Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, linh mục (Mc 16,15-20)

Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, linh mục (Mc 16,15-20)

Ngày 03/12: Thánh Phanxicô Xaviê, linh mục (Mc 16,15-20)

Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ,
loan báo Tin mừng.

Bài đọc 1: 1 Cr 9, 16-19.22-23

Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng!

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

16 Thưa anh em, đối với tôi, rao giảng Tin mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng! 17 Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó. 18 Vậy đâu là phần thưởng của tôi? Đó là khi rao giảng Tin mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin mừng dành cho tôi.

19 Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. 22 Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người. 23 Vì Tin mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin mừng.

 

Đáp ca: Tv 116, 1.2 (Đ. Mc 16, 15)

Đ.Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin mừng.

1Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa,
ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người!

Đ.Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin mừng.

2Vì tình Chúa thương ta thật là mãnh liệt,
lòng thành tín của Người bền vững muôn năm.

Đ.Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin mừng.

 

Tin mừng: Mc 16, 15-20

15 Khi ấy, Đức Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông rằng: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo.

16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.

17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ.

18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”

19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.

20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

 

1. Suy niệm (TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Được sống hạnh phúc trong tình yêu Thiên Chúa là ý nghĩa và cùng đích của cuộc sống con người. Không thể có hạnh phúc đích thực, khi con người chỉ biết nghĩ đến cuộc sống đời tạm này, mà không thiết tha với đời sống vĩnh cửu mai sau trên Nước Trời.

Cầu nguyện: Lạy Chúa, thánh Phanxicô Xaviê đã cảm nếm được hạnh phúc đích thực trong Chúa, nên thánh nhân đã hy sinh vất vả, đi nhiều nơi, vượt biển khơi, gặp gỡ mọi hạng người, làm sao để cho họ biết được giá trị thật của cuộc sống. Bởi vì: “Nếu người ta được cả thế giới, mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có ích lợi gì.”

Lạy Chúa, tâm hồn con luôn bị giằng co giữa sứ điệp của Tin Mừng và cuộc sống cụ thể từng ngày. Con vẫn biết rằng: được cả thế giới mà mất mạng sống, thì chẳng có ích lợi gì. Thế nhưng “mất mạng sống” thì còn xa quá, ở mãi tận cuối kiếp người, còn thế gian thì lại luôn hiện diện thật gần, ngay trong con người của con.

Lạy Chúa, có được những giây phút bình an khi thinh lặng, cầu nguyện, kết hiệp mật thiết với Chúa, thật là hạnh phúc khôn tả, đến nỗi, lúc đó chẳng tha thiết sự gì trên trần gian này nữa. Nhưng thật là hiếm và nhất thời. Khi con trở về với cuộc sống hằng ngày, đầy dẫy những bon chen, gian dối, con lại bị xoáy vào cơn lốc của chủ nghĩa hưởng thụ, chỉ biết có vật chất, rồi sống cho qua ngày, mà không thấy được một ý nghĩa nào cho cuộc sống của mình. Xin Chúa ban sức mạnh để con nhìn vào cuộc đời thánh Phanxicô Xaviê mà bước đi trong chân lý của Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”

 

2. Suy niệm (Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái)

A- Phân tích (Hạt giống...)

Đây là đoạn cuối của Phúc Âm theo Thánh Máccô, ghi lại chỉ thị cuối cùng của Chúa Giêsu trước khi về trời:

- Chúa chỉ thị: “Hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Phúc Âm cho mọi loài thụ tạo”.

- Ngài hứa tích cực hỗ trợ những sứ giả loan truyền Phúc Âm bằng những dấu lạ kèm theo.

- Các tông đồ đã làm theo chỉ thị đó: rao giảng Phúc Âm khắp nơi, và “dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng”.

Ý nghĩa “Những dấu lạ kèm theo”: Những dấu lạ như trừ quỷ (x. Cv 5, 12-16; 8, 7; 16, 16-18), nói tiếng lạ (x. Cv 2, 4-13; 10, 44-46; 1Cr 14, 2-40), đặt tay chữa bệnh (x. Cv 4, 30; 9, 10-17), cầm rắn mà không sao cả (x. Cv 28, 3-6) v.v… là bảo đảm có Chúa Giêsu trợ giúp các ông để chiến thắng mọi thế lực gian tà.

B- Suy gẫm (... nẩy mầm)

1. Thánh Phanxicô Xaviê được Giáo Hội đặt làm bổn mạng của các xứ truyền giáo. Ngài là người thực hiện đúng đoạn Phúc Âm hôm nay.

2. Người truyền giáo vừa rao giảng vừa “dùng những dấu lạ kèm theo” để củng cố lời rao giảng của mình. Trong bối cảnh thời nay, “những dấu lạ kèm theo” là một cuộc sống “lạ lùng” trước con mắt người đời nhưng đúng với tinh thần Phúc Âm.

3. Thiên Chúa, Đấng Cứu Rỗi muốn muôn dân đến với Người. Phần chúng ta, hãy cộng tác với Người: hãy đi đến muôn dân để rao giảng Phúc Âm cho họ. Đến với muôn dân (Ad Gentes) là chủ đề lớn, là đầu đề của một sắc lệnh của Vatican II.

4. Một mục sư nói chuyện với một tín đồ lười biếng:

- Anh có thường đến nhà thờ không ?

- Không. Người trộm lành hấp hối trên thập giá đâu cần đến nhà thờ thế mà vẫn lên thiên đàng.

- Có khi nào anh nói về Chúa cho bạn bè nghe không ?

- Không. Người trộm hấp hối ấy đâu có nói về Chúa cho ai nghe.

- Anh có đi truyền giáo không ?

- Không. Người trộm hấp hối ấy đâu có truyền giáo cho ai.

- Anh tưởng mình giống người trộm ấy ư ? Không đâu. Có một khác biệt cơ bản: anh ta là một tên trộm đang hấp hối, còn anh là một tên trộm còn sống nhăn. (Ottobein Teacher)

5. Khuôn vàng thước ngọc: “Hãy nói về Chúa cho những người quanh bạn nghe; và hãy nói về những người quanh bạn cho Chúa nghe”.

Cầu nguyện: 

Lạy Chúa, con tin rằng trong cuộc sống của con, bất cứ sự việc gì, ở đâu, lúc nào, Chúa vẫn tiếp tục công trình của Chúa. Con tin rằng con được mời gọi để nhận biết và hợp tác với Chúa, đồng thời đem công trình của Chúa, cũng như giới thiệu Chúa cho bạn bè thân thích, cho những người chung quanh con.

Lạy Chúa, xin ban cho con hiểu rõ trách nhiệm này, cho con lòng tin và can đảm, để thực hiện. Amen.

 

3. Suy niệm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Thánh Phanxicô Xaviê (Mc 16,15-20)

  1. Loan báo trực tiếp hay gián tiếp

Có những người trực tiếp đi rao giảng Tin mừng cho người ta, ví dụ các nhà truyền giáo chuyên nghiệp hay bán chuyên nghiệp, các Linh mục, họ có thể loan báo một cách trực tiếp. Còn hầu hết mọi người chúng ta không có khả năng loan báo trực tiếp, mà chỉ bằng cách gián tiếp nhưng rất hữu hiệu như cầu nguyện, tham gia các hội đoàn, nâng đỡ các nhà truyền giáo, đóng góp vào qũy truyền giáo, nhất là bằng gương sáng.

  1. Loan báo bằng cách sống đời thường

Chỉ có một cách loan báo Tin mừng thích hợp với mọi người, mọi nơi, mọi lúc, đó là loan báo bằng cách sống đời thường với châm ngôn: “Các con là ánh sáng thế gian. Các con là muối đất. Các con là men trong bột”. Các cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên đã loan báo bằng cách này và đã được một tác giả cổ xưa mô tả và gửi cho ông Thêôphilê như sau:

Các Kitô hữu không khác người ta về xứ sở, ngôn ngữ và tập quán trong đời sống. Họ không ở trong những thành phố riêng, không dùng ngôn ngữ lạ thường, cũng không sống một đời sống khác biệt. Giáo lý của họ không phải do một sự suy tư nào đó, hay do mối bận tâm của những con người ham tìm hiểu nghĩ ra. Họ không bảo trợ một hệ thống triết lý nào do loài người chủ xướng như một số người kia.

“Họ ở trong các thành phố văn minh cũng như bán khai, tuỳ theo số phận mỗi người đưa đẩy. Họ theo tập quán của dân địa phương trong cách ăn mặc và trong lối sống, mà vẫn cho thấy một nếp sống lạ lùng và ai cũng phải nhận là khó tin. Họ sống ở quê hương mình mà như người khách kiều cư. Họ có chung mọi thứ như công dân, nhưng phải gánh chịu đủ thứ như khách lữ hành. Miền đất lạ nào cũng là quê hương của họ, nhưng quê hương nào cũng là đất khách đối với họ. Họ lập gia đình và sinh con cái như mọi người, nhưng không phá thai. Họ ăn chung với nhau một bàn, nhưng không chồng chung vợ chạ”(Trích Các Bài đọc Kinh sách, tập 2, tr 354).

  1. Truyện: Đọc Thánh kinh hằng ngày

Có một người Kitô hữu tầm thường, thấy bên cạnh mình có một người tự xưng mình là vô thần. Lòng nhiệt thành đã thúc đẩy họ tìm cách giới thiệu Chúa cho họ. Người này đi mua một cuốn Thánh kinh biếu cho người láng giềng ấy, hy vọng họ đọc và sẽ nhận ra Thiên Chúa. Người láng giềng vui vẻ đón nhận và hứa sẽ đọc…

Sau một thời gian, người Kitô hữu sang chơi nhà láng giềng, tình cờ thấy cuốn Thánh kinh nằm trong sọt rác. Người Kitô hữu ngạc nhiên hỏi người láng giềng:

- Sao ông không đọc Kinh thánh ? Nếu đọc, ông sẽ nhận ra Thiên Chúa.

Người láng giềng lạnh nhạt trả lời:

- À suốt trong 10 năm qua, mỗi ngày tôi đều đọc cuộc sống của anh!!!

Câu chuyện kết thúc ở đây. Chúng ta hãy suy nghĩ về câu trả lời của người láng giềng vô thần ấy. Chúng ta hãy suy nghĩ xem, người vô thần ấy muốn nói gì ?

Có một bài viết ngắn về điều này:

Tôi là cuốn sách Kinh thánh đối với người hàng xóm của tôi; người đó đọc tôi mỗi khi gặp tôi.

Hôm nay, anh ta đọc tôi trong ngôi nhà của tôi, ngày mai, anh ta đọc tôi trên đường phố.

Anh ta có thể là một người họ hàng, một người bạn, hoặc chỉ là một người quen biết sơ giao mà thôi.

Thậm chí anh ta có thể không biết tên tôi, tuy nhiên, anh ta vẫn đang đọc Kinh thánh qua cuộc đời của tôi” (Flor McCarthy).

Top