Ngày 06/06: Thánh Norbertô, Giám mục

Ngày 06/06: Thánh Norbertô, Giám mục

Ngày 06/06: Thánh Norbertô, Giám mục

Ngày 6 tháng 6
THÁNH NOBERTÔ, GIÁM MỤC

I. ĐÔI DÒNG TIỂU SỬ

Thánh Nobertô sinh khoảng năm 1080 tại Xanten, Ngài là con út trong một gia đình vương giả và có họ với nhà vua. Theo truyền thống cao thượng, gia đình dự định khi lớn lên sẽ cho em đi tu làm linh mục. Nhưng thời còn niên thiếu, Nobertô đã sống quá xa lý tưởng. Sự giàu có cũng sự dễ dãi của gia đình đã làm hư đứa con còn non trẻ. Noberto đã lao mình vào những buổi lễ linh đình và những cuộc vui chơi của thế gian. Nobertô không còn giữ được lý tưởng tốt đẹp và đúng đắn của một người con của Thiên Chúa đã một thời ngài nuôi dưỡng trong lòng. Nhưng rất may là đang khi ham vui như vậy, Ngài vẫn không sao nhãng việc học hành. Nhờ vậy, Nobertô thông hiểu mọi khoa học. Vua Henry mến chuộng Nobertô và thâu dụng vào triều đình. Tuy nhiên Nobertô vẫn tiếp tục nếp sống xưa. Vẫn biết chỉ có nhân đức mới mang lại hạnh phúc cho tâm hồn, nhưng Nobertô lại yêu chuộng “xiềng xích” và không can đảm xa lìa chúng.

Rồi ngày kia Nobertô cưỡi ngựa đến một làng ở miền Wesphale dẫn theo một giai nhân xinh đẹp để đi tìm thú vui. Khi hai người đến giữa một đồng cỏ thì một cơn giông tố nổi lên, sấm chớp dữ dội. Vì không tìm được một nơi trú ngụ an toàn cho nên Nobertô phi ngựa nước rút mong sớm tới đích. Nhưng không may, một cú sét đánh ngay vào chân ngựa. Con vật hoảng hốt hất tung người kị sĩ xuống đất. Nobertô nằm bất tỉnh tại chỗ như chết trong một giờ. Tỉnh dậy Nobertô kêu lên như thánh Phaolô ngày trước:

- Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?

Một tiếng nói bên trong đáp lại:

- Hãy tránh sự dữ và làm điều lành.

Nobertô chỗi dậy và quyết đền bù đời sống đã qua.

Khi trở lại triều đình, Ngài trở về Xanten, sống những ngày thinh lặng nội tâm, mặc áo nhặm, dành trọn thời gian cho việc suy gẫm và cầu nguyện. Từ đó, Ngài đã không còn đặt một giới hạn nào cho bậc trọn lành nữa, Ngài đã dành hai năm sám hối để dọn mình chịu chức linh mục và chỉ dâng thánh lễ đầu tiên sau 40 ngày chuẩn bị trực tiếp, Ngài bán hết mọi của cải, phân phát cho người nghèo rồi đi chân không đến xin Đức giáo hoàng ban quyền cho đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi. Những bài giảng nhất là chính đời sống gương mẫu của Ngài đã tạo nên được nhiều cuộc hối cải lạ lùng. Chính trong khi thực hiện nỗ lực tông đồ này mà thánh Nobertô đã thiết lập tu viện ở Premontre, thường được gọi là dòng áo trắng.

Năm 1126, Nobertô được đặt làm Tổng giám mục tại Magdburg. Đức tân giám mục vẫn không giảm bớt khắc khổ đi chân không, Ngài nỗ lực đổi mới giáo phận với nhiệt tâm của một thánh nhân bậc nhất. Trong nỗ lực ấy, Ngài phải chịu đựng biết bao khó khăn, người ta tìm cách cản trở đến độ muốn mưu sát Ngài, nhưng lòng quả cảm và sự nhẫn nại đã đưa Ngài tới thành công. Trong một ít năm, Ngài đã sửa lại được những lạm dụng và làm cho mọi chỗ nên đạo đức hơn. Ngài thường nói:

- Tôi đã ở trong triều đình đã được giữ nhiều chức vụ, nhưng khi rút vào đơn độc, đã không tìm thấy được điều gì tốt đẹp hơn là được phụng sự Chúa và thuộc trọn về Ngài.

Ở vào địa vị tổng giám mục, thánh Nobertô từ đây cũng có ảnh hưởng tới Giáo hội ngày càng nhiều hơn. Ngài là bạn của thánh Bênađô và đã giúp đỡ thánh nhân chống lại giáo hoàng giả Anacletus, Ngài cũng đã thành công trong việc chống lại lạc thuyết về Chúa trong bí tích Thánh Thể.

Sau bao nhiêu nỗ lực để đổi mới lòng đạo đức trong giáo phận thánh Nobertô qua đời vì kiệt sức vào năm 1134.

Thánh Nobertô đã nên gương sáng cho chúng ta về sự quyết tâm từ bỏ lối sống cũ, trở về với Chúa trong một tinh thần mới. Nhờ lời bầu cử của thánh nhân, xin Chúa giúp chúng ta luôn biết quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa.

II. BÀI HỌC

Bài học rõ nét nhất qua đời sống của thánh Robertô mà chúng ta nhận được là tấm gương làm lại cuộc đời trở về với Chúa và phụng sự Người.

Chúng ta có thể coi đây là bài học về cuộc của thánh Phaolô được lặp lại.

Qua các sự kiện này, chúng ta thấy được con đường cứu rỗi của Chúa Giêsu là con đường như thế nào. Đây là lời thơ của thi hào Tagore người Ấn Độ. “Mỗi một đứa trẻ chào đời đều mang một hy vọng rằng: “Thiên Chúa không thất vọng về con người”

Las Dasir hết sức thất vọng về mình, vì đã sa ngã phạm tội mà anh đã dốc lòng chừa cả trăm lần rồi. Lần này, anh nhất quyết phạt mình bằng cách tự ra cho mình hình phạt: cứ mỗi lần phạm tội, anh sẽ nhổ đi mười sợi tóc trên đầu, và chừng nào trên đầu không còn tóc nữa, hình phạt cuối cùng là tự sát. Chỉ một tháng sau, đầu của Dasir đã gần như bị chọc, nhưng anh vẫn nhất quyết tiếp tục thi hành hình phạt, và một tháng sau nữa thì anh hoàn toàn trọc đầu. Nhìn vào gương, thấy không còn tóc trên đầu nữa, Dasir tuyệt vọng nói thầm: “Ngày kết thúc cuộc đời tôi đã đến, tôi không còn cách nào để tránh đừng phạm tội hơn là tự kết liễu đời mình ở đây”. Nghĩ như thế, anh cầm lấy khẩu súng lục đã để sẵn trong hộc bàn định bắn vào đầu mình, thì một thiên thần hiện ra trao cho anh một gói quà và nói:

- Las Dasir, đừng kết liễu đời mình như vậy. Thiên Chúa sai tôi đến đem cho anh món quà này, hãy mở ra xem đi.

Las Dasir vội mở ra và ngạc nhiên nhìn thấy món quà: Đó là một bộ tóc giả, và anh đã hiểu ngay được ngụ ý của Thiên Chúa.

Anh đã tin tưởng vào Chúa và niềm tin đã ban sức mạnh và giải thoát cho anh.

Đúng là Chúa không bao giờ thất vọng về con người.

Một Lêvi người thu thuế! Trước con mắt người Do thái thì đây là một con người phải loại trừ, thế mà Chúa đã biến ông thành một con người rao giảng Tin Mừng,

Một Saulo, kẻ thù của Chúa. Ông đã xin các nhà chức trách cho ông được phép đi tìm và tiêu diệt những ai dám tin theo “tên Giêsu”. Vậy mà Chúa đã biến con người này thành một tông đồ rao giảng Tin mừng không biết mệt mỏi cũng như dám chết vì sứ mạng của mình.

Trường hợp của thánh Roberto cũng vậy. Nếu không có cú ngã do con ngựa bị sét đánh gãy chân khiến chàng kỵ sĩ Nobertô  bị té ngựa thì chưa chắc chúng ta đã có được THÁNH Nobertô mà chúng ta mừng kính hôm nay. Đó là cách Chúa chinh phục con người và đó cũng là cách Chúa đi tìm những con người thiện chí để làm việc cho Chúa. Như có lần Chúa đã xác định: Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”(Mt 9,9)

Top