Ngày 19-3: Viết cho Cha

Ngày 19-3: Viết cho Cha

WGPSG -- Tại sao ngày 19.03 lại viết cho Cha?

Chắc là nhiều người sẽ thắc mắc: Tại sao lại viết cho Cha vào ngày 19.03? Lẽ ra phải viết cho Cha vào “Ngày Của Cha” (Chúa nhật thứ hai của tháng 06) chứ? Thật ra, đó không phải là sự vô tình bởi vì ngày 19.03 hôm nay, ngày lễ trọng kính thánh Giuse, quan thầy của toàn thể Giáo hội Công giáo. Hôm nay, ở các nhà thờ Công giáo của Giáo phận Sài Gòn hay ở nhiều nhà thờ của các giáo phận khác, các Kitô hữu sẽ lắng nghe những bài thánh ca về thánh Giuse: “Giuse trong xóm nhỏ khó nghèo miền Nagiareth, thánh gia người vui sống” hay “Lạy Thánh Giuse vinh hiển trên nơi diệu quang. Người được Thiên Chúa phong ban tước lộc cao sang…” Hôm nay, các linh mục sẽ giảng về thánh Giuse với nhiều nhân đức khác nhau nơi ngài: nào là thánh Giuse, yêu thích sự thinh lặng và là con người nội tâm, nào là thánh Giuse bước đi trong sự âm thầm vâng theo thánh ý Chúa, hay thánh Giuse, người cha kiên quyết, ít nói nhưng làm nhiều v.v…

Vậy thì, sở dĩ ngày 19.3 viết cho Cha là bởi vì người Cha thường có những đức tính giống với thánh Giuse. Hơn thế nữa, mỗi Kitô hữu chúng ta sẽ dễ dàng cảm nhận gương nhân đức của thánh Giuse qua sự hy sinh âm thầm hay qua những kỷ niệm yêu thương ngọt ngào về người Cha. Vì thế, đã có rất nhiều bài hát (đạo cũng như đời), nhiều bài văn, bài thơ hay ca dao tục ngữ viết về tình cha. Và phải chăng, mỗi người chúng ta cũng có thể viết lên những dòng cảm nhận sâu sắc và chân thành về người Cha trong cuộc đời của chúng ta?

Ai cũng có những cảm nghiệm về tình thương của Cha. Vậy người linh mục cảm nhận về người Cha như thế nào?

Trước hết, một linh mục đã viết về người Cha của ngài thật cảm động như sau: “Từ khi mở mắt chào đời đến nay, tôi chưa nghe Cha tôi nói một lời nào. Tại sao thế? Thưa vì từ nhỏ, Cha tôi đã bị bệnh câm điếc… Khi suy nghĩ về cuộc đời của Cha, tôi rút ra được bài học quý giá này: mặc dù Cha tôi không nói và không nghe nhưng người dạy dỗ tôi nhiều điều trong cuộc sống làm người… Khi lớn lên, tôi phải đi học xa. Mỗi lần về thăm nhà, Cha tôi rất vui. Cha đến bên cạnh và ra dấu hiệu bằng tay để hỏi tôi được nghĩ học bao nhiêu ngày. Đến lúc từ giã ra đi, Cha luôn ra dấu bảo má lấy tiền cho tôi… Khi biết tôi muốn đi tu, Cha rất là ủng hộ. Ngày tôi được thụ phong Linh mục, Cha tôi rất là vui mừng và hạnh phúc. Sau những năm tháng bình an. Bất ngờ sóng gió lại ập vào gia đình tôi: má tôi bị bệnh nặng. Bác sĩ bảo phải vô hoá chất điều trị thì hy vọng mới khỏe. Nhưng mỗi lần vô hóa chất là một cực hình đối với má. Má không ăn được, không ngủ được và bị rụng tóc hết. Hóa chất làm cho thân xác của má phải đau đớn. Có lần vì quá đuối sức cho nên các em phải mời cha đến xức dầu cho má. Nghe tin đó. Tôi vội vàng về thăm. Về đến nhà, tôi thấy cha rất buồn và lo lắng. Cha ra dấu bảo tôi với ngụ ý: “Đừng cho má đi bệnh viện nữa, vì đi nên mới mệt mỏi và rụng tóc như thế này”. Tự nhiên lòng tôi cảm thấy đau nhói. Hai mắt cay xè. Nước mắt cứ tuôn rơi. Tôi liền vội đi nơi khác để cố nén cảm xúc của mình. Khi đó tôi tự hỏi: tôi phải làm gì, phải ra dấu như thế nào để cho Cha hiểu được bệnh tình của má?”

Bạn thân mến, câu chuyện trên đây chắc hẳn làm chúng ta nghẹn ngào ứa lệ. Chúng ta thật cảm kích trước tình thương âm thầm nhưng vĩ đại “như núi Thái Sơn” của người Cha. Chúng ta cũng thật cảm kích và xót xa bởi những dòng cảm nhận về tình Cha được viết ra từ trong sâu thẳm trái tim của người con, là một linh mục, viết về Cha của ngài: “Cha tôi như thế đó! Người không nói được, cũng không nghe được, nhưng tâm hồn lại dạt dào tình cảm, đầy ắp tình người. Cha tôi không nói với tôi bằng lời nhưng nói bằng ánh mắt, bằng nụ cười, bằng con tim và những hy sinh trong cuộc sống. Cha tôi bị bệnh phần xác nhưng tâm hồn lại rất khoẻ mạnh. Cha tôi đã dành cả cuộc đời cho anh em chúng tôi.” Bởi vậy, một tác giả tên là Cicero đã viết như sau: “Trên trái đất này, không có món quà nào ngọt ngào bằng tình yêu thương của người cha cho con mình.”

Những cảm nghiệm đời thường về ơn Cha như thế nào?

Thật vậy, câu chuyện trên đây làm tôi nhớ tới một thầy chủng sinh, là đàn anh của tôi (giờ đã linh mục): khi anh đang học ở Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn thì một biến cố bất ngờ xảy đến: Anh nhận được tin cha mất vì bị điện giật lúc đang làm công tác ở nhà thờ. Thật không thể nào diễn tả được cảm xúc đau đớn đến mức nào nơi người Anh của tôi. Kể từ hôm ấy, Anh phải vĩnh viễn mất Cha trong cuộc đời. Nếu như hai tiếng “Cha ơi!” hạnh phúc bao nhiêu khi cha Anh còn sống thì bây giờ hai tiếng “Cha ơi!” lúc này làm Anh nghẹn ngào xót xa bấy nhiêu. Không có Cha dõi bước theo hành trình ơn gọi, Anh sẽ như thế nào? Khi làm linh mục, trong ngày lễ mở tay, không có Cha ngồi ở hàng ghế danh dự đầu tiên, thử hỏi lòng Anh sẽ ra sao? Nói đến đây, tôi nhớ lại những dòng cảm nhận trong nước mắt của người con mất Cha như sau: “Bố có biết chăng nơi đây con cô đơn buồn tủi một mình không? Tại sao nỡ bỏ con ở lại mà đi hả bố? Nhưng con cũng cảm ơn bố, bố đã cho con thêm một bài học nữa, đó chính là trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta hãy trân trọng những gì đang có, hãy yêu thương những người xung quanh mình hơn, và đặc biệt hãy quan tâm, chăm sóc cho bố của mình, tha thứ cho bố, khi bố nóng giận và nỡ mắng mình bởi bố luôn là người yêu thương nhất của chúng ta. Bố ra đi, đi đến một thế giới khác, ở nơi đó bố sẽ không còn bệnh tật, sẽ thoát khỏi cuộc sống thương đau này. Và bố hãy yên tâm, con sẽ luôn nhớ những lời dạy của bố, sẽ luôn thương yêu, kính trọng biết ơn bố, sẽ sống theo gương sáng mà bố đã rọi đường cho con đi. Hình ảnh của bố sẽ luôn ấp ủ trong lòng con. Những kỷ niệm, những tình cảm bố dành cho con, con sẽ ôm ấp, trân trọng, nó như chính linh hồn của mình.” Những dòng cảm nhận như thế chắc hẳn không khỏi làm chúng ta xót xa cõi lòng, bởi lẽ có đau khổ nào bằng đau khổ của cảnh mồ côi Cha. Dù sao tôi cũng hạnh phúc hơn những mảnh đời như thế: Tôi vẫn còn có Cha. Cho dù Cha tôi đang bị bệnh, cứ hai tháng phải đi bác sĩ một lần. Cho dù Cha tôi ngày càng già đi, ốm đi rất nhiều bởi vì Cha tôi đã hy sinh cả cuộc đời cho tôi. Cha là vầng thái dương luôn bao bọc và che chở đời tôi…

Thiên Chúa là người Cha của mọi người Cha. Vậy ta phải sống như thế nào để đẹp lòng Ngài và đáp lại tình Cha?

Bạn thân mến, tình Cha bao giờ cũng bao la vĩ đại như lời của một triết gia đã viết như sau: “Bạn không cần phải đắn đo phân tích Cha chúng ta là người như thế nào vì lúc nào lòng Cha cũng thật vĩ đại.” Điều này chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng cảm nghiệm ít nhiều. Chỉ có điều là chúng ta không thể diễn tả những cảm xúc ấy thành lời mà thôi. Vâng, tình Cha, ơn Cha thật thiêng liêng. Vì thế, suy nghĩ về thánh Giuse và viết cho Cha nhân ngày 19.03 cũng là dịp để chúng ta suy nghĩ về Thiên Chúa. Những gì tốt đẹp nơi thánh Giuse hay nơi người Cha của chúng ta thì cũng chỉ là những nét họa lại chân dung của Thiên Chúa, người Cha tuyệt hảo của mọi người Cha trên thế gian này: “Anh em đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời.” (Mt 23,9). Thật vậy, con người vốn có nhiều khác biệt “Người nhóm này người nhóm kia. Người Do Thái người Hy lạp. Người từ hướng Đông, người từ hướng Tây. Người là nữ hay là nam. Đều có chung một Chúa là Cha. Chúng ta cùng sống tình anh em…” (Lời của một bài hát). Ước gì trong mùa Chay thánh 2012 này, đặc biệt trong ngày 19.03 hay mỗi thứ Tư hằng tuần, chúng ta cùng sống tâm tình như lời của một linh mục đã cầu nguyện như sau: “Cám ơn Chúa đã ban cho con có một người Cha như thế. Cám ơn Cha đã yêu thương và chăm sóc cho anh em chúng con. Nguyện xin Thiên Chúa ban cho Cha Mẹ của con được nhiều sức khỏe, nhiều niềm vui và bình an trong cuộc sống!”

Top