúng con nhưng xin nhìn đến Hội Thánh Chúa, xin ban cho Hội Thánh được bình an và hiệp nhất theo ý Chúa. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị đời đời. Amen”.
Nguồn: Vatican News
bài liên quan mới nhất
- Sứ điệp Giáng sinh năm 2024 và Phép lành toàn xá Urbi et Orbi của Đức Thánh Cha
-
Lễ Đêm Giáng Sinh 2024 - Niềm hy vọng -
Bài giảng tĩnh tâm Giáo triều Roma Mùa Vọng 2024: Bài 3 - Sự nhỏ bé -
Tổng thống Biden giảm án cho tử tù -
Thông điệp chia tay của Đức Hồng y Bo khi kết thúc nhiệm kỳ chủ tịch FABC -
Ngày 24 Tháng 12 Kính nhớ Các Thánh Tổ Tiên của Chúa Giêsu Kitô -
Diễn văn của Đức Phanxicô cho Giáo triều Roma nhân dịp chúc mừng Giáng sinh 2024: Hãy nói tốt chứ đừng nói xấu -
Đức Thánh Cha khen ngợi đức tin mạnh mẽ của cộng đồng người Việt ở Mỹ -
Những đoạn trích từ cuốn tự truyện "Hy vọng" của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Cầu nguyện cho Đức Thánh Cha dịp ngài tròn 88 tuổi
bài liên quan đọc nhiều
- 10 điều bạn nên làm khi Thánh lễ bị đình chỉ
-
Năm Thánh Giuse: Các ngày và các việc được ơn toàn xá -
Thông cáo chung của Nhóm Làm việc chung Việt Nam - Toà Thánh -
Toàn văn lá thư Đức Thánh Cha Phanxicô gửi các linh mục giáo phận Roma -
Hướng tới Ngày Giới trẻ Thế giới 2023 - Đức Thánh Cha: Đừng đứng nhìn cuộc đời trôi qua -
Chuyến tông du Mông Cổ của Đức Thánh Cha, đánh dấu cuộc gặp gỡ giữa Công giáo và Phật giáo -
Sáu ý tưởng khích lệ người cao tuổi của Đức Thánh Cha Phanxicô -
Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời các nghi vấn của 5 Hồng y -
Đức Thánh Cha chủ sự Công nghị phong 21 tân Hồng y -
5 chủ đề nổi bật trong 10 năm triều đại Giáo hoàng Phanxicô